Phê bình để bảo vệ và tôn vinh cái tốt, cái đẹp
Sau Cách mạng tháng 8/1945, đất nước giành được độc lập, chính quyền nhân dân vừa mới thành lập đã phải đương đầu với những khó khăn, thử thách, những mặt trái phản cách mạng, tiêu cực đi ngược lại quyền lợi của Đảng và nhân dân, đe doạ số phận còn non trẻ của chế độ mới. Và, Bác Hồ liền kêu gọi khẩn thiết: "Chúng ta phải lập tức sửa đổi ngay!".
(Baonghean) - Sau Cách mạng tháng 8/1945, đất nước giành được độc lập, chính quyền nhân dân vừa mới thành lập đã phải đương đầu với những khó khăn, thử thách, những mặt trái phản cách mạng, tiêu cực đi ngược lại quyền lợi của Đảng và nhân dân, đe doạ số phận còn non trẻ của chế độ mới. Và, Bác Hồ liền kêu gọi khẩn thiết: "Chúng ta phải lập tức sửa đổi ngay!".
Xem sử nước mình, hẳn nhiều người còn nhớ, ngay sau khi đọc Tuyên ngôn Độc lập chỉ 15 ngày, ngày 19/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thẳng thắn báo động tình trạng cán bộ ta là: "Có người hủ hoá, lên mặt làm quan cách mạng, hoặc là hành động độc đoán, hoặc là dĩ công dinh tư (tức lấy của công làm của riêng - K.H chú). Thậm chí dùng phép công để báo thù tư (tức pháp luật Nhà nước dùng để trả thù riêng - K.H chú), làm cho dân oán đến Chính phủ và đoàn thể. Những khuyết điểm trên, nhỏ thì làm cho dân chúng hoang mang, lớn thì làm cho nền đoàn kết lay động". Và, Bác liền kêu gọi khẩn thiết: "Chúng ta phải lập tức sửa đổi ngay!".
Nói đi đôi với làm, ở vào giai đoạn cách mạng đó, trên cương vị lãnh đạo toàn dân kháng chiến Bác vẫn giành nhiều thời gian đọc nhiều loại báo, kể cả báo chí các địa phương. Vừa theo dõi động viên gương người tốt việc tốt, Bác Hồ vừa quan tâm tỉ mỉ tới những vụ việc tiêu cực xẩy ra hàng ngày được báo giới đưa lên công luận. Một số nhà nghiên cứu có điều kiện khảo sát sách báo đã được Bác sử dụng, đều rút ra nhận xét: Không chỉ đọc kỹ, với những trường hợp gay cấn có vấn đề không thể bỏ qua, Bác có thói quen đánh dấu lên bài báo và yêu cầu những người có trách nhiệm xác minh, tìm hiểu thêm để nắm bắt sâu sắc bản chất, toàn diện sự việc, nhận vật nhờ đó tìm ra giải pháp kịp thời, phù hợp, đích đáng.
Ngoài đọc báo, ở cương vị Chủ tịch một nước vừa đuổi giặc ngoại xâm vừa xây dựng cơ đồ, với một bút pháp chính luận kiệm lời, sắc sảo, cụ thể, chính xác, Bác Hồ còn viết báo nhằm góp ý, trao đổi, phê phán những hiện tượng thiếu lành mạnh, tiêu cực trong nội bộ Đảng ta, trong đội ngũ cán bộ Nhà nước từ đó Người nêu ra những "đơn thuốc" để chữa trị. Trên Báo Cứu Quốc, số 59, ra ngày 05/10/1945, với bút danh Chiến Thắng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho in bài báo "Tinh thần tự động trong Uỷ ban nhân dân", chừng 500 chữ. Bố cục bài viết dựa vào sự đối lập và chuyển hoá của hai khái niệm, hai lối nghĩ, hai loại hành động là "tự động" và "tự tiện". Bác phê bình nhiều cán bộ Uỷ ban nhân dân lúc bấy giờ, do không hiểu rõ tự động là "tự mình biến báo xoay sở, tự mình biết thực hành công tác theo nhiều hình thức mới mẻ, phong phú", nên mỗi khi nhận được mệnh lệnh gì của cấp trên là chỉ biết cắm đầu cắm cổ thi hành đúng như vậy, rất máy móc, không biết tuỳ lúc tuỳ nơi làm khác đi ít nhiều cho thích hợp. Kết quả công việc vì vậy rất thấp. Tác giả thẳng thắn chỉ trích những cán bộ thiếu tinh thần trách nhiệm, do "có công tác thì đem thi hành máy móc"; mặt khác làm xong việc rồi thì "chỉ ngồi không, không chịu bới việc ra mà làm". Bác dùng hình ảnh rất dí dỏm mà quyết liệt: "Cứ ì ra như xe bò lên dốc, không có người đẩy là y như đứng lại…".
Đối lập với tự động là tự tiện. Do hiểu tự động một cách nông cạn, chủ quan nên nhiều cán bộ là uỷ viên trong Uỷ ban lại rơi vào tự tiện, nghĩa là "không coi kỷ luật chính trị vào đâu, muốn làm gì cứ tuỳ ý làm bừa đi, chẳng bàn hỏi, thảo luận với ai, không theo pháp luật Chính phủ ban hành, không dựa vào ý nguyện dân chúng…". Kết quả của hành động tự tiện dẫn đến có hại cho uy tín Chính phủ, dân chúng thì kêu ca oán thán. Bác Hồ rất buồn phiền đề nghị các nhân viên trong các Uỷ ban nhân dân, một mặt phải rèn "cho có một tinh thần tự động mạnh mẽ", mặt khác họ phải từ bỏ ngay thói quen xấu "cái gì cũng tự tiện". Có thể nói, bài báo vừa nêu là một tác phẩm báo chí phê bình cán bộ kịp thời, trúng đích, thuyết phục và hiệu quả, của ngòi bút báo chí Hồ Chí Minh!.
Trong tháng 1/1961, bên cạnh bài báo biểu dương "Một hợp tác xã gương mẫu" (HTX Đại Phong - Quảng Bình), Bác còn viết bài "Một hợp tác xã không gương mẫu", đăng Báo Nhân Dân chỉ trích hợp tác xã T.B thuộc huyện Ứng Hoà, tỉnh Hà Đông vì ban quản trị đã phạm những khuyết điểm như cán bộ không dân chủ, phân phối không sòng phẳng, lao động không chặt chẽ, không làm đúng chính sách của Đảng và Chính phủ, và cuối cùng là không đi đúng đường lối quần chúng…
Loạt bài báo của bệnh quan liêu", "Tự phê bình", "Phê bình", "Cần tẩy sạch bệnh quan liêu mệnh lệnh", "Tinh thần Bác về "Cán bộ tốt và cán bộ xoàng" , "Chủ nghĩa cá nhân", "Bệnh tự kiêu tự ái", "Phải tẩy sạch trách nhiệm", "Phải thật sự tôn trong quyền lợi phụ nữ", … rất được bạn đọc lúc bấy giờ quan tâm, hưởng ứng! Thì ra, ngay từ những năm đầu của nền báo chí cách mạng Việt Nam, dưới chế độ mới do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, báo chí - dù chỉ là một tờ báo địa phương, cũng đã trở thành một vũ khí lợi hại, không thể xem thường. Cũng ngay từ những năm đầu của nền báo chí cách mạng Việt Nam, dưới chế độ mới, những người lãnh đạo dù ở cấp bậc nào cũng phải biết quan tâm, lắng nghe chân thành dư luận báo chí, nhờ đó điều chỉnh, khắc phục những khiếm khuyết bấy lâu trên nhiều phương diện...
Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hoạt động báo chí cách mạng nước ta phải đảm bảo tính đảng, thực hiện tốt hơn nữa chức năng giám sát, chức năng quản lý xã hội. Mở rộng ra, các nhà quản lý báo chí - xuất bản còn phải chủ động đề xuất một lộ trình giúp báo chí Việt Nam tham gia đấu tranh, phê bình trong chống khủng bố, chống tệ nạn xã hội xuyên quốc gia, xoá đói giảm nghèo, làm sạch môi trường vì một Hành tinh xanh… Những ý kiến của Bác Hồ về phê bình trên báo chí cách mạng còn rất nhiều nội dung nữa để bàn thảo, để học tập, vận dụng vào tác phẩm báo chí hôm nay. Điều đó, phần nào thể hiện một cách hệ thống và bản chất, khí phách của Bác Hồ: "Dũng cảm, quyết tâm, bền bỉ, bất khuất" (GS. Trần Văn Giàu). Cũng đúng như Báo Quốc gia ẤnĐộ có lần ca ngợi, đại ý, đằng sau cái cốt cách dịu dàng của Cụ Hồ là một ý chí sắt thép; dưới cái bề ngoài giản dị là một tinh thần quật khởi, anh hùng, không có gì uy hiếp nổi!
Kim Hùng