Phía sau Liên hoan sân khấu Tuồng và dân ca kịch: Sức hút từ sân khấu truyền thống

Thanh Nga 06/06/2022 14:28

(Baonghean.vn) - Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc đã khép lại trong niềm hân hoan của khán giả thành Vinh và công chúng cả nước. Trải qua 10 ngày tranh tài, Liên hoan đã để lại những dấu ấn khó phai mờ cho những ai đến Nhà hát xem các vở diễn.

Sức sống bền lâu của nghệ thuật Tuồng

Một phân cảnh trong vở Cô thần nhà hát Bình Định. Ảnh: Lương Vân

Tại Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc, 9 vở Tuồng xuất sắc của các nhà hát đình đám từ Bắc chí Nam đã cho người xem thấy được nét tinh túy của nghệ thuật sân khấu tuồng. Những hỉ nộ ái ố đặc sắc trong Tuồng được chưng cất đưa lên sân khấu để khán giả được thụ hưởng cái hay cái đẹp nhất của bộ môn nghệ thuật độc đáo và lâu đời của sân khấu truyền thống nước nhà.

Một cảnh trong vở diễn "Chiếc áo thiên nga". Ảnh: DVCC

Tham gia Liên hoan sân khấu Tuồng lần này có 9 vở diễn, các vở thiên về trình thức kinh điển với các câu chuyện lịch sử bàn về quốc sự mang đậm âm hưởng hùng tráng của những tấm gương tận trung báo quốc, xả thân vì đại nghĩa, những bài học về đạo lý khí tiết của người anh hùng trong các hoàn cảnh đầy mâu thuẫn và xung đột như “Truyện ngoài chính sử làm vua” của Nhà hát Tuồng Việt Nam (đoạt HCV Hội diễn), “Hoàng đế Lê Đại Hành” của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Thanh Hóa (đoạt HCB)... Hầu hết các vở diễn này đều mang một nét đặc trưng thẩm mĩ độc đáo đó chính là bi - hùng. Cũng có vở mang màu sắc tình yêu đôi lứa thông qua tích sử Mỵ Châu - Trọng Thủy trong vở “Chiếc áo thiên nga” của nhà hát nghệ thuật hát Bội TP Hồ Chí Minh (đoạt HCB) - nhà viết kịch Lê Duy Hạnh và đạo diễn trẻ Đông Hồ với nội dung về tình yêu giữa nàng Mỵ Châu và chàng Trọng Thủy. Một tác phẩm tuồng, dựa trên những đặc trưng của tuồng nhưng lại mang hơi thở hiện đại, dễ tiếp cận đến những đối tượng khán giả trẻ tuổi.

Qua trò chuyện với một số đạo diễn, diễn viên tuồng, được biết: Để hiểu, để cảm thụ được cái hay, cái đẹp của môn nghệ thuật độc đáo này, phải nắm được ngôn ngữ sân khấu mang tính ước lệ, tượng trưng cực kỳ hàm súc, cô đọng của Tuồng, diễn tả không gian, thời gian một cách độc đáo. Thường diễn viên giỏi của tuồng có thể không gặp nhiều khó khăn khi chuyển sang diễn kịch nói hay tiết chế đi có thể đóng phim dễ dàng. Nhưng không có chiều ngược lại, khi một diễn viên ngành nghệ thuật khác khó mà nhanh chóng diễn tuồng được. Đài từ, vũ đạo của một diễn viên tuồng là yếu tố cực kỳ quan trọng. Điều này phải học kỹ, phải có đam mê mới rèn luyện cho mình những mảng miếng tinh tế trong Tuồng.

Tín hiệu vui từ Liên hoan

Một cảnh trong vở dân ca Kịch Cánh cò trong bão. Ảnh: Lương Vân

Có thể thấy tại Liên hoan sân khấu Tuồng và Dân ca kịch lần này có nhiều vở diễn sáng tạo, mới mẻ đến từ các tác giả, đạo diễn gạo cội, từ cảnh trí đến nghệ thuật hóa trang. Trong đó, cách hóa trang mặt nạ, múa theo nguyên tắc “nội ngoại tương quan, tả hữu tương ứng, thượng hạ tương phù”; hát theo cách nói lối, âm nhạc theo nguyên tắc lề lối, tất cả tuân theo nghiêm luật âm dương nghệ thuật. Các yếu tố ca, vũ, nhạc được phát triển một cách hài hòa với nghệ thuật diễn xuất của diễn viên. Sự kết hợp tổng thể các yếu tố này mang lại cảm xúc thẩm mỹ đặc biệt cho khán giả, giúp họ cảm nhận được sự tinh tế của nghệ thuật tuồng và dân ca kịch.

NSND Hồng Lựu đạt HCV Liên hoan trong vai nữ chủ tịch huyện trong Cánh cò trong bão của Trung tâm nghệ thuật truyền thống tỉnh. Ảnh: Lương Vân

Thông qua hình tượng các nhân vật, các vở diễn đã chuyển tải thông điệp mang tính nhân văn, hướng con người tới xã hội lành mạnh và đức tính cao quý. Bên cạnh sân khấu Tuồng đặc sắc thì những vở diễn của các nhà hát cũng mang đến những hương vị ấm nóng, tươi mới cho Dân ca Kịch của Liên hoan lần này. Điển hình là vở diễn “Cánh cò trong bão” của Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nghệ An, kể về một nữ chủ tịch huyện dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm khi đề cao tư tưởng sáng tạo làm lợi cho dân, dám gạt bỏ những tư tưởng bảo thủ trì trệ. “Cánh cò trong bão” cũng đề cập đến những tình cảm gia đình với những yêu thương và sẻ chia.

Trong vở có nhiều xung đột, hận thù chất chứa nhưng với cách dàn dựng mới lạ, hài hước của NSND Lê Hùng, các xung đột kịch được giải quyết một cách nhẹ nhàng, không có cảnh đối đầu nảy lửa mà chỉ có tình người, tình yêu, tình bạn, tình đồng nghiệp, thực sự chạm đến cảm xúc của người xem. Hay vở “Vầng sáng” cũng của Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nghệ An, với đề tài quen thuộc là chống tham nhũng, nhưng được xây dựng mềm mại nhân văn. Con người tuy có sai phạm nhưng tận cùng thẳm sâu là ý nghĩ nhân ái, cư xử tử tế và nghĩa hiệp... Vở “Vầng sáng” tuy chỉ đạt HCB nhưng để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả, bởi tài diễn xuất của NSƯT An Ninh, NSƯT Đức Lam, NSƯT Minh Thành...

Vở Vầng sáng tuy chỉ đạt HCB nhưng để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng. Ảnh: Lương Vân

16 vở diễn ở 2 loại hình nghệ thuật tham gia liên hoan lần này, các nghệ sỹ đã phô diễn tài năng,sự sáng tạo của mình trong mỗi nhân vật, mỗi vở diễn. Đã có 31 HCV được trao cho các nghệ sỹ xuất sắc, cho thấy sự khổ công rèn luyện trong thời gian dài của họ được đền đáp xứng đáng. NSND Hồng Lựu - người giành HCV cho vai diễn nữ chủ tịch trong “Cánh cò trong bão” cho hay: “Để có được vai diễn hay người nghệ sỹ ngoài nghiên cứu kỹ nhân vật còn phải thực sự hóa thân. Cả mấy tuần anh em chúng tôi đều sống trong nhân vật, dù diễn xong chúng tôi cũng mất rất nhiều thời gian để “xả vai”. Có nhân vật hay thì tất nhiên phải có một kịch bản hay, đạo diễn giỏi, vì thế đây là thành công của cả tập thể, cả ê-kíp”.

Bên cạnh những nghệ sĩ gạo cội có nhiều đóng góp cho sân khấu truyền thống nước nhà như các NSND: Hồng Lựu, Minh Tuệ, Ánh Dương, Nguyễn Văn Thủy, Lê Văn Quý thì cũng xuất hiện nhiều nghệ sĩ trẻ đầy triển vọng. Tuy nhiên, nhiều nghệ sỹ băn khoăn: “Dù có một vài gương mặt nổi lên, nhưng nhìn chung nền sân khấu nghệ thuật truyền thống nước nhà đang cần lắm sự mới mẻ, tiếp biến của thế hệ đàn em. Việc đào tạo tuy đã được lên kế hoạch từ nhiều năm nay, nhưng không có nhiều bạn trẻ dám đến với sân khấu và xả thân vì nó, nhiều bạn có tài nhưng không trụ được lâu vì nỗi lo cơm áo gạo tiền...”.

Tuy vậy, qua liên hoan, việc sân khấu sáng đèn và khán giả tìm đến những vở diễn hay đã thắp lên những hi vọng và niềm tin mới về sự trường tồn lớn mạnh của sân khấu truyền thống nước nhà.

Mới nhất
x
Phía sau Liên hoan sân khấu Tuồng và dân ca kịch: Sức hút từ sân khấu truyền thống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO