(Baonghean) "Đã có những phút giây em nghĩ quẩn, mong tìm một sự giải thoát cho mình. Nhưng dường như ông Trời vẫn muốn em sống, để thay đổi cuộc đời mình, để chứng kiến sự ra đời của các con và nhìn chúng lớn lên. Để còn làm chỗ dựa cho tổ ấm bé bỏng và bất hạnh của mình nữa..."
Câu chuyện cuộc đời mình được M.A chia sẻ với tôi bên vỉa hè của phường Cửa Nam, Thành phố Vinh, nơi cô tìm kế mưu sinh hàng ngày. Sẽ không ai biết về bao nỗi bất hạnh, nếu nhìn gương mặt xinh xắn, cái miệng cười thật tươi ấy. Chỉ khi phố đã vãn người, tôi ái ngại nhìn xuống một bàn chân gỗ của cô, và thấy trong thẳm sâu đôi mắt đen láy kia bao nhiêu uẩn khúc, là lúc từ đôi mắt ấy, hai hàng nước mắt đã chảy dài...
M.A sinh năm 1981, là con gái đầu trong gia đình có hai chị em. Mẹ làm thợ may, bố làm thợ điện, gia đình M.A sống cùng ông bà ngoại tại phường Cửa Nam. Thế rồi, khi M.A học lớp 9, cả nhà cô bé chuyển vào sinh sống tại một căn nhà thuê ở Quận 5, TP. Hồ Chí Minh. Trong một lần chơi đùa cùng cậu em trai vào đầu mùa hè năm 1998, M.A đã bị ngã từ tầng hai xuống đất. Cô được đưa vào Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, rồi sau đó là Trung tâm chấn thương chỉnh hình Quận 5 mổ và điều trị. Hàng tháng trời nằm viện và bất động trên giường bệnh, M.A có cảm giác đôi chân của mình khó phục hồi như trước nữa. Rồi bỗng bΩng đi, M.A không thấy bố mẹ đến thăm mình. Gặng hỏi dì ruột, cô bé nhận được tin sét đánh: Bố, mẹ cô đều đã bị bắt vì tội buôn ma túy, bố bị kết án 15 năm, mẹ 10 năm tù giam. Tới lúc đó, M.A mới nhớ lại những câu chuyện mà cô bé không hiểu nổi, những chuyến hàng lặng lẽ ở ngay trong căn nhà nhỏ của mình.
Gánh nặng bệnh tật, lại thêm nỗi đau quá lớn về gia đình, cô học trò giỏi Văn ấy đã chỉ biết úp mặt vào đôi bàn tay mà khóc. Trước gia cảnh ly tán ấy, những người thân của cô đã gửi cô ra với người bác ở Hà Nội để tìm cách chữa trị mong cứu cô khỏi tật nguyền, còn cậu em trai thì ở với chú họ tại Vinh. M.A đã bắt đầu bước vào cuộc đời trưởng thành đơn độc trong bao nỗi đau như thế...
Ở Hà Nội, M.A được bác thuê cho một căn phòng tập thể ở ĐHSP cùng với một người giúp việc quê Nghệ An để chăm sóc, thuê một thầy thuốc Đông y tới châm cứu. Hàng ngày, nằm trong căn phòng nhỏ, nghe cuộc sống ồn ào ngoài kia, cô bé cắn chặt đôi môi tới bật máu để khỏi đắm chìm vào nước mắt. Thế giới của M.A, cả một quãng thời gian dài, chỉ có 4 bức tường xám lạnh, cái trần nhà thẫm đen mạng nhện, mùi thuốc bắc sực nức và những cuốn sách, báo nát nhàu. Ước ao lớn nhất của M.A lúc đó, chỉ là bố mẹ mau trở về để cả nhà sum họp, để cô có điều kiện chữa trị đôi chân.
Đôi lúc, nghe những âm thanh bên ngoài cánh cửa, M.A đã cố gượng dậy. Cô lết người trên nền xi măng lạnh cứng, với hy vọng một phép màu sẽ giúp cho mình đứng vững trên đôi chân tung tăng chạy nhảy ngày nào. Thế nhưng, hơn ai hết, cô cũng cảm thấy rất rõ rằng, việc cứu đôi chân là vô vọng. Trong một lần rơi vào tuyệt vọng, M.A đã nghĩ tới "sự giải thoát". Cô tìm đến cái chết, nhưng may mắn được phát hiện kịp thời. Khoảng thời gian sau đó, M.A quen với một chàng trai ở trọ ôn thi đại học người Bắc Giang. Chàng trai ấy thường lui tới căn phòng nhỏ, động viên cô, đưa cho cô mượn những cuốn sách. Và giữa họ đã nảy sinh một mối cảm thông đặc biệt. Với M.A, đó là những rung động đầu đời và cô biết mình đã là người lớn. Đúng lúc đó, người bác của M.A rơi vào hoàn cảnh làm ăn khó khăn hơn, không thể chu cấp cho cô được như trước nữa. Cô đành phải chấp nhận về sống tại nhà của cô giúp việc ở quê (Nghi Lộc), tiếp tục nương tựa vào người phụ nữ tốt bụng này với một khoản trả công ít hơn hàng tháng được bác gửi về.
18 tuổi, cái tuổi đẹp nhất của đời người, M.A sống với đôi chân tật nguyền, dưới mái nhà của một người xa lạ. Và trong cơ thể cô, lúc đó, lại đang hình thành một hình hài. M.A chia sẻ:"Lúc em nhận thức được rằng, trong lần "lỡ dại" với anh học trò, mình đã có con, đứa con ấy đang lớn lên trong cơ thể mình hàng ngày, em đã rơi vào một cơn khủng hoảng thật lớn. Nghĩ mình biết chui xuống đâu đây, khi bản thân tật nguyền lại đang ở trong hoàn cảnh éo le thế mà còn mang thai, người đời sẽ chê cười đến chết mất. Cũng vì lòng kiêu hãnh trẻ con, em không nói với anh ấy, dù chúng em vẫn thư từ qua lại và sau đó em ngừng liên lạc khi biết người ta không đỗ đại học, đã vào lính." Mãi đến khi cái thai gần 5 tháng tuổi, M.A mới dám thổ lộ với "cô giúp việc", và lúc này o ruột của cô cũng được biết tình hình.
Chịu đựng những phút giây ê chề, cay đắng, đối diện với những ánh mắt, có khi ái ngại, có khi oán trách của người thân, đối diện cả với những lời khuyên "thôi bỏ nó đi", nhưng M.A lại không phút giây nào nuôi trong mình cái ý nghĩ bỏ đứa trẻ. "Em thương con vô bờ, kể từ khi cảm nhận thấy rõ ràng có nó tồn tại trong máu thịt mình. Sẽ không bao giờ em bỏ rơi đứa trẻ, cho dù người ta có thể chê cười thế nào đi nữa. Em nói điều đó với o, và o cũng đã hiểu, cảm thông cho em. Lúc đó, hai người phụ nữ, là o và "cô giúp việc" đã bên cạnh, động viên em, rằng thôi con chịu đựng vậy, người ta có cười chê thì cũng cười được 3 năm. Sau này có đứa trẻ bên cạnh, hai mẹ con vui vẻ mà sống." Một cậu con trai ra đời tại Bệnh viện Nghi Lộc. "Em sinh con rất dễ, có lẽ nó thương mẹ"- M.A kể.
Sinh con một thời gian, M.A đã cố trở dậy, chống nạng làm việc nhà. Trong một lúc nhen lò than, không may, M.A giẫm chân trái lên viên than hoa đang cháy đỏ. Vì chân không có cảm giác, cô không biết mình bị bỏng. Vết loét ấy đã lan dần, ăn sâu mãi, dẫn đến việc sau này cô đã phải cưa bỏ một bàn chân...
![]() |
Niềm hạnh phúc của M.A là giây phút nhìn con lớn lên...
Không thể mãi nương tựa vào một người phụ nữ vốn đã nghèo khó, mẹ con M.A được các dì lần lượt đón về chăm sóc (tại phường Cửa Nam- Vinh). Yên ổn được một thời gian, thì nghe tin nơi mình đang ở phải giải tỏa, M.A được thuê cho căn phòng nhỏ, hai mẹ con chăm sóc nhau và sống bằng khoản chu cấp hàng tháng của người thân. Khi con trai 3 tuổi, M.A thấy chân mình đau đến không chịu đựng nổi, từ vết loét đã chảy mủ. Thấy tình cảnh cháu mình như thế, các dì của M.A đã đưa đứa trẻ về nuôi giúp. M.A một mình một bóng trong căn phòng trọ nhỏ bé, quay cuồng trong nỗi đau thể xác và nỗi nhớ con. Và lần thứ hai trong đời, M.A lại muốn tìm đến "sự giải thoát". Những viên thuốc ngủ với hy vọng mình sẽ mãi mãi nằm xuống, không phải đớn đau. Nhưng lại một lần, M.A được những người hàng xóm ở trọ kế bên phát hiện, đem xuống Bệnh viện tỉnh. Tại đây, sau khi được cấp cứu thoát khỏi cái chết, M.A được phát hiện chân đã viêm vào xương. Cô buộc phải cưa chân trái. Nằm viện thêm 1 tháng, sau đó, trở về nhà trọ một mình. Hàng ngày, bà o đến chăm sóc, giặt giũ, còn những người hàng xóm thì nấu giúp cô cơm nước. Xa con, lại hay tin cậu em trai, vì thiếu sự chăm sóc của gia đình đã bỏ học và lêu lổng...bao nhiêu buồn tủi, M.A đành chôn chặt trong đáy lòng.
Cuối năm 2004, mẹ của M.A ra tù trước thời hạn. Lúc này, mẹ M.A đón các con và cháu về ở cùng trong căn nhà thuê, có cả bà ngoại và cậu em ruột nữa. Bà nhận đồ hàng thùng về giặt thuê, cố gắng chăm làm lụng để có thể bù đắp phần nào cho các con. Cuộc sống bao nhiêu vất vả, nhưng đây cũng là một quãng đời hạnh phúc, khi M.A được ở trong vòng tay của gia đình sau bao nhiêu tủi hờn. Sau đó vài năm, bố M.A cũng ra tù và họ được đoàn tụ cả nhà. Lúc này, trong lòng của M.A bỗng thức dậy một ước ao giản dị: được học may, được trở thành một người thiết kế thời trang. Chỉ giản đơn thế, nhưng M.A biết cũng vô cùng khó khăn với mình. Chỉ có điều, lâu nay, M.A vốn xa lạ với những giấc mơ như thế...
Thời gian này, người bạn của cậu, một anh chàng thợ xây hay lui tới nhà chơi. Có ai ngờ được rằng, cô gái bé bỏng, tật nguyền nhưng tràn đầy nghị lực đã gieo vào trong lòng chàng trai ấy niềm thương mến cảm phục khôn cùng. Những câu chuyện tâm sự bâng quơ, đến những chia sẻ riêng tư...đã khiến họ xích lại gần nhau hơn. Đến một ngày kia, họ cảm thấy như không thể sống thiếu nhau được. Trong vò xé và nước mắt, họ đã nói những lời gan ruột cùng nhau. M.A thì mặc cảm tật nguyền, lại còn đứa con, còn S, chàng trai ấy thì cũng tâm sự thật lòng, anh đã từng dính vào ma túy và từ ngày quen biết cô, anh đang quyết tâm cai nhưng sợ là khó dứt bỏ được, sẽ làm cô khổ. Nhưng rồi, tình yêu thương đã giúp cho họ hy vọng...Họ về ở với nhau, không đám cưới, chỉ có mâm cơm nhỏ do mẹ M.A làm mời người thân hai gia đình. S cũng về sống trong mái nhà thuê của gia đình M.A. Chồng đi xây, vợ xoay xở việc nhà, họ đã có thêm niềm hạnh phúc sắp được làm cha, mẹ. Thời gian đầu ấy, chồng M.A chăm chỉ làm lụng lắm. Anh thương vợ và đứa con đang lớn dần. Những tưởng rằng, hạnh phúc đã gõ cửa...
Ngờ đâu, niềm vui ngắn chẳng tày gang, trước ngày vợ sinh con, chồng M.A bị bắt vào trại vì ma túy. Cái "án" 27 tháng của chồng đã khiến người vợ trẻ, một lần nữa vượt cạn một mình trong nỗi tái tê. "Nhưng trong em chỉ có tình thương mà không hề oán hận. Em hiểu anh ấy, cảm nhận rõ tình thương của anh ấy dành cho mẹ con em, và những sám hối trong lòng anh. Nhưng ma túy là một thứ quái ác. Sức mạnh của nó, sự cám dỗ của nó, trong giây phút nào đó lớn hơn điều mình tưởng. "- M.A trải lòng. Và những điều đau lòng lại tiếp tục giáng xuống gia đình nhỏ của M.A. Thời gian chồng ở trại, M.A nhận được tin anh ốm, sốt liên miên. Cô mơ hồ nhận thấy và đón đợi một cái "án" khác. Kết quả xét nghiệm máu sau đó của chồng đã biến linh cảm thành sự thực: chồng cô nhiễm HIV. Rồi đứa em trai hư hỏng cũng vào trại. Bao nhiêu hụt hẫng, chán nản đã khiến cô gái trẻ đổ sụp. Những trận ốm khiến người M.A héo hon như tàu lá. Cô nghĩ, có thể mình và con đều bị lây nhiễm căn bệnh ấy rồi...
Nhưng điều may mắn lớn lao đầu tiên đến với cuộc đời có quá nhiều bất hạnh của cô, chính là kết quả xét nghiệm máu đã khẳng định: cô không nhiễm bệnh. Niềm yêu thương cuộc sống lại trỗi dậy mạnh mẽ trong cô hơn bao giờ hết. Cô phải sống khỏe, nuôi dạy các con, làm chỗ dựa cho người chồng đáng thương nhiều hơn đáng giận của cô. Dưới mái nhà nhỏ đang phải thuê, cả đại gia đình cô, người thì qua cơn lầm lỗi, người thì tật nguyền... đều tìm cách động viên nhau để vươn lên, để sống, để nhìn sự lớn lên của những đứa trẻ. Sau này, hoàn cảnh quá khó khăn, M.A đã gửi cháu lớn ra với bố và ông bà nội ở Bắc Giang.
Năm đứa con thứ 2 được 4 tuổi, M.A xin cho con đi học mầm non. Cô ngỡ ngàng, tủi hổ khi có ý kiến từ phía nhà trường, phụ huynh khác tỏ ý nghi ngờ cháu bị nhiễm H. Cô đành nhờ ông ngoại đưa con đi xét nghiệm, cầm giấy chứng nhận không nhiễm H để xin cho cháu tới trường. Mấy tháng nay, sức khỏe S yếu hơn. Thương vợ con, giận mình, đã có lúc S buột miệng nói với M.A: "Đằng nào anh cũng là kẻ bỏ đi, cũng không biết có được sống lâu trên đời nữa hay không, hay anh thử liều một chuyến "hàng trắng" để có tiền cho em và con sinh sống, rồi sau đó số phận anh sao cũng được". Thế nhưng người phụ nữ bé nhỏ ấy, đã khóc mà nói với chồng rằng: "Em xin anh, dù cuộc sống của mẹ con em có khổ đến mấy, nhưng nếu để sung túc hơn mà phải đánh đổi bằng sự an nguy của anh, lại ảnh hưởng đến bao nhiêu người khác thì liệu cuộc sống ấy có ý nghĩa gì? Cuộc đời chúng ta đã quá nhiều nỗi khổ, niềm mơ ước của em bây giờ là còn được sống ngày nào, thì có vợ có chồng bên nhau san sẻ. Anh không bao giờ được làm điều dại dột nữa".
Trong căn nhà nhỏ, những lúc chồng đi phụ việc xa, M.A lại cặm cụi chống nạng làm lụng, tối tối cô dạy con viết chữ, tô màu. Hạnh phúc của cô, ấy là nhìn nét chữ tròn dần từ bàn tay bé bỏng, là thấy con líu ríu dưới đôi nạng mà hỏi, mà kể bao nhiêu thứ chuyện ở lớp, ở xóm. Tạm gác lại ước mơ được làm thợ may, ước mơ của cô bây giờ gửi cả ở đứa trẻ. Mong cho con được đến trường. Mong con mình nhận được thương yêu từ bè bạn và mọi người. Mong con lớn lên, có một cuộc đời tốt đẹp hơn cuộc đời của cha mẹ nó... Và tôi nhận thấy, đằng sau những giọt nước mắt lấp lánh trên gương mặt của M.A, vẫn là niềm hạnh phúc, niềm hy vọng cháy ngời...