Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giải tỏa 'nỗi sợ' của các trường đại học tự chủ
Ngày 30/9, tại Hà Nội, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức Hội thảo “Tự chủ đại học và trách nhiệm xã hội” với sự tham dự của hàng trăm trường đại học trên cả nước. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự và phát biểu chỉ đạo.
Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Phạm Thịnh-VTC |
Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, đổi mới là một quá trình liên tục. Việt Nam thường xuyên đổi mới giáo dục, nhưng vì xét thấy xu thế thế giới, thực trạng giáo dục trong nước cần phải đổi mới căn bản và toàn diện nên Trung ương ban hành Nghị quyết 29. Khi điểm lại quá trình xây dựng Nghị quyết 29, thì thấy nền giáo dục nước nhà đạt rất nhiều kết quả, trong đó giáo dục phổ thông có nhiều điểm đáng mừng hơn.
Hiện có nhiều chỉ số để nói rằng giáo dục đại học “có vấn đề”, như số lượng cử nhân, thạc sĩ ra trường không có việc làm. Tất nhiên, vấn đề này còn tùy thuộc vào tình hình kinh tế - xã hội, nhưng rõ ràng cũng có vấn đề về chất lượng đào tạo, Phó Thủ tướng khẳng định.
Trên thực tế, vấn đề tự chủ đại học ở Việt Nam đã được đặt ra từ lâu và cũng đã thí điểm cách đây 10 năm áp dụng đối với Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, rất đáng tiếc là sau đó vấn đề này lại không được thúc đẩy thêm, không đạt được những mong muốn đề ra. “Nguyên nhân chính dẫn tới vấn đề tự chủ chậm tiến triển là do hầu hết đều hiểu lệch theo hướng tài chính, lo lắng rằng nhà nước sẽ không cấp tiền nữa thì không có tiền chi thường xuyên” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề cập 3 vấn đề đáng chú ý, thứ nhất, tự chủ chuyên môn, dạy học và nghiên cứu liên quan đến quản lý nhà nước. Trước đây, Nhà nước có nhiều việc “cầm tay chỉ việc”, nhưng giờ đây đã tháo gỡ được nhiều, thậm chí, những trường gần đây cho tự chủ được nhiều quyền hơn.
Thứ hai, tự chủ bộ máy tổ chức, nhân sự. Vừa qua, Bộ Nội vụ có quyết định tháo gỡ căn bản liên quan đổi mới về sự nghiệp công. Trong sự nghiệp giáo dục, số biên chế hiện nay tự có, muốn tuyển thêm bao nhiêu là toàn quyền tự làm chứ không bị ràng buộc phải xin đề án xin nhân lực.
Thứ ba, về tự chủ tài chính. Ở những quốc gia như Đức, Pháp, có rất nhiều trường đại học tự chủ, nhưng nhà nước vẫn cấp kinh phí. Có nghĩa là tự chủ không có nghĩa là Nhà nước không cấp kinh phí nữa.
Đặt vấn đề vậy tự chủ là như thế nào? Phó Thủ tướng nêu rõ, lãnh đạo các trường đại học hãy bỏ ý nghĩ trong đầu nỗi sợ là nếu tự chủ thì không được nhà nước đầu tư nữa.
“Tôi khẳng định tự chủ không phải là Nhà nước không đầu tư, chỉ có điều thay đổi cách đầu tư. Việc đăng ký tự chủ không chỉ mang lại cho mình mà còn giúp cho rào cản giữa công lập và tư thục được tháo gỡ. Thay vì Nhà nước cấp tiền lương giáo viên, khi là viên chức yên tâm vị trí đó thì giờ dùng tiền ấy để cấp học bổng cho học sinh thuộc các đối tượng chính sách, gia đình khó khăn. Hoặc nhà nước tiếp tục đầu tư tăng nguồn cho nghiên cứu khoa học, chứ Nhà nước không cắt ngay nguồn đầu tư cho khối đại học” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho biết, Chính phủ đang soạn Dự thảo Nghị định theo hướng về cơ bản các trường đại học tự chủ tạo toàn quyền nhưng thay đổi mô hình quản trị, cơ quan chủ quản giảm sự can thiệp hành chính bằng việc đầu tiên là bổ nhiệm hội đồng trường lâm thời (6 tháng, 1 năm). Trong thời gian đó, Hội đồng trường đó bầu chọn hiệu trưởng, hiệu phó, cơ quan lãnh đạo trong trường.
Phó Thủ tướng bày tỏ, đổi mới đại học còn khó khăn hơn đổi mới doanh nghiệp bởi nó liên quan đến con người. Vì vậy, trong thời gian tới chúng ta cần có trách nhiệm hơn, quyết tâm cao hơn./.
Theo ĐCSVN