Phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm (cúm A H7N9, H5N1)

25/04/2013 14:36

(Công điện số 11/CĐ-UBND, ngày 18/4/2013 của Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An)

Bệnh cúm A(H7N9) đang xẩy ra tại Trung Quốc, từ cuối tháng 2 năm 2013 đến ngày 14/4/2013, hiện đã có hơn 60 người nhiễm cúm A(H7N9) tại 2 thành phố (Thượng Hải, Bắc Kinh) và 4 tỉnh (Chiết Giang, Giang Tô, An Huy và Hà Nam), trong đó 13 người đã tử vong (tỷ lệ tử vong 20%).

Tại Việt Nam, mặc dù chưa phát hiện chủng vi rút cúm gia cầm H7N9, nhưng gần đây đã xuất hiện các ổ dịch cúm H5N1 trên chim yến nuôi tại Thành phố Phan Rang – Tháp Chàm của tỉnh Ninh Thuận, trên đàn chim trĩ tại tỉnh Tiền Giang và trên đàn gia cầm tại một số địa phương. Nguyên nhân gây nên bệnh cúm là sự lây nhiễm vi-rút cúm gia cầm A(H7N9) và A(H5N1), trong đó việc vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép đang là nguy cơ lớn nhất của việc lây nhiễm.

Tổ chức Y tế thế giới cho biết, đến nay không có bằng chứng về việc lây truyền cúm gia cầm A(H7N9) từ người sang người và không khuyến cáo việc kiểm soát đặc biệt liên quan đến cúm A(H7N9) tại các cửa khẩu.

Theo thông báo của Cục Thú y, hiện nay dịch lở mồm long móng (LMLM) type A đang xẩy ra tại 3 huyện: Nghi Xuân, Hồng Lĩnh và Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh làm 342 con gia súc mắc bệnh. Đây là type vi rút nguy hiểm từ lâu không xuất hiện trong nước. Bên cạnh đó, dịch tai xanh cũng đang diễn biến phức tạp tại một số địa phương.

Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm, LMLM gia súc, tai xanh ở một số địa phương trong nước và các hoạt động vận chuyển bất hợp pháp gia cầm qua biên giới ngày càng tinh vi, ngày 2/4/2013, Bộ trưởng Bộ NN và PTNT đã ban hành Công điện số 08/CĐ-BNN-TY về việc tăng cường kiểm soát vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm qua biên giới phía Bắc; Công điện số 09/CĐ-BNN-TY, ngày 12/4/2013 về việc áp dụng các biện pháp quyết liệt dập tắt các ổ dịch LMLM gia súc và tai xanh ở lợn. Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 487/CĐ-TTg, ngày 04/4/2013 về việc tiếp tục triển khai quyết liệt Đề án phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép; Công điện số 528/CĐ-TTg, ngày 15/4/2013 về việc phòng, chống dịch cúm gia cầm A(H7N9) và A(H5N1).

Nhằm chủ động ngăn chặn xâm nhập bệnh cúm A(H7N9), phòng, chống và hạn chế lây lan dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; Giám đốc các sở, ban, ngành liên quan thực hiện nghiêm nội dung các Công điện nêu trên và Công điện số 10/CĐ-UBND.NN, ngày 09/4/2013 của Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An về việc tăng cường kiểm soát vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm, đặc biệt chú trọng các nội dung sau:

1. UBND các huyện, thành phố, thị xã:

- Giao Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn chỉ đạo các khối, xóm, thôn, bản, thú y cơ sở và các tổ chức đoàn thể tại địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát phát hiện sớm các ổ dịch cúm gia cầm (kể cả trên chim nuôi và chim hoang dã), dịch LMLM và tai xanh trên gia súc, đặc biệt cần tập trung vào những khu vực có nguy cơ cao, nơi có ổ dịch cũ. Thực hiện báo cáo dịch bệnh đúng quy định.

- Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, đặc biệt là dịch cúm gia cầm A(H7N9), A(H5N1) trên thế giới và trong nước, sự nguy hại của dịch cúm gia cầm, LMLM gia súc tác hại của việc buôn lậu, vận chuyển và tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm tới sức khỏe của bản thân và cộng đồng, tạo không khí xã hội lên án, tẩy chay mạnh mẽ người nhập lậu gia cầm và vận chuyển, tiêu thụ gia cầm nhập lậu vì lợi nhuận cao mà đồng thời nhập khẩu và phát tán cúm gia cầm cho hàng chục triệu dân và hàng triệu gia cầm trong nước.

- Giao Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn, đặc biệt là các địa phương giáp với tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo bí thư, xóm trưởng, các tổ chức đoàn thể ở địa phương và mọi người dân có trách nhiệm phát hiện và báo cáo với Chủ tịch UBND và công an xã, phường về những người dân ở xã, phường tham gia vào việc buôn lậu, vận chuyển và tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu; vận chuyển gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc, không có giấy kiểm dịch. Chủ tịch UBND cấp xã trực tiếp chịu trách nhiệm trước UBND cấp huyện về việc công dân sống ở địa bàn mình tham gia vào việc buôn lậu, vận chuyển và tiêu thụ gia cầm nhập lậu.

- Chủ động xây dựng kế hoạch nhân lực, kinh phí, phương tiện, dụng cụ, hóa chất để phòng, chống dịch kịp thời khi có ổ dịch xẩy ra.

2. Sở Nông nghiệp và PTNT:

- Chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan thành lập đoàn công tác chỉ đạo, đôn đốc công tác phòng chống dịch gia súc, gia cầm tại các địa phương và các vùng chăn nuôi trọng điểm.

- Chủ trì phối hợp với UBND các huyện, thành, thị tăng cường chỉ đạo công tác phòng chống dịch gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh.

- Chỉ đạo Chi cục Thú y tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh, chuẩn bị nhân lực, vắc-xin, hoá chất, vật tư,… chủ động phòng chống dịch; thực hiện kiểm dịch chặt chẽ, kiểm soát nghiêm ngặt việc vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc từ vùng dịch vào địa bàn tỉnh.

- Tham mưu thiết lập chốt kiểm soát vận chuyển gia súc, gia cầm chống dịch cần thiết.

3. Sở Y tế: Hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa chủ động và hiệu quả đối với bệnh cúm A(H7N9) và A(H5N1) trên người.

4. Sở Thông tin và truyền thông, Đài PT - TH tỉnh, Báo Nghệ An; Đài phát thanh, truyền hình huyện: Phối hợp chặt chẽ với ngành Nông nghiêp và PTNT, Y tế tuyên truyền đúng mức, đầy đủ, kịp thời tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, đặc biệt là dịch cúm gia cầm A(H7N9) và A(H5N1) trên thế giới và trong nước, tình hình nhập lậu gia cầm, các hình thức xử lý vi phạm pháp luật theo quy định hiện hành để người dân biết, chủ động đối phó với dịch cúm gia cầm trên người và gia cầm, đồng thời phát hiện, báo cáo các trường hợp buôn lậu, vận chuyển và tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu cho cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý.

5. Sở Tài chính: Chủ động tham mưu UBND tỉnh bố trí nguồn kinh phí để phục vụ cho công tác phòng chống dịch, đảm bảo cấp đủ phương tiện phòng bệnh cúm gia cầm cho tất cả nhân viên, các lực lượng có trách nhiệm phải tiếp xúc thường xuyên với gia cầm, không để ai chịu nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm mà không có phương tiện phòng ngừa; hỗ trợ người chăn nuôi có gia súc, gia cầm bị bệnh phải tiêu huỷ kịp thời, đúng quy định.

6. Công an tỉnh: Phối hợp với các ngành, địa phương liên quan tăng cường công tác kiểm tra, ngăn chặn triệt để gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm nhập lậu không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch, gia súc, gia cầm từ vùng dịch vào địa bàn tỉnh.

7. Sở Công Thương: Chủ trì, chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường, lực lượng chống buôn lậu và gian lận thương mại, phối hợp hợp với các ban, ngành liên quan, đặc biệt là Ngành Thú y nhằm tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm trái phép, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

8. Ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp: Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, triển khai các biện pháp phòng chống dịch tổng hợp.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh khẩn trương thực hiện đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, khó khăn các đơn vị báo cáo về Sở Nông nghiệp và PTNT tổng hợp, trình UBND tỉnh để có các biện pháp giải quyết kịp thời.

KT. CHỦ TỊCH
Phó Chủ tịch: Đinh Viết Hồng

Mới nhất
x
Phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm (cúm A H7N9, H5N1)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO