Phòng chống lao - Còn nhiều thách thức

24/03/2014 17:53

(Baonghean) - Thực hiện Dự án Phòng, chống lao quốc gia, những năm gần đây, với sự quan tâm, đầu  tư mạnh mẽ của các cấp ngành, trên bình diện cả nước bệnh lao đã có xu hướng giảm dần và ở tỉnh ta, chương trình chống lao, đặc biệt là việc phát hiện, điều trị đã thu được nhiều kết quả nhất định. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều ca bị bệnh lao nặng, và việc nâng cao nhận thức cũng như tăng cường bồi dưỡng nhân lực làm công tác phòng, chống lao còn nhiều hạn chế.

(Baonghean) - Thực hiện Dự án Phòng, chống lao quốc gia, những năm gần đây, với sự quan tâm, đầu tư mạnh mẽ của các cấp ngành, trên bình diện cả nước bệnh lao đã có xu hướng giảm dần và ở tỉnh ta, chương trình chống lao, đặc biệt là việc phát hiện, điều trị đã thu được nhiều kết quả nhất định. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều ca bị bệnh lao nặng, và việc nâng cao nhận thức cũng như tăng cường bồi dưỡng nhân lực làm công tác phòng, chống lao còn nhiều hạn chế.

Bệnh lao vẫn đang là vấn đề sức khoẻ của toàn cầu, nó gây bệnh cho hàng triệu người mỗi năm và là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ hai trong nhóm căn nguyên gây tử vong do các bệnh nhiễm trùng, sau HIV. Theo tổ chức Y tế Thế giới: Việt Nam hiện đứng thứ 12 trong 22 nước có số bệnh nhân nhiễm lao cao trên toàn cầu và xếp thứ 14 trong 27 nước có gánh nặng bệnh lao đa kháng thuốc cao trên toàn thế giới. Mỗi năm, nước ta có khoảng 200.000 người mắc lao các thể và 18.000 người chết do bệnh lao (trong đó có 5% bệnh nhân đồng HIV) cao hơn 2 lần tai nạn giao thông, số bệnh nhân kháng đa thuốc khoảng 3500 người (3,3% ở bệnh nhân lao mới và 17% ở bệnh nhân điều trị lại).

Trong số người mắc lao có tới 76% là nông dân, do mức sống của nhiều hộ dân thấp, môi trường ô nhiễm, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu còn hạn chế; đặc biệt, số bệnh nhân lao được phát hiện và điều trị chỉ chiếm khoảng 60% số người mắc lao trong cộng đồng. Nguyên nhân là do tình trạng bác sĩ “già hóa”, không có người thay thế; nguồn lực mạng lưới chống lao thiếu và thường xuyên thay đổi công tác nên không thể hết lòng vì công việc. Ngoài ra, dịch tễ lao, lao/HIV và lao kháng đa thuốc ở Việt Nam còn cao, số bệnh nhân chưa được phát hiện còn quá lớn, là nguồn lây nhiễm theo cấp số nhân ra cộng đồng. Trong khi đó, sự kỳ thị, định kiến vì bệnh lao của người dân còn nhiều khiến cho bệnh nhân lao giấu bệnh, tự chạy chữa, bệnh càng nặng, khả năng lây sang người khác càng lớn; vẫn còn một bộ phận không nhỏ nhân dân hiểu biết về bệnh lao chưa đầy đủ, sự quan tâm của xã hội đối với công tác phòng chống lao chưa nhiều, công tác truyền thông chưa sâu rộng.

Khám sàng lọc ở xã Nghi Lâm (Nghi Lộc). Ảnh: Thành Sơn
Khám sàng lọc bệnh lao ở xã Nghi Lâm (Nghi Lộc). Ảnh: Thành Sơn

Trong 3 năm trở lại đây, cùng với Chương trình chống lao quốc gia, Chương trình chống lao tỉnh ta đã đạt được những thành tựu nhất định, được thể hiện ở cả 3 tiêu chí: Nếu như trong năm 2011, số bệnh nhân lao thu nhận các thể là 2.431 người, tỷ lệ điều trị khỏi là 85,8%, tỷ lệ tử vong do lao là 2,8%; thì đến năm 2012 số bệnh nhân lao thu nhận các thể là 2.388 người, tỷ lệ điều trị khỏi là 87,8%, tỷ lệ tử vong do lao là 2,1%; và đến năm 2013, số bệnh nhân lao thu nhận các thể là 2.381 người, tỷ lệ điều trị khỏi là 90,1%, tỷ lệ tử vong do lao là 1,7%...

Về cơ bản, sự gia tăng của bệnh lao ở Nghệ An đã được khống chế. Sở dĩ đạt được những kết quả trên là do có sự chỉ đạo sát sao của Dự án Phòng chống lao quốc gia cũng như sự quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị của UBND tỉnh, Sở y tế; Tổ chức mạng lưới y tế cơ sở được củng cố. Các đơn vị y tế trong và ngoài công lập đã có sự phối hợp trong việc phát hiện quản lý điều trị bệnh nhân lao; sự vào cuộc mạnh mẽ của các tổ chức chính trị xã hội: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, cho nên công tác chống lao của tỉnh nhà ngày càng được củng cố và hoàn thiện, người bệnh đỡ mặc cảm hơn khi đến khám và điều trị bệnh lao; công tác điều trị ngay tại gia đình, cơ sở và bệnh viện tỉnh đạt hiệu quả tốt; quá trình điều trị cho bệnh nhân lao tại các tuyến đã được thực hiện đúng quy định: điều trị cấp cứu, nặng được thực hiện ở Bệnh viện tỉnh, sau khi đỡ hơn thì chuyển về huyện, xã, gia đình và các nhân viên y tế đã thăm khám hàng ngày, cấp phát thuốc và xét nghiệm kiểm soát.

Tuy nhiên, phải nói rằng, việc phòng chống lao ở tỉnh ta vẫn còn nhiều khó khăn thách thức: Trước hết, Nghệ An là tỉnh rộng, đường sá đi lại còn nhiều khó khăn, nhân lực và cơ sở vật chất cho công tác phòng chống lao từ tuyến tỉnh đến cơ sở còn thiếu và yếu. Số bác sỹ tuyến tỉnh chỉ có 23 người nhưng phải làm công tác điều trị và chỉ đạo cho 20 huyện thành thị và cả 2 trại giam của Bộ Công an. Ở tuyến huyện, cán bộ phụ trách chương trình thường có sự thay đổi nên thiếu kinh nghiệm, chỉ có 20 – 30% cán bộ làm công tác phòng chống lao là bác sỹ, tuyến xã không có bác sỹ; trang thiết bị để phát hiện lao sớm, lao kháng đa thuốc còn thiếu; công tác truyền thông giáo dục sức khỏe về bệnh lao chưa sâu rộng, mới chỉ tập trung ở một số khu vực dân cư ở thành phố, thị xã và đồng bằng. Bên cạnh đó, phải nói rằng: mức độ trầm trọng, phức tạp của bệnh đang gia tăng. Đây là những thách thức rất lớn cho công tác phòng chống lao của tỉnh nhà, bởi kinh phí và cơ sở vật chất để điều trị những đối tượng bệnh nhân này rất lớn và thời gian kéo dài, trong lúc nguồn lực của tỉnh đầu tư còn hạn chế.

Để đạt được mục tiêu đến năm 2015, số người mắc lao giảm xuống 50% so với năm 2000 và tiến tới thanh toán bệnh lao vào năm 2030, thời gian tới, Chương trình chống lao Nghệ An tiếp tục tăng cường các hoạt động tuyên truyền để người dân có thêm kiến thức về bệnh lao và cùng chung tay xóa bỏ các rào cản, giảm kỳ thị, không giấu bệnh, tự giác đi khám bệnh để được điều trị miễn phí; nâng cao năng lực cho phòng xét nghiệm ở các huyện; tăng cường chế độ báo cáo, phản hồi từ tuyến xã phường đến tỉnh, trung ương; phối hợp phát hiện lao sớm ở các trại giam và trung tâm giáo dưỡng; tăng cường phối hợp chương trình chống lao và chương trình phòng chống HIV/AIDS; mở rộng hoạt động phối hợp y tế công tư, khuyến khích các cơ sở y tế tư nhân tham gia trong phát hiện và điều trị bệnh lao; kết hợp giữa hoạt động của các cơ sở y tế chuyên khoa ,y tế đa khoa, giữa y tế công với y tế tư trong hoạt động phòng, chống lao; triển khai các hoạt động của Chương trình chống lao tại những khu tập trung đông người...

Để phòng chống bệnh lao có hiệu quả rất cần sự đổi mới tư duy về bệnh lao của người bệnh, các cấp ngành, các tổ chức xã hội, cũng như tăng cường sự phối hợp với các cơ quan y tế. Điều trị khỏi một người bệnh lao là tránh cho 10 người khác không bị mắc bệnh lao. Vì thế, tỉnh, ngành Y tế cần có những chính sách đãi ngộ thỏa đáng để thu hút đội ngũ bác sĩ làm lao và nhân lực phòng chống lao cơ sở; cần có sự thay đổi về chính sách để người bệnh chủ động tìm đến các cơ sở y tế, kiên trì điều trị lao theo đúng phác đồ nhằm tiến tới thanh toán hoàn toàn bệnh lao ra khỏi cộng đồng.

Bs CKI Thái Đình Lâm

(Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Nghệ An)

Phòng chống lao - Còn nhiều thách thức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO