Phòng, chống xâm hại trẻ em: Cần sự phối hợp hiệu quả giữa các ngành

Thanh Quỳnh 21/08/2019 17:38

(Baonghean.vn) - Đồng chí Ngô Thị Minh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc Hội nhấn mạnh, việc thực hiện các chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em rất cần sự vào cuộc của toàn thể xã hội, trong đó quan trọng nhất là sự phối hợp giữa các ngành để phát hiện sớm, can thiệp kịp thời và hỗ trợ hiệu quả.

Chiều 21/8, đoàn giám sát của Quốc hội do đồng chí Ngô Thị Minh – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.
Chiều 21/8, đoàn giám sát của Quốc hội do đồng chí Ngô Thị Minh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng làm trưởng đoàn có buổi làm việc với Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo bệnh viện và các sở, ngành liên quan. Ảnh: Thanh Quỳnh

Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh báo cáo nhanh về công tác thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em trong thời gian qua. Theo đó, kể từ năm 2014 đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận và phối hợp với các cơ quan chức năng để chăm sóc, giải quyết 3 trường hợp là trẻ sơ sinh bị bỏ rơi ngay khi vừa lọt lòng mẹ.

Hàng năm, các cán bộ y tế được tham gia các khóa học nâng cao năng lực và kỹ năng trong tư vấn, điều trị đối với trẻ em bị bạo lực, xâm hại. Cơ sở vật chất và nhân lực của bệnh viện đều sẵn sàng cho quá trình chăm sóc, đảm bảo quyền lợi cho trẻ em khi đến khám, điều trị.

Bên cạnh những thành quả đã đạt được, bệnh viện cũng đối mặt với nhiều bất cập trong quá trình tiếp cận, chăm sóc các nạn nhân bị xâm hại tình dục khi khoa Nhi, sơ sinh của bệnh viện mới thành lập, kỹ năng, kinh nghiệm về phòng chống xâm hại cho trẻ em của cán bộ còn chưa cao. Đặc biệt, đến nay chưa có cơ chế cụ thể trong việc phối hợp giữa bệnh viện, ngành y tế với các cơ quan chức năng để xử lý sau khi xác định các trường hợp nạn nhân là trẻ em bị xâm hại.

Đại diện
Đại diện lãnh đạo Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh báo cáo công tác thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Ảnh: Thanh Quỳnh

Thảo luận tại buổi làm việc, các thành viên đoàn giám sát đã yêu cầu bệnh viện làm rõ những nội dung liên quan đến sự phối hợp giữa ngành công an và y tế trong quá trình giám định, trợ giúp các nạn nhân là trẻ em bị xâm hại tình dục; phác đồ điều trị và hỗ trợ tâm lý đối với trẻ sau khi nhập viện; vai trò của ban Công tác xã hội trong quá trình tiếp nhận các nạn nhân là trẻ em bị xâm hại…

Qua trao đổi, đại diện Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh đã có những giải trình cụ thể, chi tiết đối với những nội dung mà đoàn công tác đề cập. Trong đó đề cập đến thực trạng khó khăn trong quá trình thu thập chứng cứ, xác minh các trường hợp bị xâm hại khi chính nạn nhân và gia đình luôn từ chối cung cấp các thông tin liên quan, đặc biệt là các nạn nhân vùng đồng bào dân tộc thiểu số hoặc địa bàn vùng sâu vùng xa.

Đồng cí
Đồng chí Ngô Thị Minh kết luận buổi làm việc. Ảnh: Thanh Quỳnh

Đồng chí Ngô Thị Minh đánh giá buổi làm việc đã đạt hiệu quả cao khi hai bên đã cởi mở để tìm ra những vướng mắc, khó khăn trong triển khai thực hiện các chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Từ đây, các sở, ngành đã có những phương pháp tháo gỡ các vấn đề mấu chốt để đem lại những điều tốt nhất cho đối tượng trẻ em nói chung, trẻ em bị xâm hại nói riêng.

Đồng chí Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng nêu rõ 5 nhiệm vụ trong thời gian tới. Trong đó, nhấn mạnh về sự cần thiết của công tác tập huấn cho cán bộ y tế trong việc hỗ trợ, can thiệp, giúp đỡ đối với trẻ em bị xâm hại, có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột và bỏ rơi. Các cơ quan truyền thông cần tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức của xã hội cũng như lên án các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em một cách kịp thời, hiệu quả. Đặc biệt là sự phối hợp giữa bệnh viện và các cơ quan, ban ngành liên quan trong giải quyết các vấn đề bạo lực xâm hại trẻ em, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em làm con nuôi...

Cần tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức của xã hội cũng như lên án các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em một cách kịp thời, hiệu quả. Ảnh minh họa Đình Tuân

“Thực hiện các chính sách, pháp luật và thúc đẩy quyền trẻ em rất cần sự vào cuộc của toàn thể xã hội, trong đó quan trọng nhất là sự phối hợp giữa ngành y tế và các ban ngành liên quan để phát hiện sớm, can thiệp kịp thời nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ bị xâm hại của đối tượng trẻ em”, đồng chí Ngô Thị Minh cho biết thêm.

Phòng, chống xâm hại trẻ em: Cần sự phối hợp hiệu quả giữa các ngành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO