Phòng khám đa khoa khu vực: Đầu tư tiền tỷ, hoạt động như trạm y tế

(Baonghean) - Hiện tại, nhiều phòng khám đa khoa khu vực đang gặp khó khăn trong hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn phụ trách, do thiếu sự đầu tư đồng bộ cả về nhân lực, vật lực.

Phòng khám khu vực “bỏ hoang”

Phòng khám Đa khoa khu vực Phà Đánh - Huồi Tụ nằm ngay trên tuyến Quốc lộ 16, là tuyến đường nối từ thị trấn Mường Xén (Kỳ Sơn) đi vào các xã Phà Đánh, Huồi Tụ, Mường Lống, Mỹ Lý và sang các huyện Tương Dương, Quế Phong; được đầu tư khá hiện đại theo mô hình bệnh viện thu nhỏ với tổng kinh phí gần 11 tỷ đồng.

Phòng khám có tổng diện tích hơn 6.000m2, với 21 phòng gồm dãy nhà 2 tầng dùng để khám và điều trị, nhà chứa rác thải, nhà để xe, bể chứa nước; thực hiện chức năng khám, cấp thuốc, điều trị bệnh nhân nội trú, giúp bà con đỡ vất vả trong việc đi lại và góp phần hạn chế tình trạng quá tải của bệnh viện tuyến huyện.

Phòng khám Đa khoa khu vực Phà Đánh - Huồi Tụ (Kỳ Sơn) thiếu vắng bệnh nhân.
Phòng khám Đa khoa khu vực Phà Đánh - Huồi Tụ (Kỳ Sơn) vắng bóng bệnh nhân.

Sau gần 2 năm đi vào hoạt động (tháng 3/2014), mỗi ngày Phòng khám Đa khoa khu vực xã Phà Đánh - Huồi Tụ chỉ đón nhận khoảng 10 bệnh nhân đến khám bệnh, nhận thuốc rồi về; không có ai ở lại điều trị nội trú. Bệnh nhân ít, đội ngũ y, bác sỹ phòng khám chỉ cắt cử 1 người trực phục vụ. Tìm hiểu nguyên nhân được biết: Ngoài hệ thống phòng ốc và đội ngũ y, bác sỹ 5 người, phòng khám không có những cơ sở thiết yếu để khám, điều trị.

Hay nói đúng hơn, những ngày đầu phòng khám hoạt động, Bệnh viện Đa khoa huyện Kỳ Sơn đã đưa một số trang thiết bị máy móc hiện đại về rồi lại phải đưa đi, bởi phòng khám này không có điện để hoạt động. Nhân viên y tế của phòng khám ngán ngẩm cho hay: "Không hiểu sao công trình đầu tư hàng chục tỷ đồng, nhưng một cái trạm điện cũng không có?"

Một nguyên nhân khác lý giải việc phòng khám hoạt động thiếu hiệu quả là khoảng cách đến khu dân cư. Theo khảo sát ban đầu, phòng khám sẽ được xây dựng ở xã Huồi Tụ, nhưng do thiếu mặt bằng và thiếu nước nên chuyển sang điểm ranh giới giữa xã Phà Đánh và Huồi Tụ. Ở địa điểm mới, phòng khám cách khu dân cư gần nhất của xã Huồi Tụ 8 km, cách nơi xa nhất của xã Phà Đánh 15 km. Đường quá xa, người bệnh thà lựa chọn trạm y tế xã còn nếu đã bỏ công đi thì gắng thêm 15 km nữa đến Bệnh viện Đa khoa huyện.

Bác sỹ Moong Thị Thắm - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Kỳ Sơn cho hay: Việc duy trì Phòng khám Đa khoa khu vực Phà Đánh - Huồi Tụ lãng phí cả về nhân lực và cơ sở vật chất. Đây cũng là thực trạng ở Phòng khám Đa khoa khu vực Chiêu Lưu. Phía bệnh viện đã nhiều lần đề xuất dừng hoạt động các phòng khám khu vực nhưng chưa nhận được sự đồng ý của Sở Y tế. 

“Dẫm chân” lên trạm y tế xã

Khác với thực trạng ở các phòng khám đa khoa khu vực Phà Đánh - Huồi Tụ, Chiêu Lưu, Phòng khám Đa khoa khu vực Năm Nam (huyện Nam Đàn) phát huy khá tốt chức năng khám, điều trị cho người dân 5 xã Nam Cường, Nam Trung, Khánh Sơn, Nam Kim, Nam Phúc.

Phòng khám có 15 giường bệnh, 1 bác sỹ, 3 y sỹ, 1 nữ hộ sinh và 1 dược sỹ; trung bình mỗi ngày có từ 30 - 40 người đến đây khám bệnh, 5 - 10 người đến điều trị. Nằm cận kề chân cầu đường bộ Yên Xuân (khu vực xã Nam Cường), từ khi thông tuyến bảo hiểm y tế, phòng khám còn đón nhận thêm các bệnh nhân từ huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) và huyện Hưng Nguyên đến khám, chữa bệnh.

Bà Lê Thị Hải - người dân xóm 3, xã Nam Cường đến Phòng khám Đa khoa khu vực Năm Nam khám bệnh cho biết: “Các y, bác sỹ phòng khám nhiệt tình, có chuyên môn tốt nên mỗi khi tôi đau, cảm nhẹ thì đều đến đây xem bệnh, xin thuốc về điều trị”.

Dù được người dân đánh giá khá cao, bác sỹ Nguyễn Đình Nguyên - Trưởng phòng khám tự nhận chất lượng đạt mức “trung bình khá”. Bác sỹ Nguyên cho biết: Phòng khám thiếu nhiều trang thiết bị y tế, điện không ổn định, đã đề nghị nhiều nhưng chưa được đầu tư. Cán bộ cũng thiếu, phòng khám xin thêm 1 bác sỹ chuyên siêu âm nhưng chưa có.

Ít bác sỹ, thiếu trang thiết bị hiện đại, Phòng khám Đa khoa Khu vực Năm Nam chỉ hoạt động khám, chữa bệnh ban đầu - tương đương với những trạm y tế xã nằm trong khu vực (vốn đã được đầu tư bài bản, hiện đại). Với những thiếu thốn nhân lực, vật lực, khi có những bệnh nhân nặng, phòng khám khu vực cũng không thể đáp ứng điều trị mà chuyển về các bệnh viện ở TP. Vinh (cách 15km).

Khám chữa bệnh ở PKĐKKV Năm Nam.
Khám chữa bệnh ở PKĐKKV Năm Nam.


Nằm cùng trên địa bàn xã Nam Cường, Phòng khám Đa khoa khu vực Năm Nam đang “dẫm chân” một phần về chức năng, nhiệm vụ với Trạm Y tế xã của xã này. Bác sỹ Bùi Văn Sen - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Nam Cường đề nghị: “Tỉnh, ngành, huyện nên đầu tư nâng cấp Phòng khám Đa khoa khu vực Năm Nam lên tầm bệnh viện thu nhỏ. Nếu chỉ dừng ở tầm trạm y tế như hiện tại thì đó là một sự lãng phí lớn về người, kinh phí”.

Đề nghị của ông Sen ở thời điểm hiện tại khó có thể thực hiện, bởi theo ông Hoàng Văn Hảo - Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Nghệ An: “Những bất cập của các phòng khám đa khoa khu vực hiện tại thì tỉnh và ngành đã biết, song việc đầu tư thì đang gặp khó khăn do thiếu nguồn vốn”.

Năm 2009, UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo ngành Y tế rà soát, đánh giá, sắp xếp lại 43 phòng khám đa khoa khu vực (PKĐKKV) trên địa bàn cả tỉnh. Sau khi sắp xếp, tỉnh Nghệ An đã giải thể 21 phòng khám và để lại 22 phòng khám. Năm 2015, UBND tỉnh tiếp tục giải thể 14 phòng khám đa khoa khu vực hoạt động kém hiệu quả, không được đầu tư nâng cấp, giữ lại 8 PKĐKKV gồm PKĐKKV Năm Nam (Nam Đàn), PKĐKKV Tây Nghi Lộc, PKĐKKV Cát Ngạn (Thanh Chương), PKĐKKV Chiêu Lưu và PKĐKKV Huồi Tụ (Kỳ Sơn), PKĐKKV Châu Thôn (Quế Phong), PKĐKKV Yên Hòa và PKĐKKV Hữu Khuông (Tương Dương).

Thanh Sơn - Mỹ Hà

tin mới

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Quốc Lộ 48A như dải lụa mềm vắt qua thị trấn Tân Lạc, huyện miền núi Quỳ Châu có hai con dốc khá nổi tiếng là Kẻ Lè và Bù Bài. Để tạo mỹ quan cho cửa ngõ thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu từ đầu năm nay đã tổ chức thành công đường hoa trên dốc Kẻ Lè.

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

(Baonghean.vn) - Lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ là một trong những lễ hội độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Thái ở huyện Con Cuông. Bên cạnh cảnh đẹp thiên nhiên, Môn Sơn còn níu chân du khách bởi bản sắc văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Cứ mỗi độ tháng 4 về, những bông cúc biển lại tỏa sắc rực rỡ. Vẻ đẹp riêng của loại hoa được xem là biểu tượng du lịch Cửa Lò khiến cho các thiếu nữ không thể bỏ lỡ với mong muốn lưu lại những tấm hình làm kỷ niệm.

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

(Baonghean.vn) - Ngày 15/4, tại thành phố Hạ Long, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với tỉnh Quảng Ninh khai mạc lớp bồi dưỡng “Văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận, phê bình và quảng bá”.

Bệnh tan máu bẩm sinh

Sàng lọc, phòng ngừa bệnh tan máu bẩm sinh

(Baonghean.vn) - Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là bệnh di truyền và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người bệnh và cả chất lượng dân số. Tại Nghệ An, dù đã được tuyên truyền thường xuyên nhưng số người mắc bệnh vẫn còn khá cao, nhất là ở các huyện miền núi.