Phòng say nắng bằng kinh nghiệm dân gian
Trong nhân dân ta có nhiều bài thuốc kinh nghiệm chữa cảm nắng, say nắng tốt.
Để phòng tránh say nắng, những người phải làm việc nhiều trong môi trường có nhiệt độ cao như nông dân làm việc ngoài trời, công nhân hầm lò... cần phải được trang bị mũ, nón che kín đầu và gáy. Uống nhiều nước khi khát, nước nên pha thêm một chút muối.
Với trẻ em, cũng nên cho trẻ uống nhiều nước khi đi ra ngoài trời nắng nóng vì bé sẽ đổ mồ hôi nhiều và cơ thể bị mất nước. Nếu bé phải chơi thể thao ngoài trời thì lượng nước mất càng nhiều hơn. Vì vậy, hãy cho trẻ uống nước ngay cả khi bé chưa cảm thấy khát.
Cần tránh đột ngột tiếp xúc với nắng nóng, khi làm việc, tiếp xúc trực tiếp với nắng nóng phải cần uống đầy đủ nước; có thể uống nước gạo rang có cho thêm tí muối, đường và gừng. Không nên quá gắng sức. Khi cảm thấy mệt mỏi, vào chỗ râm mát nghỉ ngơi. Mặc quần áo thoáng, mát, màu nhạt để dễ thấm mồ hôi và thoát nhiệt, và tránh hấp thụ nhiệt từ môi trường. Khi làm việc dưới nắng không nên uống rượu, cà phê gây đi tiểu nhiều làm mất nước.
Trong nhân dân ta có nhiều bài thuốc kinh nghiệm chữa cảm nắng, say nắng tốt. Chúng ta có thể sử dụng một trong những bài thuốc đơn giản sau:
Bài 1:Lá hương nhu tươi 50g (khoảng 1 nắm), muối ăn 1g. Cách dùng: Rửa sạch hương nhu, cho muối vào, giã nát, cho vào 150ml nước đun sôi để nguội, nghiền kỹ, dùng vải thưa sạch lọc vắt lấy nước uống cả một lần. Trẻ em tùy tuổi mà uống ít đi.
Sau đó 2 - 3 giờ, nếu bệnh nhân còn mệt, còn khát nước, cho uống thêm một lần nữa.
Bài 2:Lá tre tươi 30g, lá hương nhu tươi 30g, gừng tươi 3 lát.
Cách dùng: Tất cả đem rửa sạch, cho vào ấm sắc với 300ml nước còn 200ml, cho bệnh nhân uống cả một lần. Trẻ em tùy tuổi mà giảm liều lượng.
Bài 3: Lá tre tươi 12g, hương nhu tươi 16g, rau má tươi 12g, củ sắn dây 12g.
Cách dùng: Tất cả rửa sạch, cho vào ấm, sắc với 300ml nước lấy một nửa. Người lớn uống cả một lần, ngày uống hai lần. Trẻ em tùy tuổi uống ít hơn.
Trên đây là những bài thuốc chữa cảm nắng, say nắng đơn giản, có tác dụng tốt đối với những trường hợp nhẹ. Trường hợp say nắng nặng, bệnh nhân phải được cấp cứu thật khẩn trương nhằm chống lại sự tăng nhiệt độ, mất nước và mất muối, chống lại trụy tim mạch và rối loạn thần kinh tại bệnh viện. Vì vậy, sau khi sơ cứu xong phải nhanh chóng chuyển ngay người bệnh đến một cơ sở điều trị gần nhất để theo dõi và cứu chữa kịp thời.
Theo Gia đình & Xã hội - nt