Phòng trọ truyền thống tại thành phố Vinh ế ẩm mùa nhập học

Q.A 10/09/2023 16:29

(Baonghean.vn) - Mặc dù đang trong mùa cao điểm nhập học, nhưng số lượng phòng trọ truyền thống trên địa bàn TP.Vinh vẫn đang trống rất nhiều. Nhiều chủ trọ buộc phải tân trang, nâng cấp phòng ốc để tìm người thuê.

Ế ẩm phòng trọ truyền thống

Đầu năm học mới được xem là cao điểm của mùa thuê phòng trọ vì nhiều tân sinh viên bắt đầu nhập học. Tuy nhiên, trái ngược với sự nhộn nhịp của các năm trước, nhiều nhà trọ truyền thống trên địa bàn TP.Vinh hiện không có người hỏi thuê.

bna_a.jpg
Dãy trọ trên đường Nguyễn Duy Trinh, phường Hưng Dũng vắng bóng người thuê. Ảnh: Q.A

Gia đình bà Nguyễn Thị Oanh, phường Hưng Dũng có 2 dãy nhà trọ với 14 phòng. Hơn chục năm qua, phòng trọ của bà Oanh luôn là sự lựa chọn hàng đầu của các bạn sinh viên do ở gần với các trường như Đại học Y khoa Vinh và Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh. Tuy nhiên năm nay, chỉ có 1 nửa số phòng là có người thuê, số còn lại vẫn đang “chờ khách”.

Bà Oanh chia sẻ: “Thời điểm này của các năm trước, bố mẹ, anh em của các sinh viên đến xem phòng ốc để thuê cho con cái nhập học đông lắm. Nhưng 2 năm nay thì vắng hẳn, năm ngoái thì mãi đến tháng 10/2022 mới kín được phòng, còn năm nay, số lượng người hỏi thuê vắng hẳn. Ngày nào tôi cũng lau chùi, dọn dẹp phòng ốc để chờ các em sinh viên vào thuê nhưng chỉ được vài em tìm đến, hỏi rồi quay đi. Số lượng phòng đang có người thuê cũng chủ yếu là người đã đi làm, còn sinh viên ít lắm…”.

bna_22.jpg
Dãy trọ tại khối 8, phường Trường Thi cũng chung cảnh đìu hiu tương tự. Ảnh: Q.A

Không chỉ nhà trọ của bà Oanh mà hàng trăm dãy nhà trọ trên địa bàn TP.Vinh thời điểm hiện tại cùng chung cảnh ngộ. Hầu hết đều lâm vào tình trạng vắng vẻ, càng xa trường đại học, cao đẳng thì lại càng đìu hiu.

Được biết, hiện nay giá thuê phòng trọ trên địa bàn TP.Vinh đã giảm kịch sàn, đối với phòng trọ khép kín giao động từ 700.000 - 1 triệu đồng/tháng tuỳ diện tích, đối với phòng trọ không khép kín (vệ sinh chung) thì giá chỉ còn 300.000 - 600.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, mức giá này vẫn không thu hút được người thuê. Thậm chí một số chủ trọ sẵn sàng cho nợ tiền thuê trọ với mục đích chính chỉ mong trọ có người ở để đỡ vắng vẻ, tránh tình trạng bỏ không quá lâu.

Có nhiều nguyên nhân khiến việc nhiều dãy trọ trên địa bàn TP.Vinh lâm vào cảnh ế ẩm. Trong đó, nguyên nhân chính là do hiện nay số lượng sinh viên theo học các trường đại học, cao đẳng, học nghề trên địa bàn thành phố giảm sút mạnh, trong khi đây là khách hàng chủ yếu của các dãy trọ. Nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp phổ thông có xu hướng đi làm ăn xa, xuất khẩu lao động… nên không còn theo học tại các trường.

Ngoài ra, một nguyên nhân nữa là hầu hết các dãy trọ bị trống đều đã được xây dựng lâu năm, diện tích nhỏ hẹp, lợp bằng mái tôn nóng bức, nhà vệ sinh ở xa rất bất tiện, không đảm bảo môi trường, một số nhà trọ nằm trong khu vực bị ngập lụt hàng năm. Do đó, dù giá thuê có giảm mạnh nhưng nhiều người thuê vẫn không mặn mà.

Nâng cấp phòng để tìm khách

Để giảm thiểu tình trạng ế ẩm, nhiều chủ nhà trọ đã tăng cường giới thiệu, quảng bá trên các trang mạng xã hội, sẵn sàng giảm giá thuê cho người đặt cọc trước, thậm chí in các biển quảng cáo dán khắp các con đường có kèm số điện thoại để người thuê tiện liên lạc, tuy nhiên, vẫn không thấy tín hiệu khả quan.

bna_1.jpg
Nhiều chủ trọ đã phải nâng cấp phòng ốc để có người thuê. Ảnh: Q.A

Theo tìm hiểu của P.V, hiện nay xu hướng chung của các sinh viên, người thuê trọ là tìm những căn phòng có đầy đủ tiện ích như chung nhau thuê nguyên căn nhà, hoặc các phòng trọ mới được xây dựng. Dù giá thành có đắt gấp đôi so với các phòng truyền thống nhưng nhiều khách thuê vẫn sẵn sàng chi trả. Nắm được tâm lý này, nhiều chủ trọ cũng buộc phải nâng cấp, cải tạo phòng ốc để thu hút khách.

Bà Phan Thị Hiền, chủ nhà trọ ở phường Bến Thuỷ cho biết: "Giờ điều kiện kinh tế khác xa ngày xưa, phụ huynh cũng đầu tư cho con cái học hành nhiều hơn, sinh viên bây giờ phòng ốc nhỏ hẹp, cũ kỹ là mấy cháu không thuê đâu dù có giá rẻ. Do hiểu được tâm lý này, để chuẩn bị cho năm học này, tôi đành phải bỏ tiền ra để ốp lát lại phòng, lắp đặt thêm điều hoà, máy giặt, lắp camera, dù hàng tháng có tính thêm tiền các thiết bị này nhưng các cháu sinh viên cũng sẵn sàng trả tiền thêm. Hiện 10 phòng trọ của tôi cũng đã có người ở kín với giá thuê từ 1,5 - 2 triệu đồng/tháng".

bna_3.jpg
Các chung cư mini luôn là sự lựa chọn hàng đầu của người thuê trọ hiện nay. Ảnh: Q.A

Bên cạnh đó, một số chung cư, chung cư mini trên địa bàn TP.Vinh cũng là sự lựa chọn hàng đầu của các sinh viên, với giá thuê từ 3 - 5 triệu đồng, các nhóm sinh viên có thể ở chung với nhau từ 3 - 4 người để giảm chi phí. Tại những khu này có nhiều lợi thế như ở vị trí trung tâm, sạch sẽ, an ninh trật tự đảm bảo, đầy đủ các thiết bị sinh hoạt…

Đối với các phòng trọ truyền thống, lâu năm, do không còn sức hút với người thuê nên một số chủ trọ đã tiến hành phá dỡ, xây dựng lại trở thành các ki ốt để cho thuê kinh doanh, tránh tình trạng bỏ không quá lâu.

bna_cao xuân dục.jpg
Một chung cư mini trên địa bàn phường Bến Thuỷ, TP.Vinh. Ảnh: Q.A

Theo thống kê từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, kết thúc thời gian đăng ký nhập học đợt 1 trên Hệ thống chung có 494.488 thí sinh xác nhận nhập học, chiếm 80,8% tổng số thí sinh trúng tuyển đợt 1. Như vậy, 117.795 thí sinh trúng tuyển nhưng không xác nhận nhập học đợt 1. Trước đó, năm 2022, số thí sinh xác nhận nhập học đợt 1 trên Hệ thống là 463.025/567.419 thí sinh trúng tuyển (chiếm 81,6%).

Nhìn từ số liệu tuyển sinh năm 2022, 2023 cho thấy, nhiều thí sinh dù có trong danh sách trúng tuyển nhưng vẫn không chọn nhập học, mỗi năm có khoảng trên 100 nghìn thí sinh không xác nhận nhập học đợt 1.

Nhiều lý do khiến thí sinh không chọn đăng ký vào đại học hay từ chối xác nhận nhập học như: Thay đổi mục tiêu tương lai, đi du học, học nghề, xuất khẩu lao động, đi làm ngay hoặc muốn nhập học vào trường khác bằng nguyện vọng bổ sung...

Mới nhất

x
Phòng trọ truyền thống tại thành phố Vinh ế ẩm mùa nhập học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO