Phụ tử tình thâm với ca trù...
(Baonghean) - Trong phong trào phục dựng và phát triển môn nghệ thuật ca trù trên địa bàn huyện Diễn Châu phải kể đến cha con cụ Nguyễn Công Súy và chị Nguyễn Thị Mai ở xóm 1, xã Diễn Liên (Diễn Châu). Với đam mê và tâm huyết, cha con cụ Súy luôn trăn trở bảo tồn và lưu giữ ca trù...
Đến Diễn Liên vào đúng buổi sinh hoạt của câu lạc bộ mới thấy niềm say mê nghệ thuật của các thành viên nơi đây. 10 thành viên trong câu lạc bộ, cao tuổi nhất là 80, ít nhất mới 15 tuổi đang quây quần bên chiếu trầu say sưa với lời ca, nhịp phách, tiếng đàn. Nổi bật hơn cả là hình ảnh cha con cụ Súy, chị Mai người đàn, người hát một điệu ca trù cổ. Ngoài năng khiếu thì điều đáng quý ở cha con cụ đó là cái tâm, là nỗi đau đáu mong muốn môn nghệ thuật truyền thống của quê hương mãi được lưu truyền.
Cụ Nguyễn Công Súy tâm sự: Học đánh đàn đáy khó lắm, nhiều người học mà có theo được đâu, thấy con đam mê mà nhiều lúc đi hát lại không có người đánh đàn nên tôi quyết tâm học. Được nghệ nhân Trần Hải truyền dạy nhiệt tình, con gái lại khuyến khích bố tham gia nên học thời gian là thấy mê luôn, hai cha con phối hợp, cùng với mấy chị em khác nữa để giữ gìn ca trù của quê hương. Năm 2010, khi đã ở tuổi gần 80, cụ Súy không ngại học cách cầm trống chầu, gõ phách, đánh đàn. Và chỉ qua nửa năm học, cụ đã chơi thành thạo nhạc cụ đàn đáy và trở thành kép đàn, đệm cho con gái hát
Cụ Súy và chị Mai tập hát ca trù. |
Chị Mai đến với nghệ thuật ca trù rất sớm, từ năm 2004 chị đã được các nghệ nhân trong làng truyền dạy. Với chất giọng tốt và tình yêu mãnh liệt đối với ca trù, chị trở thành một ca nương giỏi trong câu lạc bộ của xã, của huyện. Trong các kỳ liên hoan ca trù toàn quốc, chị đã đạt 1 giải Bạc, 1 giải Vàng và rất nhiều giải A trong các đợt liên hoan nghệ thuật của tỉnh và thường xuyên lên lớp truyền giảng cho các câu lạc bộ. Chị Mai mong muốn phổ biến rộng rãi môn nghệ thuật này cho lớp trẻ, trước tiên là những người trong gia đình.
Cùng với truyền niềm cảm hứng ca trù cho cha mình, chị đã đào tạo được 2 “ca nương” rất trẻ. Nhờ vậy mà trong câu lạc bộ có thế hệ kế cận rất tiềm năng. Chị thừa nhận mình có chất giọng tốt để hát ca trù, nhưng chị Mai cũng hiểu rõ, hát ca trù đòi hỏi kỹ thuật và sự khổ luyện bậc nhất trong các lối hát. Nhờ đam mê và tích cực học hỏi nên hiện nay chị Mai đã hát được gần 20 thể cách, một con số mà nhiều ca nương chuyên nghiệp phải bất ngờ khi tiếp xúc với chị trong các kỳ liên hoan. Điều đáng quý nữa là chị Mai đã được các nghệ nhân cao tuổi truyền dạy một cách trọn vẹn khoảng 10 bài cổ như: múa hát “Đại thạch”, múa “Bài bông”, “Dâng rượu”… không để thất truyền và đã gây được tiếng vang tại các kỳ liên hoan ca trù toàn quốc.
Từ tấm gương của cha con cụ Súy mê ca trù đã có sức lan tỏa, nhờ đó ở Diễn Châu xuất hiện nhiều gia đình mà các thành viên đều tham gia đàn hát ca trù như gia đình ông Phạm Tài Khoản ở Diễn Yên cả 4 người trong cùng gia đình đều đàn hát thành thạo ca trù, hay vợ chồng anh Thành, chị Hạnh ở Diễn Yên chồng đàn, vợ hát…. từ đó tạo sức sống bền bỉ của nghệ thuật ca trù trong lòng nhân dân. Ông Trần Cảnh Yên – Chủ nhiệm CLB ca trù Diễn Châu cho biết: Cha con cụ Suý, chị Mai là tấm gương rất điển hình. Gần 80 tuổi nhưng cụ Súy vẫn kiên trì với ngón đàn đáy để phục vụ bà con. Trong những lần biểu diễn ở xã, huyện, CLB ca trù, trong khu vực thì cha con cụ để lại rất nhiều ấn tượng.
Giờ đây cha con cụ Súy là thành viên tích cực của CLB ca trù Diễn Liên; chị Mai còn là Phó Chủ nhiệm CLB ca trù huyện Diễn Châu. Ấn tượng về hai cha con “một đào, một kép” trong các buổi biểu diễn ca trù đã để lại nhiều cảm xúc trong mỗi người về một gia đình đam mê, tâm huyết đối với môn nghệ thuật truyền thống - một di sản văn hóa của nhân loại.
Mai Giang