Phùng phúc kiều Bình yên một ngõ phố

17/02/2014 18:05

(Baonghean) - Ở Thành Vinh có ba thứ luôn làm tôi nhớ mỗi khi đi xa: ngôi nhà nhỏ thuở ấu thơ, món ăn mẹ nấu và những con đường trong lòng phố thị. Những thứ ấy hiện hữu khắp nơi trong tâm trí tôi, trên mọi nẻo đường đi hoặc bất cứ khi nào ngoái lại. Và một cách thật tình cờ, ba niềm nhớ nhung sâu nặng ấy có mối liên hệ mật thiết với nhau, như những con đường dù xa ngái đến đâu, cũng sẽ dẫn về tổ ấm. 

(Baonghean) - Ở Thành Vinh có ba thứ luôn làm tôi nhớ mỗi khi đi xa: ngôi nhà nhỏ thuở ấu thơ, món ăn mẹ nấu và những con đường trong lòng phố thị. Những thứ ấy hiện hữu khắp nơi trong tâm trí tôi, trên mọi nẻo đường đi hoặc bất cứ khi nào ngoái lại. Và một cách thật tình cờ, ba niềm nhớ nhung sâu nặng ấy có mối liên hệ mật thiết với nhau, như những con đường dù xa ngái đến đâu, cũng sẽ dẫn về tổ ấm.

Tôi đang nói đến con đường Phùng Phúc Kiều. Con đường nhỏ nối liền hai khối Tân Thành I và Tân Thành II của phường Lê Mao, điểm khởi đầu của chiều dài ngót nghét 1km ấy là cây bàng rợp bóng nằm sát cạnh Trường THCS Lê Mao. Đường Phùng Phúc Kiều có lẽ là một trong những con đường phản ánh hiện thực nhất những đổi thay của phố thị. Từ con đường nhỏ hẹp, bụi bặm, đường Phùng Phúc Kiều nay đã là con đường nhựa phẳng lì, ôm sát lấy những ngôi nhà cao tầng bề thế. Cái tên đường nghe qua có vẻ lạ lùng, thế nhưng nếu nhắc đến con đường bên hông Trường THCS Lê Mao với hai câu lạc bộ bóng bàn nổi tiếng thì chắc hẳn nhiều người biết đến. Ngót 30 năm nay, hai câu lạc bộ bóng bàn tư nhân ấy là điểm nhấn, gọi mời khách muôn phương tụ hội về con đường nhỏ. Bóng bàn là môn thể thao không kén người chơi, không quá tốn kém, thế nên độ giờ tan tầm, ở đó luôn rộn rã tiếng cười nói, tiếng vỗ tay tán thưởng.

Đường Phùng Phúc Kiều.
Đường Phùng Phúc Kiều.

Nhịp thời gian của ngày cũng phản ánh những đổi thay của con đường Phùng Phúc Kiều, khi mỗi sáng, con đường rộn rã tiếng lao xao thị thành: trẻ em đi học, người lớn đi làm, tiếng còi xe rộn cả góc đường… Vậy mà nhãng độ 8h sáng, đường vắng lặng với dãy nhà cửa đóng then cài, thoảng tiếng giảng bài từ phía Trường THCS Lê Mao vọng sang. Thời điểm này, đường trong lòng phố thoắt hóa thành con đường làng bình yên và tĩnh lặng, vẫn đủ đầy tiếng gà cục tác, tiếng họa mi nhà ai cất tiếng hót lảnh lót vọng vang.

Ngôi nhà nhỏ của tôi nằm ngay đầu đường Phùng Phúc Kiều. Nhà ngay đầu đường có nhiều cái lợi, đó là mãi sau này, khi đôi mắt biết ngắm nhìn và suy tưởng, tôi mới nhận ra. Từ ban công tầng 2, phóng tầm mắt ra xa là cảnh ngã 4 Bưu điện - Đài PT - TH tỉnh - Nhà sách Bắc Trung Bộ - đường Hồ Tùng Mậu lúc nào cũng nhộn nhịp đông vui. Đặc biệt, những ngày lễ Tết, cái ban công chật hẹp và bề bộn ấy lại trở thành nơi đáng ghen tị của chúng bạn, vì chẳng cần chen chúc, xô đẩy, tôi vẫn thu vào tầm mắt mình trọn vẹn những mỹ miều tráng lệ của đêm pháo hoa giao thừa. Cũng tại đó, trong những đêm khuya thanh vắng, chỉ còn tiếng chổi tre xào xạc từ phía đường Đinh Công Tráng vọng vào, tôi chợt nhận ra với tất cả những trải nghiệm non nớt của mình, rằng con đường ấu thơ tôi không phải là những con đường vô hồn của cuộc sống đô thị xô bồ mà đã trở thành một thân phận, một định mệnh gắn liền với cuộc sống con người và lịch sử phố phường. Nhắc đến con đường là nhắc đến những cuộc đời, những người ngày ngày lại qua trên đó. Con đường có nhiều ngõ nhỏ cắt ngang, mỗi ngõ vỏn vẹn chục nóc nhà với đủ nghề nghiệp mưu sinh: ngõ giáo viên, ngõ công nhân, ngõ may mặc, ngõ bộ đội… Giờ giấc sinh hoạt của từng ngõ cũng theo đó mà khác nhau. Có những ngõ hầu hết đều là giáo viên, như ngõ 13, nhưng có những ngõ phần lớn làm nghề lao động tự do, vẫn rộn rịp sáng đèn đến khuya. Đường Phùng Phúc Kiều cứ thế mà thao thức với bước đi về của những người dân.

Quán bún chả nướng ngay đầu đường Phùng Phúc Kiều là địa chỉ của nhiều thực khách sành ăn.
Quán bún chả nướng ngay đầu đường Phùng Phúc Kiều là địa chỉ của nhiều thực khách sành ăn.

Con đường đã ở đó từ lâu lắm rồi, ngay trước cả khi tôi sinh ra. Biết bao thế hệ lớn lên và bước trên con đường nhỏ này để đi đến những chân trời xa. Thế mới biết, chính sự hữu ý của con người đã khoác lên con đường Phùng Phúc Kiều một dáng vóc, một tâm hồn, một quá khứ, một tương lai. Nói về tương lai, thì như ông Cao Văn Ngọc, một công dân đã vào tuổi lục tuần, gắn bó với con đường Phùng Phúc Kiều bao năm nay, tâm sự: “Tôi thấy ở đường Phùng Phúc Kiều thích vô cùng, vừa nằm giữa trung tâm thành phố, gần chợ, gần trường, gần đường lớn, gần trạm…, vừa yên tĩnh, không phải chịu tiếng ồn ầm ĩ ngày đêm. An ninh khu vực này lại tốt, bao năm nay ít xảy ra sự việc gì phức tạp, người dân yên tâm làm ăn, sinh sống. Tương lai, đường Phùng Phúc Kiều “có giá” lắm!” Không biết rồi đây cái dự đoán của một người yêu nơi chốn ngụ cư của mình ấy đúng hay sai, chỉ biết, hiện tại đây, đường Phùng Phúc Kiều đang “đổi mới” từng ngày. Đường trong lòng phố đã có nhà hàng, quán ăn phục vụ đến đêm khuya, có các dịch vụ bóng bàn, bi a, câu lạc bộ thể hình, tiệm hoa, cửa hàng tạp hóa… Mọi nhu cầu giải trí của người dân đều được đáp ứng chu tất.

Đường Phùng Phúc Kiều cũng như mọi con đường khác trong lòng Thành phố Vinh với đủ mọi cung bậc thăng trầm, ồn ã và tĩnh lặng. Có chăng, với riêng tôi, Phùng Phúc Kiều luôn là một con đường thật khác, thật đặc biệt, bởi nó luôn là con đường để trở về tổ ấm. Như những loài chim trú đông, dẫu mê mải bờ bến lạ, vẫn luôn cần một con đường quen để trở về...

Bài, ảnh: Phương Chi

Phùng Phúc Kiều sinh năm 1724, tại thôn Thu Lũng, xã Hiếu Hạp, huyện Chân Phúc (nay thuộc phường Nghi Thu, Thị xã Cửa Lò). Từ nhỏ, ông đã tỏ ra là người thông minh hiếu học, lớn lên trong lúc đất nước có chiến tranh loạn lạc, ông vào quân đội ở Thủy đội ưu binh, thuộc Đông Nam Đẳng Đạo. Sau khi học xong Trường Quân sự ở Phú Đức Quang (ngày nay thuộc vùng Đức Thọ, Can Lộc, Hà Tĩnh) được giao chỉ huy tiểu đội Ưu binh, chức Thiên hộ. Do có nhiều công lao dẹp giặc yên dân, năm 1784 được vua Lê Hiến Tông sắc phong Thượng tướng quân, Đô đốc Đô Trung Hầu tổng chỉ huy Đông nam Đẳng Đạo, được nhà vua giao cho cờ, thẻ bài để hiệu lệnh quân đội (thủy quân bảo vệ) vùng biển từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh ngày nay. Trong khi đi khảo sát địa hình, Phùng Phúc Kiều thấy dọc theo ven biển có rất nhiều đất bị bỏ hoang nên đã xin triều đình cho chiêu dân, lập ra một số làng ở ven biển Cửa Lò, làm chỗ dựa vững chắc cho thủy đội hải quân của mình. Trong tấm bia đá ghi công những người lập làng dựng ở đền Thu Lũng có tên ông và dòng họ Phùng ở Nghi Thu. Năm 1792, Phùng Phúc Kiều qua đời được triều đình nhà Lê hộ táng. Để tiện cho con cháu và dân làng thờ phụng, vào đầu thế kỷ XIX triều đình cho xây dựng lăng ở trước đình làng Thu Lũng. Năm 1999, nhà thờ của dòng họ Phùng và khu lăng mộ của hai ông bà Phùng Phúc Kiều được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Mới nhất
x
Phùng phúc kiều Bình yên một ngõ phố
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO