Theo báo cáo của UBND huyện Quỳ Hợp, ở thời điểm hiện tại, trên địa bàn còn 42 xưởng chế biến khoáng sản chưa có thủ tục thuê đất, trong đó có 22 tổ chức và 20 hộ cá thể. Trong 22 tổ chức sử dụng đất, có 13 tổ chức sử dụng đất trước ngày 1/7/2014, 9 tổ chức sử dụng đất sau ngày 1/7/2014. Còn 20 hộ cá thể sử dụng đất, có 13 hộ cá thể sử dụng đất trước ngày 1/7/2014 và 4 hộ cá thể sử dụng đất sau ngày 1/7/2014.
Đối với các xưởng thuộc các cụm công nghiệp sử dụng đất trước ngày 1/7/2014 (11 doanh nghiệp, 2 hộ cá thể), có 3 xưởng không phù hợp quy hoạch chi tiết của Cụm Công nghiệp. Về hiện trạng sử dụng đất, các xưởng đã xây dựng nhà xưởng, nhà công nhân, bãi tập kết đá các loại, hố lắng chất thải và các công trình phục vụ sản xuất khác. Qua rà soát, các xưởng xây dựng và hoạt động từ năm 2004 – 2019, đất có nguồn gốc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn, và tự ý xây dựng nhà xưởng phục vụ hoạt động khoáng sản.
Thời gian qua, UBND huyện Quỳ Hợp đã kiểm tra, rà soát, yêu cầu các tổ chức, hộ cá thể hoàn thành hồ sơ thuê đất theo quy định; đồng thời, đã làm việc để giải quyết tồn tại, vướng mắc (đã ban hành các Thông báo số 199/TB-KL ngày 9/6/2022 và Thông báo 192/TB-UBND ngày 15/5/2023). Bên cạnh đó, đã chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát, lập biên bản tạm đình chỉ hoạt động, lập hồ sơ xử lý vi phạm theo thẩm quyền (hoặc chuyển hồ sơ xử lý vi phạm theo thẩm quyền).
Đến nay, có 4 tổ chức đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư và đang hoàn thiện hồ sơ giao đất, cho thuê đất; có 15 tổ chức nộp hồ sơ xin chủ trương đầu tư thực hiện dự án tại Trung tâm Dịch vụ công của tỉnh; 4 tổ chức chưa nộp hồ sơ thuê đất. Có 16 hộ cá thể đã nộp hồ sơ xin thẩm định nhu cầu sử dụng đất tại UBND huyện; 1 hộ cá thể chưa lập hồ sơ thuê đất; 3 hộ cá thể cam kết tháo dỡ nhà xưởng do không đủ điều kiện về khoảng cách môi trường, diện tích thuê đất.
Tuy nhiên, theo ý kiến của các sở, ngành liên quan, trong quá trình lập hồ sơ xin chủ trương đầu tư và lập hồ sơ thuê đất các tổ chức gặp những khó khăn, vướng mắc như: Không đảm bảo khoảng cách an toàn đến khu dân cư, khoảng cách an toàn môi trường, chưa có giấy phép môi trường của dự án đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp và chưa xây dựng hạ tầng công trình bảo vệ môi trường đồng bộ. Vì vậy, không đảm bảo quy định theo Luật Bảo vệ môi trường.
Từ những khó khăn trên, ngày 28/6/2022, UBND huyện đã có Công văn số 832/UBND-TNMT báo cáo kết quả kiểm tra, rà soát tình hình sử dụng đất của các xưởng chế biến đá trên địa bàn lên UBND tỉnh. Ngày 1/8/2022, Sở Tài nguyên và Môi trường có Công văn số 4504/STNMT-QLĐĐ dự thảo phương án xử lý để xin ý kiến các Sở: Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng; Cục Thuế và UBND huyện Quỳ Hợp. Trên cơ sở ý kiến các sở, ngành, UBND huyện Quỳ Hợp đã hoàn thiện lại phương án đề xuất tại Báo cáo số 765/BC-UBND ngày 16/8/2023. Để có cơ sở tổng hợp, hoàn thiện văn bản trình UBND tỉnh xử lý, ngày 18/8/2023, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục có Công văn số 5631/STNMT-QLĐĐ đề nghị các sở: Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Công Thương cho ý kiến phương án xử lý các xưởng chế biến đá chưa hoàn thành thủ tục thuê đất trên địa bàn huyện Quỳ Hợp. Đến nay Sở Tài nguyên và Môi trường đang tổng hợp liên quan.
UBND huyện Quỳ Hợp xác định, khi có ý kiến phương án xử lý của các sở, ngành liên quan và của UBND tỉnh Nghệ An thì sẽ chỉ đạo các tổ chức hoàn thiện hồ sơ thuê đất theo đúng quy định của pháp luật, kiên quyết tổ chức tháo dỡ nhà xưởng đối với các tổ chức không thực hiện thuê đất. Đồng thời, đề xuất UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các sở ban ngành cấp tỉnh cho phép các tổ chức lập thủ tục thuê đất theo dự thảo kèm theo Văn bản số 4504/STNMT-QLĐĐ ngày 1/8/2022 của Sở Tài nguyên và Môi trường.
Cụ thể, đối với 13 tổ chức đã sử dụng đất trước ngày 1/7/2014, giao UBND huyện Quỳ Hợp kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai, xây dựng… Sau khi chủ sử dụng đất chấp hành, với các tổ chức sử dụng ổn định không tranh chấp, đã hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, đảm bảo khoảng cách an toàn môi trường, cho phép các tổ chức sử dụng đất thực hiện rà soát, lập thủ tục thuê đất theo quy định tại Điểm b, Khoản 1 và Điểm b, Khoản 2, Điều 20; Điểm b, Khoản 5, Điều 22, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2015 của Chính phủ và Quyết định số 81/2014/QĐ-UBND ngày 27/10/2014 của UBND tỉnh (được sửa đổi, bổ sung tại Quyết định số 32/2019/QĐ-UBND ngày 19/8/2019).
Đối với các tổ chức sử dụng đất sau ngày 1/7/2014 (8 doanh nghiệp), giao UBND huyện kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai, xây dựng… Sau khi chủ sử dụng đất chấp hành, với các tổ chức sử dụng ổn định không tranh chấp, đã hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, đảm bảo khoảng cách an toàn môi trường thì thực hiện lập hồ sơ xin chấp thuận chủ trương đầu tư theo Điều 29, Điều 31, Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021. Đối với các hộ cá thể (20 trường hợp), giao UBND huyện tổ chức thực hiện theo thẩm quyền quy định tại Khoản 2, Điều 59, Luật Đất đai 2013.
Về vấn đề nêu trên, Báo Nghệ An đã thông tin tại các bài viết “Nghịch lý phía sau các cụm công nghiệp ở Quỳ Hợp” (ngày 21/3/2024); “Chấn chỉnh công tác quản lý thuế, không bỏ sót đối tượng nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp” (ngày 18/4/2024).
Trước thông tin của Báo Nghệ An, ngày 9/4/2024, Cục Thuế tỉnh có Công văn số 1921/CT-HKDTK đôn đốc các phòng, chi cục thuế trực thuộc rà soát, báo cáo, quản lý thuế đối với các trường hợp sử dụng đất chưa có quyết định, hợp đồng thuê đất. Trong đó, nhắc Chi cục Thuế Phủ Quỳ I: “Thực hiện nghiêm việc quản lý thuế đối với các trường hợp sử dụng đất mà chưa có quyết định, hợp đồng thuê đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại các cụm công nghiệp trên địa bàn”, đồng thời nhấn mạnh: “Chi cục Thuế, phòng nào để sót việc rà soát, quản lý tiền thuê đất, tiền thuế đất phi nông nghiệp đối với các trường hợp sử dụng đất mà chưa có quyết định, hợp đồng thuê đất, hết thời hạn cho thuê đất nhưng vẫn đang sử dụng đất mà chưa có thủ tục gia hạn thời gian cho thuê đất thì phải chịu hoàn toàn trách nhiệm”.
Chúng tôi nhìn nhận, việc nhiều tổ chức, hộ cá thể trên địa bàn huyện Quỳ Hợp sử dụng đất hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng qua nhiều năm chưa thực hiện thuê đất là một tồn tại lớn. Tồn tại này, bộc lộ những khiếm khuyết trong công tác quản lý nhà nước của một số cấp, ngành, đơn vị chức năng; ảnh hưởng đến tính ổn định trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, hộ cá thể chế biến khoáng sản chưa thuê đất và ảnh hưởng đến việc tăng thu ngân sách cho Nhà nước. Bởi vậy, đề nghị cấp có thẩm quyền quan tâm xem xét, để có phương án xử lý dứt điểm.