Pí tơm, nhạc cụ độc đáo của người Khơ Mú

27/12/2013 22:14

(Baonghean) - Do tập quán canh tác nương rẫy và cuộc sống sinh hoạt gắn bó mật thiết với thiên nhiên, nên trong văn hóa đồng bào Khơ Mú luôn mang đậm dấu ấn của núi rừng, thể hiện sinh động trong đời sống sinh hoạt, trang phục truyền thống cũng như âm nhạc dân gian và nghệ thuật đan lát.

Nếu ai từng một lần lên các huyện miền núi Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, ghé vào thăm các bản của đồng bào Khơ Mú, sẽ được tắm mình trong không gian diễn xướng của những lễ hội truyền thống…

Pí tơm, nhạc cụ độc đáo của người Khơ Mú.
Pí tơm, nhạc cụ độc đáo của người Khơ Mú.

Người Khơ Mú có rất nhiều làn điệu dân ca vừa trong trẻo vừa khỏe khoắn với lối hát mang đậm tính sử thi, giàu hình ảnh của cây ngàn, khe suối. Đó là những điệu hát “tơm” (tức hát giao duyên) xao xuyến như tiếng chim gù trong mỗi sớm xuân, gọi mưa về cho cây cối nảy lộc đâm chồi, cho mùa màng tươi tốt, cho đôi lứa hẹn hò nên duyên chồng vợ; để được cùng vui chung mảnh nương, vui bếp lửa hồng “Tầm brạ”, như đôi chim cu suốt đời quấn quýt bên nhau. Cùng với làn điệu “tơm” , người Khơ Mú khi đi lên nương, hay xuống chợ... người Khơ Mú hát điệu “Kưn chơ” (tức hát gọi lúc đi đường), âm vang, khỏe khoắn như tiếng vọng đại ngàn.

Góp phần làm nên vẻ đẹp say đắm trong các làn điệu dân ca Khơ Mú chính là những nhạc cụ rất độc đáo. Trong hệ thống nhạc cụ vốn rất phong phú của người Khơ Mú thì có tới 90% được làm ra từ chất liệu tre nứa, với những âm sắc độc đáo vừa thăm thẳm như rừng xanh vừa vui nhộn như chính tâm hồn đôn hậu, thủy chung, chan hòa giữa thiên nhiên và yêu thích nhảy múa, hát ca.

Cây Pí tơm
Cây Pí tơm

Các nhạc cụ mang hồn tre, nứa có thể đệm cho hát “Tơm”, hát “Kưn chơ”, và có thể làm tiết tấu nhạc nền vui nhộn cho các vũ điệu trong những lễ hội mang tính cộng đồng như “Tẹ cạ grang” (tức múa cá lượn), “Tẹ rơ vơớt” (tức múa khăn), “Tẹ muôn pị hâm mệ” (múa mừng xuân mới)... Những loại nhạc cụ độc đáo làm từ tre nứa của người Khơ Mú đến ngày nay vẫn còn xuất hiện nhiều trong đời sống của đồng bào là Ôôm đing, Đao, tót, Pí tơm.

Ôôm đing, nguyên thủy là những ống đựng nước trên nương được làm từ những ống tre, song lại có thang âm vang ấm với chức năng giữ nhịp. Còn Đao ban đầu là dụng cụ đuổi chim khỏi về ăn hạt lúa giống trong mùa tra hạt được làm từ những ống nứa, khi đánh lên có những chuỗi âm kép rung vọng thầm thì như gần như xa. Tót là loại sáo dọc, có 4 hoặc 6 lỗ.

Khi nói đến nét độc đáo nhất và luôn gắn bó với đời sống văn hóa của đồng bào Khơ Mú thì không thể không nhắc đến cây Pí tơm. Đây là loại sáo dọc, gần giống như “Pí” của người Thái, với âm sắc độc đáo như tiếng gió vi vu trườn qua các sườn đồi, lòng thung và có khả năng diễn tả tâm trạng, mô phỏng không gian sống của người Khơ Mú nơi các triền đồi của vùng cao đất Nghệ. Pí tơm là nhạc cụ chính dùng để đệm cho hát “Tơm”, hát “Kưn chơ” và góp âm sắc để dàn nhạc cụ tre nứa thêm phong phú cho những màn hát múa tập thể trong các ngày lễ hội, là tiếng nói thẳm sâu của tâm hồn, tình cảm cùng những mong ước tốt đẹp về cuộc sống, tình yêu của người Khơ Mú, vì thế người quen gọi nó theo cách gọi của người Thái là cây Pí tơm.

Pí tơm được chế tác một cách đơn giản. Người Khơ Mú có thế chế tác ra nhạc cụ độc đáo này ở bất cứ nơi đâu, miễn là chỉ cần có một cây nứa nhỏ có đường kính từ 1-1,5cm. Cây nứa để làm Pí tơm phải đủ tuổi, không quá già. Nghệ nhân đem cắt 7 lóng nứa, mỗi đoạn dài 8cm, chuốt lại rồi luồn vào nhau xếp theo thứ tự to đến nhỏ. Đoạn thứ 3 tính từ gốc, dài chừng 24 cm được khoét 3 lỗ hơi cách nhau 6-7 cm, đoạn ống thứ 7 (phần ngọn) chỉ nhỏ bằng chiếc đũa có cái lưỡi gà. Khác với Pí nhuôn của Thái (có lưỡi gà bằng đồng thau), lưỡi gà của cây Pí Tơm được tạo từ chính thân cây nứa. Nghệ nhân dùng dao sắc tuốt sạch cật cây nứa, sau đó khoét tạo lưỡi gà, độ dài khoảng 1,5 cm, rộng 2mm. Khi thổi, lưỡi gà rung nhẹ để điều tiết khí âm qua các lỗ nhỏ tạo thành những giai điệu mang đậm âm hưởng của đại ngàn.

Từ những cây nứa, qua đôi bàn tay khéo léo và tâm hồn thiết tha yêu đời của người đàn ông Khơ Mú đã làm nên những giai điệu lúc rộn ràng, khi sâu lắng. Bản hòa âm ấy nghe như có tiếng suối reo, tiếng gió đại ngàn, tiếng chim rừng gọi bạn và cả tiếng bước chân ngập ngừng. Đó chính là điệu hồn, là tiếng lòng của người Khơ Mú, một dân tộc còn gặp không ít khó khăn trên bước đường phát triển nhưng tâm hồn luôn tươi vui và tràn ngập niềm tin.

Những nếp nhà sàn được dựng nên từ cây rừng, những bộ khăn, áo xanh thẫm màu rừng, những làn điệu hát dân ca hồn nhiên và trong trẻo cùng các nhạc cụ mang âm hưởng núi ngàn và thân thương. Hồn tre nứa sẽ mãi là niềm tự hào về bản sắc văn hóa độc đáo của người Khơ Mú - những con người đôn hậu, thủy chung luôn biết làm đẹp cho cuộc sống, làm đẹp tâm hồn mình từ những điều tưởng chừng như bình dị song vô cùng quý giá mà ngàn xanh đã ban tặng. Rừng núi thân thương không chỉ đem lại cho người Khơ Mú nguồn sống bao đời, mà còn góp phần quan trọng làm nên dấu ấn văn hóa vô cùng độc đáo của dân tộc này!

Vi Hợi (Tương Dương)

Mới nhất
x
Pí tơm, nhạc cụ độc đáo của người Khơ Mú
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO