Làm giàu từ cây keo

13/10/2014 19:30

(Baonghean) - Bằng đôi tay cần cù và sáng tạo trong lao động, cựu chiến binh Lê Văn Ba, xã Thanh Mỹ (Thanh Chương) đã làm nên cơ nghiệp trên chính mảnh đất quê hương. Giờ đây, ông có một khu rừng hơn 20 ha và 4 vườn ươm keo giống, mỗi năm thu về hàng trăm triệu đồng.

Sau 20 năm làm nhiệm vụ tại nước bạn Lào, đến năm 1989, ông rời quân ngũ trở về địa phương. Lúc đó, cuộc sống của gia đình rơi vào nghèo đói, thiếu thốn đủ bề. Vợ chồng ông chật vật nuôi 6 đứa con. Vì vậy, ông quyết chí làm ăn để vươn lên thoát nghèo. Đầu tiên, ông cải tạo đất để trồng rừng, chăn nuôi trâu, bò. Vợ chồng ông kiên trì cày cuốc, phát cỏ dại trên từng ha đất để dần hình thành nên những cánh rừng keo, bạch đàn, rồi ngút ngàn ngô, sắn xanh mướt. Đến năm 2004, ông đã cải tạo và trồng được 20 ha đất rừng. Nhưng lần lượt các cây đều cằn cỗi, năng suất giảm sút vì nắng nóng, hạn hán. Ngược theo dòng nước, ông trèo lên đỉnh núi rồi ngăn dòng, đắp đập để dẫn nước về rừng keo, bạch đàn. Có nước, cả cánh rừng như hồi sinh trở lại, tốt tươi, trù phú. Không chỉ trồng keo, bạch đàn, ông còn trồng thêm chè công nghiệp, măng điền trúc. “Hồi đó, vợ chồng tui làm quần quật không biết mệt. Sau nhiều năm vất vả, thành quả cũng đến với gia đình khi các cây cho thu hoạch. Mỗi năm gia đình thu về hơn một trăm triệu đồng.

Thế nhưng, giá keo ngày càng giảm, chè thì bệnh liên tiếp, nên kinh tế của gia đình ngày càng kém đi. Năm 2009, nhân chuyến đi tìm mộ cho anh trai trong Bình Định, ông gặp lại bạn chiến đấu ngày xưa. Được bạn giới thiệu về mô hình vườn ươm keo, ông chợt nghĩ, lâu nay, người dân quê mình phải mua keo giống tận ngoài Phú Thọ, Lạng Sơn, giá vừa đắt, chất lượng keo lại không cao. Tại sao mình không mở một vườn ươm keo tại địa phương để cung cấp giống cho bà con. Sau khi bàn với vợ, ông đưa 3 con vào Bình Định để học tập kiến thức ươm keo. Năm 2010, khi về địa phương, ông thuê máy, san ủi mặt bằng, bắt đầu hiện thực ý tưởng. Thế nhưng, năm đầu vườn ươm keo làm đã khiến ông nhận “quả đắng”. “Do chưa có kinh nghiệm, cộng với thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, sâu bệnh, nên chất lượng keo không được cao. Bao nhiêu vốn liếng của gia đình đều tiêu tán hết. Nhưng tôi không nản chí, vì không phải ai cũng thành công ngay từ bước đầu tiên. Tôi khăn gói ra Hà Nội, tìm gặp các chuyên gia trồng trọt để tìm hiểu cụ thể sâu bệnh và cách phòng trừ. Nhờ được chỉ dẫn nhiệt tình, nên sau khi tôi về ứng dụng thì hiệu quả thấy rõ. Hơn 3 năm nay, keo không còn bị nấm bệnh nữa mà phát triển tốt”, ông Ba chia sẻ.

Ông Lê Văn Ba chăm sóc keo giống.
Ông Lê Văn Ba chăm sóc keo giống.

Hiện nay, gia đình ông Ba có 4 vườn ươm keo giống với tổng diện tích 0,5 ha. Mỗi năm, vườn ươm của gia đình cung cấp cho thị trường hơn 60 vạn keo giống. Ông còn được UBND huyện Thanh Chương ký hợp đồng cung cấp giống keo, chè với số lượng 60 vạn cành. Nguồn thu từ trồng rừng, ươm keo giống, chè... mỗi năm gia đình ông Ba thu về khoảng 400 triệu đồng. Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, ông Ba còn tận tình hướng dẫn, giúp đỡ cho nhiều gia đình trong xã cách làm ăn. Nhờ đó, trên địa bàn xã Thanh Mỹ hiện đã có nhiều cơ sở ươm keo giống có chất lượng cao, tránh phụ thuộc vào nguồn keo giống phải nhập từ các tỉnh khác. Hiện 5 người con trai trong gia đình theo cha làm nghề ươm keo giống và tất cả đều có cuộc sống đầy đủ.

Cách làm ăn của ông Ba đang mở ra một hướng đi mới cho vùng đất Thanh Mỹ nói riêng và Thanh Chương nói chung trong việc phát triển kinh tế rừng. Nhờ những thành công của mình và đóng góp cho địa phương, nên nhiều lần ông Ba đã được Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương tặng giấy khen, xứng đáng là người cựu chiến binh tiêu biểu trên mặt trận xóa đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng.

Nguyên Hưng

Mới nhất
x
Làm giàu từ cây keo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO