Chuyển đổi số để đổi mới giáo dục và đào tạo hiệu quả hơn

Mai Hoa (Thực hiện) 15/10/2022 08:56

(Baonghean.vn) - Phóng viên Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với GS.TS Thái Văn Thành - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo về một số vấn đề liên quan Nghị quyết số 03-NQ/TU về "Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030".

P.V: Thưa đồng chí, ngày 19/11/2021, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU về "Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030". Đồng chí có thể cho biết tính cấp thiết của Nghị quyết này?

GS.TS Thái Văn Thành: Điều đầu tiên cần phải khẳng định, lĩnh vực giáo dục - đào tạo luôn được lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm; xem giáo dục là quốc sách hàng đầu, giáo dục trở thành “đặc sản” của Nghệ An.

Mặt khác, trước yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cần tạo đột phá trong đổi mới giáo dục, tạo ra bước khởi sắc, đổi mới khác biệt, tạo động lực thúc đẩy, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; có các cơ chế, chính sách thúc đẩy đột phá nhằm thực hiện Nghị quyết số 29 trong bối cảnh mới. Thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và chủ trương chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay cũng đang làm thay đổi mục tiêu, nội dung, phương thức giáo dục. Nghệ An đã, đang thực hiện Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị, trong đó, yêu cầu đầu tàu, dẫn dắt về giáo dục - đào tạo. Đồng thời, sự phát triển của tỉnh cũng đòi hỏi phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng lực cạnh tranh của tỉnh trong bối cảnh mới.

Nghị quyết số 03-NQ/TU về "Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trên địa bàn tỉnh Nghệ An".

Tỉnh ủy ban hành nghị quyết này cũng hướng tới tạo cơ sở và cơ hội phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; tạo sự bình đẳng trong tiếp cận nền giáo dục hiện đại cho học sinh vùng miền núi, đồng bào dân tộc. Nghệ An là tỉnh có chất lượng giáo dục mũi nhọn đứng tốp đầu cả nước, tuy nhiên, chất lượng toàn diện còn có những hạn chế cần phải khắc phục.

P.V:Xin đồng chí cho biết những vấn đề quan trọng, cốt lõi của Nghị quyết số 03/NQ-TU?

GS.TS Thái Văn Thành: Cốt lõi đầu tiên về các cơ chế, chính sách tạo động lực thúc đẩy đổi mới, sáng tạo trong giáo dục, hình thành các trung tâm khởi nghiệp sáng tạo. Đặc biệt là cơ chế thúc đẩy ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo của học sinh khi đang ngồi trên ghế nhà trường; cơ chế thúc đẩy nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc và miền núi, nhằm rút ngắn khoảng cách giáo dục giữa 3 vùng: miền núi, đồng bằng và thành phố, đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh và mỗi địa phương. Đó là cơ chế, chính sách phát huy tính tự chủ, sáng tạo của các cơ sở giáo dục cũng như đội ngũ giáo viên trong thực hiện Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khoá XIX về giáo dục - đào tạo.

Học sinh học thực hành tại Trường THCS Thanh Mai (Thanh Chương). Ảnh: Mai Hoa

Cùng với cơ chế là chủ trương, định hướng thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số gắn chặt chẽ với cải cách hành chính nhằm phát huy dân chủ, công khai, minh bạch trong các hoạt động giáo dục - đào tạo. Chính chuyển đổi số làm thay đổi phương thức hoạt động của giáo dục - đào tạo, giúp cho các cơ sở giáo dục đổi mới quản trị nhà trường, đổi mới dạy học, đổi mới khâu kiểm tra, đánh giá học sinh theo phẩm chất, năng lực của người học; đảm bảo giám sát được quá trình dạy và học thực chất, hướng tới học thật, thi thật và chất lượng thật; tạo sự kết nối chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng trong việc giáo dục học sinh.

Một vấn đề cốt lõi, trọng tâm nữa là xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý thông qua đào tạo, bồi dưỡng về trình độ lý luận, phẩm chất đạo đức, chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Đề cao trách nhiệm người đứng đầu các cơ sở giáo dục, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong đổi mới quản lý giáo dục, quản trị nhà trường; nêu cao tính gương mẫu của đội ngũ nhà giáo.

Nghị quyết số 03 của Tỉnh ủy cũng đặt ra yêu cầu tăng cường vai trò của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức trong hệ thống chính trị. Trên cơ sở định hướng, chỉ đạo của tỉnh, các cấp ủy, tổ chức Đảng cần ban hành nghị quyết, kế hoạch triển khai chiến lược giáo dục ở địa phương mình để chỉ đạo các cơ sở giáo dục triển khai một cách đồng bộ, đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đoàn thể chính trị - xã hội trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình phối hợp cùng với ngành Giáo dục - Đào tạo triển khai thực hiện hiệu quả nghị quyết tại địa phương.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long và Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Văn Thành thăm một giờ học Tiếng Anh của học sinh người dân tộc thiểu số ở huyện Kỳ Sơn. Ảnh tư liệu: Mỹ Hà

P.V: Đến thời điểm này, đã gần tròn 1 năm triển khai Nghị quyết số 03 của Tỉnh ủy, đồng chí có thể chia sẻ việc đưa nghị quyết vào cuộc sống như thế nào?

GS.TS Thái Văn Thành: Triển khai Nghị quyết số 03 của Tỉnh ủy, trên cơ sở chủ động, tích cực, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt chiến lược phát triển bền vững giáo dục - đào tạo Nghệ An đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; tham mưu UBND tỉnh xây dựng đề án phát triển giáo dục miền núi tỉnh Nghệ An đến 2025, tầm nhìn đến năm 2030; triển khai xây dựng mô hình trường tiểu học, trung học cơ sở nội trú, bán trú kiểu mới; thí điểm trường trung học phổ thông bán trú tại 2 huyện Quế Phong và Kỳ Sơn. Sở tham mưu tỉnh có cơ chế, chính sách tiếp tục tăng cường thực hiện quyết liệt Đề án "Nâng cao chất lượng dạy và học Ngoại ngữ, Tin học", từ đó đẩy nhanh việc nâng cao chất lượng Ngoại ngữ, Tin học cho học sinh phổ thông Nghệ An đạt chuẩn quốc tế.

Để đảm bảo chất lượng giáo dục Nghệ An phát triển toàn diện và bền vững, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch giáo dục thể chất trong các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh. Đảng bộ Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành 2 nghị quyết chuyên đề để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, bao gồm nghị quyết về đảm bảo chất lượng giáo dục phổ thông tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 và nghị quyết về chuyển đổi số trong ngành Giáo dục - Đào tạo đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học trực tuyến tại Trường THCS Bạch Liêu (Yên Thành). Ảnh: Mai Hoa

Song song với việc tham mưu và chủ động ban hành các quyết định, đề án, kế hoạch, thời gian qua Sở cũng triển khai quyết liệt nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Kết quả thi tốt nghiệp năm 2022 vừa qua, Nghệ An đứng thứ 20/63 tỉnh, thành trong cả nước, tăng 14 bậc so với kỳ thi năm 2021.

P.V: Hiện nay, dư luận đặt ra băn khoăn, liệu Nghệ An có còn là “đất học” khi mấy năm gần đây, tỉnh có tỷ lệ lao động xuất khẩu và số lượng thí sinh không đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học cao nhất nước. Đồng chí có suy nghĩ gì về vấn đề này?

GS.TS Thái Văn Thành: Điều cần khẳng định, Nghệ An vẫn là tỉnh có truyền thống hiếu học. Con em Nghệ An luôn có khát vọng cống hiến và vươn lên để thành tài trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và dựa vào sự học để lập thân, lập nghiệp, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của đất nước, của quê hương. Khát vọng học tập ấy vẫn luôn phát huy. Điều này thể hiện ở các cuộc thi quốc gia, quốc tế luôn đứng đầu trong cả nước; phải hiếu học, miệt mài, gian khổ học tập mới đạt được như vậy. Mặt khác, tất cả các cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo trong học sinh, các cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia, “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Giao thông học đường…, học sinh Nghệ An luôn đạt giải, thể hiện sự hiếu học, tìm hiểu, hiểu biết về mọi mặt.

GS.TS Thái Văn Thành - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo.

Hiện nay, hiếu học được bồi đắp, phát triển theo hình thức mới, phù hợp với bối cảnh mới. Không phải học chỉ để vào đại học mà nay con đường lập thân, lập nghiệp của người trẻ được rộng mở; việc học nghề để có tay nghề, thay đổi, cải tiến, ứng dụng công nghệ và tìm tòi, sáng tạo trong lao động, sản xuất, tạo ra của cải, vật chất cho gia đình và xã hội cũng thể hiện sự hiếu học. Vấn đề đặt ra hiện nay đối với giáo dục phổ thông phải tạo nền tảng, chất lượng tốt để người trẻ có thể tham gia vào các lĩnh vực công việc của xã hội đều phát huy tốt trí tuệ và sự sáng tạo, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho xã hội.

P.V: Xin cảm ơn đồng chí!

Mới nhất

x
Chuyển đổi số để đổi mới giáo dục và đào tạo hiệu quả hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO