Xây dựng thương hiệu quốc gia cho gạo Việt: Muộn còn hơn không
Với truyền thống sản xuất lúa nước hàng nghìn năm, lúa gạo không chỉ là lương thực chính mà còn là một biểu tượng văn hóa của Việt Nam, bông lúa, hạt gạo hiện diện trong mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Vì vậy, việc bây giờ mới bắt tay xây dựng thương hiệu quốc gia cho gạo Việt có lẽ là đã muộn, nhưng muộn còn hơn không.
“Hạt vàng” đã nhả vàng?
Theo thống kê, Việt Nam hiện có 4,1 triệu hecta đất trồng lúa, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 53%. Năm 2014, tổng sản lượng lúa đạt 45 triệu tấn, sản lượng xuất khẩu hơn 6,3 triệu tấn, đạt kim ngạch 2,93 tỷ USD. Hiện Việt Nam đứng thứ ba thế giới về xuất khẩu gạo, sau Ấn Độ và Thái Lan.
. |
Ông Võ Thành Đô, Phó cục trưởng Cục Chế biến nông, lâm, thủy sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và PTNT), nhận định, mặc dù đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong giai đoạn vừa qua nhưng ngành lúa gạo Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức như: sản xuất chủ yếu ở quy mô nông hộ , manh mún, nhỏ lẻ (hơn 85% số hộ gia đình có quy mô dưới 0,5ha/hộ). Trong khi đó, hoạt động tổ chức sản xuất quy mô hợp tác xã, tổ nhóm, sản xuất theo hợp đồng còn hạn chế, dẫn đến những khó khăn về quản lý chất lượng, thu nhập của nông dân bấp bênh. Cơ cấu giống lúa đa dạng nhưng thiếu các giống chủ lực, chất lượng cao để hình thành các sản phẩm mũi nhọn, tiếp cận thị trường quốc tế.
Thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đang ở phân khúc trung bình và thấp, gạo xuất khẩu có chất lượng cao chiếm tỷ trọng thấp. Hiện có hơn 200 doanh nghiệp quy mô trung bình và lớn tham gia vào hệ thống thương mại gạo nhưng việc sử dụng thương hiệu trên thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu còn rất hạn chế.
“Trong bối cảnh mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt, ngoài đối thủ truyền thống, Việt Nam còn phải đua với các đối thủ tiềm năng như Campuchia, Myanmar. Áp lực cạnh tranh đối với gạo Việt Nam không chỉ là vấn đề giá, chất lượng mà việc xây dựng thương hiệu, duy trì uy tín, lòng tin của thị trường thế giới là yêu cầu cấp bách và sống còn”, ông Đô nói.
Từ thực tế tham gia vào quá trình xuất khẩu gạo, ông Lê Thanh Khiêm, Phó giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang, cho rằng, chưa có thương hiệu khiến gạo Việt Nam thiệt đơn thiệt kép. Đơn cử như Thái Lan, họ tập trung phát triển một số giống nhất định trong khi Việt Nam vẫn chưa chọn được giống nào có tính ổn định lâu dài, thường giống của chúng ta chỉ sản xuất được trong một thời gian ngắn rồi bị thoái hóa. “Khâu sản xuất giống đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu. Nếu chúng ta muốn xây dựng thương hiệu gạo, có thể chọn một số giống để bảo tồn gen. Ngoài ra, tập quán sản xuất pha trộn nhiều loại gạo với nhau là hạn chế lớn nhất trong vấn đề xây dựng thương hiệu gạo của Việt Nam”, ông Khiêm nêu một thực tế.
Đại diện Tổng công ty Lương thực miền Nam thừa nhận, hoạt động quảng bá, tiếp thị của các đơn vị trong tổng công ty còn rất hạn chế, chưa tạo được mối liên kết ngang giữa các đơn vị để phát triển mạnh sản phẩm gạo bao gói đóng lẻ; chưa quan tâm đúng mức đến chọn lọc loại giống có chất lượng ổn định để tránh trường hợp sản phẩm lưu thông trên thị trường không bao lâu thì phải ngưng lại.
Doanh nghiệp là chủ thể
Chia sẻ kinh nghiệm về quá trình xây dựng thương hiệu của đơn vị, ông Cao Tuấn Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp sạch Tháp Mười (Đồng Tháp), cho biết, doanh nghiệp đang đầu tư sản xuất gạo hữu cơ, hướng đến những thị trường cao cấp, sử dụng giống lúa Jasmine của Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, sản xuất trên cánh đồng mẫu lớn theo phương thức thuê đất của nông dân. Sản phẩm hướng đến thị trường Nam Phi, Madagasca.
Đề án phát triển thương hiệu gạo VN phấn đấu đến năm 2020, hình ảnh gạo Việt Nam được quản bá, giới thiệu rộng rãi trong nước và đến ít nhất 20 thị trường xuất khẩu.
Hiện, Công ty Lương thực Tiền Giang cũng đã xây dựng được 10 thương hiệu gạo riêng cho mình, đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận. Tuy nhiên, đây chỉ là nhãn hiệu của một công ty đơn lẻ, theo ông Khiêm, để rút ngắn việc xây dựng thương hiệu gạo quốc gia, chúng ta nên sử dụng các giống sẵn có của các doanh nghiệp, đồng thời phải phát triển được thị trường. Ngoài xuất khẩu phải quan tâm hơn tới thị trường nội địa bởi thị trường trong nước tiêu thụ tới 30-40% lượng gạo sản xuất ra.
“Trong việc xây dựng thương hiệu, Nhà nước phải đóng vai trò nhạc trưởng, đưa ra chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để doanh nghiệp có thể tìm được thị trường bởi thương hiệu chỉ tồn tại khi có thị trường”, ông Khiêm nói.
Theo ông Võ Thành Đô, phải xác định doanh nghiệp là chủ thể trong xây dựng thương hiệu. Nhà nước cần có chính sách, giải pháp cụ thể để khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp chủ động, tích cực tham gia hiệu quả vào quá trình này.
Ông A.K Gupta, Giám đốc Quỹ Phát triển xuất khẩu Basmati, Cơ quan phát triển xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp và lương thực chế biến (APEDA), Bộ Công Thương Ấn Độ, chia sẻ kinh nghiệm, để người tiêu dùng thế giới biết tới sản phẩm gạo nổi tiếng của Ấn Độ, nước này tiến hành xúc tiến trong khu vực và tại quốc gia với chính sách chung, với các nhà cung cấp đáng tin cậy có chất lượng; ưu tiên xúc tiến thương mại và phát triển gạo đặc sản; xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu. Đến nay, Ấn Độ đã có các nhãn hiệu gạo nổi tiếng như: Navara, Palakakadan Matta, Pokkali, Wayanad Jeeraksala, Wayanad Gandhakasala, Kala Namak, Kaipad. Sản lượng gạo Bastima xuất khẩu của Ấn Độ năm 2013 - 2014 đạt 3,75 triệu tấn, các loại gạo khác là 7,15 triệu tấn; sản lượng năm 2014 - 2015 dự kiến đạt khoảng 3,7 triệu tấn gạo Basmati và 8,23 triệu tấn với các loại gạo khác.
“Ngoài vai trò của cơ quan chức năng, các doanh nghiệp tổ chức sản xuất, kinh doanh có vai trò đặc biệt to lớn trong xây dựng và phát triển thương hiệu gạo”, ông Gupta khẳng định.
Trong khi đó, tại Thái Lan, chuỗi cung ứng từ đồng ruộng đến thị trường được rút ngắn vì nông dân có thể tự tiếp thị sản phẩm qua các hợp tác xã mà không phải qua thương lái. Nhờ đó, nông dân có thể được hưởng lợi 20% hoặc cũng có thể là 100% nếu họ tạo ra được giá trị gia tăng khác nhau cho cùng một sản phẩm.
Không giàu truyền thống như Việt Nam nhưng Ấn Độ đã kịp xây dựng cho mình thương hiệu gạo Bastima, Thái Lan nổi tiếng với giống gạo Jasmine, còn Việt Nam luôn tự hào vì có rất nhiều loại gạo đặc sản nhưng thực tế vẫn chưa được ghi danh trên bản đồ thương hiệu thế giới.
Theo ông Trần Việt Thanh, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, tháng 5/2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án xây dựng thương hiệu quốc gia gạo Việt Nam. Đây là đề án sản xuất quan trọng, mang tính tổng thể, giao cho các bộ ngành cùng phối hợp xây dựng. Bộ Nông nghiệp và PTNT được giao chủ trì, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ ngành khác phối hợp triển khai.
Ông Thanh cho rằng, việc tạo ra thương hiệu đã khó nhưng đảm bảo chuỗi giá trị chất lượng cho thương hiệu đó tồn tại lâu dài, ổn định còn khó hơn. Hiện, Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng những chương trình, dự án nghiên cứu liên quan đến tạo ra những giống lúa chất lượng, những thiết bị máy móc hiện đại, tiên tiến để quá trình sản xuất lúa gạo đồng bộ hơn; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện bộ tiêu chuẩn quy chuẩn Việt Nam cho xuất khẩu lúa gạo.
“Thương hiệu quốc gia là vấn đề không mới nhưng gạo Việt Nam lại là sản phẩm nông sản đầu tiên tiếp cận theo hướng này. Trong thời gian qua, chúng ta tập trung vào việc xây dựng và phát triển tài sản trí tuệ dựa trên lợi thế của sản phẩm đặc sản địa phương, vùng miền, phát huy lợi thế và thế mạnh của nông nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, tiếp cận với những sản phẩm có quy mô sản xuất hàng hóa lớn như lúa gạo thì xây dựng thương hiệu quốc gia là cần thiết để tạo dựng hình ảnh, vị trí và thúc đẩy thương mại sản phẩm trên thị trường quốc tế. Thứ hai, thương hiệu quốc gia có thể trở thành điểm đến, sự hội tụ về chính sách của Nhà nước với cách tiếp cận tổng thể từ sản xuất, chế biến và thương mại, thúc đẩy quá trình áp dụng khoa học - công nghệ toàn diện, là cơ sở cho sự phát triển và sự bền vững cho ngành hàng để chiếm lĩnh và mở rộng thị trường”, ông Thanh nhấn mạnh.
Không giàu truyền thống như Việt Nam nhưng Ấn Độ đã kịp xây dựng cho mình thương hiệu gạo Bastima, Thái Lan nổi tiếng với giống gạo Jasmine, còn Việt Nam luôn tự hào vì có rất nhiều loại gạo đặc sản nhưng thực tế vẫn chưa được ghi danh trên bản đồ thương hiệu thế giới. Vì vậy, bây giờ mới đặt vấn đề xây dựng thương hiệu gạo quốc gia có lẽ là quá muộn, nhưng dẫu vậy đó là việc phải làm ngay trong lúc này, nếu không muốn đánh mất vị trí thứ ba.
Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 21/5/2015, phấn đấu đến năm 2020, hình ảnh gạo Việt Nam được quảng bá, giới thiệu rộng rãi trong nước và đến ít nhất 20 thị trường xuất khẩu; thương hiệu gạo quốc gia được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận tại Việt Nam và ít nhất 50 quốc gia; phấn đấu 20% sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu gạo Việt Nam.
Đến năm 2030, các vùng sản xuất lúa gạo xuất khẩu ổn định, hiệu quả và bền vững, đưa gạo Việt Nam trở thành thương hiệu hàng đầu thế giới về chất lượng, an toàn thực phẩm; phấn đấu 50% sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu gạo Việt Nam, trong đó 30% tổng sản lượng gạo xuất khẩu là nhóm gạo thơm và gạo đặc sản.
Theo Kinhtenongthon