Viết về một người hâm mộ đã khuất

06/04/2016 18:34

(Baonghean.vn) - Giờ thì ông đã trở thành người thiên cổ gần 20 năm nhưng với tôi, ông là cổ động viên trung thành của bóng đá xứ Nghệ nói chung, SLNA nói riêng. Tôi viết bài này, không đơn thuần dự thi mà thay cho nén hương bày tỏ tình cảm của mình dành cho ông, người đàn ông có tình yêu vô bờ bến với sân cỏ.

Dân cư sinh sống ở nhà tầng A3, Quang Trung nhiều người hẳn vẫn còn nhớ đến ông, người đàn ông to, cao với dáng đi hơi vội. Tên đầy đủ của ông là Nguyễn Văn Đàn. Bọn trẻ con chúng tôi thì thường gọi ông bằng cái tên trìu mến: bác Đàn. Ba tôi kể, ông nguyên là thầy giáo dạy Địa lý kiêm thủ thư trường cấp 3 nổi tiếng ở Vinh mang tên chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng. Ba tôi và rất nhiều người từng học ngôi trường này đều dành cho ông sự kính trọng về khả năng uyên bác của người thầy này.

Thời đó, bọn trẻ con khu nhà tầng Quang Trung rất hay chơi bóng ở công viên “Cầu trượt” những cái tên Hữu Thắng (nhà B1), Quang Ngọc (nhà A2), Bắc Sơn (nhà A3)…đã tham gia dự tuyển đội trẻ SLNA. Hầu như chiều nào, ông cũng có mặt ở sân bóng ở mẫu giáo khu A, hoặc sân “cầu trượt” để xem bọn tôi chơi bóng. Kết thúc trận đấu, ông thường có vài lời nhận xét chuyên môn, khi thì cho chúng tôi quả ổi, quả chuối, cái kẹo lạc động viên.

Các chiều chủ nhật, ông thường gọi bọn trẻ nhà A3 xuống phòng 24 của ông bà cùng nghe radio tường thuật bóng đá với các giọng bình luận sôi nổi của các BLV Hoài Sơn, Đình Khải, Trần Kiên, Xuân Bách. Được ăn vài củ lạc, nghe tường thuật bóng đá…nên bọn trẻ chúng tôi thời bấy giờ rất thích đến phòng ông nhất là những trận Thể Công - CAHN, Tổng cục Đường sắt - CAHN.

BLV Việt Khuê- cháu ngoại của thầy
BLV Việt Khuê - cháu ngoại của thầy Nguyễn Văn Đàn.

Những ngày hè, thành Vinh đổ lửa, nắng như ngọn lửa táp vào mặt người. Những trận cầu của sân Vinh lại thường bắt đầu lúc 15 giờ, nên đi xem là một cực hình.

Ngày đó, chưa có lệ sân khách sân nhà nên có khá nhiều đội như CATH, Xây dựng HN, Toa xe Hà Nội, Dệt Nam Định…đã đến Vinh thi đấu. Trận nào ông cũng đi xem, bất luận mưa hay nắng, nếu nắng thì trên đầu che tờ báo, còn mưa thì quàng thêm cái áo mưa gấp vội.

Hành trang đến sân của ông thường là bình tông nước và vài củ khoai, sắn, bắp ngô hoặc đôi khi là nắm lạc luộc. Những trận mà Tỉnh đội Nghệ An (tiền thân của SLNA) thi đấu thì trước đó vài ngày, bác Đàn đã đến từng nhà bọn trẻ chúng tôi thông báo: Chủ nhật này đi xem nhé, hay lắm.

Ngày ấy, khu nhà tôi ở có Phó Chủ tịch UBND TP Vinh Bá Dũng thỉnh thoảng có biếu thầy giáo cũ giấy mời đi xem bóng đá khán đài A. Bác Đàn thường ra sân đổi thành vé, để những đứa trẻ không có tiền thêm cơ hội vào xem. Trước mỗi trận đấu, bác thường lấy giấy vẽ sơ đồ của đội bóng tỉnh nhà và chỉ một cách say sửa: Đây là vị trí Thủy “tru Lào”, đây là vị trí của Hải “vẩu”…

Những chiều, tan trận đấu thấy ông vừa đi vừa hát những bản tình ca bằng tiếng Pháp, không cần hỏi cũng biết ngay Tỉnh đội Nghệ An thắng và ngược lại.

Không chỉ trận đấu trên sân Vinh, các giải nhi đồng ông cũng không bỏ trận nào. Mùa hè là giải thiếu niên, nhi đồng phường rồi thành phố…ông đều đến động viên. Vợ ông là bác Lan, một phụ nữ gốc Huế rất khéo nữ công, gia chánh. Bác làm kẹo vừng giao cho các quán nước quanh khu vực. Thỉnh thoảng, bác Đàn lại cầm một vốc cái kẹo bị lỗi cho bọn trẻ đội bóng A3 chúng tôi, như một sự khích lệ của người ông dành cho các cháu.

Khi đã ngoài 80 tuổi, sức khỏe không còn tốt như trước nữa, vợ không cho đi xem nữa nhưng bác Đàn vẫn lẳng lặng tìm cách trốn ra sân. Bà biết không thể ngăn cản tình yêu sân cỏ của chồng đành nhờ bọn trẻ chúng tôi đi kèm, có gì giúp ông, nhất là lúc sang đường đông đúc.

Trên khán đàn, ông không còn đủ sức đứng bật dậy vỗ tay reo hò trước mỗi pha bóng đẹp của đội bóng ông yêu nhưng ông vẫn nắm chắc hai bày tay giơ lên khẽ lắc lắc đầy hạnh phúc.

Ngày ông mất, tôi không có mặt ở nhà, sau này khi đến thắp hương tưởng nhớ ông, bác Lan gái nghẹn ngào: Trước hai tuần, trước khi ra đi, ông vẫn đòi ra sân xem đá bóng. Không biết có phải tình yêu bóng đá của ông đã truyền sang cho Việt Khuê, đứa cháu ngoại mà ông từng nhiều lần dắt ra sân Vinh xem bóng đá, để rồi anh cũng trở thành bình luận viên bóng đá gạo cuội của Đài Truyền hình Việt Nam hay không?.

Nhưng đối với chúng tôi, những đứa trẻ nhà tầng A3 đã may mắn được đón nhận ngọn lửa đam mê sân cỏ từ ông, một thầy giáo già uyên bác, tốt tính và yêu trẻ.

Phan Hảo - An Thanh

TIN LIÊN QUAN