Mong manh những phận đời nơi còn 'cúng ma' để chữa bệnh

18/04/2016 16:37

(Baonghean.vn) - Chúng tôi đến bản Tủng Hốc, xã Hữu Khuông - một trong những bản xa xôi nhất, khó khăn nhất của huyện Tương Dương vào 1 ngày nắng nóng. Từ bến thượng lưu ở hồ thủy điện bản Vẽ đi thuyền mất 1 tiếng rưỡi rồi chạy xe chừng 30 phút nữa mới đặt chân tới bản nghèo này.

Xã Hữu Khuông là xã đặc biệt khó khăn của huyện Tương Dương bởi đường sá cách trở. Con đường vào tới bản Tủng Hốc lại càng khó khăn hơn, dù không phải đi thuyền như mấy bản khác nhưng đường lại gồ ghề lổm nhổm đá. Ngồi sau xe máy của anh cán bộ xã trẻ vốn đã quen đường rừng núi nhưng chúng tôi cũng không khỏi toát mồ hôi vì những con dốc dựng đứng. Nhiều lần tôi phải nhảy xuống khỏi xe vì đã cài số 1 rồi mà xe vẫn không tài nào vượt dốc được.

Bản Tủng Hốc là nơi cư trú của 84 hộ với 378 nhân khẩu người dân tộc Khơ mú. 100% hộ dân ở đây đều là hộ nghèo và cận nghèo. Nhìn những ngôi nhà sàn tạm bợ, rách nát nằm trên lưng chừng núi chúng tôi không khỏi mủi lòng. Trên đường vào bản, chúng tôi bắt gặp 1 đoàn người đang xúm lại quanh 1 thầy mo làm lễ cúng bái.

Xung quanh thầy mo, 1 bà mẹ trẻ người Khơ Mú đang ôm đứa con mặt đỏ bừng vì nắng nóng. Hỏi ra chúng tôi mới biết, đứa bé này bị ốm đã gần tuần nay không khỏi, gia đình phải nhờ thầy mo cúng để làm vía giải hạn. Chúng tôi thực sự lo cho đứa trẻ kia. Những lời cúng của thầy mo khó đuổi "con ma" cho bé khỏi bệnh?!

Những đứa trẻ ở Tủng Hốc mỗi khi ốm đau gia đình đều nhờ thầy mo về cúng.
Những đứa trẻ ở Tủng Hốc mỗi khi ốm đau gia đình đều nhờ thầy mo về cúng.

Trưởng bản Tủng Hốc, anh Lương Văn Nghệ dẫn chúng tôi tới gia đình Cụt Văn Xuyên có đứa con tật nguyền và bị tâm thần. Anh Xuyên đi vắng nhưng có vợ là chị Moong Thị Xần đang ở nhà. Thấy khách vào, người phụ nữ vứt vội điếu thuốc quấn đang ngậm dở trong miệng ra rót nước mời chúng tôi.

Sàn nhà được lát bằng những tấm nứa đan lại với nhau ọp ẹp khiến ai nấyi không dám bước mạnh chân. Đang mùa nắng nóng, cây lúa trên nương cũng vừa gieo trỉa xong nên cả gia đình chị không có việc gì làm, thỉnh thoảng mọi người vào rừng hái ít măng về lo cho bữa ăn hàng ngày.

Bập bõm tiếng Kinh câu được câu mất chị Xần tâm sự rằng, chị và anh Cụt Văn Xuyên (1982) đến với nhau và sinh ra được 3 đứa con. Đứa con gái lớn Cụt Thị Dương hiện đang học lớp 9 ở Hữu Khuông, đứa thứ 2 Cụt Văn Liễu (2004) bị tật nguyền và tâm thần từ nhỏ tới nay, còn đứa nhỏ nhất Cụt Văn Phượng hiện đang học mẫu giáo. Ngay khi mới sinh ra, Cụt Văn Liễu là 1 đứa trẻ bình thường nhưng sau 1 trận ốm, người nóng ran, gia đình lại không biết cách chữa trị nên toàn thân co giật và bị tật nguyền cho đến nay. Người mẹ trẻ dường như qua những khổ ải mới hiểu được rằng, chừng ấy thời gian chăm con vất vả biết nhường nào và cũng thực sự hối hận vì đã để con mình rơi vào cảnh ấy.

Em Cụt Văn Liễu người lấm lem bùn đất nhưng vẫn giơ tay ra hiệu trước ống kính máy ảnh.
Em Cụt Văn Liễu người lấm lem bùn đất nhưng vẫn giơ tay ra hiệu trước ống kính máy ảnh.

Thực vậy, nhìn Liễu năm nay đã qua 12 tuổi nhưng không khác gì 1 đứa trẻ lên 3. Hàng ngày, mọi người phải thay nhau trông chừng em. Rồi mọi chuyện ăn uống đều phải có người hỗ trợ. Mỗi tháng gia đình được trợ cấp 670 nghìn đồng không đủ chi tiêu cho 7 miệng ăn. Thấy chúng tôi giơ máy ảnh lên, Liễu rướn người giơ 2 ngón tay lên, miệng ú ớ ra hiệu rằng đã sẵn sàng để chụp. Khắp người Liễu đều bốc mùi do lâu ngày chưa được tắm rửa. Anh Lương Văn Nghệ bảo: “Trẻ con ở đây là thế, bố mẹ suốt ngày đi rẫy, lo cho cái ăn đã tốt rồi, có thời gian đâu mà nghĩ đến việc tắm rửa cho con”.

Người bố của Liễu, anh Cụt Văn Xuyên vì thấy hoàn cảnh gia đình quá khó khăn đã xin sang Quỳ Hợp khai thác quặng. Lương tháng làm quặng được hơn 3 triệu đồng, trừ mọi chi phí còn bao nhiêu anh đều gửi về cho gia đình lo việc. Tuy nhiên, khó khăn vẫn chồng chất khó khăn, gia đình vẫn thường xuyên thiếu đói.

Chúng tôi sang nhà kế bên gặp chị Pịt Thị Tiền. 3 mẹ con chị đang cư trú là 1 túp lều mà nứa lá tạm bợ, nó giống như 1 kho chứa lúa của người Khơ Mú. Những cây cột nhà nhỏ bằng bắp chân người lớn, mái tranh lợp bằng nứa qua thời gian đã lụp xụp trống huơ trống hoác.

Cả 3 mẹ con không có nổi 1 chiếc giường để nghỉ. Chúng tôi hỏi rằng, thế những ngày mưa và lạnh thì nằm thế nào? Vốn không nói được tiếng Kinh nên phải nhờ anh trưởng bản phiên dịch lại chúng tôi mới biết được, những ngày ấy, 3 mẹ con vẫn cố ôm nhau nằm trong nhà, vất vả vô cùng. Tài sản đáng giá nhất là mấy tấm chăn đã cũ rích còn tấp đống lại trong góc.

Căn lều nơi 3 mẹ con chị Pịt Thị Tiền sinh sống.
Căn lều nơi 3 mẹ con chị Pịt Thị Tiền sinh sống.

Qua lời trưởng bản Lương Văn Nghệ chúng tôi mới thấu hiểu nỗi đau của gia đình chị Tiền: Chị và anh Moong Văn Hòa đều cùng sinh năm 1976 lấy nhau sinh được 2 người con. Cô con gái đầu là Moong Thị Tuyền (2001) đã lớn phổng phao nhưng vì hoàn cảnh gia đình nên không được học hành gì cả. Đứa con trai thứ 2 Moong Văn Cáng (2004) cũng vì ốm đau nên chân tay quặt quẹo, suốt ngày nằm 1 chỗ.

Khi sinh Cáng ra, anh Hòa, chồng chị không hiểu vì sao dính vào ma túy, bỏ gia đình, vợ con vượt biên sang Lào tìm nguồn vui với cái chết trắng. Khi đang làm thuê ở đất Lào thì Moong Văn Hòa bị bắt vì ma túy. Đến nay đã 8 năm rồi, cả gia đình cũng không có tin tức gì về Hòa. Mọi người bảo nhau rằng, chắc anh đã chết tại Lào.

Em Moong Văn Cáng trong vòng tay mẹ.
Em Moong Văn Cáng trong vòng tay mẹ.

Bây giờ, cả gia đình chị Tiền đều trông chờ vào nguồn trợ cấp hàng tháng của Cáng để sống. Không có người làm, nương rẫy thì năm được năm mất, nhà chẳng nuôi được con gì nên có những tháng cả gia đình chị phải ăn rau cháo qua bữa. Chị Tiền nói rằng, cũng muốn lên rẫy chăm sóc cây lúa, nuôi con gà, con lợn nhưng lại sợ con ở nhà xảy ra chuyện. Chị bảo rằng, hơn 10 năm nay, chưa bao giờ tìm được 1 tiếng cười vui vẻ, nỗi đau này luôn hằn trong lòng chị.

Rời bản Tủng Hốc với những ngôi nhà xập xệ, những đứa trẻ lấm lem bùn đất mà chúng tôi không cầm lòng được. Đâu đó tiếng cúng ma vẫn còn vang vọng. Đến khi nào những người như chị Xần, chị Tiền mới vơi đi những khắc khổ?

Ở vùng này, họ cần lắm sự giúp đỡ cả về vật chất và kiến thức cuộc sống.

Đào Thọ

TIN LIÊN QUAN