Nghệ An nỗ lực giảm nghèo bền vững ở vùng cao

16/03/2016 21:25

(Baonghean) - Nghệ An là một trong những địa phương vừa được Ủy ban Dân tộc của Chính phủ ban hành Quyết định điều chỉnh xã khu vực I, II, III thuộc vùng dân tộc và miền núi, đồng thời phê duyệt danh sách thôn, bản đặc biệt khó khăn hoàn thành mục tiêu Chương trình 135. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Nghệ An có cuộc phỏng vấn đồng chí Lương Thanh Hải - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nghệ An.

P.V: Đồng chí có thể cho biết, điều kiện nào để các xã, thôn bản trên địa bàn tỉnh ta được Ủy ban Dân tộc điều chỉnh diện khu vực cũng như công nhận hoàn thành mục tiêu Chương trình 135?

Đồng chí Lương Thanh Hải: Cùng với nỗ lực từ phía người dân, thời gian qua, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, Nghệ An đã quan tâm đẩy mạnh chương trình, dự án gắn với giảm nghèo bền vững, ưu tiên đầu tư cho khu vực này.

Đặc biệt, trong việc bố trí nguồn lực, ngoài các chính sách chung được thụ hưởng theo quy định, hàng năm, tỉnh ưu tiên vốn thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới để đầu tư phát triển sản xuất và xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu cho các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn. Theo thống kê, trung bình một xã, thôn, bản vùng đặc biệt khó khăn được thụ hưởng trên 20 loại chính sách mỗi năm.

Nghề dệt thổ cẩm góp phần tăng thu nhập cho người dân bản Hoa Tiến 1 (xã Châu Tiến, Quỳ Châu)
Nghề dệt thổ cẩm góp phần tăng thu nhập cho người dân bản Hoa Tiến 1 (xã Châu Tiến, Quỳ Châu)

Các chính sách về giảm nghèo đều được thực hiện theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước nên đã phát huy hiệu quả tích cực, hoàn thành tốt việc xóa hộ đói, giảm hộ nghèo, góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh, tác động trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Ngày 29/2/2016, Ủy ban Dân tộc ban hành Quyết định số 73/QĐ-UBDT điều chỉnh xã khu vực I, II, III thuộc vùng dân tộc và miền núi. Trong đó, tỉnh Nghệ An có xã Thạch Giám, huyện Tương Dương được điều chỉnh từ khu vực III sang xã khu vực II; xã Nghĩa Long, huyện Nghĩa Đàn và xã Nghĩa Xuân, huyện Quỳ Hợp được điều chỉnh từ khu vực II sang xã khu vực I.

Có thể khẳng định, nhờ các chương trình, dự án mà nhiều công trình phúc lợi như điện, đường, trường, trạm, công trình nước sinh hoạt, các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, hỗ trợ nhà ở, nước sinh hoạt được xây dựng mới cho hàng nghìn hộ dân thụ hưởng.

Chỉ tính riêng Chương trình 135 giai đoạn 2011-2015, mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho dự án hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng giai đoạn III mỗi xã 1 tỷ đồng/năm; mỗi thôn, bản đặc biệt khó khăn được hỗ trợ 200 triệu đồng/năm. Mức hỗ trợ cho dự án phát triển sản xuất từ ngân sách nhà nước mỗi xã 300 triệu đồng/năm, 50 triệu đồng/thôn, bản/năm. Chưa kể vốn lồng ghép và huy động từ các dự án, tổ chức, cá nhân…

Cùng với đó, tỉnh có chủ trương và thực hiện chỉ đạo, phân công các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhận giúp đỡ các xã nghèo vùng biên giới xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi phục vụ dân sinh, hỗ trợ phát triển sản xuất. Đơn cử, thực hiện Chương trình “Chung tay vì cộng đồng - Bò giống giúp người nghèo biên giới”, từ tháng 8/2014 đến nay Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh đã phối hợp với Công ty Viettel tổ chức trao tặng 10 đợt với 3.659 con bò giống, trị giá mỗi con 15 triệu đồng cho 3.659 hộ nghèo ở các xã biên giới trên địa bàn tỉnh. Trong đó, huyện Thanh Chương 750 con, Anh Sơn 200 con, Quế Phong 610, Con Cuông 450 con, Tương Dương 430 con, Kỳ Sơn 1.219 con. Với tổng kinh phí 54 tỷ 885 triệu đồng...

Đó là những điều kiện tạo tiền đề, cơ sở để những xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn có động lực vươn lên và đạt các tiêu chí để được Ủy ban Dân tộc đưa vào diện điều chỉnh cũng như hoàn thành mục tiêu Chương trình 135.

Tuy nhiên, cũng cần nói thêm, tiêu chí để xã, thôn, bản ra khỏi Chương trình 135 không chỉ riêng tiêu chí hộ nghèo, mà còn nhiều tiêu chí khác. Trong khi đó thực tiễn cũng cho thấy hệ thống hạ tầng cơ sở, VHXH ở những khu vực thụ hưởng Chương trình 135 còn nhiều khó khăn, bất cập. Đây cũng là một trong những khó khăn trong việc duy trì kết quả đã đạt được trong thời gian qua.

P.V: Theo đồng chí, chuyển biến trong nhận thức và tư duy kinh tế của người dân khu vực miền Tây đang ở mức độ nào, vì thực tế vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại không muốn thoát nghèo của một số hộ dân. Và có hay không chuyện một vài chính quyền cơ sở “bật đèn xanh” cho tư tưởng này?

Đồng chí Lương Thanh Hải: Trên thực tế, không riêng gì ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, mà ở một số địa phương địa bàn miền núi nói chung trong tỉnh đang tồn tại một nghịch lý muốn làm hộ nghèo, “người nghèo không muốn thoát nghèo”. Với không ít hộ, để “được” là hộ nghèo, phải “phấn đấu”, “vào” nhưng không muốn “ra”.

Chính vì nhận thức hạn chế, còn có tư tưởng ỷ lại, trông chờ "thích" nghèo đã biến sự hỗ trợ của các chính sách, chương trình giảm nghèo thành mảnh đất màu mỡ, từ đó phát sinh các chiêu trò “chạy, xin” làm hộ nghèo hay muốn tiếp tục làm hộ nghèo... khiến việc bình xét hộ nghèo ở không ít địa phương trở nên gay gắt và không loại trừ những tiêu cực trong bình xét “vào, ra” khỏi diện nghèo.

Phụ họa với tâm lý người dân, không thể không nói rằng ở một số nơi cán bộ chính quyền địa phương có tâm lý không muốn thoát khỏi danh sách diện đầu tư của Chương trình 135 để địa phương tiếp tục được hưởng các chế độ chính sách...

P.V: Vậy,về lâu dài cần phải làm gì để duy trì được kết quả thoát nghèo bền vững, để các hộ thoát nghèo không “tái nghèo”?

Đồng chí Lương Thanh Hải: Có thể nói kết quả giảm nghèo ở tỉnh ta vẫn chưa bền vững, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh nhưng tái nghèo cũng còn cao, đặc biệt một bộ phận người nghèo không muốn thoát nghèo, không ít những gia đình không thuộc diện hộ nghèo nhưng cũng tình nguyện xin làm hộ nghèo để được hưởng chế độ ưu đãi của Đảng và Nhà nước.

Xã Thạch Giám, huyện Tương Dương - xã 30a đầu tiên cả nước đạt chuẩn nông thôn mới.
Xã Thạch Giám, huyện Tương Dương - xã 30a đầu tiên cả nước đạt chuẩn nông thôn mới.

Giải quyết tình trạng trên, cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể cần quan tâm làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ, nắm chắc chính sách của Nhà nước, khơi dậy ý chí vươn lên, quyết tâm thoát nghèo, làm cho hộ nghèo có niềm tin sẽ thoát nghèo để đẩy lùi tư tưởng trông chờ, ỷ lại, phó mặc đã ít nhiều ăn sâu trong nhận thức.

Tại Quyết định số 74, Ủy ban Dân tộc cũng đã phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 năm 2015. Theo đó, Nghệ An có 25 thôn được đưa ra khỏi danh sách đặc biệt khó khăn, gồm: Hữu Văn (xã Châu Kim); Phong Quang, Na Cống (xã Quế Sơn); Na Cày (xã Tiền Phong) thuộc huyện Quế Phong. Xốp Nhị (xã Hữu Lập, Kỳ Sơn). Bản Cây Me, bản Phòng, bản Mác (xã Thạch Giám, Tương Dương). Bản Hoa Tiến 1, Hoa Tiến 2 (xã Châu Tiến, Quỳ Châu). Thôn Minh Tiến, Minh Quang (xã Minh Hợp); Xóm Đột Tân, Xóm Vả, xóm Mo, xóm Mó (xã Nghĩa Xuân) thuộc huyện Quỳ Hợp. Thôn Nam Thái, Nam Hòa, Nam Sơn, Nam Khế (xã Nghĩa Long); Thôn 5 (xã Nghĩa Trung); Thôn Đập Danh (xã Nghĩa Lộc) thuộc huyện Nghĩa Đàn. Thôn Liên Hồng (xã Thanh Liên), thôn 13 (xã Thanh Hà), thôn 2 (xã Thanh Mỹ) huyện Thanh Chương.

Để làm được việc này, cần tập trung đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: tuyên truyền trực tiếp thông qua các hội nghị ở cấp xã, thôn bản, từng hộ gia đình… Theo đó, chú trọng đến công tác đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo thông qua việc thực hiện dự án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác giảm nghèo với nguồn kinh phí hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo.

Đồng thời hướng dẫn người dân phương pháp, kỹ thuật để phát triển kinh tế; động viên, khuyến khích, biểu dương hộ nghèo sử dụng vốn hiệu quả, sớm thoát nghèo; động viên kịp thời những hộ làm ăn gặp rủi ro, huy động sự quan tâm của cộng đồng, xã hội giúp đỡ, hỗ trợ. Triển khai nghiêm túc việc bình xét hộ nghèo từ khu dân cư, công khai, dân chủ trong bình xét; cương quyết loại trừ kiểu “gửi” anh em, họ hàng thân thích hoặc thay nhau “vào” hộ nghèo do nể nang…

Cùng với những cách làm trên, thiết nghĩ mục tiêu giảm nghèo bền vững và chính sách cần đi đôi với nhau. Đối với những hộ gia đình nói riêng, các thôn bản, xã nói chung mới thoát nghèo Chính phủ cần bảo lưu các chính sách cơ bản về vốn, tập huấn kỹ thuật sản xuất, y tế, giáo dục,… từ 2-3 năm. Điều này vừa là cơ sở để cho hộ nghèo có cơ hội thoát nghèo bền vững, cũng như không làm nảy sinh tâm lý không muốn thoát nghèo.

P.V: Xin cảm ơn đồng chí!

Đặng Cường (thực hiện)

TIN LIÊN QUAN