5 năm thực hiện NQ30a-Bài cuối: Đề cao tính chủ động và tính thực tiễn

(Baonghean) - Từ thực tế 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 30a ở Nghệ An, cho thấy để có thể định hướng tốt trong chặng đường sắp tới, thì việc cầu thị, học tập kinh nghiệm thực hiện Nghị quyết 30a ở các địa phương khác trong cả nước là có ý nghĩa quan trọng. Trong số 20 tỉnh có các huyện thuộc Chương trình 30a ở nước ta, tỉnh Hà Giang có khá nhiều điểm tương đồng về địa hình và thành phần dân cư so với miền Tây Nghệ An; và thực tiễn thực hiện Nghị quyết 30a nói riêng và phát triển KT - XH nói chung ở tỉnh bạn đã có những bài học kinh nghiệm quý để có thể đem lại cái nhìn mới mẻ, bổ sung và hoàn thiện cho định hướng cụ thể của Nghệ An. 
Bài học hay từ Hà Giang
Nằm ở cực Bắc của Việt Nam, tỉnh Hà Giang có địa hình khá phức tạp, có thể chia thành 3 vùng: vùng núi đá cao phía Bắc, vùng thấp trung tâm kéo xuống hướng Đông Nam và vùng núi đất cao phía Tây. Nhắc đến Hà Giang là nhắc đến những sản phẩm vật thể và phi vật thể đã thành thương hiệu trên cả nước, thậm chí vươn tầm ra khu vực và quốc tế như chè Shan tuyết, đậu tương, cao nguyên đá thuộc mạng lưới công viên địa chất toàn cầu, du lịch cộng đồng,... Trong những thành quả trên, đều có dấu ấn của Nghị quyết 30a. Trong số 6 huyện thuộc Chương trình 30a của Hà Giang, đặc biệt có 2 huyện Hoàng Su Phì và Xín Mần ở phía Tây có đặc điểm tự nhiên tương đối gần với các huyện 30a của Nghệ An. 
Tác giả (giữa) trao đổi với người dân huyện 30a Xín Mần (Hà Giang). Ảnh: Đào Tuấn
Tác giả (giữa) trao đổi với người dân huyện 30a Xín Mần (Hà Giang). Ảnh: Đào Tuấn
Tìm hiểu về thực hiện Nghị quyết 30a tại Hà Giang, có thể nhận thấy hai điểm nổi bật: sự hiện diện của các doanh nghiệp và một đội ngũ cán bộ địa phương năng động, tự chủ. Tại huyện Xín Mần - được đánh giá là huyện điểm trong thực hiện Nghị quyết 30a, nhân tố đóng vai trò "đầu tàu" là Công ty Cổ phần phát triển Xín Mần. Đây là mô hình doanh nghiệp công ích đầu tiên trên cả nước do doanh nghiệp đứng ra thành lập từ sự góp vốn của Công ty Cổ phần Him Lam và Ngân hàng Bưu điện Liên Việt. Các hoạt động đầu tư sản xuất của công ty tập trung vào 3 mục tiêu chính: Đào tạo nhân lực hỗ trợ phát triển y tế, giáo dục; hỗ trợ phát triển kinh tế, trồng ngô, trồng rừng; hỗ trợ xây dựng hạ tầng kết nối giao thông.
Điểm làm nên nét riêng của doanh nghiệp này trong công cuộc thoát nghèo tại địa phương là định hướng xây dựng, cải thiện nền tảng cơ sở vật chất - con người một cách đồng bộ, đặt lợi ích của người dân lên trên hết. Những công trình, dự án tác động rõ ràng nhất đến đời sống kinh tế - xã hội do công ty đứng ra làm chủ đầu tư là dây chuyền sản xuất gạch không nung; dự án trồng rừng sản xuất và xây dựng nhà máy sơ chế gỗ; đầu tư vốn trồng và đảm nhận bao tiêu sản phẩm ngô lai; xây dựng cầu Na Lan và đường dẫn vào cầu; xây dựng 2 trường đạt chuẩn quốc gia (mầm non và THCS);...
Có thể thấy doanh nghiệp này không đặt phát triển kinh tế làm mục tiêu ưu tiên hàng đầu, hay ít ra là không tập trung đầu tư toàn lực vào các mô hình sản xuất mà chú trọng phát triển, đào tạo con người. Đây là một quan điểm rất mới và cũng rất nhân văn, bởi mục tiêu hướng đến không phải là tạo mối liên kết ràng buộc, phụ thuộc mà từng bước nâng cao nhận thức, trình độ và tư duy của người dân, đồng thời xây dựng nền tảng cơ sở hạ tầng cơ bản để trong tương lai, người dân bản địa có thể tự chủ, tự lập thoát nghèo, làm giàu ngay trên chính quê hương mình. 
Cũng đóng vai trò kích cầu, tạo bước đệm cho người dân thay đổi tư duy sản xuất, làm kinh tế theo lối truyền thống là Công ty Cổ phần thương mại phát triển nông - lâm nghiệp Bình Minh 3, đóng trên địa bàn xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ. Là công ty con của Công ty Cổ phần thương mại công nghệ Bình Minh (Hà Nội) - chuyên về thi công, chăm sóc, duy tu cây xanh, công ty bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 8/2012 với lĩnh vực đầu tư phát triển chủ lực là trồng cây dược liệu. Sau khi khảo sát mẫu đất và làm việc với lãnh đạo, nhân dân địa phương, đã đi đến thỏa thuận triển khai dự án theo 3 hướng: thuê đất của dân và tuyển dụng người dân vào làm việc; phát triển các hợp tác xã vệ tinh; ký hợp đồng liên kết với hộ dân. Đến nay, đã thuê của gần 200 hộ dân 64ha làm vùng nguyên liệu, tuyển dụng trên 120 lao động chính thức và có thể ký hợp đồng theo thời vụ với khoảng 50 - 100 lao động bổ sung.
Sau thời gian trồng thử nghiệm, đến nay đã xác định được 3 loại cây phù hợp sinh trưởng tại địa phương là đương quy, tục đoạn, lão quan thảo để đưa vào trồng trên diện rộng. Ngoài ra tiếp tục nghiên cứu các chủng loại cây khác, đơn cử như chè giảo cổ lam - đã thử nghiệm thành công và được chứng nhận sản phẩm an toàn thực phẩm. Với quy trình canh tác theo tiêu chuẩn GACP, dự án không chỉ tạo việc làm ổn định cho người dân, mà còn tạo điều kiện cho bà con tiếp cận với khoa học kỹ thuật và tác phong làm việc trên dây chuyền sản xuất công nghiệp. Từ "trung tâm" của dự án là huyện Quản Bạ, tháng 6/2013, công ty tiếp tục mở rộng vùng nguyên liệu tại Xín Mần (50ha, ngoài ra còn có 300ha dưới tán rừng); từ tháng 2/2014, triển khai thêm 7ha tại Hoàng Su Phì. 
Vậy đâu là vai trò của Chương trình 30a trong các dự án kể trên? Rõ ràng đây không phải là những dự án lấy vốn 30a làm nguồn lực chính và cũng có thể khẳng định, nguồn vốn 30a phân bổ cho địa phương không thể đủ để triển khai những dự án có quy mô như thế này. Đổi lại, đó sẽ là một nguồn lực bổ sung, hỗ trợ doanh nghiệp dưới hình thức vốn đối ứng (như với trường hợp của Công ty Cổ phần phát triển Xín Mần) hay hỗ trợ các hộ dân tự triển khai trồng nguyên liệu cung cấp cho doanh nghiệp (như trường hợp của dự án trồng cây dược liệu tại Quản Bạ). Có nghĩa là đã có sự lồng ghép giữa nguồn lực Nhà nước và nguồn lực tư nhân trong thực hiện nhiệm vụ xóa đói, giảm nghèo. 
Trên đây là trường hợp có sự hiện diện của các doanh nghiệp tư nhân, còn tại những địa bàn khác, sự năng động và mạnh dạn của đội ngũ cán bộ cấp cơ sở cho phép phát huy tối đa, sử dụng hiệu quả nguồn hỗ trợ của Nhà nước, đủ để tạo chuyển biến tích cực trong đời sống kinh tế - xã hội. Đơn cử như mô hình hợp tác xã chè shan tuyết ở huyện Hoàng Su Phì. Cây chè là cây bản địa lâu năm và là cây trồng chủ lực trong cơ cấu nông nghiệp của huyện. Tuy nhiên, cho đến trước năm 2003, giá trị thương phẩm của cây chè chưa cao, chưa xây dựng được thương hiệu sản phẩm trên thị trường. Từ năm 2003 đến năm 2007, trên địa bàn toàn huyện có 5 hợp tác xã chè được thành lập và do huyện quản lý, tạo bước đột phá, nâng tầm cây chè trở thành giải pháp thoát nghèo cho người dân.
Với hỗ trợ từ nguồn vốn 30a đối với hộ trồng mới (2 triệu đồng/ha) và hộ trồng dặm trong trường hợp bị thiên tai, rủi ro thời tiết (1 triệu đồng/ha), hết năm 2014 diện tích trồng mới đạt 150 ha (năm 2011, 2012, 2013 lần lượt trồng mới 113, 155, 100 ha). Dự kiến năm 2015 sẽ đạt quy hoạch vùng trồng chè tối đa với diện tích là 4.600 ha, cho thu hoạch 12.100 tấn chè búp tươi/năm (2.400 tấn chè khô/năm). Ngoài ra, các cơ sở chế biến (hiện toàn huyện có hơn 300 cơ sở) có nhu cầu vay vốn sẽ được hưởng mức lãi suất ưu đãi. Như vậy, nhu cầu hỗ trợ trực tiếp cho mô hình sản xuất kinh tế là không lớn, nên các nguồn hỗ trợ theo Chương trình 30a (và các chương trình khác) sẽ được phân bổ cho các hạng mục khác, phục vụ cho sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chè. 
Một trong những đơn vị sản xuất kinh doanh chè phát triển mạnh nhất hiện nay là hợp tác xã chè Phìn Hồ, xã Thông Nguyên do đồng chí Lý Chòi Nhàn - Phó phòng Nông nghiệp huyện lên ý tưởng và nguyên là Chủ nhiệm hợp tác xã. Thành lập năm 2008 với 20 xã viên, trong đó có 5 hộ thuộc diện hộ nghèo, đến nay Hợp tác xã chè Phìn Hồ đã có 45 xã viên, 5 hộ nghèo đã thoát nghèo sau 2 năm tham gia hợp tác xã, thu nhập bình quân 40 - 50 triệu đồng/xã viên/năm. Với nguồn vốn vay theo diện hưởng ưu đãi lãi suất và nguồn vốn 30a hỗ trợ cho khâu vận chuyển trong bao tiêu, hỗ trợ quảng bá thương mại, bắt đầu từ năm 2010 đã xây dựng được thương hiệu “Fìn Hò trà” có chỗ đứng tại thị trường miền Bắc. Những thành quả nói trên không tự nhiên mà có, đó là kết quả của quá trình nỗ lực sáng tạo và tâm huyết của người cán bộ - người con của vùng chè. Bởi, để nâng tầm chè shan tuyết thành mặt hàng thương phẩm đặc trưng cho địa phương, có hiệu quả kinh tế cao, cần một lộ trình phát triển bài bản, tỉ mỉ đến từng chi tiết, công đoạn nhỏ. Đó là một lối tư duy làm kinh tế hết sức năng động, nhanh nhạy mà mọi người cán bộ cần có để phát huy tối đa hiệu quả của các chương trình hỗ trợ giảm nghèo. 
Về đội ngũ cán bộ, việc trẻ hoá các cương vị chủ chốt, nhất là ở cơ sở được tỉnh Hà Giang chú trọng. Đương nhiên, bên cạnh đó yếu tố quan trọng là năng lực quản lý, kiến thức chuyên môn và tâm huyết, trách nhiệm. Phát hiện, đào tạo bồi dưỡng hiệu quả là một phần, điều ghi nhận là đội ngũ cán bộ trẻ con em đồng bào các dân tộc ở đây rất tự giác trong tự học tập, rèn luyện để chính họ “ghi điểm” để được tín nhiệm giao nhiệm vụ, chức trách. Sức trẻ đã lan toả tốt trong tạo sự vận hành tập trung, năng động cho mục tiêu chung từ trên xuống dưới của bộ máy để sáng tạo ra những mô hình hay, cách làm hay, ví như thành lập các tổ dân liên kết sản xuất, chăn nuôi… thoát nghèo hướng mục tiêu bền vững ở tận các thôn, bản của huyện Xín Mần với việc định ra các chức năng, nhiệm vụ cụ thể đã phát huy hiệu quả rất tốt…
Tóm lại, thành công trong thực hiện Nghị quyết 30a tại Hà Giang có một phần lớn vai trò của yếu tố con người. Đó là những người đóng vai trò định hướng, tạo nền móng và kích cầu sản xuất theo lối công nghiệp hóa, thương mại hóa. Không đi tìm những giải pháp quá mới lạ và xa xôi, ở tỉnh bạn đã biết tập hợp, phát huy và bồi dưỡng nguồn lực vốn có về thiên nhiên và về con người, từ đó mở ra con đường thoát nghèo bền vững. Một cách làm 30a nói riêng và thực hiện nhiệm vụ xóa đói, giảm nghèo nói chung rất gần gũi với thực tiễn và cũng rất hiệu quả mà tỉnh Nghệ An có thể tham khảo để thực hiện tốt mục tiêu thoát nghèo.
Những bất cập
Sơ kết chặng đường 5 năm thực hiện Nghị quyết 30a, cuối tháng 9, đầu tháng 10/2014, đoàn công tác Trung ương do lãnh đạo Bộ Tài chính làm trưởng đoàn đã làm việc với lãnh đạo tỉnh và thường trực các huyện 30a tại Nghệ An. Không chỉ đánh giá hiệu quả thực hiện Nghị quyết, đây còn là dịp để "định vị" Nghệ An trên con đường thoát nghèo nhanh và bền vững bên cạnh 62 huyện 30a trên toàn quốc, trao đổi và học tập kinh nghiệm của tỉnh bạn. Đồng thời, phản ánh những bất cập nảy sinh trong quá trình đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống; đưa ra kiến nghị, đề xuất điều chỉnh, bổ sung để Nghị quyết 30a phù hợp hơn với tình hình thực tế tại địa phương, chuẩn bị cho chặng đường sắp tới.
Có 3 vấn đề chính mà Nghệ An phản ánh với đoàn công tác Trung ương gồm: thứ nhất, có nhiều chính sách hướng tới mục tiêu thoát nghèo dẫn tới chồng chéo, khiến địa phương gặp khó khăn trong triển khai vào thực tiễn. Hiện nay, hệ thống chính sách dân tộc có tổng cộng hơn 100 chính sách, được thể chế qua 171 văn bản quy phạm pháp luật, tại 36 nghị định và nghị quyết của Chính phủ, 135 quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Tình trạng trùng lặp và chồng chéo thể hiện ở hai khía cạnh: cơ chế và quản lý. Ví dụ, Nghị quyết 30a và Quyết định 135 có nhiều điểm tương đồng nhưng đối tượng áp dụng Nghị quyết 30a là cấp huyện, còn đối tượng của Quyết định 135 là cấp xã.
Cụ thể, Quế Phong có 10/14 xã; Tương Dương có 18/18 xã và Kỳ Sơn có 20/21 xã thuộc Chương trình 135. Có nghĩa là có sự trùng lặp đáng kể trong đối tượng được hưởng các cơ chế, chính sách hỗ trợ của hai chương trình. Tuy khá tương đồng về kết cấu, nhưng mức hỗ trợ quy định cụ thể có sự khác biệt, gây khó khăn cho địa phương trong điều phối, phân bổ nguồn hỗ trợ. Sự chồng chéo còn thể hiện trong công tác quản lý chính sách: trong số hơn 100 chính sách thoát nghèo, có 9 chính sách do Ủy ban Dân tộc quản lý; số còn lại do các bộ, ngành quản lý. Sự tách biệt trong cơ chế thực hiện, thanh, quyết toán khiến việc lồng ghép các chương trình còn hạn chế, thực hiện không đồng bộ và không phát huy triệt để nguồn kinh phí hỗ trợ. 
Phóng viên Báo Nghệ An trao đổi với người dân trồng chè Shan tuyết ở huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang). Ảnh: Đào Tuấn
Phóng viên Báo Nghệ An trao đổi với người dân trồng chè Shan tuyết ở huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang). Ảnh: Đào Tuấn
Bất cập thứ hai là một số định mức và hình thức hỗ trợ chưa thực sự bám sát tình hình thực tế. Khung định mức hỗ trợ được cố định với 62 huyện thuộc chương trình, trong khi giá cả các mặt hàng trên thị trường có sự biến động, hoặc có sự chênh lệch giữa các địa bàn khác nhau. Đây cũng là phản ánh của nhiều địa phương, đã được Trung ương ghi nhận và xem xét, ban hành Quyết định số 2621/QĐ-TTg ngày 31/12/2013 về sửa đổi, bổ sung một số mức hỗ trợ phát triển sản xuất quy định tại Nghị quyết 30a. Kiến nghị của địa phương lên Trung ương là tiếp tục tăng cường rà soát, đánh giá, cập nhật tình hình thực hiện Nghị quyết 30a để kịp thời phát hiện, giải quyết những bất cập nảy sinh. 
Cuối cùng, một số mục tiêu mà Nghị quyết 30a đề ra chưa thực sự bám sát thực tế, khó có thể đạt được khi kết thúc lộ trình. Trong đó phải kể đến chỉ tiêu về giảm tỷ lệ hộ nghèo - mục tiêu, nhiệm vụ chính của Nghị quyết 30a: với tỷ lệ hộ nghèo xuất phát điểm cao, chỉ tiêu tỷ lệ thoát nghèo 4%/năm không tương xứng với khoảng cách mà các huyện phải rút ngắn để bắt kịp với tỉnh và khu vực. 
Hướng đi 
Nhìn lại chặng đường đã qua để thấy, vẫn còn nhiều bất cập góp phần dẫn đến việc thực hiện các mục tiêu mà Nghị quyết 30a đề ra tại Nghệ An chưa đạt hiệu quả tối ưu như mong đợi. "Biên độ lệch" giữa chủ trương, lý thuyết với thực tiễn có thể xuất phát từ hai điểm: một là, tính bao quát của chủ trương chung đôi khi không chạm được đến tình hình, đặc điểm riêng của từng địa phương; hai là, cách nhìn nhận, triển khai tại cấp cơ sở chưa hoàn toàn đúng với tinh thần Nghị quyết. Nhắc lại mục tiêu Nghị quyết 30a: giảm nghèo nhanh và bền vững. Để giảm nghèo bền vững, phải coi trọng và nâng cao tính chủ động của người dân. Khi đã "khởi động" được ý thức tự giác, tự lực vươn lên thoát nghèo, các hình thức hỗ trợ của chương trình sẽ đóng vai trò kích cầu, xúc tác, đồng hành giúp người dân giảm nghèo nhanh hơn. 
Trên tinh thần đó, sẽ cần có những điều chỉnh, hoàn thiện trong tư duy và cách thực hiện để có thể tiến xa hơn và nhanh hơn trên chặng đường sắp tới. Cụ thể, giai đoạn 2015 - 2020 thực hiện Nghị quyết 30a không nên dành cho việc thử nghiệm, thí điểm các mô hình, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội nữa mà phải xác định tập trung đầu tư vào các lĩnh vực và sản phẩm mũi nhọn. Tại Quế Phong, nơi đã bước đầu hình thành những tiểu vùng nguyên liệu như chanh leo, dược liệu, mây lùng... nên chăng bước đi sắp tới cần gắn kết nông nghiệp với công nghiệp chế biến, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất các sản phẩm tinh hơn.
Huyện Tương Dương với các mô hình vừa và nhỏ thiên về mặt hàng nông sản phục vụ nhu cầu thiết yếu hàng ngày, nên quy hoạch thành các nhóm, vùng chuyên canh; hình thành các hợp tác xã, xây dựng thương hiệu của địa phương. Còn Kỳ Sơn, có điều kiện thông thương qua Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn nên chú trọng hơn nữa đến cơ sở hạ tầng giao thông; định hướng sản xuất gắn với phục vụ phát triển thương mại và du lịch. Những hướng đi này cũng có tính nhất quán với lộ trình chung phát triển kinh tế tỉnh Nghệ An trong dự thảo luận cứ khoa học do Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam trình bày và nhận được sự đồng tình cao của lãnh đạo tỉnh trong cuộc tọa đàm diễn ra ngày 23/12/2014 tại Thành phố Vinh. 
Trong chủ trương chỉ đạo chung về công tác giảm nghèo và kết luận tại cuộc tọa đàm về phát triển đột phá kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An giai đoạn 2015 - 2020, tầm nhìn 2030, đồng chí Hồ Đức Phớc, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Vùng miền Tây Nghệ An nói chung và 3 huyện thuộc Chương trình 30a nói riêng là những địa bàn cần tiếp tục được quan tâm đặc biệt trong thực hiện chính sách người nghèo. Để những chủ trương, chính sách giảm nghèo như Nghị quyết 30a có hiệu quả rõ rệt và bền vững, cần xác định và tập trung nguồn lực cho các vùng, các ngành, các đối tượng trọng điểm cũng như có sự liên kết, lồng ghép giữa các chủ trương, chính sách và các cấp, ngành. Quan trọng nhất là phải đề cao tính chủ động và thực tiễn trong tư duy và hành động của mọi thành phần trong chuỗi liên kết 4 nhà: nhà nước - nhà nông - nhà khoa học - nhà đầu tư.
Thục Anh 

tin mới

Hoàn thành cao nhất kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, tạo đà thắng lợi cho cả giai đoạn 2021 - 2025 (*)

Hoàn thành cao nhất kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, tạo đà thắng lợi cho cả giai đoạn 2021 - 2025 (*)

(Baonghean.vn) - Báo Nghệ An trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh bế mạc Kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh khóa XVIII sáng 22/4.

9 thí sinh lọt vào vòng thi chung kết Bí thư chi bộ giỏi năm 2024 của Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh Nghệ An

9 thí sinh lọt vào vòng thi chung kết Bí thư chi bộ giỏi năm 2024 của Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh Nghệ An

(Baonghean.vn) - Sau vòng sơ khảo, với 2 phần thi Tự giới thiệu và Thi xử lý tình huống của 47 thí sinh thuộc 32 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc Đảng bộ Khối Các cơ quan tỉnh, Ban Tổ chức lựa chọn 9 thí sinh tiếp tục vào vòng chung kết Hội thi Bí thư chi bộ giỏi.

Danh mục vị trí việc làm công chức trong cơ quan Đảng và tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương đến cấp huyện

Danh mục vị trí việc làm công chức trong cơ quan Đảng và tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương đến cấp huyện

(Baonghean.vn) - Để tăng cường công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị theo Quy định số 70-QĐ/TW của Bộ Chính trị, Ban Tổ chức Trung ương đã ban hành Quyết định số 2555-QĐ/TW về danh mục vị trí việc làm của các ban Đảng, tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương đến cấp huyện.

Công trình tượng đài V.I.Lê-nin tại TP. Vinh: Thêm sắt son tình hữu nghị truyền thống

Công trình tượng đài V.I.Lê-nin tại TP. Vinh: Thêm sắt son tình hữu nghị truyền thống

(Baonghean.vn) - Việc chính quyền tỉnh U-li-a-nốp tặng tỉnh Nghệ An bức tượng của V.I. Lê-nin chính là nhằm góp phần thắt chặt mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai tỉnh, củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống, đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước Việt Nam và Liên bang Nga.

Nghệ An phấn đấu hoàn thành Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã trong tháng 6/2024

Nghệ An phấn đấu hoàn thành Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã trong tháng 6/2024

(Baonghean.vn) - Theo kế hoạch của Trung ương, đến trước ngày 31/10/2024, các tỉnh, thành phố phải gửi phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã đến Bộ Nội vụ. Hiện các cấp, ngành trong tỉnh đang tập trung chỉ đạo thực hiện, đảm bảo đúng tiến độ và yêu cầu đề ra

Lãnh đạo huyện Quỳnh Lưu nói gì về việc đặt tên xã sau sáp nhập?

Lãnh đạo huyện Quỳnh Lưu nói gì về việc đặt tên xã sau sáp nhập?

(Baonghean.vn) - Trước vấn đề dư luận đang rất quan tâm việc đặt tên xã sau sáp nhập ở huyện Quỳnh Lưu, Báo Nghệ An đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Dinh - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu, Phó trưởng Ban chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã huyện Quỳnh Lưu về nội dung liên quan.

Nghệ An bổ nhiệm 4 phó giám đốc sở

Nghệ An bổ nhiệm 4 phó giám đốc sở

(Baonghean.vn) - Sáng 10/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức lễ công bố các quyết định bổ nhiệm cán bộ. Theo đó, 4 đồng chí được bổ nhiệm giữ cương vị Phó Giám đốc các sở: Lao động, Thương binh & Xã hội; Văn hoá & Thể thao; Tài nguyên & Môi trường; Du lịch.

Chuyển đổi số, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở thị xã Thái Hòa

Chuyển đổi số, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở thị xã Thái Hòa

(Baonghean.vn) - Phần lớn các thông tin về thủ tục hành chính được mã hoá QR và công khai tại bộ phận Một cửa các cấp trên địa bàn thị xã Thái Hòa. Kết quả đó góp phần giải quyết nhanh các thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Nghệ An thực hiện nghiêm kết luận kiểm tra, giám sát, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của Kiểm toán nhà nước

Nghệ An thực hiện nghiêm kết luận kiểm tra, giám sát, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của Kiểm toán nhà nước

(Baonghean.vn) - Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An vừa ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc thực hiện kết luận kiểm tra, giám sát, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của Kiểm toán nhà nước.

 Học tập và làm theo Bác, huyện Anh Sơn đề cao tính nêu gương của cán bộ, đảng viên

Học tập và làm theo Bác, huyện Anh Sơn đề cao tính nêu gương của cán bộ, đảng viên

(Baonghean.vn) - Triển khai thực hiện Kết luận số 01 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các cấp ủy Đảng ở huyện Anh Sơn tiếp tục quán triệt tinh thần nêu gương của cán bộ, đảng viên trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.