''Sức công phá'' khôn lường của Hồ sơ Panama

06/04/2016 08:50

(Baonghean) - Ngay sau khi được báo chí quốc tế đồng loạt công bố, tài liệu Panama đã lập tức tạo ra một cơn chấn động - trong cả giới truyền thông cũng như trên chính trường các nước.

Những cái tên đã lộ ra có 140 chính trị gia, trong đó có 12 nhà lãnh đạo và cựu lãnh đạo trên toàn cầu, nhưng không ai chắc chắn danh sách này không thay đổi trong thời gian tới. Dù vẫn chưa có kết luận điều tra chính thức nào, song chính trường một số nước đã đón nhận những cơn chao đảo đầu tiên.

Cơn chấn động mang tên Hồ sơ Panama. Ảnh: BBC.
Cơn chấn động mang tên Hồ sơ Panama đang lan nhanh trong làng truyền thông thế giới. Ảnh: BBC.

“Đè bẹp” Wikileaks và Edward Snowden

Với khoảng 11,5 triệu tài liệu được lấy từ hệ thống nội bộ của Công ty Luật Mossack Fonseca - Hồ sơ Panama được đánh giá là một trong những vụ lộ thông tin lớn nhất trong lịch sử, lớn hơn cả vụ Wikileaks năm 2010 và vụ lộ thông tin từ Edward Snowden năm 2013.

Số tài liệu này bị tiết lộ sau một chiến dịch điều tra trong suốt 1 năm trời, do nhóm Liên minh các Nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) gồm tờ báo Đức Süddeutsche Zeitung và hơn 100 tổ chức báo chí khác nhau trên thế giới thực hiện.

Hồ sơ Panama có thể “đè bẹp” Wikileaks và Edward Snowden không chỉ bởi khối lượng tài liệu khổng lồ, mà còn bởi những tác động không thể lường hết của nó tới đời sống chính trị các nước khi có tới 140 chính trị gia ở nhiều quốc gia khác nhau bị nghi dính líu tới các hoạt động trốn thuế và rửa tiền. Lẽ tất nhiên, những bế bối liên quan đến cá nhân các chính trị gia, nhất là các lãnh đạo sẽ có “sức công phá” lớn hơn nhiều so với bê bối của các tổ chức kiểu như Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) hay Cục Tình báo quốc gia Đức (BND)…

Những tài liệu trong Hồ sơ Panama hé lộ hoạt động của công ty Mossack Fonseca trong suốt 40 năm qua kể từ năm 1975, cho thấy công ty này đã giúp khách hàng trốn thuế và rửa tiền thông qua việc lập 214.000 công ty ma, liên quan tới các nhân vật đến từ 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Người đứng sau các công ty này là những tỷ phú, ngôi sao thể thao, trùm buôn lậu ma túy, những kẻ lừa đảo và cả các chính trị gia, trong đó ít nhất 33 cá nhân và công ty bị Chính phủ Mỹ liệt vào “danh sách đen” vì có các hoạt động làm ăn với các ông trùm ma túy của Mexico hay các tổ chức khủng bố, những quốc gia đang chịu lệnh trừng phạt như Iran, Triều Tiên.

Các công ty mà Mossack Fonseca lập ra thường chỉ có tên trên giấy tờ với trụ sở được đăng ký tại những “Thiên đường thuế” - những nơi mà nhà chức trách khó tìm ra chủ sở hữu trong trường hợp tiến hành điều tra như quần đảo Virgin thuộc Anh, Bahamas, Panama… Để tạo ra vỏ bọc cho các công ty ma, Mossack Fonseca còn có sự trợ giúp của các ngân hàng lớn - một cách vô tình hay cố ý. Trong hơn 500 ngân hàng xuất hiện trong danh sách có những cái tên đình đám như HSBC, UBS và Société Générale…

Panama - nơi đặt trụ sở chính của Mossack Fonseca. Ảnh: AFP.
Panama - nơi đặt trụ sở chính của Mossack Fonseca. Ảnh: AFP.

Trốn thuế - trong sạch? 50-50

Sau khi truyền thông thế giới dậy sóng vì Hồ sơ Panama, Luật sư Ramon Fonseca - một trong hai người đồng sáng lập của Mossack Fonseca nói: “Đây là một cuộc tấn công vào Panama, do một số quốc gia khác không thích việc chúng tôi thu hút nhiều công ty hơn họ”.

Xét về mặt cạnh tranh trên thị trường, nhận định của Ramon Fonseca không phải không có lý khi công ty này hiện là nhà cung cấp dịch vụ ở nước ngoài lớn thứ 4 thế giới, từng cung cấp dịch vụ cho hơn 300.000 công ty.

Mossack Fonseca cũng cho rằng họ luôn tuân thủ các trình tự quốc tế để đảm bảo các công ty mà họ hỗ trợ không dính vào việc trốn thuế, rửa tiền, tài trợ khủng bố hay bất kỳ mục đích bất hợp pháp nào khác. Bằng chứng là họ đã hoạt động suôn sẻ suốt 40 năm qua mà không bị vướng vào các rắc rối pháp lý.

Về mặt hình thức, việc sở hữu một công ty ở nước ngoài như Mossack Fonseca đang làm không phải là điều bất hợp pháp. Bên cạnh đó, đối với một số nước, việc sử dụng dịch vụ luật ở nước ngoài cũng là điều thường thấy. Ví dụ, những doanh nhân ở Nga và Ukraine thường để tài sản ở nước ngoài để tránh nguy cơ các cuộc tấn công bởi các băng nhóm tội phạm và tránh các quy định thắt chặt tiền tệ.

Tuy nhiên, việc Mossack Fonseca che giấu đặc điểm nhận dạng của các chủ nhân thực sự lại là chuyện khác. Trong số 214.000 công ty mà Mossack Fonseca thành lập, đa số chỉ tồn tại trên giấy tờ mà không hề có bất kỳ văn phòng hay nhân viên nào.

Ngoài ra, trong khi Mossack Fonseca khẳng định họ chỉ đóng vai trò “trung gian” và chưa bao giờ trực tiếp giao dịch với khách hàng cuối cùng, thì những thông tin từ Hồ sơ Panama lại cho thấy công ty này trực tiếp xử lý các tài khoản ngân hàng của khách hàng cuối cùng.

Cho đến nay, hoạt động của Mossack Fonseca có phải là phi pháp hay không, nguồn tiền của các khách hàng thuê dịch vụ của công ty này có phải là “tiền bẩn” hay không, câu trả lời chính xác phải chờ kết luận của cơ quan điều tra.

Thế nhưng, dư luận cho rằng dù gì việc Mossack Fonseca che giấu chủ nhân thực sự của các nguồn tiền cũng là dấu hiệu “mờ ám”. Bởi vậy, những nhân vật xuất hiện trong Hồ sơ Panama thực sự đứng giữa ranh giới mong manh giữa trốn thuế hay trong sạch.

Thủ tướng Iceland Gunnlaugsson và vợ - những người “hứng đòn” đầu tiên từ Hồ sơ Panama. Ảnh: BBC.
Thủ tướng Iceland Gunnlaugsson và vợ - những người “hứng đòn” đầu tiên từ Hồ sơ Panama. Ảnh: BBC.

Nỗi lo của … 1% thế giới

Trước khi Hồ sơ Panama được các cơ quan báo chí quốc tế đồng loạt đăng tải, Mossack Fonseca đã gửi thư cho các khách hàng của mình để cảnh báo các thông tin bị rò rỉ có thể tạo thành một cơn bão truyền thông. “Bão truyền thông” đã xuất hiện, nhưng dư luận cho rằng cơn bão này sẽ còn tăng cấp mạnh hơn trong thời gian tới khi những tài liệu này bị kiểm tra kỹ lưỡng hơn.

Cho đến thời điểm này, những cái tên nổi bật nhất mới chỉ có Thủ tướng Iceland Davîo Gunnlaugsson, vua Salman của Arab Saudi, Tổng thống Syria Bashar al Assad, Tổng thống Ukraine Poroshenko, bạn bè của cựu thủ tướng Anh David Cameron, những người thân tín của Tổng thống Nga Vladimir Putin… Nhưng chưa ai dám chắc bản danh sách này đã dừng lại, và không có biết có bao nhiêu trong số các khách hàng đã nhận được thư của Mossack Fonseca đang “đứng ngồi không yên”. Và như bình luận của BBC, Hồ sơ Panama là nỗi lo sợ của 1% thế giới.

Hiện nay, một số quốc gia như Australia, New Zealand, Thụy Điển, Pháp… đã tuyên bố sẽ tiến hành điều tra những nhân vật và công ty có dấu hiệu làm ăn mờ ám trong vụ scandal này.

Dù sẽ cần có một khoảng thời gian nhất định để các nhà điều tra đưa ra kết luận chính thức, song cơn chấn động của Hồ sơ Panama tới chính trường thế giới đã có những dấu hiệu đầu tiên. Tại Iceland, hàng nghìn người dân đã xuống đường biểu tình đòi chính phủ và cá nhân Thủ tướng Gunnlaugsson phải từ chức khi tên của ông cùng Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính và Bộ trưởng Nội vụ xuất hiện trong Hồ sơ Panama. Cụ thể, Thủ tướng Gunnlaugsson được cho là đứng tên thành lập một công ty tên là Wintris ở quần đảo Virgin, một thiên đường thuế quen thuộc ở vùng Caribean.

Trong khi đó, chính quyền hàng loạt quốc gia khác như Nga, Pakistan,… cũng cấp tập ra tuyên bố bác bỏ những cáo buộc liên quan tới các chính trị gia của nước mình trong Hồ sơ Panama.

Ai cũng hiểu sự phủ nhận có giá trị nhất chính là kết quả chính thức của các nhà điều tra, nhưng liệu sẽ có bao nhiêu nước quyết tâm tìm ra chân tướng đằng sau Hồ sơ Panama mới thực sự là vấn đề. Đó là lý do mà dư luận vẫn tiếp tục hồi hộp chờ đợi những chương tiếp theo của câu chuyện mang tên Hồ sơ Panama.

Thúy Ngọc

TIN LIÊN QUAN