Bất lực ngăn chặn tình trạng lao động chui sang Trung Quốc

05/05/2016 16:08

(Baonghean.vn) - Theo thống kê từ các cơ quan chức năng, hiện nay số người trốn sang Trung Quốc không thể nào kiểm soát được. Nhiều biểu hiện cho thấy có dính líu đến buôn bán người nhưng rất khó ngăn chặn.

Xã Bảo Nam (huyện Kỳ Sơn) nhiều năm nay là 1 trong những địa bàn nhức nhối về tình trạng phụ nữ trốn sang Trung Quốc. Theo thống kê từ UBNDn xã này thì trong 3 tháng đầu năm 2016 có 141 lao động rời khỏi địa bàn trong đó đa số là phụ nữ. Không một ai, cơ quan nào biết họ đi đâu, nhưng theo nhận định của ban công an xã thì đa số phụ nữ đều sang Trung Quốc.

Bản Hín Pèn (Bảo Nam - Kỳ Sơn) là nơi có nhiều phụ nữ bị bán sang Trung Quốc.
Bản Hín Pèn (Bảo Nam - Kỳ Sơn) là nơi có nhiều phụ nữ bị bán sang Trung Quốc.

Nói về số lao động rời khỏi địa bàn để sang Trung Quốc, ông Phan Văn Mạnh – Chủ tịch UBND xã Bảo Nam cho rằng rất khó kiểm soát. Nguyên nhân căn bản là đời sống khó khăn và trình độ dân trí còn thấp. Số người này khi đi không thông qua chính quyền địa phương để làm thủ tục nên xã cũng không thể nào nắm được. Khi được hỏi thì họ bảo rằng đi chơi đâu đó nên các cơ quan chức năng cũng không có quyền ngăn cản. Một số người đi Trung Quốc trở về do mặc cảm nên cũng không ai nói ra chuyện mình sống bên đó thế nào, chỉ cho biết “đi làm công ty”.

Về tình trạng buôn bán người diễn ra trên địa bàn xã thì ông Mạnh cho hay, hiện nay bọn tội phạm buôn bán người sang Trung Quốc hoạt động hết sức tinh vi. Tất cả đều được bọn chúng liên hệ qua điện thoại và thường xuyên thay đổi người liên lạc qua từng chặng đường. Một điều khó khăn nữa là việc này còn được sự đồng thuận của cả người bị bán. Một số trường hợp khi trở về không nói ra rằng mình bị bán mà vẫn là điệp khúc cũ “đi công ty”.

Làm việc với chúng tôi, Thiếu tá Lô Văn Thao – Phó trưởng công an huyện Kỳ Sơn cũng thừa nhận là không thể nào kiểm soát được tình trạng lao động rời địa bàn, nhất là đối với nhóm đối tượng sang Trung Quốc. Trong trường hợp nạn nhân bị bán sang Trung Quốc trở về làm đơn tố cáo thì mới có cơ sở truy xét còn họ vẫn im lặng thì cơ quan chức năng cũng đành chịu.

Hơn nữa những gia đình có con bị bán sang Trung Quốc họ không báo với cơ quan chức năng mà chỉ trong gia đình, người thân biết với nhau nên bên công an cũng không thể nào nắm được. Tội phạm buôn bán phụ nữ hiện nay lại rất tinh vi, chúng không giao tiền ngay tại nơi mà sau khi đưa được người qua bên kia biên giới mới giao tiền nên rất khó khăn để bắt quả tang hành vi này.

Ông Lô Văn Thao - Thiếu tá, Phó trưởng công an huyện Kỳ Sơn trao đổi về việc buôn bán phụ nữ.
Thiếu tá Lô Văn Thao - Phó trưởng công an huyện Kỳ Sơn trao đổi về việc buôn bán phụ nữ.

Còn ông Phan Văn Mạnh – Chủ tịch UBND xã Bảo Nam chua chát khi nói rằng, các gia đình chấp nhận bán con hoặc phụ nữ tự nguyện bán mình là do đời sống quá khó khăn, không có việc làm. 1 số bản như Thảo Đi, Lưu Tân, Hín Pèn có số người sang Trung Quốc rất nhiều. Bên xã cũng đã nhiều lần có ý kiến với công an địa bàn ngăn chặn vấn đề này nhưng rất khó khăn.

Hiện tại, UBND xã đang có đề án hỗ trợ bà con ở các bản này phát triển chăn nuôi nhằm nâng cao đời sống nhân dân để hạn chế tình trạng trốn sang nước ngoài. Theo ông Lô Văn Thao, hiện bên cơ quan công an cũng chỉ biết dừng lại ở mức độ phối hợp với chính quyền địa phương để vận động tuyên truyền. Trên địa bàn huyện Kỳ Sơn có nhiều xã như Hữu Kiệm, Chiêu Lưu, Bảo Nam vẫn thường xuyên xảy ra tình trạng lao động trốn sang Trung Quốc. Hàng năm, cơ quan công an vẫn chọn các điểm nóng về tình trạng phụ nữ bị bán đi để tuyên truyền vận động.

Phương - Vi - Thọ

links()]

TIN LIÊN QUAN