Nước sạch nhiều vùng nông thôn chưa đảm bảo

21/06/2016 16:59

(Baonghean) - Hiện vùng nông thôn Nghệ An đã được đầu tư đưa vào sử dụng 487 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, tổng công suất thiết kế 60.140 m3/ngày đêm, đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho 490.730 người, và mới có 40% số người ở nông thôn được dùng nước sạch. Nghệ An đang phấn đấu đến 2020 có 60% dân số nông thôn được dùng nước sạch

nước nhiễm đá vôi đóng thành tảng trong bình nóng lạnh ở thị trân anh sơn.
Nước nhiễm đá vôi đóng thành tảng trong bình nóng lạnh ở thị trấn Anh Sơn.

Cơ bản vẫn đang “tự cấp tự túc”

Gia đình anh Võ Kiên ở khối 1B, Thị trấn Anh Sơn (huyện Anh Sơn) hiện đang dùng nước máy từ hệ thống cấp nước của Nhà máy nước Anh Sơn. Tuy nhiên, anh rất lo lắng khi tháo dỡ bình nóng lạnh và bình đựng nước ra thấy lớp cặn bám dày, màu trắng như vôi làm cho bình nóng lạnh không hoạt động được. Anh Kiên muốn dùng nước máy phải lọc qua bình lọc nhưng nó kết tủa cặn trắng, nấu nước sôi thì toàn váng. Đây cũng là tình trạng chung của các gia đình ở khối 1B, Thị trấn Anh Sơn.

Ở xã Hưng Nhân và nhiều xã của huyện Hưng Nguyên, do chưa có hệ thống nước sạch nên người dân đang dùng nước mưa và nước giếng khoan là chủ yếu. Mỗi gia đình ở xã Hưng Nhân dù nghèo đến mấy cũng đầu tư cho được cái bể chứa nước mưa khoảng 4 - 5 triệu đồng.

Gia đình anh Nguyễn Văn Trung ở xóm 7 đã đầu tư 5 triệu đồng để xây dựng bể chứa nước mưa dùng cho ăn uống, còn nước sinh hoạt dùng giếng khoan. Tuy nhiên, mùa lũ nước giếng khoan không đảm bảo, và nước mưa cũng có khi không có. Ở xóm 3, gia đình anh Nguyễn Loan cũng phải dùng nước giếng khoan, tuy nhiên nước nhiễm phèn và có màu vàng rất ảnh hưởng đến sức khỏe.

Ở nhiều xóm của xã Nghi Văn (Nghi Lộc), nguồn nước dùng chủ yếu là nước giếng, nhưng nhiễm đá vôi nên nhiều người cảm thấy lo ngại khi trẻ em thường bị hỏng men răng, răng đen xỉn. Chất lượng nước tự chảy ở các huyện miền núi, vùng sâu vùng xa cũng xuống cấp và hư hỏng nhiều, không đảm bảo. Nhìn chung chất lượng nước ở nhiều vùng nông thôn chưa đảm bảo sức khỏe.

ông nguyễn văn Trung xóm 7 Hưng Nhân hưng nguyên đầu tư bể nước  mưa để ăn uống.
Ông Nguyễn Văn Trung xóm 7, xã Hưng Nhân (Hưng Nguyên) đầu tư bể nước mưa để ăn, uống hết 5 triệu đồng.

Kết quả đánh giá gần 500 công trình có nhà nước đầu tư thì có 257 công trình (chiếm 53%) đang sử dụng tốt; 230 công trình, chiếm 47% (chủ yếu là các công trình cấp nước mô hình tự chảy) hoạt động kém hiệu quả hoặc ngừng hoạt động. Bên cạnh đó còn có các công trình cấp nước nhỏ lẻ, phân tán. Cấp nước ở nông thôn hiện cơ bản là giếng đào, giếng khoan, lu, bể chứa nước; tổng số khoảng gần 700.000 cái, trong đó công trình có chất lượng đạt chiếm 23%.

Phấn đấu 60% dân số nông thôn được dùng nước sạch

Đánh giá của UBND tỉnh mới đây cho thấy: Trên địa bàn nông thôn, quy mô đầu tư cấp nước tập trung còn nhỏ lẻ, manh mún, phân tán, đầu tư chưa hiệu quả, tình trạng thiếu nước còn diễn ra nhiều vùng, nguồn nước hạn chế. Bên cạnh đó, thời gian gần đây nhiều công trình đầu tư dở dang, kéo dài, chậm phát huy hiệu quả, gây bức xúc trong dân cư. Đến nay còn 14 dự án chưa hoàn thành chuyển tiếp giai đoạn kế hoạch 2016 - 2020, tổng quy mô thiết kế 8.120m3/ngày đêm, cấp nước cho 120.400 người. Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên đó là nguồn vốn đầu tư ít ỏi, chưa đáp ứng nhu cầu.

Về chất lượng nước, theo ông Nguyễn Thanh Hải - Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc, chất lượng nước sau xử lý của một số hệ thống cấp nước chưa tiên tiến, dẫn đến chất lượng nước ở Nghi Lộc không đảm bảo quy định các chỉ tiêu theo QCVN về chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt, một số mẫu nước vẫn còn nhiễm E.Coli, Coliform... các mẫu nước để lắng đọng khoảng 7-10 ngày vẫn còn kết tủa màu vàng do nhiễm sắt.

Đến năm 2020, Nghệ An đang đặt mục tiêu đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng các hệ thống cấp nước sạch, phấn đấu tất cả các đô thị trên địa bàn tỉnh Nghệ An có hệ thống cấp nước đảm bảo về lưu lượng, chất lượng phục vụ nhu cầu dân sinh và các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.

Đối với nông thôn, sẽ lồng ghép, phát huy được nguồn vốn các chương trình, dự án liên quan như Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, xóa đói, giảm nghèo, 135, 134, 30a...) các nguồn lực xã hội hóa để đầu tư phát triển các công trình cấp nước sinh hoạt dân cư. Phấn đấu đến năm 2020, 60% dân số vùng nông thôn được sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn quốc gia với số người ước đạt 1,5 triệu.

Gia đình ông Nguyễn Loan ở xóm 3, xã Hưng Nhân (Hưng Nguyên) phải dùng nước giếng khoan nhiễm phèn.
Gia đình ông Nguyễn Loan ở xóm 3, xã Hưng Nhân (Hưng Nguyên) phải dùng nước giếng khoan nhiễm phèn.

Giai đoạn 2016 - 2020, sẽ tập trung hoàn thành 14 công trình chuyển tiếp về cấp nước sinh hoạt tập trung ở nông thôn ( trong đó có 13 dự án hỗ trợ mục tiêu quốc gia và 1 dự án ADB.

Một số công trình chuyển tiếp được biết đó là: công trình cấp nước liên xã Long Thành, Khánh Thành, Vĩnh Thành, Trung Thành (Yên Thành); công trình cấp nước xã Quỳnh Thọ, Quỳnh Lâm (Quỳnh Lưu); Hưng Thắng, Hưng Tân, Hưng Phúc (Hưng Nguyên)...

Châu Lan

TIN LIÊN QUAN