Họa sỹ trẻ Nguyễn Văn Đông: 'Tôi biết làm gì đây, ngoài vẽ!'

17/10/2016 10:54

(Baonghean) - Nguyễn Văn Đông đã nói vậy, khi tôi hỏi chàng họa sỹ trẻ người Nghệ vừa đoạt giải thưởng tại Triển lãm Mỹ thuật thủ đô năm 2016 rằng, Đông có kế hoạch gì chăng, cho chặng đường sắp tới? Câu trả lời của Đông đã khiến tôi bật cười mà không khỏi thán phục, bởi tôi hiểu, với người nghệ sỹ, cháy đến tận cùng với đam mê chính là điều tuyệt vời nhất.

Họa sỹ trẻ Nguyễn Văn Đông.
Họa sỹ trẻ Nguyễn Văn Đông.

Sinh năm 1990 tại phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai, Nguyễn Văn Đông có một tuổi thơ ngọt ngào gắn với biển. Thị xã Hoàng Mai gần ngay biển Quỳnh, nên bãi biển bình yên lãng mạn này đã trở thành một phần không thể thiếu trong những ký ức sâu sắc nhất của tuổi thơ Nguyễn Văn Đông.

Cũng như nhiều đứa trẻ trong vùng khác, Đông từng đến hang núi Rồng ngắm những khối thạch nhũ, đứng trong hang Giếng Trời nhìn ra biển Quỳnh mênh mông nắng, rồi có những chiều cùng bạn đạp xe đến Đền Cờn… Không kể sao cho hết những kỷ niệm thời thơ bé ở quê. Giờ đây, mỗi lần về thăm nhà, Đông vẫn ước giá như mình được trở lại thành đứa trẻ năm nào, chân trần chạy trên bãi biển Quỳnh, bước dần về phía biển để những con sóng tung bọt lên trắng xóa đón mình vào lòng.

Từng đỗ điểm cao khi thi Mỹ thuật tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An, song cuối cùng Nguyễn Văn Đông quyết định nơi học là Hà Nội. Thi đỗ vào Khoa Hội họa Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, thời còn học trong trường, Đông từng tham gia nhiều triển lãm sinh viên và đoạt một số giải thưởng, như bức “Chân dung em gái tôi” đoạt giải Ba năm 2013, bức “Góc bếp nhà ngoại tôi” đoạt giải Nhì năm 2016. Ngoài ra, Đông cũng tham gia nhiều triển lãm nhóm trong nước. Đặc biệt, Đông vừa đoạt giải Tặng thưởng của Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô năm 2016 với tác phẩm “Những em nhỏ ở vùng quê nghèo”.
Tác phẩm “Đợi mẹ”.
Tác phẩm “Đợi mẹ” - sơn dầu của Nguyễn Văn Đông.

Nguyễn Văn Đông chọn sơn dầu là chất liệu chủ yếu trong sáng tác của mình. Sở trường của Đông là vẽ chân dung, đặc biệt là chân dung trẻ em. Đã có nhiều họa sỹ vẽ chân dung, nhiều người thành danh, tạo được phong cách riêng và gây được ấn tượng cho công chúng. Đông vẫn chọn con đường này, bởi ngay từ khi còn học trong trường, nhiều thầy cô cũng nhận thấy tranh vẽ chân dung của Đông đẹp, và Đông thì hứng thú vô cùng với việc truyền tải không chỉ hình tướng mà cả tinh thần, cả tâm hồn, cốt cách của nhân vật vào bức tranh.

“Khi vẽ chân dung, em luôn cố gắng tìm ra cái thần của người được vẽ. Thích nhất là được vẽ trực tiếp, tức là có mẫu ngồi trước mặt chứ không phải vẽ chân dung từ ảnh. Bức tranh sẽ khoáng đạt và có cảm xúc hơn nhiều”, Đông nói.

Tuy nhiên, tranh chân dung là một lĩnh vực riêng, còn các sáng tác của Đông là một thành công khác, mặc dù phần nhiều cũng mang đề tài về trẻ em. Ở bức tranh vừa đoạt giải của Hội Mỹ thuật Hà Nội, trên cái nền xanh xám của một vùng quê nghèo, các em bé với áo quần nhăn nhúm đang đứng cạnh nhau giữa đống gỗ cây đổ nát của một ngôi nhà hay lều trại đã bị tháo dỡ. Màu xanh xâm xẩm tối u buồn của bầu trời khiến bức tranh trở nên đầy ám ảnh.

Trong bức “Đợi mẹ” cũng thế, một cô bé mặc áo khoác đỏ đang ngồi với ánh nhìn dõi về phía xa xăm. Bức “Tình bạn” thì vẽ một cô bé địu con mèo sau lưng, trên tay cầm gói mì tôm, ánh mắt cũng hướng về phía xa như đang tìm kiếm gì ở đó…

Tác phẩm “Trưa hè”.
Tác phẩm “Trưa hè” -sơn dầu của Nguyễn Văn Đông.

Tôi hỏi Đông có hay vẽ về quê hương không. Đông nói, biển Quỳnh là nguồn cảm hứng lớn khi Đông vẽ về vùng đất nơi mình sinh ra. Đông mở máy tính, chỉ cho tôi xem 2 bức tranh có tên “Trưa hè” vẽ 2 đứa trẻ đang vui đùa với những con sóng biển. “Biển Quỳnh đấy”, Đông nói. Và có thể nhận thấy trong tranh một bãi biển còn hoang sơ với những phiến đá lô xô, nước biển xanh trong vỗ vào bờ bạc trắng. Hai em bé gái đang nô đùa với sóng, với gió biển. Tôi như đang thấy tiếng các em cười trộn lẫn vào tiếng sóng, trong một trưa hè nao nao.

Chọn lối vẽ tả thực, Nguyễn Văn Đông mang đến cho người xem những bức tranh sinh động, gần gũi mà không gây ám ảnh về sự sao chép. Cách dùng màu của Đông rất mềm mại, dịu mắt, màu mỏng nhưng đủ độ rung, có bút pháp làm nhòe nhưng vẫn đủ độ sâu. Người ta thấy trong lòng nhẹ nhõm, thoải mái và dễ chịu khi xem tranh của Đông, bởi ngoài sự lãng mạn, hài hòa của màu sắc, nó còn gợi sự dịu dàng, tinh tế của bút pháp.

Vừa tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam vào tháng 6 năm 2016, Nguyễn Văn Đông chọn Hà Nội để lưu lại và dấn thân trên con đường nghệ thuật. Với Đông, con đường ấy dài bằng cả cuộc đời, và những dự định đang đầy ắp hối thúc người họa sỹ trẻ phải thực hiện.

Khi tôi hỏi Đông có kế hoạch gì cho thời gian sắp tới không, Đông cười: “Em chẳng biết làm gì khác ngoài việc vẽ”. Tôi thích những câu trả lời như vậy của người nghệ sỹ. Bởi suy cho cùng, nghệ thuật đòi hỏi sự dấn thân và ở một góc độ nào đó, tác phẩm là thứ duy nhất mà người nghệ sỹ cần hướng tới, cần hoàn thiện. Và chẳng phải tuyệt vời sao, nếu chơi nhạc là thứ duy nhất mà một nghệ sỹ violon hay piano biết làm, cũng tương tự như vậy với bức tranh và người họa sỹ, với bức tượng và nhà điêu khắc, với bài thơ và một thi sỹ?

Và chắc hẳn niềm đam mê đã quá lớn để Đông có thể tin tưởng rằng mình chỉ có duy nhất một con đường: theo đuổi hội họa. Dù hơn ai hết, chàng trai xứ Nghệ ấy hiểu rằng đó là một con đường rất đỗi nhọc nhằn. Để rồi trong một ngày thu nhiều nắng, ngồi nhâm nhi tách chè xanh trên vỉa hè Hà Nội, người họa sỹ trẻ nói với tôi rằng, nếu một ngày kia không được vẽ nữa, thế giới sẽ giống như một bức toan trắng xóa.

Quỳnh Lâm

TIN LIÊN QUAN