Tìm câu trả lời cho câu hỏi sau 15 năm của 'cha đẻ' BRICS

17/10/2016 10:33

(Baonghean) - Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 8 Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS), bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, diễn ra trong 2 ngày 15 và 16/10 tại thành phố Goa (Ấn Độ) đúng dịp kỷ niệm 15 năm hình thành và phát triển. Đây là cơ hội để các nhà lãnh đạo bàn thảo kế hoạch chung đưa BRICS phát triển xứng tầm với tiềm năng sẵn có.

Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 8 được tổ chức ở bang Goa, Ấn Độ từ 15-16/10. Ảnh Sputnik news
Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 8 được tổ chức ở bang Goa, Ấn Độ từ 15-16/10. Ảnh Sputnik.

Chưa xứng tầm

Năm 2001, chuyên gia kinh tế cấp cao của Ngân hàng Goldman Sachs Jim O’Neil lần đầu tiên đưa ra khái niệm “BRIC” gồm các chữ cái đầu tiên theo tên tiếng Anh của Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Mãi đến năm 2009, nhóm này mới tổ chức Hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên ở Nga và 1 năm sau đó, BRIC đổi tên là BRICS với sự tham gia của Nam Phi.

Đúng 15 năm sau trong một bài viết, “cha đẻ” của khái niệm BRICS đặt ra câu hỏi liệu các nền kinh tế lớn và đầy hứa hẹn này đã đạt được những thành tựu hay chưa?

Thực tế, kể từ khi khái niệm “những nền kinh tế mới nổi hàng đầu” ra đời, thế giới đã đặt nhiều sự chú ý cũng như kỳ vọng vào sự phát triển đột phá của nhóm các nước này. Sự hình thành của BRICS phản ánh sự liên kết giữa các quốc gia muốn thoát khỏi thế “kìm kẹp” của bộ ba châu Âu-Mỹ-Nhật.

Với lợi thế về dân số chiếm 43% tổng dân số toàn cầu và 26% diện tích thế giới, BRICS thực sự có nhiều cơ hội phát triển. Bên cạnh đó, mỗi nước lại có tiềm năng và thế mạnh riêng: Brazil phát triển mạnh về nông nghiệp; Nga có lượng dầu mỏ và khí đốt hàng đầu thế giới; Ấn Độ với trình độ phát triển công nghệ thông tin và kho tri thức khổng lồ; Trung Quốc với nguồn nhân lực dồi dào; cùng một Nam Phi có nền kinh tế lớn nhất châu Phi.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), BRICS hiện chiếm 15% sản lượng kinh tế toàn cầu. Tổng dự trữ ngoại tệ của các nước BRICS lên tới 4.400 tỷ USD, trong đó Trung Quốc chiếm khoảng 3/4. Nhóm BRICS đã trở thành đầu tàu, đóng vai trò động lực thúc đẩy sự phục hồi kinh tế thế giới sau khủng hoảng tài chính.

Thành tựu nổi bật nhất minh chứng cho sự gắn kết và hợp tác giữa các nước trong BRICS là sự thành lập Ngân hàng Phát triển mới hồi tháng 7/2014. Mô hình ngân hàng này được cho là nhằm đối trọng với các định chế tài chính mà phương Tây chế ngự trong nhiều thập kỷ qua. Giới chuyên gia cho rằng đây là một bước đi cụ thể nhằm hướng tới mục tiêu thiết lập một trật tự toàn cầu công bằng hơn.

Tuy vậy, những thành tựu của BRICS dường như chưa xứng tầm với tiềm năng. Đó là chưa kể, sau 15 năm hình thành, giờ đây BRICS lại đang đứng trước những thách thức lớn.

Do giá dầu mỏ trên thế giới giảm mạnh, kinh tế của Nga đang gặp nhiều khó khăn, trong khi đó sản xuất công nghiệp của Trung Quốc cũng giảm sút mạnh. Brazil và Nam Phi cùng phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kép.

Bên cạnh những khó khăn nghiêm trọng về kinh tế, xã hội, còn những bất ổn về chính trị. Ấn Độ tuy có nhiều tiềm năng nhưng chưa thực sự bứt phá, số người nghèo vẫn chiếm tỷ lệ cao trong xã hội.

Thêm vào đó, môi trường kinh tế bên ngoài không thuận lợi cũng tác động lớn đến sự tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi. Tất cả những dấu hiệu này đòi hỏi BRICS cần phải có chiến lược mới cho chặng đường tiếp theo nhằm thúc đẩy tăng trưởng các nước thành viên và vực dậy vị thế của nhóm.

Các nhà lãnh đạo BRICS chụp ảnh chung hôm 15/10 tại Ấn Đô. Ảnh: PTI.
Các nhà lãnh đạo BRICS chụp ảnh chung hôm 15/10 tại Ấn Đô. Ảnh: PTI.

Cần sự phối hợp

Tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 8 này, với vai trò Chủ tịch BRICS trong năm nay, Ấn Độ đã đề ra chủ đề “Xây dựng các giải pháp phản ứng nhanh, nhiều thành phần tham gia và mang tính tập thể”. Điều này có nghĩa, BRICS nhận ra sự cần thiết phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các thành viên mới có thể thích ứng và giải quyết những thách thức từ bên trong lẫn bên ngoài.

Giới quan sát cho rằng, lâu nay các thành viên trong BRICS phát triển theo kiểu “đường ai nấy đi”, “mạnh ai nấy làm”. Nếu như Trung Quốc lấy xuất khẩu làm chủ đạo, thì Nga lại chủ trương dựa vào các nguồn khai thác tài nguyên.

Chính vì thế, khi những yếu tố bất lợi từ môi trường kinh tế toàn cầu ập đến, sự ứng phó trở nên rời rạc và dẫn đến suy yếu tổng thể. Nhận thức điều này, có thể thấy chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần này, các nhà lãnh đạo chú trọng thảo luận việc đẩy mạnh hợp tác kinh tế nội khối, nhất là những cơ chế tạo sự gắn kết giữa các nền kinh tế các nước thành viên.

Cụ thể, trong cuộc họp của các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương BRICS tối 15/10, các bộ trưởng nhất trí hướng tới những lĩnh vực hợp tác mới do Ấn Độ đề xuất như thành lập Viện nghiên cứu và phân tích kinh tế BRICS cũng như cơ quan xếp hạng tín nhiệm BRICS cũng đã được thảo luận.

Trước đó, Trung Quốc đã đề xuất thành lập một khu vực tự do thương mại nội khối, nhấn mạnh rằng bước đi này sẽ tạo dựng “một hình thức hợp tác quan trọng” giữa các nước thành viên.

Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, thông qua việc thiết lập một khu vực tự do thương mại, các nước BRICS sẽ có thể xóa bỏ những hàng rào thuế quan và phi thuế quan, thể hiện được hết lợi thế cạnh tranh của mình và thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư trong khối này. Bộ trên cho rằng một khu vực tự do thương mại sẽ giúp các nước BRICS đạt được lợi ích và sự phát triển chung cũng như thúc đẩy hợp tác Nam - Nam trên quy mô toàn cầu.

Theo các chuyên gia kinh tế, các nền kinh tế BRICS trong tương lai sẽ tiếp tục đóng vai trò chủ động trong việc định hình cấu trúc toàn cầu về tăng trưởng và phát triển. Mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, song nếu BRICS có thể khéo léo tháo gỡ những rào cản, nhóm này hoàn toàn có thể bứt phá và phát huy tối đa tiềm năng thực sự của họ.

Thanh Huyền

TIN LIÊN QUAN