Sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua

01/01/2017 12:30

(Baonghean.vn) -Máy bay quân sự Nga chở 92 người rơi xuống Biển Đen, không ai sống sót; Thủ tướng Nhật Sinzo Abe và Tổng thống Mỹ Obama thăm Trân Châu Cảng; Lệnh ngừng bắn trên toàn lãnh thổ Syria chính thức có hiệu lực;... là những sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua

1. Máy bay quân sự Nga chở 92 người rơi xuống Biển Đen, không ai sống sót

Phi cơ Tu-154. Ảnh: Military Wiki
Phi cơ Tu-154. Ảnh: Military Wiki

Bộ Quốc phòng Nga hôm 25/12 thông báo một phi cơ quân sự Tu-154 biến mất khỏi radar sau khi cất cánh từ sân bay Adler, thành phố Sochi. Trên phi cơ có 92 người, trong đó có 64 thành viên đoàn văn công quân đội Alexandrov. Interfaxđưa tin phi cơ cất cánh vào khoảng 5h20 và mất tích lúc 5h40.

Máy bay sau đó được xác định đã rơi xuống Biển Đen, toàn bộ người trên khoang thiệt mạng. Tai nạn xảy ra khi phi cơ tăng độ cao. Tổ bay khi đó không thông báo gặp sự cố nào. Chiếc phi cơ đang trên đường chở đoàn văn công tới tham gia buổi văn nghệ đón năm mới tại căn cứ không quân Nga Hmeimim ở Latakia, Syria.

2. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Tổng thống Mỹ Obama thăm Trân Châu Cảng

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe (phải) sẽ trở thành thủ tướng đương nhiệm đầu tiên thăm Trân Châu Cảng. Cùng đi với ông là Tổng thống Mỹ Obama. Ảnh: GETTY IMAGES
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe (phải) sẽ trở thành thủ tướng đương nhiệm đầu tiên thăm Trân Châu Cảng. Cùng đi với ông là Tổng thống Mỹ Obama. Ảnh: GETTY IMAGES

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một Thủ tướng Nhật Bản và Tổng thống Mỹ còn đương chức thăm Trân Châu Cảng.

Trân Châu Cảng là địa danh lịch sử nổi tiếng nhất của quần đảo Hawaii, Mỹ. Hải cảng nước sâu này nằm ở phía Tây thành phố Honolulu trên đảo O'ahu, giữa vùng Bắc Thái Bình Dương.

Sáng 7/12/1941, hàng đoàn máy bay chiến đấu của Nhật bất ngờ dội bom xuống tàu chiến Mỹ ở Trân Châu Cảng. Đây là một bước ngoặt quan trọng trong Chiến tranh Thế giới thứ hai dẫn đến việc Tổng thống Mỹ quyết định đưa nước này chính thức tham chiến./

3. Lệnh ngừng bắn trên toàn lãnh thổ Syria chính thức có hiệu lực.

Khung cảnh hoang tàn tại Syria rong cuộc chiến. Ảnh: Associated Press

Thỏa thuận này đạt được giữa Chính phủ Syria và các nhóm đối lập thông qua sự trung gian của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Tham gia thỏa thuận ngừng bắn này có các lực lượng chính phủ Syria và 7 nhóm vũ trang đối lập với khoảng 60.000 tay súng.

Giới phân tích quốc tế nhận định đây có thể là bước ngoặt quan trọng trong cuộc chiến Syria kéo dài gần 6 năm qua.

Tổng thống Syria Bashar al-Assad bày tỏ sẵn sàng tôn trọng thỏa thuận ngừng bắn, nhất trí tổ chức đàm phán về tương lai Syria tại thủ đô Astana của Kazakhstan. Tổng thống Putin tuyên bố giảm các lực lượng của Nga trên lãnh thổ Syria

Mỹ đánh giá thỏa thuận ngừng bắn mới nhất là "một diễn biến tích cực" và hy vọng việc thực thi thỏa thuận sẽ dẫn tới các cuộc đàm phán về tương lai chính trị cho Syria. Liên minh Dân tộc đối lập Syria tuyên bố ủng hộ lệnh ngừng bắn toàn quốc, đồng thời hối thúc tất cả các bên liên quan tuân thủ thỏa thuận này.

4. Mỹ trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga

Một nhân viên an ninh Nga trước tòa nhà đại sứ quán Mỹ tại Moscow.
Một nhân viên an ninh Nga trước tòa nhà đại sứ quán Mỹ tại Moscow.

Ngày 29/12, Mỹ ra quyết định trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga và đóng cửa hai cơ sở của Nga tại New York và Marilena nhằm đáp trả việc các nhà ngoại giao Mỹ bị xâm phạm ở Mosow và việc Nga "can thiệp" vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

Tổng thống Obama ngày 29/12 đã ban hành một sắc lệnh trừng phạt 6 cá nhân và 5 thực thể Nga, trong đó có các cơ quan tình báo, như một biện pháp theo Bộ Tài chính Mỹ là nhằm giải quyết các hoạt động tạo điều kiện cho các cuộc tấn công mạng mang mục đích xấu.

Đây là lần đầu tiên tên của các quan chức Nga liên quan trong việc xâm nhập mạng được công bố trong danh sách trừng phạt.

Cùng ngày, trong một thông báo riêng rẽ, Tổng thống Obama cho biết, 2 cơ sở của Nga ở New York và Marilena sẽ bị đóng cửa và 35 nhà ngoại giao Nga ở sứ quán tại thủ đô Washington và tổng lãnh sự ở San Francisco đã được lệnh rời khỏi Mỹ. Những người này và gia đình họ có 72 tiếng để rời Mỹ.

Đây được coi là một trong trong các biện pháp đáp trả việc Nga xâm nhập các trung tâm nghiên cứu chính trị và các tài khoản thư điện tử cá nhân và để rò rỉ thông tin nhằm giúp Tổng thống đắc cử Donald Trump và các ứng cử viên đảng Cộng hòa.

5. Tổng Thư ký NATO khẳng định Nga không là mối đe dọa trực tiếp

Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương Jens Stoltenberg tại cuộc họp báo ở Brussels (Bỉ) ngày 6/12. Ảnh: THX/TTXVN
Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương Jens Stoltenberg tại cuộc họp báo ở Brussels (Bỉ) ngày 6/12. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 30/12 dẫn lời Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cho biết, NATO không thấy có bất cứ nguy cơ trực tiếp nào từ phía Nga đe dọa các thành viên của khối, hay trở thành vật cản trong quan hệ đối thoại giữa NATO với Mátxcơva.

Ông J. Stoltenberg khẳng định, Nga đã và sẽ tiếp tục là quốc gia láng giềng của NATO, đồng thời nỗ lực củng cố và ủng hộ quan hệ đối thoại với Nga, cũng như hướng tới mục tiêu chống chủ nghĩa bành trướng.

6. Động đất 7,7 độ richter kèm cảnh báo sóng thần ở Chi Lê

Hôm 25/12, một trận động đất có cường độ ban đầu 7,7 độ richter đã tấn công miền nam Chile.

Trang tin Strait Times dẫn nguồn cơ quan khảo sát địa chất Mỹ cho biết, trận động đất cách phía tây nam Puerto Montt khoảng 225km. Các tin tức trước đó cho biết, trận động đất có cường độ 7,6 độ richter. Tâm chấn của trận động đất nằm ở độ sâu khoảng 15km.

Trung tâm cảnh báo sóng thần Thái Bình Dương có trụ sở tại Mỹ cũng đã ban hành một cảnh báo sóng thần cho các khu vực trong phạm vi 1.000km quanh tâm chấn của trận động đất.

Thái Bình

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN