New Zealand sẵn sàng hỗ trợ Nghệ An trong quản lý hồ đập

18/01/2017 12:51

(Baonghean.vn) - Đây là một nội dung quan trọng trong buổi làm việc của Đoàn công tác Dự án "Nghiên cứu Việt Nam - New Zealand về an toàn đập và vùng hạ lũ" với lãnh đạo tỉnh Nghệ An vào sáng 18/1.

Dự buổi làm việc có PGS.TS Nguyễn Cảnh Thái - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thuỷ lợi, ngài Tom Wilson - Bí thư thứ nhất, Trưởng ban Hợp tác phát triển, Đại sứ quán New Zealand và các cán bộ liên quan.

Đón tiếp đoàn đại sứ New Zealand có đồng chí: Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các Sở: Ngoại vụ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư.

Toàn cảnh buổi làm việc (Ảnh:Mỹ Nga)
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: Mỹ Nga

Tại buổi làm việc, đồng chí Đinh Viết Hồng giới thiệu một số nét về tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Nghệ An cũng như một số nội dung hợp tác giữa New Zealand và tỉnh Nghệ An trên các lĩnh vực nông nghiệp, giáo dục, quản lý rủi ro thiên tai…

Đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An khẳng định, Nghệ An không chỉ là vị trí địa lý chiến lược của Việt Nam với đường biên giới dài, hệ thống giao thông vận tải đa dạng, phong phú, hiện đại, mà tỉnh còn có những lợi thế về nguồn lao động dồi dào, tài nguyên phong phú, đặc biệt đây là vùng đất có truyền thống hiếu học và học giỏi.

Đồng chí Đinh Viết Hồng giới thiệu với ngài Bí thư những thành tựu phát triển kinh tế, văn hoá xã hội của tỉnh Nghệ An trong năm 2016 (Ảnh: Mỹ Nga)
Đồng chí Đinh Viết Hồng giới thiệu với đoàn đại sứ quán New Zealand những thành tựu phát triển kinh tế, văn hoá xã hội của tỉnh Nghệ An trong năm 2016. Ảnh: Mỹ Nga

Về lĩnh vực quản lý rủi ro thiên tai, từ tháng 5/2012 đến tháng 5/2015 Dự án “Nghiên cứu Việt Nam - New Zealand” về an toàn đập và vùng hạ lũ” (Pha 1) được thực hiện hiệu quả tại Nghệ An, giúp cho Việt Nam nói chung và tỉnh Nghệ An nói riêng có cái nhìn tổng quan về tình trạng các đập Việt Nam hiện nay, khả năng hư hỏng cũng như cách khắc phục nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do việc xả lũ từ hồ chứa, nhất là trong điều kiện lũ đặc biệt lớn.

Nhờ sự thành công và hiệu quả của Pha 1, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phê duyệt Pha 2 của Dự án, thực hiện từ 2016-2021, với khu vực nghiên cứu tập trung tại lưu vực sông Cả, gồm 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.

Do đó, Nghệ An mong muốn Đoàn sẽ có chuyến khảo sát, tìm hiểu thành công và sớm triển khai dự án để mang lại lợi ích cho người dân vùng lũ. Tỉnh Nghệ An cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để Pha 2 Dự án triển khai hiệu quả tại Nghệ An.

Bên cạnh đó, đồng chí Đinh Viết Hồng mong muốn, New Zealand sẽ quan tâm hợp tác với Nghệ An trên các lĩnh vực như nông nghiệp công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, một số dự án ODA trên các lĩnh vực nông nghiệp, quản lí rủi ro thiên tai,… Đặc biệt, Nghệ An luôn chào đón các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có New Zealand đến tìm hiểu, hợp tác và tỉnh sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư tại Nghệ An.

Bí thư thứ nhất, Trưởng ban Hợp tác phát triển, Đại sứ quán NewZealand Tom Wilson nhấn mạnh:NewZealand sẵn sàng hỗ trợ Nghệ An trong việc quản lý bền vững các hồ đập. (Ảnh: Mỹ Nga)

Bí thư thứ nhất, Trưởng ban Hợp tác phát triển, Đại sứ quán New Zealand Tom Wilson nhấn mạnh: New Zealand sẵn sàng hỗ trợ Nghệ An trong việc quản lý bền vững hồ đập. Ảnh: Mỹ Nga

Bày tỏ sự vui mừng khi được đến làm việc tại vùng đất địa linh nhân kiệt Nghệ An, ngài Bí thư Tom Wilson cho rằng, Việt Nam nói chung, Nghệ An nói riêng và New Zealand có rất nhiều cơ hội để hợp tác, đặc biệt là trên lĩnh vực giáo dục, quản lí rủi ro thiên tai và nông nghiệp.

Ngài Tom Wilson trao tặng món quà lưu niệm cho lãnh đạo tỉnh Nghệ An. (Ảnh: Mỹ Nga)
Lãnh đạo tỉnh Nghệ An và Ngài Tom Wilson tặng quà lưu niệm. Ảnh: Mỹ Nga

Ngài Tom Wilson nhấn mạnh: “Trong phát triển nông nghiệp không thể phủ nhận vai trò quan trọng của các hồ đập. Nghệ An là một trong những tỉnh có số lượng hồ đập lớn, nhưng đang gặp khó khăn trong việc quản lý và vận hành. Chúng tôi cam kết sẵn sàng hỗ trợ tỉnh Nghệ An, chia sẻ những kinh nghiệm trong việc quản lý bền vững các hồ chứa”.

Mỹ Nga

TIN LIÊN QUAN