Tháo gỡ khó khăn để phát huy hiệu quả cây cao su ở Nghệ An
(Baonghean) - Từ những cây cao su đầu tiên được trồng trên đất Nghệ An vào tháng 10/2010 đến nay, sau 6 năm thực hiện dự án, Công ty CP Đầu tư phát triển Cao su Nghệ An đã có 4.350 ha cao su phát triển xanh tốt. Tuy nhiên, để năm 2018 Công ty có thể hoàn thành trồng mới 10.700 ha theo quy hoạch được phê duyệt, đơn vị còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức...
Hiệu quả từ Dự án trồng cây cao su
Vốn có cuộc sống bấp bênh, không nghề nghiệp ổn định, năm 2014, vợ chồng anh Nguyễn Đình Phường, quê xã Hạnh Lâm (Thanh Chương) được nhận vào làm công nhân tại Nông trường cao su TNXP 2. Nhận 40 ha cao su để vừa trồng mới, vừa chăm sóc, vượt qua những khó khăn ban đầu với loại cây trồng còn lạ lẫm ở vùng đất này, đến nay, chỉ sau hơn 2 năm, công sức của cặp vợ chồng trẻ này đã được đền bù xứng đáng; mỗi tháng, từ vườn cao su, anh chị có thu nhập ổn định bình quân 20 triệu đồng, thực sự là con số mơ ước đối với những người nông dân nơi vùng đất bạt ngàn đồi núi vốn chỉ toàn lau, nứa tép.
Chăm sóc vườn ươm giống vườn cao su ở huyện Anh Sơn. |
Sau 6 năm, những cây cao su đầu tiên được trồng trên đất xã Thanh Đức, từ những vùng đồi trung du các huyện Thanh Chương, Anh Sơn đến những vùng núi rẻo cao huyện Quế Phong, cây cao su đã phủ một màu xanh tốt bạt ngàn.
Trên diện tích đất được nhận bàn giao tại 3 địa phương trên, 6 năm qua, Công ty CP Đầu tư phát triển Cao su Nghệ An đã tổ chức khai hoang, trồng mới được 4.350 ha cây cao su, bình quân mỗi công nhân được nhận khoán chăm sóc 10 ha cao su kiến thiết cơ bản. Ông Phạm Viết Duy - Giám đốc Nông trường cao su Quế Phong 1 chia sẻ: Nhờ áp dụng các biện pháp kỹ thuật, nhất là biện pháp kỹ thuật chăm sóc cây cao su trên đất dốc, đảm bảo mật độ và độ đồng đều, đến nay toàn bộ diện tích cao su sinh trưởng và phát triển rất tốt, được tập đoàn và công ty đánh giá cao.
Vùng quy hoạch trồng cao su của Công ty CP Đầu tư phát triển Cao su Nghệ An chủ yếu là vùng rừng nghèo kiệt, lau lách. Dù nằm xa biển và không bị ảnh hưởng bởi gió bão, có quỹ đất để phát triển vùng nguyên liệu tập trung cũng như nguồn lao động dồi dào, nhưng đây cũng là những vùng đất có cơ sở hạ tầng thấp kém, tập quán sản xuất còn lạc hậu, lao động chủ yếu là lao động thủ công.
Ông Trần Ngọc Thắng - Tổng Giám đốc công ty chia sẻ: Sau khi dự án được triển khai, được sự quan tâm của tỉnh, các cấp, ngành và đặc biệt là 3 huyện nơi triển khai dự án, cùng sự nỗ lực của toàn thể CB, CNV công ty, đến nay, trên diện tích đất đã được bàn giao, đơn vị đã trồng được 4.350 ha cao su, trong đó diện tích trồng các năm 2010 và 2011 là 220 ha. Toàn công ty có 5 nông trường, 620 CB, CNV, trong đó công nhân trực tiếp lao động là 520 người, chủ yếu là người địa phương, con em đồng bào dân tộc chiếm 34%.
Ngoài mức thu nhập bình quân hiện nay là 4,2 triệu đồng/người/tháng, các hộ còn trồng xen các loại cây có giá trị kinh tế như gừng, nghệ, đậu đỗ, rễ hương hoặc phát triển chăn nuôi nâng cao thu nhập. Đến nay, công ty đã đầu tư xây dựng hơn 300 km đường cấp phối, trong đó gần 200 km đường lô và liên lô, hơn 100 km đường kết hợp vận chuyển mủ và phục vụ dân sinh, hệ thống cầu cống, góp phần quan trọng giúp rút ngắn khoảng cách đi lại giữa các xã vùng xa với trung tâm huyện lỵ. “5 năm qua giá cao su biến động theo chiều hướng giảm, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam và công ty phải điều chỉnh suất đầu tư hợp lý, trong đó có cả đơn giá tiền lương dẫn đến đời sống, thu nhập công nhân gặp nhiều khó khăn.
Chăm sóc vườn ươm giống vườn cao su ở huyện Anh Sơn. |
Tuy nhiên, từ quý II/2016 và nhất là những ngày đầu năm 2017, giá cao su đã ấm dần lên đạt 50 triệu đồng/tấn, tăng gần gấp đôi so với mức giá tận đáy hồi cuối năm 2015, và được dự báo sẽ tiếp tục ấm lên nữa. Trong khi đó, từ năm 2017 chúng tôi sẽ bắt đầu đưa vào khai thác trên 220 ha cao su trồng từ năm 2010 và 2011, và cùng với đó, Nhà máy chế biến cao su đầu tiên công suất 5.000 tấn/năm sẽ được xây dựng tại Anh Sơn.
Dự kiến đến năm 2019, 2020 khi bắt đầu cạo mủ đại trà, với năng suất dự kiến 1,8- 2 tấn mủ/ha/năm, mỗi năm công ty sẽ có khoảng gần 8.000 tấn mủ trên những diện tích hiện đã trồng, chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng thêm nhà máy chế biến tại Thanh Chương”- ông Trần Ngọc Thắng cho hay.
Chưa đảm bảo tiến độ thực hiện dự án
Đến nay, sau 6 năm có quyết định bàn giao đất, Công ty CP Đầu tư phát triển Cao su Nghệ An mới trồng được 4.350 ha cao su, trong khi theo kế hoạch, đến năm 2018 đơn vị sẽ hoàn thành trồng trên toàn bộ diện tích quy hoạch. Riêng trong 2 năm 2015 và 2016, công ty chỉ trồng mới được 480 ha trên kế hoạch tập đoàn giao là 2.300 ha.
Những năm qua, công ty đã thực hiện tốt công tác đền bù, hỗ trợ cho các hộ dân trong vùng dự án theo tinh thần vừa đúng quy định của pháp luật, vừa đảm bảo quyền lợi ở mức cao nhất cho người dân giao trả đất. Tính đến ngày 22/12/2016, công ty đã được nhận bàn giao gần 5.500 ha với tổng số tiền chi trả hỗ trợ, đền bù lên đến hơn 82 tỷ đồng. Trên diện tích đã được UBND tỉnh quy hoạch, công ty đã trồng được 4.350 ha cao su.
Thực tế chứng minh, cây cao su rất phù hợp với chất đất và khí hậu tại đây, được đánh giá cao hơn vườn cây của các công ty thuộc Tập đoàn khu vực duyên hải miền Trung. Tuy nhiên, mặc dù tỉnh đã cam kết sẽ cùng nhà đầu tư tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, tạo mọi điều kiện thuận lợi để dự án của công ty hoàn thành đúng tiến độ, nhưng đến nay, doanh nghiệp vẫn gặp nhiều vướng mắc, trở ngại. Trên diện tích đất thu hồi của Công ty Lâm nghiệp Anh Sơn (cũ), các liên doanh vẫn chưa bàn giao xong, gây chậm trễ tiến độ thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án và ảnh hưởng đến kế hoạch trồng mới cao su.
Chăm sóc vườn ươm giống vườn cao su ở huyện Anh Sơn. |
Tại địa bàn huyện Thanh Chương, theo Quyết định 2953 chuyển nguyên trạng Tổng đội TNXPII về Công ty CP Đầu tư phát triển cao su Nghệ An, từ năm 2015, công ty đã được UBND tỉnh cho chuyển đổi 940 ha rừng sản xuất nghèo kiệt sang trồng cao su. Công ty đã thuê đơn vị tư vấn thiết kế khai thác 470 ha, nhưng đến nay, sau gần 2 năm đơn vị vẫn chưa được cấp có thẩm quyền cấp phép.
Tại Quế Phong, theo Quyết định phê duyệt quy hoạch số 4081 ngày 13/9/2013 của UBND tỉnh Nghệ An về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cây cao su của Công ty CP Đầu tư phát triển Cao su Nghệ An trên địa bàn huyện Quế Phong, giai đoạn 2013 - 2020 có diện tích quy hoạch trồng cao su là 3.089 ha. Thế nhưng đến nay 2 Nông trường Quế Phong và Quế Phong 1 mới chỉ trồng được 900 ha. Nguyên nhân do các cấp chính quyền địa phương chưa thực sự vào cuộc quyết liệt trong tuyên truyền, vận động và các biện pháp khác để giải phóng mặt bằng, bàn giao đất cho công ty trồng mới. Trong quy hoạch còn có sự chồng chéo giữa đất trồng cao su với một số loại cây trồng khác hoặc mục đích sử dụng khác.
Để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, mục tiêu đến năm 2020 toàn tỉnh trồng mới đạt 17.000 ha cao su, Công ty CP Đầu tư phát triển Cao su Nghệ An vẫn là đơn vị chủ lực. 6 năm chưa phải là thời gian quá dài, nhưng bằng quyết tâm của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam nhằm đưa cây cao su vào trên quê hương Bác Hồ, được sự quan tâm của tỉnh, các cấp, ngành và địa phương vùng dự án, công ty đã trồng được trên 4.000 cao su, góp phần cùng địa phương giải quyết việc làm cho người lao động, ổn định kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Với những kết quả đã đạt được, cùng tín hiệu đáng mừng của thị trường và xu hướng liên kết phát triển, tiêu thụ sản phẩm cao su giữa các nước trồng cao su trên thế giới, hy vọng đây sẽ là hướng đi hiệu quả trong phát triển kinh tế vùng miền núi Nghệ An. Để có thể đạt được mục tiêu này, công ty rất cần sự quan tâm vào cuộc, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc giúp đơn vị thuận lợi triển khai dự án.
Phú HươngTIN LIÊN QUAN