Người Nhật ôn hòa với sứ mệnh giải giáp hạt nhân

10/03/2017 16:01

(Baonghean) - Cũng giống như người tiền nhiệm, Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Yukiya Amano đã duy trì “ghế nóng” trong 2 nhiệm kỳ và vừa được tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 3. Thách thức lớn nhất trong 4 năm tiếp theo với ông Amano vẫn là hồ sơ hạt nhân Triều Tiên và Iran nhưng sẽ ở một cấp độ mới, dự đoán nhiều khó khăn hơn.

Sứ mệnh chống phổ biến vũ khí hạt nhân

Tháng 12/2009, ông Amano (người Nhật Bản) trở thành người châu Á đầu tiên giữ chức Tổng Giám đốc IAEA. Ban đầu một số quốc gia mới nổi như Nam Phi, Argentina, hay Trung Quốc lo ngại rằng, chính sách của một lãnh đạo người Nhật sẽ làm chậm lại quá trình phát triển năng lượng hạt nhân của mình.

Tuy vậy với nhiều người, một chuyên gia dày dạn kinh nghiệm về giải trừ vũ khí hạt nhân và đến từ quốc gia duy nhất phải gánh chịu hậu quả của bom nguyên tử, như ông Amano, sẽ rất phù hợp trong thời điểm các chương trình phát triển hạt nhân trở nên đáng lo ngại hơn bao giờ hết.

Tổng giám đốc IAEA (trái) gặp Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson bàn về thỏa thuận hạt nhân Iran tháng 2/2017. Ảnh AP
Tổng giám đốc IAEA (trái) gặp Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson bàn về thỏa thuận hạt nhân Iran tháng 2/2017. Ảnh AP

Ông Amano đã sống và lớn lên trong nỗi đau, lòng căm phẫn của người dân Nhật Bản do bị nhiễm phóng xạ từ 2 quả bom hạt nhân mà Mỹ ném xuống 2 thành phố Hiroshima và Nagasaki (năm 1945). Do đó, trong IAEA và cả cộng đồng các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân và chống phổ biến vũ khí hạt nhân,... không ai hiểu rõ những nỗi đau do di chứng nhiễm phóng xạ từ bom hạt nhân hơn ông. Đây cũng là lý do ông Amano từng nhiều lần tuyên bố rằng, ông “sẽ làm việc hết sức để chống lại việc phổ biến vũ khí hạt nhân”.

Gần 8 năm trên cương vị Tổng Giám đốc IAEA, chiếc ghế nóng mà ông Amano được đánh giá là xứng đáng khi đã ghi được nhiều “thành tích” như việc giải quyết khủng hoảng và nâng cao tiêu chuẩn an toàn của các cơ sở hạt nhân sau sự cố xảy ra tại Nhà máy điện nguyên tử Fukushima Daiichi (Nhật Bản) vào năm 2011.

Ông cũng có đóng góp không nhỏ vào các vòng đàm phán để đạt được thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2014 cũng như kêu gọi các nước ký vào bản cam kết không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Hiện nay, IAEA vẫn tiếp tục nhiệm vụ quan trọng là giám sát sao cho các nguyên liệu hạt nhân và trang bị chỉ được sử dụng cho mục đích hòa bình, nghiêm cấm sử dụng chúng cho các mục đích quân sự. Đó là lý do các thanh tra viên của tổ chức này thường xuyên có mặt tại nhiều cơ sở hạt nhân của nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là những nước được đánh giá là đang có tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân như Iran hay CHDCND Triều Tiên.

Thách thức mới

Khác với người tiền nhiệm El Baradei được đánh giá có xu hướng “chính trị hóa” IAEA, ông Amano có quan điểm ôn hòa, thường tập trung vào các vấn đề kỹ thuật hơn. Ông từng trả lời phỏng vấn với tạp chí Spiegel của Đức rằng: “Phong cách làm việc của tôi không thuộc kiểu mềm mỏng hay cứng rắn. Tôi muốn mọi thông tin phải rõ ràng, bất kể là có áp lực từ phía nào đi nữa. Nếu nhìn từ góc độ này, ngôn từ của tôi không phải là mạnh mẽ hơn, mà chỉ đơn giản là đúng thực tế hơn”.

Ông Yukiya Amano thăm một nhà máy điện hạt nhân ở Ghana.Ảnh IAEA
Ông Yukiya Amano thăm một nhà máy điện hạt nhân ở Ghana. Ảnh IAEA

Đây có thể coi là một “điểm cộng” nhưng cũng là một thách thức đối với ông Amano. Bởi lẽ khi thế giới đang xuất hiện nhiều mối đe dọa từ các thảm họa hạt nhân do thiên tai và nhân tai gây ra, nhiều thành viên trong IAEA muốn nhìn thấy trên cương vị Tổng giám đốc của tổ chức này là một nhân vật thuần túy về kỹ thuật để có thể tập trung giải quyết các vấn đề không phổ biến công nghệ chế tạo vũ khí hạt nhân tại nhiều nước.

Đương kim Tổng giám đốc của IAEA là người đảm bảo được yêu cầu này, thế nhưng cái khó của ông Amano là vừa phải đảm bảo độ chân thực của thông tin, vừa không làm mất lòng bất cứ bên nào.

Nhìn vào chuyện hạt nhân Iran có thể thấy rõ điều đó. Cách đây hơn 2 năm, hồ sơ hạt nhân của Iran những tưởng được khép lại sau thỏa thuận lịch sử giữa nước này với các cường quốc trong đó có Mỹ. Nhưng mọi chuyện đang có nguy cơ “đổ bể” khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức và đòi xem xét lại thỏa thuận đã ký.

Sau hơn một tháng cầm quyền, vị tổng thống này chưa có hành động lớn nào ngoài áp dụng thêm biện pháp trừng phạt sau khi Iran thử tên lửa vì chưa có bằng chứng đảo ngược thỏa thuận. Nếu IAEA xác nhận Iran không tuân thủ các cam kết trong thỏa thuận đa phương thì đây sẽ là “cái cớ” lớn để ông Trump xét lại thỏa thuận này.

Tuy vậy, những kiểm chứng của IAEA thời gian gần đây đều cho thấy Iran tuân thủ các cam kết. Đương nhiên, thông tin này chắc chắn không làm chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump hài lòng. Nhưng sự thật là sự thật. Chỉ có điều IAEA và bản thân người lãnh đạo tổ chức này sẽ còn phải nhiều lần “cân não” để sự thật không làm “mất lòng” bên nào, nhất là Mỹ - quốc gia có ảnh hưởng nhất trên bàn thương lượng về hạt nhân của các nước.

Thách thức lớn nữa đối với ông Amano hiện nay chính là bài toán hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên khi Bình Nhưỡng phớt lờ các lệnh trừng phạt của quốc tế để phóng thử tên lửa và hạt nhân. Trong nhiều trường hợp, IAEA đã không thể hành động gì ngoài việc phê phán hay “mạnh mẽ lên án”.

Điều này khiến giới quan sát cho rằng IAEA có vai trò hạn chế trong việc tạo ra sức ép cần thiết lên những quốc gia “có vấn đề” về chương trình hạt nhân. Nó cũng cho thấy IAEA được nhìn nhận dưới góc độ của một tổ chức nghiên cứu và điều tra hơn là cơ quan quyền lực duy nhất có chức năng giám sát hoạt động hạt nhân trên toàn cầu.

Một nhiệm vụ khó khăn nữa mà ông Amano phải tiếp tục theo đuổi trong nhiệm kỳ kế tiếp là bình đẳng hóa trong phát triển hạt nhân cũng như sở hữu vũ khí nguyên tử trong cộng đồng quốc tế.

Lâu nay các quốc gia như Iran và Triều Tiên luôn cảm thấy bất công vì các quốc gia như Mỹ hay Nga tiếp tục củng cố kho vũ khí hạt nhân của mình, trong khi các chương trình phát triển hạt nhân đầy nghi ngờ của họ thì bị phê phán mạnh mẽ.

Tất cả những điều này sẽ tiếp tục là gánh nặng cho Tổng giám đốc IAEA. Dù đó là những thách thức cũ nhưng lại được “khoác” thêm những phức tạp mới khiến sứ mệnh mang lại hòa bình cho thế giới của ông Amano sẽ còn không ít chông gai.

Thanh Huyền

TIN LIÊN QUAN