Cần chính xác trong quy hoạch rừng nguyên liệu ở Nghệ An
(Baonghean) - Để có chiến lược phát triển kinh tế rừng và nâng cao giá trị kinh tế rừng, Nghệ An đã có quy hoạch tổng thể phát triển rừng nguyên liệu giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trước đó, tỉnh cũng đã có quy hoạch cụ thể các vùng nguyên liệu cho một số dự án, nhà máy chế biến gỗ... Tuy nhiên, trên thực tế, việc quy hoạch này còn nảy sinh một số bất cập, thiếu chính xác.
Nhận thấy tiềm năng kinh tế rừng to lớn, tỉnh Nghệ An đang tập trung các giải pháp để nâng cao chất lượng, năng suất rừng trồng gỗ nguyên liệu, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho các cơ sở chế biến và cân đối quỹ đất lâm nghiệp phát triển rừng trồng nguyên liệu, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào ngành chế biến gỗ.
Nghệ An đã ban hành kế hoạch hành động, bảo vệ và phát triển rừng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường giai đoạn 2016 - 2020; phê duyệt quy hoạch phát triển rừng nguyên liệu giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Với mục đích gắn quy hoạch với tái cơ cấu ngành lâm nghiệp tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững cả về kinh tế - xã hội và môi trường.
» Linh mục Nguyễn Đình Thục kích động giáo dân
Khu vực ao hồ và người dân trồng chè nhưng vẫn được quy hoạch là vùng nguyên liệu ở Thanh Thủy (Thanh Chương). Ảnh: Đức Chuyên |
Việc quy hoạch này cũng nhằm đánh giá tiềm năng đất lâm nghiệp thuộc quy hoạch rừng sản xuất có thể phát triển rừng trồng nguyên liệu gắn với từng trung tâm chế biến trên địa bàn tỉnh; cân đối quỹ đất lâm nghiệp phát triển rừng trồng nguyên liệu, nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào ngành chế biến gỗ, với phương châm thâm canh rừng nguyên liệu, không quy hoạch dàn trải. Thế nhưng, qua kiểm tra thực tế một vài địa phương, một số vùng nguyên liệu của các dự án cho thấy, việc quy hoạch các vùng nguyên liệu này đang còn chồng chéo, số liệu chưa chính xác.
Như ở huyện Thanh Chương, quy hoạch vùng nguyên liệu cho dự án “Nhà máy chế biến gỗ Nghệ An” là trên 5.700 ha, nhưng qua rà soát thực tế còn khoảng 2.282 ha. Theo lãnh đạo các xã có quy hoạch vùng nguyên liệu và những người trồng rừng ở huyện Thanh Chương cho biết, nguyên nhân do quá trình quy hoạch thiếu sự khảo sát cụ thể, có những vùng người dân làm nhà, trồng chè, làm lúa nước, thu hoạch đã lâu năm, nhưng vẫn quy hoạch là vùng nguyên liệu rừng trồng. Ông Phan Duy Trinh - Chủ tịch UBND xã Thanh Thủy (Thanh Chương) cho biết: Thanh Thủy có 2.300 ha đất rừng sản xuất, nhưng qua kiểm kê còn khoảng 300 - 400 ha có thể đầu tư trồng mới. Do đó, khi quy hoạch vùng nguyên liệu cho các nhà máy, dự án, cần phải sát với thực tế, nếu không sẽ gây khó khăn cho cả địa phương lẫn doanh nghiệp.
Quá trình chúng tôi tìm hiểu về việc trồng rừng nguyên liệu tại xã Cao Sơn (Anh Sơn), ông Phan Thế Tài - cán bộ lâm nghiệp xã cho biết: Quy hoạch, khảo sát trên giấy tờ sai so với thực tế rất nhiều, có nơi là nhà dân ở, dân trồng chè (như ở xóm 1) nhưng vẫn quy hoạch là vùng nguyên liệu. Muốn quy hoạch đúng thì phải đi đến từng hộ, không thể ngồi một chỗ mà làm được. Như ở Cao Sơn, quy hoạch vùng nguyên liệu cho Nhà máy chế biến gỗ MDF là 400 ha, thực tế chỉ còn khoảng 180 ha. Ông Thái Ngô Cường - Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Anh Sơn cho biết thêm: Trên thực tế, vẫn có tình trạng quy hoạch là rừng phòng hộ, nhưng người dân lại tự ý trồng các loại cây nguyên liệu như ở các xã Thọ Sơn, Bình Sơn, Vĩnh Sơn...
Khảo sát rừng nguyên liệu đến kỳ thu hoạch để lên phương án khai thác tại Công ty CP nguyên liệu Đông Bắc. Ảnh: H.N |
Trong văn bản lý giải về việc hệ số sử dụng đất lâm nghiệp trong thực tế thấp hơn so với bản quy hoạch, Đoàn điều tra quy hoạch lâm nghiệp (Sở NN&PTNT) nêu: Do diện tích đất quy hoạch để trồng rừng phân bố không đồng nhất về các đặc điểm địa hình, có những nơi độ dốc cục bộ hoặc đá nổi, sông suối... diện tích nhỏ xen kẽ không thể trồng rừng nguyên liệu nhưng không tách bóc được (chiếm 15-17%); trong vùng quy hoạch có một số diện tích đất có rừng không thuộc đối tượng được phép cải tạo để trồng rừng nguyên liệu, có diện tích dưới 0,5 ha nằm đan xen, không thể bóc tách được (chiếm 5-6%)...
Trao đổi với phóng viên Báo Nghệ An, ông Ngô Hùng Tú - Phó trưởng Đoàn điều tra quy hoạch lâm nghiệp cho biết: Việc điều tra quy hoạch chỉ mang tính định hướng, việc trồng cây gì là do các chủ rừng. Công tác điều tra còn phụ thuộc vào công nghệ máy móc. Về sai số so với thực tế có thể là do dùng bản đồ cũ áp vào, nhưng hiện trạng hiện nay đã thay đổi. Muốn biết được thì phải kiểm tra lại thực địa. Cũng theo ông Tú thì trong đợt quy hoạch rừng vừa qua, sai số vài chục nghìn ha là có thể chấp nhận được! Còn ông Nguyễn Tiến Lâm - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, muốn phát triển kinh tế rừng thì phải có đầu tư; có quy hoạch tổng thể, quy hoạch cụ thể. Trong thực tế, sử dụng được 70% diện tích so với quy hoạch là ổn!
Việc không nắm bắt tình hình, thực trạng cụ thể trong quá trình quy hoạch sẽ dẫn đến nhiều vấn đề nảy sinh, địa phương nơi có quy hoạch không đồng tình, như ở huyện Quế Phong, khi huyện kiểm tra rà soát lại hiện trạng vùng diện tích đất được quy hoạch cho dự án trồng rừng nguyên liệu của Công ty CP đầu tư tài chính và bất động sản Việt, các xã đã kiến nghị không đưa vào quy hoạch, như xã Quang Phong không đồng ý cho công ty thuê 1.061,9 ha đất theo quy hoạch đã được phê duyệt do nhân dân không đồng tình, vì nếu cho công ty thuê đất sẽ làm ảnh hưởng đời sống của người dân do thiếu nước, thiếu đất sản xuất, ảnh hưởng đến vùng chăn thả, trang trại, ruộng lúa nước của các hộ dân dọc khe suối...
Theo các chuyên gia kinh tế, việc quy hoạch các vùng nguyên liệu thiếu chính xác, khi nhiều nhà máy chế biến nguyên liệu hình thành và đưa vào sử dụng sẽ dẫn đến tình trạng tranh mua, tranh bán, “khai thác non” rừng trồng, khai thác quá mức rừng tái sinh, thậm chí khai thác cả rừng phòng hộ và rừng đặc dụng... khiến nguồn tài nguyên rừng cạn kiệt, làm mất cân bằng sinh thái và gây hậu quả lớn về môi trường!
Ông Nguyễn Thọ Cảnh - nguyên Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng: Quy hoạch là biện pháp quản lý nhà nước về đất đai, chất lượng quy hoạch là một vấn đề rất quan trọng. Nếu quy hoạch sai sẽ dẫn đến những con số ảo, dẫn đến sự tính toán, hoạch định sẽ thiếu chính xác, ảnh hưởng đến chiến lược đầu tư phát triển kinh tế lâm nghiệp của tỉnh, của các nhà đầu tư trong trồng rừng nguyên liệu và xây dựng nhà máy chế biến.
Quy hoạch phát triển rừng trồng nguyên liệu gỗ tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn 2030 được thực hiện trên địa bàn của 18 huyện, thị với tổng diện tích 283.562 ha, được chia làm 3 vùng, cụ thể: - Vùng Tây Bắc: Bao gồm 5 huyện, thị trên tuyến đường Quốc lộ 48 (Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ), có diện tích quy hoạch phát triển rừng nguyên liệu là 108.596 ha. - Vùng Tây Nam: Bao gồm 6 huyện trên tuyến đường Quốc lộ 7 (Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Thanh Chương, Đô Lương), có diện tích quy hoạch phát triển rừng nguyên liệu là 144.892 ha. - Vùng trung tâm: Bao gồm 7 huyện, thị trên tuyến Quốc lộ 1 (TX. Hoàng Mai, các huyện Quỳnh Lưu, Yên Thành, Diễn Châu, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Nam Đàn), có diện tích quy hoạch phát triển rừng nguyên liệu là 30.074,0 ha. |
N.P.V
TIN LIÊN QUAN |
---|