Lương y rèn nghề trong 'địa ngục trần gian' Phú Quốc

25/02/2017 07:53

(Baonghean)- Bị địch bắt, đưa vào nhà tù Phú Quốc, thấy đồng đội bị tra tấn, người chiến sỹ cộng sản sáng tạo ra kim để châm cứu, giảm đau, chữa vết thương đồng thời đấu tranh đòi cấp thuốc.

» 'Chúng con cầu nguyện cho linh mục Thục nhận ra mình đang làm trái với đạo Chúa'

Vợ chồng ông Nguyễn Trường Tộ (SN 1942) sống trong ngôi nhà nhỏ ở khối 9, Phường Đội Cung (TP. Vinh), công việc hàng ngày là khám bệnh và bốc thuốc. Hôm chúng tôi đến thăm, ông mở ngăn tủ lấy ra hai vật nhỏ. Một tập giấy nhỏ đã ngả “màu thơi gian”, trên đó có những dòng chữ li ti được viết thẳng hàng và còn khá rõ.

Vật thứ hai là cái bấm móng tay đính kèm hai cái ngoáy tai bằng những chiếc vòng nhỏ. Hai vật ấy ông đưa về từ nhà tù Phú Quốc, do chính bàn tay của ông làm ra, giờ đây trở thành kỷ vật thiêng liêng, dẫu có đưa đến nghìn vàng cũng không bao giờ đánh đổi. Đặc biệt, tập giấy nhỏ ấy ông xem là tài sản vô giá, vì đó là những bài thuốc ông sưu tầm, ghi chép được trong những năm tháng bị tù đày.

Ông Tộ tâm sự: “Đã 75 năm có mặt trong cõi nhân sinh, có bao điều khiến ta phải nhớ, với tôi những năm tháng trong nhà tù đế quốc là kỷ niệm không thể nào quên. Không chỉ có giam cầm và tra tấn mà ở đó còn là trường học giúp tôi rèn luyện phẩm chất, ý chí, y đức và cả trình độ chuyên môn”.

1.Tuổi đã cao nhưng Lương y Nguyễn Trường Tộ vẫn tâm huyết với việc chữa bệnh cứu người
Tuổi đã cao nhưng Lương y Nguyễn Trường Tộ vẫn tâm huyết với việc chữa bệnh cứu người. Ảnh: Tường Anh.

Những năm đánh Mỹ, Nguyễn Trường Tộ là lính quân y làm nhiệm vụ ở mặt trận Trị - Thiên. Ông đã bao lần chứng kiến cảnh đồng đội ngã xuống, cảnh những chiến sỹ bị thương bom, đạn kẻ thù, chịu bao đau đớn. Người lính quân y luôn tự dặn mình phải hoàn nhiệm vụ, hết mình cứu chữa thương binh để họ có cơ hội trở về đoàn tụ với gia đình và quê hương, cứu sống được một đồng đội là thêm một niềm vui trong cuộc đời.

Giữa năm 1968, trong một trận chống càn không cân sức, ông băng qua làn đạn kẻ thù để đưa thương binh ra tuyến sau rồi bị thương, ngất lịm lúc nào không hay. Khi tỉnh dậy mới hay mình đã sa vào tay địch. Ông được chuyển đến nhà tù Non Nước (Đà Nẵng), không khai thác được gì, địch chuyển ông ra nhà tù Phú Quốc (Kiên Giang) - nơi được mệnh danh là “địa ngục trần gian”.

Chứng kiến cảnh đồng chí, đồng đội vật vã bởi đòn roi, những vết loét rỉ nước vàng vì thiếu kháng sinh, những cơn ho dằng dặc như không bao giờ dứt, những thân hình chỉ còn da bọc xương, ông Tộ đã không cầm được dòng nước mắt. Ông đã đề xuất Đảng bộ nhà tù cho anh em tù binh đấu tranh yêu cầu địch cấp phát thuốc và chữa bệnh. Qua nhiều lần đấu tranh, cuối cùng những người bệnh nặng được khám và cấp thuốc.

Nguyễn Trường Tộ đã tận tình hướng dẫn mọi người cách điều trị bệnh, chỉ định các loại thuốc và thời gian điều trị. Đặc biệt, với những người bị địch tra tấn thương tích đầy mình, khắp toàn thân đau như kim châm, muối xát, ông giúp họ xoa dịu cơn đau bằng cách châm cứu. Vì những trường hợp ấy chỉ có cách châm cứu để lưu thông khí huyết, đưa khí độc ra ngoài cơ thể.

3.Kỷ vật đưa về từ nhà tù Phú Quốc của Lương y Nguyễn Trường Tộ
Hai kỷ vật (tập giấy nhỏ ghi những bài thuốc và chiếc bấm móng tay kèm hai chiếc ngoáy tai) của Lương y Nguyễn Trường Tộ đưa về từ nhà tù Phú Quốc. Ảnh: Tường Anh.

Nhưng ở trong tù, lấy đâu ra kim châm cứu? Ông Tộ nghĩ ra cách nhặt nhạnh những mẩu thép nhỏ, tiếp tục tán mỏng, mài sắc rồi cuộn lại thành những chiếc kim. Với sáng tạo độc đáo ấy, ông đã giúp được bao đồng chí, đồng đội giảm những cơn đau thể xác.

Việc cứu chữa người bệnh trong tù đã cho ông Nguyễn Trường Tộ những bài học quý giá và được ghi lại trong tập giấy nhỏ. Rồi, khi được ai đó mách cho một bài thuốc hay ông cũng ghi vào để sau này có dịp chữa bệnh cứu người. Quãng thời gian 5 năm trong chốn lao tù (1968 - 1973), ông đã ghi được cả tập giấy với hàng chục bài thuốc và cách chữa bệnh.

Ngày được trao trả theo Hiệp định Pa-ri, theo quy định tù binh không được mang theo vật gì qua bên kia giới tuyến. Không thể vứt bỏ những gì đã dụng công ghi chép, ông Tộ nghĩ ra cách nuốt tập giấy vào sâu trong họng, lúc kiểm tra kẻ địch không mảy may nghi ngờ. Từ đó, tập giấy viết ấy trở thành “báu vật”, luôn được nâng niu, cất giữ cẩn thận.

Sau khi được trao trả, Nguyễn Trường Tộ thi đậu vào Trường Đại học Y Hà Nội, ra trường về công tác tại Sở Y tế Nghệ An, rồi làm Chủ tịch Hội Đông y tỉnh. Ông tham gia biên soạn 10 công trình về Đông y, được Bộ y tế trao giải thưởng Hải Thượng Lãn Ông, Hội Đông y Việt Nam tôn vinh danh hiệu Lương y tiêu biểu.

Tường Anh

TIN LIÊN QUAN