Mark Zuckerberg chi 3 tỷ USD ngăn chặn mọi bệnh tật trên hành tinh

02/03/2017 19:58

Loài người không tiến hóa để hoàn hảo hơn, chúng ta tiến hóa để thích nghi với môi trường sống.

Cuối năm 2016, Mark Zuckerberg cùng vợ mình là Priscilla Chan cam kết sẽ đầu tư 3 tỷ USD cho một mục tiêu vĩ đại: Chữa, kiểm soát và ngăn chặn mọi bệnh tật trên hành tinh. Cùng thời điểm, Microsoft cũng nói rằng tập đoàn này sẽ góp sức mình để “giải quyết” bằng được nỗi đáng sợ mang tên ung thư vào năm 2026.

Không khó để nhận ra, khi các tỷ phú và công ty của họ đã kiếm đủ tiền, điều tiếp theo họ muốn làm là để lại những cống hiến dài hạn. Điển hình nhất là giành nhiều thời gian hơn, nhiều nỗ lực và cả tiền bạc hơn đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu y sinh.

Những nhà tỷ phú luôn muốn con người cải thiện được sức khỏe, có khả năng chữa trị không chỉ ung thư, mà còn tất cả các loại bệnh tật. Thế nhưng, đó không phải là điều đơn giản, nói được là làm được, ngay cả khi bạn là một người có tiền, một tỷ phú.

Tự nhiên và tiến hóa có những luật lệ của chúng. Cãi lại luật lệ và tạo ra những cá thể hoàn hảo, biết đâu, lại chính là khởi đầu của quá trình diệt vong.

Mark Zuckerberg cùng vợ mình là Priscilla Chan cam kết sẽ đầu tư 3 tỷ USD để chữa trị mọi bệnh tật
Mark Zuckerberg cùng vợ mình là Priscilla Chan cam kết sẽ đầu tư 3 tỷ USD để chữa trị mọi bệnh tật.

Mỗi cá thể, mỗi bệnh tật đều đóng vai trò trong tiến hóa

Có một quan niệm phổ biến hiện nay, người ta thường so sánh cơ thể con người như một cỗ máy. Bệnh tật như các lỗi của nó và có thể được sửa chữa, bằng các công cụ chỉnh sửa gen như CRISPR-Cas9 chẳng hạn. Nhưng so sánh thế sẽ tạo ra mâu thuẫn với Thuyết tiến hóa của Darwin. Máy móc và máy tính không tiến hóa, nhưng một sinh vật như con người thì có.

Sự tiến hóa là một vấn đề quan trọng ở đây, bởi vì mỗi một gen, mỗi đặc tính trong bài toán sự sống và tiến hóa đều có những liên kết phức tạp. Chắng hạn một gen tạo ra một chức năng, nó thường xuyên gắn liền với một chức năng thứ cấp khác. Gen đó có thể cải thiện chức năng thứ cấp, hoặc cũng có thể phá hủy nó khi môi trường sống thay đổi.

Trong tất cả các quá trình tiến hóa, mọi thành phần trên cơ thể đều có một kim chỉ nam và đều có mục đích. Ngay cả khi một thứ gì đó bị hỏng hóc hay biến mất, biết đâu lại là một điều tốt hơn ở tương lai.

Ngày nay, khi nói rằng mọi bệnh tật có thể được chữa trị, lập luận này vẫn tồn tại những lỗ hổng. Các yếu tố liên quan đến thời gian tiến hóa có thể đã không được tính đến bởi những nhà công nghệ học, những người nghĩ rằng nhiều tiền bạc và nhiều nghiên cứu hơn có thể giải quyết và chấm dứt bệnh tật.

Đối với Darwin, sự tiến hóa của một loài phụ thuộc vào chọn lọc tự nhiên. Việc phát hiện ra các DNA và những tiến bộ sau này của công nghệ gen không hề làm ảnh hưởng đến nguyên tắc ấy, rằng sự tiến hóa xoay vần quanh chọn lọc tự nhiên mà từng một cá thể đều có vai trò của nó. Chính vì vậy, tác động lên một cá thể là đã tác động đến quá trình tiến hóa.

Năm 1966, nhà sinh học tiến hóa Richard Lewontin và John Hubby tiếp tục đề xuất một khái niệm là “sự chọn lọc cân bằng”, nói rằng những phiên bản hiếm của gen có thể tồn tại trong một quần thể, từ khi chúng được thêm vào và có mặt trong cả một biển đa dạng di truyền.

Trong thực tế, một dị thể, hoặc có một dạng hiếm duy nhất của một gen, có thể đem lại những lợi ích cho cá thể, do đó dị thể sẽ tồn tại lại trong một số loài ở tần suất nhỏ.

Nhà sinh học lý thuyết Stuart Kauffman cũng cho rằng những biến thể di truyền hiếm gặp là cơ sở của sự đổi mới, và có thể vẫn còn tồn tại trong đường ống di truyền. Sự tồn tại này không hề ngẫu nhiên, mà nó đại diện cho lợi ích của hệ thống, ít nhất là một số lượng nhỏ các sinh vật trong quần thể.

Đối với Darwin, sự tiến hóa của một loài phụ thuộc vào chọn lọc tự nhiên.
Đối với Darwin, sự tiến hóa của một loài phụ thuộc vào chọn lọc tự nhiên.

Tạo ra cả một thế hệ con người hoàn hảo sẽ là khởi đầu của diệt vong

Thế nhưng, khoa học hiện đại sản sinh ra những nhà nghiên cứu thích dữ liệu, những người đơn giản chỉ nghĩ rằng: Nhiều nghiên cứu hơn, nhiều phân tích hơn và nhiều dữ liệu hơn sẽ giải quyết được vấn đề. Năm 1989, nhà sinh vật học phân tử James Watson có nói: “Chúng ta đã từng nghĩ số phận của chúng ta nằm ở những vì sao, nhưng bây giờ chúng ta biết nó nằm ở trong gen của chúng ta”.

Bạn có thể đồng ý, nhưng hãy nhìn xem sau hơn 2 thập kỷ từ lúc hệ gen người được giải mã, chúng ta chẳng tìm được là mấy các loại thuốc hoặc giải pháp mới. Nó khiến chúng ta phải xem xét lại, liệu có nên tìm về với những nguyên tắc sinh học cơ bản của tiến hóa và của thời gian?.

Thay vì nghĩ rằng loài người là một hệ thống khép kín, chúng ta có thể làm điều tốt hơn, xem xét nó qua một lăng kính mở của hệ sinh thái. Trong đó, chính hệ thống bị ảnh hưởng bởi những gì được coi là đầu vào của nó.

Trong một đời người, cơ thể của chúng ta luôn chịu sự tấn công của những đột biến di truyền. Ngay vào thời điểm này, hàng trăm nghìn tỷ kết nối thần kinh đang có mặt trong não chúng ta. Các mầm bệnh liên tục bắn phá cơ thể, thâm nhập vào các cơ quan và hàng rào máu não, tạo ra một hệ vi sinh vật trên người chúng ta, thứ mà vẫn luôn luôn thay đổi và vận động, tăng cường hoặc làm xói mòn sức khỏe của mỗi người.

Trong quá trình tiến hóa, không có điều gì miễn phí. Cũng giống như căng thẳng có thể kích thích sự sáng tạo nhưng một mặt gây ra những chứng bệnh mãn tính. Biến thể di truyền gây bệnh xơ nang, nhưng lại có thể giúp chúng ta chống lại bệnh tả.

Một biến thể trong gen PCSK9 có thể hạ nồng độ cholesterol xấu LDL, nhưng cũng thể làm tăng nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ. Chuyển gen có thể điều trị bệnh hiệu quả, những căn bệnh gây ra bởi một gen duy nhất. Nhưng chúng ta đã nói một gen liên quan đến nhiều vấn đề khác. Gen này biến mất nhưng những vấn đề của nó không đi đâu cả.

Chữa trị mọi bệnh tật có thể triệt tiêu tiến hóa và dẫn đến diệt vong.
Chữa trị mọi bệnh tật có thể triệt tiêu tiến hóa và dẫn đến diệt vong.

Cuối cùng, hãy xem xét đến một quan điểm đáng lo ngại mà Darwin đã từng đưa ra: Loài người chúng ta chẳng hề tiến hóa thành một thực thể hoàn hảo hơn. Thay vào đó, chúng ta thích nghi với môi trường sống.

Nếu con người chỉ là những cỗ máy, chúng ta có thể sửa chữa nó khi các bộ phận bị hư hỏng. Nhưng nếu xét trên tổng thể, bệnh tật hoặc sự hư hỏng ấy có thể là một cuộc khủng hoảng của cả cuộc sống và hệ sinh thái.

Như vậy thì những yếu tố rủi ro và đe dọa tính mạng như bệnh tật sẽ luôn tồn tại trong chúng ta. Con người lúc này phải đặt cược: Nếu những biến thể di truyền là cơ sở cho sự tiến hóa và đa dạng sinh học, tạo ra những con người quá hoàn hảo có thể là dấu mốc cho sự diệt vong trong tương lai.

Theo GenK

TIN LIÊN QUAN