Đại chiến Arsenal - M.U: Còn chút gì để nhớ!!!

07/05/2017 12:06

Thế so kè giữa M.U và Arsenal đã bị phá vỡ. Và bây giờ, khi người ta bỗng phải bàn về cặp Arsenal - M.U, thì đấy là bàn về cái đã sụp đổ, đã không còn tồn tại nữa.

» Những tuyệt phẩm trong cuộc đối đầu Arsenal - Man Utd

Đại chiến Arsenal - M.U: Còn chút gì để nhớ...

Siêu sao David Beckham bỏ tập vì phải ở nhà trông con, cho vợ đi shopping. Làm sao Sir Alex Ferguson chịu nổi?Vậy mà, bấy nhiêu vẫn chưa đủ để cô ca sĩ Victoria Adams - tức vợ Beckham - “chiếm ngôi đầu bảng” trong danh mục những kẻ đáng ghét nhất của HLV Ferguson. Báo chí phỏng vấn: “Nếu có một viên đạn, ông sẽ bắn Victoria hay HLV Arsene Wenger?”. Sir Alex trả lời, sau khi ngẫm nghĩ: “Cho tôi hai viên được không?”.

Tất nhiên, đấy chỉ là tài “chém gió” của giới cầm bút. Bóng đá Anh trên hết vẫn là giải trí, làm gì phải căm hờn nhau đến thế! Nhưng, bản chất của sự việc là cuộc đối đầu giữa M.U với Arsenal, giữa Ferguson với Wenger, từng được đẩy đến cao trào như vậy. Họ là “tuyệt đại song hùng” của Premier League.

Muốn nói về Premier League, trước tiên phải nói về họ. Mà phải nói ngay đến chi tiết cụ thể nhất, quan trọng nhất, quyết định nhất: ai sẽ vô địch trong cuộc đua trước mắt. Suốt một thập kỷ đầu tiên từ khi Premier League xuất hiện, Blackburn Rovers là đội duy nhất ngoài Arsenal và M.U có ngôi vô địch, và cũng chỉ có một lần.

Nhưng chuyện về Arsenal và M.U ở Premier League bắt đầu nhạt dần sau cú vô địch “để đời” của Arsenal ở mùa bóng 2003/04. Đấy là mùa bóng Arsenal vô địch với thành tích bất bại. Đáng chú ý hơn, đấy là mùa bóng đầu tiên mà tỷ phú Nga Roman Abramovich sở hữu Chelsea.

Ngay mùa kế tiếp, đồng rúp của Abramovich và tài cầm quân của một Jose Mourinho đang độ thăng hoa đã đưa Chelsea lên ngôi vô địch. Premier League trở thành... chuyện ba người. Và giữa 3 nhà cầm quân danh giá, Wenger luôn phải chịu đựng số phận hẩm hiu, với kịch bản bất di bất dịch, được duy trì đến tận bây giờ: ông luôn phải diễn vai phụ.


Thế so kè giữa M.U và Arsenal không chỉ bị phá vỡ. Nó trôi dần vào quên lãng. Và bây giờ, khi người ta bỗng phải bàn về cặp Arsenal - M.U, thì đấy là bàn về cái đã sụp đổ, đã không còn tồn tại nữa. Cột mốc mới: lần đầu tiên sau 40 năm, Arsenal và M.U đụng độ ở nửa cuối mùa bóng, trong hoàn cảnh cả hai đều không nằm trong Top 4 của giải VĐQG. Xin nhấn mạnh: đấy là giải VĐQG Anh, là lịch sử. Đấy không phải là Premier League nữa. Bởi Premier League nào đã xuất hiện trong lần gần nhất mà cả Arsenal lẫn M.U đều... tầm thường như vậy!

40 năm trước, vua nhạc “Rock and Roll” Elvis Presley qua đời. Đội PSG của Pháp vừa được thành lập 7 năm trước đó. Các HLV sáng giá nhất hiện nay như Antonio Conte, Mauricio Pochettino, Zinedine Zidane, Pep Guardiola đều ở độ tuổi của một cậu bé. Gã khổng lồ Bayern mà ai cũng biết là đã thống trị tuyệt đối sân cỏ Đức qua bao đời nay, khi ấy chỉ mới vô địch Bundesliga 4 lần. Và đấy là lúc Liverpool lần đầu có Cúp C1 châu Âu. Bây giờ, số lần đoạt Cúp C1 của họ chỉ thua AC Milan và Real Madrid. Đủ biết câu chuyện về Arsenal và M.U đã lâu đời như thế nào.

Trong bóng đá cũng như trong cuộc sống, có những thứ mà khi mất đi người ta mới quý. Giá như châu Âu trở lại cái thời mà mỗi CLB đều phải tự lực tự cường, chủ yếu trông cậy vào những tài năng tự đào tạo, thay vì cứ đơn giản quăng ra hàng trăm triệu euro để mua sắm ngôi sao, cuộc chơi có thể không đơn điệu như bây giờ.

“Phán quyết Bosman” - sự kiện có lẽ là quan trọng nhất, gây ảnh hưởng lớn lao nhất đến toàn bộ bóng đá đỉnh cao - bất quá cũng chỉ xuất hiện vào năm 1995. Trước đó một vài thế hệ, Arsenal và M.U đã tranh hùng. Sau đó nhiều thế hệ nữa, trong một thế giới bóng đá khác, Arsenal và M.U cũng vẫn tranh hùng. Thế mới kinh! Xem ra, Premier League đã mất đi một điều gì đấy rất đặc trưng, khi dù Arsenal hay M.U thắng trong đêm nay... đều chẳng có gì quan trọng!

Theo bongdaplus

TIN LIÊN QUAN