Chàng kế toán và giấc mơ trở thành nghệ sỹ hát nhạc thính phòng

28/05/2017 11:03

(Baonghean) - Khi giai điệu bài hát Truyền thuyết Hồ Gươm được vang lên trên sân khấu chung kết Giọng ca xứ Nghệ, người nghe không khỏi ngỡ ngàng bởi một giọng hát lạ, trầm hùng mà thiết tha, của một chàng trai mảnh khảnh thư sinh. Ngỡ ngàng hơn khi biết chàng trai ấy chỉ mới 23 tuổi mà đã hát dày dặn những ca khúc cách mạng được đóng đinh với những nghệ sỹ tên tuổi. Nguyễn Sỹ Nhật chạm ngõ sân chơi lớn bằng sự xuất hiện đầy ấn tượng như thế

Sinh ra trong một gia đình nghệ thuật mẹ là nghệ sỹ ca, múa, kịch đoàn ca múa dân tộc, ông ngoại và ông nội, đều hoạt động nghệ thuật tại các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, Minh Nhật sớm được nhen trong mình dòng máu nghệ sỹ. Từ nhỏ em đã sớm bộc lộ tố chất “con nhà nòi”.

Nguyễn Sỹ Nhật đạt giải Nhì cuộc thi Giọng ca xứ Nghệ . Ảnh nhân vật cung cấp.
Nguyễn Sỹ Nhật đạt giải Nhì cuộc thi Giọng ca xứ Nghệ . Ảnh nhân vật cung cấp.

Thế nhưng ngoài gia đình ít ai biết Nhật có năng khiếu trời cho, vì em kín tiếng, ít bộc lộ bản thân ở chốn đông người. Để rồi nếu có cơ hội hát chơi, Nhật chỉ chọn những bài hát nhạc trẻ (mà không là sở trường của em), thế nên số đông hưởng ứng em không nhiều, nhiều người còn cho rằng: “ Nhật hát cho vui vậy thôi chứ đâu phải là người có tố chất chuyên nghiệp.”

Cũng từ đó em cho rằng mình cần phải thoát ra cái bóng của gia đình và chọn ngành nghề mới để đi một con đường thênh thang hơn. Nghĩ vậy Nhật chọn ngành kế toán với mong muốn sẽ trở thành nhân viên kế toán giỏi , có công việc ổn định...

Và con đường ấy lẽ ra đã là con đường tương lai của em nhưng một lần nữa Nhật đã không thể cưỡng lại được chữ "duyên nghiệp".

Bởi mẹ em, người nghệ sỹ tài hoa đã phát hiện chất Baritone trầm hiếm của em và quyết tâm thuyết phục con trai mình theo đuổi nghiệp cầm mic, “vì chị thấy tiếc quá, phí quá nếu Nhật không được hát, không được đứng trên sân khấu để thể hiện những ca khúc đi cùng năm tháng với chất baritone”. Từ mẹ ngọn lửa đam mê đã thắp lên trong em...Thế rồi từ đó những giai điệu tự hào, giai điệu quê hương lại được cất lên trong ngôi nhà vốn dĩ đã thường vang tiếng hát tiếng đàn, bởi một giọng hát trầm hùng mà tha thiết của chàng trai 9x.

Để trở thành ca sỹ, để thực hiện giấc mơ truyền cảm hứng mới cho thế hệ trẻ về những ca khúc quê hương, ca khúc cách mạng Nhật đã thi vào Trường Đại học Văn hoá nghệ thuật quân đội. Ngày đi thi lưng vốn của em chỉ là 15 buổi luyện thanh cùng nghệ sỹ Tiến Lâm, thế nhưng, khi chất giọng không đụng hàng của em được cất lên, Ban giám khảo đã phải đặt dấu hỏi, “em học thanh nhạc ở đâu chưa? sao giọng già thế? đây mới là baritone hiếm này”!

Thế rồi những ca khúc từng đóng đinh thương hiệu của các nghệ sỹ tên tuổi như: Chào sông mã anh hùng, Nắng ấm quê hương, Truyền thuyết Hồ Gươm, hay Pác Pó hát mãi tên Người được chàng trai 9x cất lên trên rất nhiều sân khấu, và không chỉ nhận được những lời tán thưởng của các nhạc sỹ, nghệ sỹ, các ca sỹ đàn anh đàn chị mà các bạn trẻ khi nghe Nhật hát đã nhẩm theo, đã yêu thêm những giai điệu tự hào...

Nguyễn Sỹ Nhật và mẹ tại sân khấu Chung kết cuộc thi Giong ca xứ Nghệ. Ảnh: nhân vật cung cấp.
Nguyễn Sỹ Nhật và mẹ tại sân khấu Chung kết cuộc thi Giọng ca xứ Nghệ. Ảnh: nhân vật cung cấp.

Khi quyết định thử sức mình trong một cuộc thi Nhật cho rằng đó là sẽ là một trải nghiệm đáng nhớ của một ca sỹ, là nấc thang mà người hát chuyên nghiệp cần phải bước qua. Nghĩ vậy nhưng nhìn cách mà em hát trên sân khấu người ta lại nhìn thấy sự đĩnh đạc, tự tin, sự chín muồi của một chàng ca sỹ có nhiều trải nghiệm.

Thế nên em đến với cuộc thi Tìm kiếm tài năng âm nhạc Giọng ca xứ Nghệ dù có chủ ý nhưng lại bằng tinh thần bước vào một cuộc chơi, đạt giải cao thì tốt, không thì cũng là một cơ hội được trải nghiệm trên sân khấu.

Tôi hỏi em: “ Em còn trẻ vậy thì khi thể hiện những ca khúc đòi hỏi những trải nghiệm, những tích luỹ không chỉ về vốn sống mà còn là kiến thức văn học, lịch sử, em đã phải xử lý như thế nào?”. Em trả lời: Trước hết em phải tìm hiểu về xuất xứ của ca khúc, ở giai đoạn lịch sử nào, bối cảnh ra đời ca khúc, chủ thể trong ca khúc là ai. Sau đó thì em gặp các ca sỹ đàn anh đàn chị để được chỉ dẫn thêm.

Nhưng điều quan trọng nhất, để ngấm được ca khúc là mình phải hiểu nó bằng cách của mình. Lúc đó mình thể hiện sẽ ngọt hơn.”.

Đạt giải Nhì giọng ca xứ Nghệ, Nguyễn Sỹ Nhật cảm thấy vô cùng vinh dự và cho rằng số mình thế là may, lần đầu đi thi đã có giải. Nhưng cũng có ý kiến tiếc nuối vì cho rằng em có chất giọng đang là của hiếm trong đời sống âm nhạc Việt Nam. Hơn nữa khi thể hiện, bản lĩnh sân khấu của Nhật đã chiếm được cảm tình không chỉ của khán giả mà còn của Ban Giam khảo khó tính, công minh, lẽ ra em phải được giải cao hơn. Nhưng Nhật lại chia sẻ: “Với em và gia đình Giải Nhì đã là một phần thưởng quý giá, đây là nấc thang mới giúp em tự tin hơn trên con đường đã chọn...”

Hỏi em về ước mơ, em nói: “Em chỉ cần được hát đúng dòng nhạc mình theo đuổi, và dòng nhạc ấy ngày càng đến gần hơn với các bạn trẻ.” Bởi khi người trẻ hát ca khúc cách mạng, giai điệu quê hương họ có cách thẩm thấu riêng, có cách truyền đạt riêng và vì thế mà tần số họ phát ra sẽ có những hiệu ứng riêng.

Và với Nhật “hãy yêu Tổ quốc mình bằng những giai điệu quê hương chính là thông điệp mà em muốn chuyển tải”.

Thanh Nga

TIN LIÊN QUAN