Tướng Cương: 'Đang có những 'sóng ngầm' dưới Biển Đông'

29/07/2017 14:43

(Baonghean.vn) - Sau một năm khi Toà án Trọng tài Thường trực của Liên Hiệp Quốc xử thua Philippines trong vụ kiện về Biển Đông, Trung Quốc vẫn tiếp tục âm thầm theo đuổi khát vọng làm chủ Biển Đông.

PGS-TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương.

Tình hình Biển Đông 6 tháng đầu năm 2017

Bàn về vấn đề Biển Đông, PGS-TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương, Nguyên Viện trưởng Viện chiến lược khoa học, Bộ Công an nhận định, tình hình Biển Đông trong 6 tháng đầu năm 2017 tương đối yên lặng, không có những cuộc đụng độ căng thẳng. Thiếu tướng giải thích cho sự im ắng là do Bắc Kinh gần như đã hoàn thành việc xây dựng hạ tầng và quân sự hóa khu vực tranh chấp trên Biển Đông và sẵn sàng các kế hoạch quân sự tiếp theo. Cụ thể như, kể từ cuối năm 2016, Trung Quốc đã đưa máy bay chiến đấu cơ MiG-27, MiG-29, triển khai 2 khẩu đội tên lửa phòng không HQ-9 lên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam; hay như xây dựng xong 3 sân bay quân sự lớn với đường băng dài đến 3.4000m, cảng quân sự tại đảo Gạc Ma, lắp đặt 4 dàn rada tần số cao tại đảo Châu Viên thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Thứ hai, sau phán quyết của Toà Trọng tài thường trực Quốc tế (PCA) theo Công ước Luật biển năm 1992, bác bỏ những yêu sách phi lý của Trung Quốc trong việc đòi chủ quyền với đường lưỡi bò. Trước phản ứng mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc đã lựa chọn im lặng, không gây hấn gì thêm, nhằm làm dịu đi ít nhiều và tránh sự tẩy chay của thế giới.

Tham vọng hồi sinh Con đường Tơ lụa của Trung Quốc thông qua sáng kiến Vành đai, Con đường thế kỷ 21. Đồ họa: Reuters

Thứ ba, Trung Quốc đang tập trung quảng bá cho sáng kiến "Vành đai và con đường", bởi đây là siêu chiến lược đầy tham vọng của nước này. Toàn bộ “Vành đai và Con đường” kết nối Đông Á, Trung Á, Trung Đông, Bắc Phi và châu Âu. Trung Quốc muốn trở thành "kẻ thống trị" lục địa Á-Âu này với tham vọng 60 quốc gia nằm trên tuyến đường huyết mạch này phụ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế, từ đó phụ thuộc về chính trị, ngoại giao. Dự án “Con đường Tơ lụa” hiện đại tập trung vào xây dựng hạ tầng đường bộ, đường sắt và đường biển, đường hàng không, đường ống dẫn dầu, đường dây điện, và hệ thống viễn thông để tăng cường kết nối liên khu vực. Chính vì vậy, Trung Quốc không gây hấn gì tại Biển Đông.

Cuối cùng, Trung Quốc đang thăm dò với chính quyền mới của ông Donald Trump, ông ấy sẽ đi được đến đâu trong vấn đề Biển Đông, liệu có duy trì được cam kết mạnh mẽ như dưới thời ông Obama hay không và đến mức nào, thì chưa có ai biết được.

Song đây chỉ là khoảng lặng tạm thời, bởi đây chính là chiến thuật mới của Trung Quốc. Nước này chủ động tránh gây ra những gì ồn ào, ầm ĩ dẫn đến chỉ trích trên thực địa để tập trung vào những vấn đề khác.

"Sóng dưới đáy ngầm"

Mặc dù trên "bề mặt" tình hình tại Biển Đông dường như đang dịu đi, nhưng PGS-TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng: "Thực ra, ở "tầng dưới" đang có những sóng ngầm dữ dội". Theo đó, Trung Quốc đang âm thầm, quyết liệt hiện thực hoá việc làm chủ Biển Đông.

Thiếu tướng cho biết, bất chấp sự lên tiếng phản đối của Việt Nam về sự xâm chiếm phi lý của Trung Quốc tại lãnh hải thuộc chủ quyền Việt Nam, hàng loạt các hoạt động, sự kiện được Trung Quốc tổ chức như: kỷ niệm 5 năm thành lập thành phố Tam Sa; đẩy mạnh hoạt động du lịch tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam; khai thác băng cháy tại Biển Đông; tiến hành khảo sát khoa học trên quy mô lớn với 400 nhà khoa học đến từ 13 quốc gia tại hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa. Đặc biệt, Trung Quốc ngang nhiên sửa Luật an toàn giao thông trên biển, nhằm yêu cầu tất cả các tàu thuyền khi đi qua Biển Đông phải nhận được sự cho phép của nước này. Đây là động thái vi phạm nghiêm trọng Công ước Luật biển quốc tế.

Một hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 của Trung Quốc.

"Nguy hiểm hơn nữa, Trung Quốc còn đưa 40 tàu ngư binh quân sự, tàu hải giám, máy bay quân sự nhằm gây sức ép lên Việt Nam rút giàn khoan tại vùng kinh tế đặc quyền của Việt Nam" - Thiếu tướng Lê Văn Cương nói thêm.

Trên lĩnh vực truyền thông, trong 6 tháng đầu năm 2017, Trung Quốc đã chi hơn 1,5 tỷ USD cho việc tuyên truyền về Biển Đông, trong đó xuất bản sách bằng tiếng Nhật với nội dung xuyên tạc về lịch sử Biển Đông; khai trương quỹ học giả trẻ Trung Quốc - ASEAN nhằm cung cấp toàn bộ học bổng cho tất cả thanh niên ASEAN muốn nghiên cứu về Biển Đông...

Tỉnh táo và tránh bị chi phối

Tướng Lê Văn Cương cho biết, nửa cuối năm 2017, sẽ là những biến động và khó lường của thế giới. Ví dụ như Trung Quốc chỉ lo ngại và quan sát thái độ của Mỹ ứng xử trên Biển Đông, song trên thực tế, chính quyền Donald Trump vẫn đang còn "mắc kẹt" với hàng loạt vấn đề bất ổn ngay chính trong nội bộ nước Mỹ và thế giới. Với cường quốc khác như Nga, Nhật đã nhiều lần lên tiếng phản đối những hành động của Trung Quốc tại Biển Đông, nhưng cũng chưa thể hiện bằng hành động cụ thể nào. Bên cạnh đó, các nước ASEAN vẫn đang bị chia rẽ trong vấn đề Biển Đông. "Như vậy, những bối cảnh này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Trung Quốc "rộng tay" ứng xử trên Biển Đông, hiện thực hoá khát vọng làm chủ" - Thiếu tướng khẳng định.

Dự đoán về tình hình 6 tháng cuối năm 2017, PGS-TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương nhận định, ứng xử trên Biển Đông của Trung Quốc sẽ chia làm 2 giai đoạn: trước và sau Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 19. Thiếu tướng phân tích, trước mỗi kỳ Đại hội, có 2 khả năng sẽ xảy ra: hoặc Trung Quốc sẽ giữ "yên sóng", hoặc sẽ "dậy sóng". Quan sát thực tế cho thấy, trước những kỳ sinh hoạt chính trị lớn, Bắc Kinh thường có những động thái gây sự tranh chấp trên Biển Đông, nhằm chứng tỏ sứ mạnh của những nhà lãnh đạo đương nhiệm trong việc bảo vệ chủ quyền của dân tộc. "Do đó, chúng ta không loại trừ khả năng, Trung Quốc sẽ gây biến động mới, như "một món quà dâng lên Đại hội".

Thiếu tướng phân tích thêm, Trung Quốc sẽ ngăn chặn sự can thiệp của chính quyền Doanld Trump trên Biển Đông bằng cách tạo điều kiện cho Triều Tiên tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo. "Rõ ràng, trong vấn đề Triều Tiên, Trung Quốc đóng vai trò chủ động, và Mỹ phải dựa vào Trung Quốc để giải quyết. Như vậy, Triều Tiên chính là "lá bài mặc cả" của Trung Quốc sẽ đưa ra nhằm giảm sự can thiệp của Mỹ trên Biển Đông".

Tướng Cương cho biết thêm, từ vị trí địa lý và tầm quan trọng của khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc sẽ tập trung củng cố quan hệ hữu nghị với khối ASEAN, đặc biệt với những nước có quyền lợi tại Biển Đông. Thông qua hợp tác kinh tế, tạo bầu không khí hữu nghị với các nước phát triển trong ASEAN, từ đó nhằm gây sứ ép lên Việt Nam ngày càng mạnh hơn trong thời gian tới.

Trước bối cảnh như vậy, PGS-TS Lê Văn Cương cho rằng, Việt Nam cần tỉnh táo, thúc đẩy và yêu cầu Trung Quốc thực hiện những cam kết đã thoả thuận. Đặc biệt là 6 nguyên tắc và 4 tuyên bố chung giữa cấp cao hai nước trong giải quyết tranh chấp trên Biển Đông dựa trên Luật pháp quốc tế và tôn trọng độc lập, chủ quyề của các bên.

Thiếu tướng khẳng định: "Việt Nam không hề cô độc. Chúng ta có đầy đủ điều kiện để bảo vệ quyền lợi và lợi ích trên Biển Đông, và điều này được cộng đồng quốc tế hoàn toàn ủng hộ. Vấn đề cốt lõi ở chỗ, Việt Nam cần tạo ra thế và lực mới để kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, tận dụng sự đồng thuận của cộng đồng quốc tế nhằm thể hiện quan điểm của Việt Nam trong việc phát triển hoà bình và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trên Biển Đông".

Mỹ Nga

TIN LIÊN QUAN