Băn khoăn, lo lắng với đề thi tổ hợp vào lớp 10 ở Nghệ An
(Baonghean) - Những ngày qua, thông tin về việc triển khai môn tổ hợp tại Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 nhận được sự quan tâm của đông đảo học sinh, giáo viên và phụ huynh.
Xung quanh vấn đề này cũng đang có nhiều ý kiến trái chiều, đòi hỏi cần có sự lựa chọn, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi triển khai.
Thăm dò ý kiến
Trưng cầu ý kiến
POLL_DESCRIPTION | |||
POLL_OPTION | VOTE_PERCENT% | VOTE_COUNT phiếu | |
Tổng cộng: POLL_TOTAL phiếu |
7846
Những lo lắng của thí sinh tại Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2017. Ảnh: Mỹ Hà |
2 phương án
Thông tin về việc triển khai môn tổ hợp ở Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 đã được đề cập đến từ cuối năm học 2016 - 2017. Tuy nhiên, phải đến tháng 8 này mới được đưa ra thảo luận tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ chuyên môn của các bậc học năm học 2017 – 2018. Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, việc triển khai bài thi tổ hợp vào thời điểm này là hợp lý vì từ 3 năm nay, ngành Giáo dục đã tiến hành dạy và học theo tinh thần đổi mới. Bên cạnh đó, các nhà trường cũng đã từng bước chủ động trong việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng tinh giảm, gắn với đổi mới phương thức dạy học, kiểm tra, thi theo định hướng chương trình giáo dục phổ thông mới.
Ông Võ Văn Mai - Trưởng phòng Giáo dục Trung học - Sở Giáo dục và Đào tạo: Việc đưa bài thi tổ hợp vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT là quyết tâm của ngành trong đổi mới tổ chức các kỳ thi, phù hợp với đổi mới dạy học, đánh giá học sinh thời gian qua và tiệm cận, chuẩn bị cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và sách giáo khoa mới trong thời gian sắp tới.
Khó khăn hiện nay đó là xây dựng phương án thế nào cho hợp lý. Hiện có hai phương án được đưa ra. Phương án 1 là bài thi tổ hợp sẽ bao gồm kiến thức tổng hợp của 7 môn: Ngoại ngữ, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân và học sinh sẽ làm trong thời gian 60 phút. Đây cũng là hình thức mà Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng đã triển khai trong năm học 2016 - 2017. Tuy nhiên, phương án này không được nhiều giáo viên ủng hộ vì lo ngại sẽ quá tải đối với học sinh.
Phương án thứ 2 giống với hình thức thi tổ hợp của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định. Theo đó, bài thi tổ hợp sẽ thi trong thời gian 90 phút, số lượng 50 câu gồm 3 môn thành phần: Ngoại ngữ (20 câu hỏi), 1 trong số các môn khoa học tự nhiên (15 câu hỏi), và 1 trong số các môn khoa học xã hội (15 câu hỏi). Ngoại trừ môn Ngoại ngữ, 2 môn thành phần còn lại của bài thi tổ hợp sẽ được chọn bằng hình thức bốc thăm và công bố vào trung tuần tháng 4.
Thí sinh Nghệ An tham dự Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2017. Ảnh: Mỹ Hà |
Tăng áp lực?
Như vậy, nếu áp dụng hình thức thi tổ hợp thì trong Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 sắp tới, ngoài hai môn bắt buộc là Ngữ văn và Toán thì ít nhất học sinh sẽ phải thi thêm 3 môn nữa và nhiều hơn 2 môn thi so với năm học trước. Việc tăng môn thi chắc chắn cũng sẽ dẫn đến nhiều áp lực đối với cả học sinh, giáo viên và các nhà trường. Tính chất căng thẳng của kỳ thi còn được thể hiện rõ hơn khi môn thi tự chọn thứ 3 - thường chỉ được công bố trước khi kết thúc năm học khoảng 10 ngày.
Thầy giáo Trần Văn Trung - Hiệu trưởng Trường THCS Trường Thi: “Hiện tại, chúng tôi vẫn quán triệt với các giáo viên cứ dạy học cho học sinh bình thường. Tuy nhiên, tâm lý chung ai cũng lo lắng. Quan điểm của chúng tôi là nếu triển khai thi tổ hợp thì phải có kế hoạch và hướng dẫn sớm để các nhà trường còn có định hướng cụ thể. Đồng thời, có tập huấn, hỗ trợ các giáo viên về mặt chuyên môn như cách ra đề, làm đề thi và đưa ra các đề thi minh họa để giáo viên và học sinh được chủ động làm quen”.
Năm nay, kỳ thi dự kiến sẽ chịu nhiều áp lực hơn bởi không chỉ 1 mà có tới 3 môn thi sẽ được giữ bí mật đến phút cuối. Điều này về khách quan sẽ tránh được tình trạng học lệch, học tủ, giúp học sinh phát triển được toàn diện các môn văn hóa. Tuy nhiên, đặt vào hoàn cảnh thực tế sẽ càng tạo thêm áp lực cho học sinh. Đến thời điểm này, mặc dù năm học mới đã bắt đầu nhưng các trường vẫn chưa có thông tin chính thống về chủ trương thi tổ hợp, dẫn đến sự lúng túng.
Ông Nguyễn Văn Thông - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nghi Lộc: “Phương thức thi này rất mới đối với bậc THCS, chắc chắn sẽ làm thay đổi đến tư duy cũng như cách dạy và học ở các trường; tác động đến tâm lý của giáo viên, học sinh, phụ huynh. Vì vậy, tôi mong Sở có buổi hội thảo để lấy ý kiến các cơ sở giáo dục, đặc biệt là ý kiến của khối phòng Giáo dục và Đào tạo để đưa ra phương án cuối cùng”.
Một số ý kiến cũng bày tỏ sự nghi ngại nếu môn thi tổ hợp được triển khai. Cụ thể, nếu phương án tổ hợp ba môn thi được thông qua thì hình thức thi tổ hợp hiện nay khá giống với phương án thi tổ hợp của Kỳ thi THPT Quốc gia. Tuy nhiên, liệu đây có phải là phương án khả thi không khi mà trên thực tế, môn thi tổ hợp tại Kỳ thi THPT Quốc gia vẫn đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Thậm chí, mới đây tại cuộc họp tổng kết năm học của Bộ Giáo dục và Đào tạo, rất nhiều ý kiến cho rằng nên xem lại cách thi tổ hợp ba môn trong một môn thi, đặc biệt là về mặt “kỹ thuật” vì khiến học sinh căng thẳng trong khi làm bài. Chưa kể, việc tổ chức thi vẫn còn nhiều bất cập, chưa thực sự khoa học và đề thi chưa phân loại được thí sinh. Hơn thế, phương án này liệu có cần thiết khi mà một số địa phương như Hà Nội kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 chỉ áp dụng 2 môn Toán và Ngữ văn?
Ông Nguyễn Hoàng - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo: “Việc tổ chức thi theo hình thức tổ hợp đã được tỉnh thông qua. Tuy nhiên, phương thức cụ thể thì chưa xác định. Sắp tới, Sở sẽ tổ chức thảo luận việc thi tổ hợp sẽ triển khai như thế nào (tổ hợp nhiều môn hay một số môn) để thống nhất và thông báo cho các nhà trường và các em học sinh để có kế hoạch học tập, chuẩn bị tâm thế thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2018 - 2019”.
Mỹ Hà
TIN LIÊN QUAN |
---|