'Cô gái da cam' truyền cảm hứng bằng nghị lực phi thường

13/12/2017 16:23

(Baonghean.vn) - Cơ thể thường xuyên chịu những cơn đau hành hạ thể xác vì di chứng chất độc màu da cam nhưng bất cứ ai từng tiếp xúc với chị Đậu Thị Nga (1983) đều cảm nhận được sự lạc quan, yêu đời.

“Để lại sau lưng những niềm đau. Màn đêm sẽ qua. Bình minh sẽ lên. Bạn ơi hãy tin vào tương lai…”, trong căn nhà nhỏ, chị Nga vừa thêu vừa hát theo những giai điệu du dương lời bài hát tâm đắc của chị - Khát vọng sống.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ do Tỉnh hội Nạn nhân chất độc Nghệ An xây tặng tại xóm 6, xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu, chị Nga cho biết, sinh ra được 3 tháng, chị bị sốt co giật rồi lớn dần chân tay chị cứ co quắp lại. Lớn lên, chị mới biết đây là những di chứng của chất độc màu da cam do ảnh hưởng từ bố, người từng vào sinh ra tử suốt 15 năm khắp chiến trường Bình - Trị - Thiên bảo vệ hòa bình đất nước.

Để có nụ cười lạc quan và cả tay nghề thêu như hiện tại là cả một quá trình dài đầy mồ hôi và nước mắt. Nhìn về những bức tranh thêu gắn trên tường, chị Nga kể cho chúng tôi về cuộc chiến với chính mình. Ngày bé, khi bắt đầu nhận thấy những khác biệt so với các bạn bè cùng lứa cũng là lúc chị nhận thức rõ hơn về những thiệt thòi của mình.

“Nhìn các bạn tự do chơi đùa chị ao ước lắm. Ước được 1 lần đi trên đôi chân của mình. Ước được một lần cắp sách đến trường…” chị Nga nhớ lại. Chị rất thích đi học nhưng vì sức khỏe hạn chế, chị chỉ biết nhìn bạn bè cùng lứa đến trường qua khung cửa sổ.

Nhưng rồi chị cũng tìm được cơ hội học chữ khi em trai của chị đến tuổi đến trường. Thời ấy, cứ đến tối, khi em trai ngồi vào bàn thì chị cũng ngồi theo để 2 chị em học với nhau.

“Học đánh vần, nhớ mặt chữ với chị không khó, khó nhất là bắt những ngón tay nghe theo lời mình. Mà không chỉ với việc tập viết, để học thêu, học đan lát hay phục vụ cuộc sống cá nhân, chị phải luyện tập rất, rất nhiều”, chị Nga tâm sự.

Cơ thể cứ co quắt dần theo năm tháng, chỉ hoạt động được linh hoạt 1 tay nên chị luôn tự nhủ bản thân càng biết phải kiên trì, nỗ lực hơn mọi người.

Ảnh: Chu Thanh
Chị Nga trong căn phòng do Tỉnh hội Nạn nhân chất độc Nghệ An xây tặng. Ảnh: Chu Thanh

Khó khăn là vậy nhưng chị Nga vẫn mỉm cười với cuộc sống. Chị Nga cười kể lại: “Thực ra hồi bé chị cũng tự ti ghê lắm. Cứ nghe những lời chòng ghẹo từ những người không hiểu biết là chị khóc, tự ti vô cùng. Tuy nhiên, khi dần lớn lên, được đi nhiều, gặp nhiều hoàn cảnh còn khó khăn hơn, được lắng nghe những lời động viên, khích lệ từ nhiều người, chị bắt đầu lấy lại niềm tin vào cuộc sống”.

Chị Nga cho biết, bén duyên với nghề thêu thực ra là một cái duyên. Bởi đầu tiên, vào năm 2012, một người bạn gợi ý cho chị có thể phát triển theo nghề làm tranh giấy vì nó phù hợp với tình hình sức khỏe. Sau khi tìm hiểu kỹ, chị quyết tâm xin bố mẹ ra Hà Nội học nghề.

Lúc học về, do gặp khó khăn từ khâu nhập nguyên liệu cho đến khâu đầu ra của sản phẩm nên các hoạt động của chị chỉ cầm chừng, cho thu nhập rất ít. Tình cờ, một lần theo dõi chương trình dạy thêu trên tivi, chị quyết định thử nghiệm hướng đi mới.

Nếu như người khác bắt đầu tập thêu thường chọn sản phẩm dễ thì chị lại chọn thêu sản phẩm khó nhất mà theo như cách chị nói “rứa mới có tính khiêu chiến”. Tự mò mẫm không biết bao nhiêu đêm trên sách vở, internet, không ít lần bị kim đâm chảy máu, chị vẫn tỉ mẩn hoàn thành từng mũi thêu.

Sau gần 1 tháng, chị mới hoàn thành bức tranh thêu đầu tiên và chị vẫn hay nói vui là đánh “một dấu mốc” quan trọng trong sự nghiệp của mình. Những bức tranh thêu của chị dần được nhiều người biết đến.

Không chỉ dừng lại ở những bức tranh thêu chữ thập, thêu lụa, chị Nga hiện đang tự học thêu truyền thống. “Thêu truyền thống là khó nhất, vì người làm phải tự nghĩ họa tiết, tự phối màu”, chị Nga kể. Sản phẩm thêu truyền thống đầu tay của chị là thêu hoa mai, hoa đào tặng mẹ.

Theo như lời chị Nga, “hiện trong tay chị cũng nhiều nghề” nhưng vui nhất vẫn là mình giúp được cho nhiều người. Năm 2014 đến nay, chị đã nhiều lần dạy nghề thêu cho các bạn có cùng hoàn cảnh. Thậm chị có bạn không có điều kiện đi lại, chị còn quay video hướng dẫn tận tình rồi gửi cho.

“Mình buồn thì mình tự làm vui cho mình. Lấy công việc làm vui, nếu không làm việc được càng buồn”, chị Nga cười tâm sự.

Trong những năm qua, tấm gương của chị Nga đã lan tỏa tinh thần lạc quan, yêu đời và nghị lực sống cho rất nhiều người cùng cảnh ngộ ở huyện Quỳnh Lưu; là gương sáng được Hội nạn nhân chất độc da cam tỉnh Nghệ An nhiều lần tuyên dương.

Chu Thanh

TIN LIÊN QUAN