Lao động Nghệ An trở về từ vùng dịch khó tìm việc làm tại địa phương

Thanh Nga 04/09/2020 12:23

(Baonghean.vn) - Việc trở lại quê hương khi tại nơi làm việc đang phải thực hiện giãn cách xã hội khiến nhiều lao động bỗng mất việc làm. Nhiều người cố xoay xở song không phải ai cũng tìm được việc làm, trong khi chưa biết đến bao giờ mới quay lại được nơi làm việc cũ.

Muốn quay lại nơi làm việc cũ

Vợ chồng anh Trần Văn Thơ ở xóm Tây Nam, xã Phúc Thành (Yên Thành) trở về từ Lào cách nay gần 5 tháng. Cũng từng đó thời gian vợ chồng anh không có việc làm, nguồn thu nhập chủ yếu để nuôi sống gia đình là từ việc lái xe thuê của anh Thơ. “Bữa có việc, bữa không, nên tháng cố lắm cũng được vài ba triệu đồng chưa đủ tiền đóng học và mua sữa cho con”, anh Thơ nói. Mong muốn lớn nhất của vợ chồng anh lúc này là được trở lại nơi làm việc dù phải thực hiện việc cách ly.

 Anh Trần Văn Thơ xóm Tây Nam xã Phúc Thành từ Lào  trở về từ tháng ba đến nay chưa có việc làm ổn định. Ảnh: Thanh Nga
Anh Trần Văn Thơ ở xóm Tây Nam, xã Phúc Thành (Yên Thành) ở Lào trở về từ tháng Ba đến nay chưa có việc làm ổn định. Ảnh: Thanh Nga

Ông Trần Quang Thắng - Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Thành cho biết: “Hiện tại xã đang có gần 200 lao động trở về từ vùng dịch, chủ yếu là lao động phổ thông. Ở các nơi họ làm các công việc dịch vụ hoặc làm thợ nề, nên khi về quê không thể tái tạo được việc làm cũ. Bây giờ địa phương cũng chỉ biết khuyến khích họ gia nhập vào các tổ thợ nề, làm các công việc dịch vụ như vận tải, phục vụ hàng ăn... nhưng không mấy hiệu quả vì thực tế nếu ở nhà có việc thì người lao động đã không phải ly hương”.

Nhà máy may An Hưng trên địa bàn huyện Yên Thành gấp rút hoàn thiện để đi vào sản xuất. Ảnh: tư liệu của Văn Trường
Nhà máy may An Hưng trên địa bàn huyện Yên Thành gấp rút hoàn thiện để đi vào sản xuất. Ảnh tư liệu của Văn Trường

Ngoài các lao động trở về từ vùng dịch trong nước nay đang ế việc thì những lao động từ Lào, Trung Quốc trở về cũng lâm vào tình cảnh “đi cũng dở, ở không xong”, khi họ không biết làm việc gì cho ra đồng tiền. “Ngoài những người còn có thể làm vận tải, thợ xây giỏi còn nữa chỉ ở nhà trông chờ vào mấy sào ruộng khoán và vài ha hoa màu”, ông Thắng nói. Thế nhưng, để giải quyết việc làm tại chỗ, xã Phúc Thành cũng đã ưu tiên thu hút những lao động này vào các lớp đào tạo nghề ngắn hạn như nghề may, chế biến món ăn mà xã đang hợp đồng với các giáo viên trường nghề để đào tạo cho lao động nông thôn trên địa bàn. Thế nhưng, những lao động về từ vùng dịch xem ra không mấy mặn mà khi họ vẫn còn nguyên sự mong đợi, hết dịch sẽ trở lại chỗ làm việc cũ.

Đào tạo nghề Hàn tại Trường Trung cấp nghề Yên Thành  Ảnh tư liệu của P.V
Đào tạo nghề Hàn tại Trường Trung cấp nghề Yên Thành. Ảnh tư liệu của P.V

Hiện Yên Thành có hơn 2.000 lao động về từ vùng dịch tính cả những lao động về từ sau Tết Nguyên đán và chưa thể đi làm lại do dịch Covid - 19. Thế nhưng, hiện tại, huyện cũng chưa có phương án nào để giải quyết việc làm cho những lao động này. “Chủ yếu họ là những lao động phổ thông, làm việc tại các thành phố lớn như Đà Nẵng, Quảng Ngãi hoặc nước bạn Lào, Hàn Quốc... thế nên khi về lại quê hương chưa thể có việc làm với mức thu nhập ổn định..”.

Ông Hoàng Danh Truyền - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành

Hiện nay, Yên Thành cũng đang có hướng đào tạo nghề tại chỗ cho lao động về từ vùng dịch với các mặt nghề may, chế biến món ăn, hàn, cơ khí, chăn nuôi... Bên cạnh đó, Nhà máy An Hưng trên địa bàn sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm với công suất lớn thu hút 8.000 lao động và sẽ ưu tiên số lượng lớn cho lao động tại địa phương. Tuy nhiên, điều này cũng chưa hẳn là sẽ giải quyết việc làm cho phần nhiều lao động về từ vùng dịch hiện nay đang thất nghiệp trên địa bàn.

“Vì những lao động không học nghề may thì vẫn chưa có hướng tạo việc làm nào. Hoặc những lao động đang muốn quay lại Lào hoặc XKLĐ sang các nước thì chủ yếu cũng chỉ mong được xuất cảnh để sang lại nơi làm việc,” ông Hoàng Danh Truyền cho biết.

Khó khăn khi tìm việc làm mới

UBND tỉnh vừa ban hành Công văn số 5305/UBND - VX ngày 10/8/2020 về việc đẩy mạnh công tác giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là lao động từ nước ngoài về nước do ảnh hưởng dịch. Theo công văn này, Sở LĐ-TB &XH phải thực hiện rà soát, tổng hợp nắm bắt nhu cầu việc làm của người lao động chưa có việc làm tại địa phương, phân loại chất lượng nguồn nhân lực theo từng nhóm đối tượng. Đồng thời chủ trì khâu nối, tổ chức các đoàn khảo sát trực tiếp tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp trong tỉnh và ngoài tỉnh để nắm bắt nhu cầu tuyển dụng của các đơn vị, từ đó vận động doanh nghiệp, tập đoàn ưu tiên tuyển dụng lao động Nghệ An; ký bản ghi nhớ phối hợp triển khai giới thiệu việc làm, tuyển dụng lao động Nghệ An vào làm việc tại đơn vị.

Đào tạo nghề cơ khí tại Trường Tây Bắc. Ảnh: Thanh Nga
Đào tạo nghề cơ khí tại Trường Trung cấp KT - KT Bắc Nghệ An. Ảnh: Thanh Nga

Cũng từ yêu cầu này Sở LĐ-TB &XH đã rà soát số lao động trong độ tuổi hiện nay chưa có việc làm để phân vùng nhóm đối tượng và có chính sách đào tạo nghề giải quyết việc làm tại chỗ. Theo thông tin từ Sở LĐ-TB&XH thì: Hiện trên địa bàn toàn tỉnh có 37.327 người có nhu cầu tìm việc làm, trong đó có 29.955 người có nhu cầu tìm việc làm trong nước, 7.372 người có nhu cầu XKLĐ.

Cũng theo khảo sát mới đây, đến cuối năm 2020, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đang cần tuyển dụng 39.021 người. Trong đó, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhu cầu tuyển dụng 13.421 người. Các doanh nghiệp ngoại tỉnh cần 16.000 người. “Tuy nhiên, lao động đi về từ vùng dịch đa số đều là lao động phổ thông, rất nhiều trong số họ chưa từng được đào tạo tay nghề dù là nghề ngắn hạn nên việc được tuyển dụng ngay vào các doanh nghiệp đang cần người cũng hết sức khó khăn”, ông Hoàng Danh Truyền - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho biết.

Công ty may tại Diễn Cát - Diễn Châu thu hút trên 1500 lao động. Ảnh tư liệu của P.V
Công ty may tại Diễn Cát (Diễn Châu) thu hút trên 1.500 lao động. Ảnh tư liệu của P.V

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hồng Nhung - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Diễn Châu thông tin, từ đầu năm đến nay, huyện đã phối hợp với Trung tâm Giáo dục thường xuyên trên địa bàn mở 18 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn với các nghề như: chế biến hải sản, chế biến món ăn, may…, tuy nhiên, hiệu quả sau đào tạo thì vẫn chưa đánh giá được.

“Chúng tôi đã mở các phiên giao dịch việc làm lưu động tại các vùng bãi ngang và một số xã có đông lao động về từ vùng dịch, thế nhưng, vì dịch lại bùng phát nên công tác này đang tạm ngừng”.

Bà Nguyễn Thị Hồng Nhung - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Diễn Châu

Có được việc làm ở thời điểm nay đang rất khó khăn vì theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Nghệ An thì các phiên giao dịch gần đây các doanh nghiệp thực hiện việc thu hút lao động rất ít, chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm trước. “Lý do là ở thời điểm này họ đang bị đứt gãy chuỗi sản xuất, đơn hàng ứ đọng nhiều, trong khi vẫn phải tiếp tục sản xuất để duy trì hoạt động, nên nhu cầu cần lao động hết sức cầm chừng”, ông Trần Quốc Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Nghệ An cho biết.

Thanh Nga