Một cuộc hành hương về miền chứng tích Xô viết hào hùng
(Baonghean.vn) - Những ngày mùa Thu lịch sử này, hầu hết người dân xứ Nghệ đều lắng đọng suy tư, ngẫm về sự kiện xảy ra trên quê hương từ 90 năm trước, được lịch sử ghi danh là phong trào Xô viết Nghệ- Tĩnh. Chúng tôi lại tìm về các di tích như một chuyến về nguồn để nghe tiếng vọng về của lớp người đã hóa thân vào mạch đất quê hương, xứ sở.
Đầu tháng 9, anh bạn là giáo viên Lịch sử rủ chúng tôi về thăm một số di tích gắn với phong trào Xô viết Nghệ -Tĩnh để có thêm sự trải nghiệm. Anh mong muốn có cơ hội “làm mới” những tiết dạy, giúp học trò có thêm hứng thú khi tìm hiểu kiến thức liên quan đến phong trào Xô viết Nghệ- Tĩnh.
Ngày cuối tuần, chúng tôi lên đường, ánh nắng vàng dịu rải khắp làng quê và phố thị. Theo tuyến đường ven sông Lam, dừng chân ở Ngã ba Bến Thủy, nơi có Tượng đài Công – Nông Xô viết. Nằm cạnh dòng Lam giang và núi Dũng Quyết, tượng đài uy nghi, sừng sững giữa đất trời, bao năm chứng kiến sự đổi thay của mảnh đất thành Vinh.
Di tích Ngã ba Bến Thủy (thành phố Vinh). Ảnh tư liệu: Công Kiên |
Một tốp học sinh đứng trang nghiêm, mắt hướng về bức phù điêu với tất cả niềm ngưỡng vọng. Khi được hỏi, Nguyễn Cẩm Thảo – một nữ sinh đáp lời: “Chúng cháu là học sinh THCS, về đây để tham quan khu di tích Ngã ba Bến Thủy. Giờ học Lịch sử, chúng cháu đã được thầy, cô nói nhiều về sự kiện Xô viết Nghệ -Tĩnh, phong trào đấu tranh của công – nông, trong đó có công – nông Bến Thủy. Sự kiện ấy diễn ra ngay trên quê hương, di tích từ năm xưa vẫn còn nên hôm nay chúng cháu đến để hiểu rõ hơn bài học trên lớp”.
Từ chân tượng đài nhìn ra phía trước là những con đường nhộn nhịp xe cộ, xa hơn là những khu phố sầm uất. Dòng chảy thời gian không ngừng nghỉ nhưng sự kiện diễn ra hơn 90 năm trước (1/5/1930) luôn được thế hệ sau ghi nhớ. Chúng tôi nghe các cô, cậu học trò thành Vinh nhắc đến sự kiện hơn 1.200 quần chúng công - nông kéo về Nhà máy Trường Thi biểu tình đòi tăng lương, giảm giờ làm, chia ruộng đất, giảm sưu thuế.
Di tích Nhà cụ Hoàng Viện, xã Châu Nhân (Hưng Nguyên). Ảnh tư liệu: Đức Anh |
Và lần đầu tiên cờ đỏ búa liềm tung bay trên đỉnh cột đèn Ngã ba Bến Thủy. Nhưng kẻ thù đã xuống tay đàn áp đẫm máu khiến 7 người chết, 18 người bị thương và hàng trăm người khác bị bắt. Vì thế, Ngã ba Bến Thủy được xem là nơi khởi đầu phong trào Xô viết Nghệ- Tĩnh…
Từ Ngã ba Bến Thủy, theo đê Tả Lam, ngược lên xã Châu Nhân (Hưng Nguyên), chúng tôi tìm đến làng Châu Sơn. Ở đây có di tích cụ Hoàng Viện, là nơi làm việc của Xứ ủy Trung Kỳ ngay từ những ngày đầu vừa mới thành lập. Ngôi nhà tựa lưng vào núi Nhón và hướng ra cánh đồng mênh mông, vừa được đầu tư kinh phí trùng tu khang trang, sạch đẹp. Cạnh bên là nhà trưng bày cũng vừa được đầu tư xây dựng còn thơm mùi vôi vữa.
Cán bộ, nhân dân và du khách về dâng hương tại Quảng trường Xô viết Nghệ -Tĩnh. Ảnh tư liệu: Công Kiên |
Ông Lê Khánh Quang – Chủ tịch UBND xã Châu Nhân giới thiệu: “Vào tháng 7/1930, khi phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ, tại nhà riêng của cụ Hoàng Viện, chi bộ Phúc Mỹ (nay là xã Châu Nhân) được thành lập. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Lê Xuân Đào - Bí thư Phủ ủy Hưng Nguyên, Chi bộ Phúc Mỹ ngày thêm lớn mạnh, Xứ ủy Trung Kỳ chọn làng Phúc Mỹ làm cơ sở hoạt động và chọn nhà cụ Hoàng Viện làm điểm hội họp”.
Nhờ vậy, phong trào cách mạng ở Phúc Mỹ tiếp tục phát triển, quần chúng nhân dân tích cực tham gia các tổ chức của cách mạng, tạo nên sự lan tỏa khắp các vùng quê. Dấu ấn lớn nhất là vào ngày 12/9/1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng, hàng vạn nông dân Hưng Nguyên và công nhân Bến Thủy kết thành làn sóng đấu tranh mạnh mẽ khiến kẻ địch khiếp sợ. Để rồi, tháng 12/1930, ở nơi đây chính quyền Xô viết đã ra đời.
Lãnh đạo huyện Hưng Nguyên dâng hương trước phần mộ các liệt sỹ tại Quảng trường Xô viết Nghệ- Tĩnh. Ảnh tư liệu: Công Kiên |
Trải qua hàng chục năm, kể cả những năm chiến tranh ác liệt, ngôi nhà cụ Hoàng Viện luôn được các thế hệ con cháu cũng như người dân làng Châu Sơn ra sức gìn giữ. Bởi, ai cũng ý thức được giá trị lịch sử của ngôi nhà từng là địa điểm hoạt động của Xứ ủy Trung Kỳ.
Đến nay, di tích đã được đầu tư kinh phí và được trùng tu xứng tầm với một di tích cấp quốc gia. “Cùng với việc dâng hoa, dâng hương vào ngày lễ trọng đại, chúng tôi cũng khuyến khích các trường học tổ chức cho học sinh đến tham quan trong các giờ ngoại khóa. Đến đây, các cháu sẽ hiểu thêm về phong trào cách mạng, được bồi đắp niềm tự hào về truyền thống quê hương” – ông Lê Khánh Quang cho biết.
Tượng đài ghi công và phần mộ của 28 liệt sỹ trong cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh ở xóm Ngọc Tân, xã Diễn Ngọc (Diễn Châu). Ảnh: Công Kiên |
Vòng ra thị trấn Hưng Nguyên, chúng tôi đến Quảng trường Xô viết Nghệ- Tĩnh dâng hương trước ngôi mộ chung của các liệt sỹ hy sinh trong ngày 12/9/1930. Khu di tích đang trong thời gian thi công nên còn khá bộn bề, hiện mới hoàn thành Nhà tưởng niệm và phần mộ các liệt sỹ. Còn tượng đài, công viên và các hạng mục khác đang trong quá trình xây dựng. Dịp này, có rất nhiều người dân về đây dâng hoa, dâng hương bày tỏ niềm thành kính trước vong linh những người ngã xuống từ 90 năm trước.
Là người con của quê hương Hưng Nguyên, bà Trần Thị Phương đã sinh sống nhiều năm ở Hà Nội chia sẻ: “Mỗi lần về quê, tôi đều đến đây thắp nén hương tưởng nhớ những người đã khuất. Và thường kể với các cháu nhỏ về nơi ghi dấu cuộc đấu tranh anh dũng trong phong trào Xô viết Nghệ -Tĩnh, về sự kiện 12/9/1930, khoảng 8.000 nông dân dưới sự lãnh đạo của Đảng với vũ khí thô sơ, giương cao cờ đỏ búa liềm kéo về phủ lỵ đã bị thực dân Pháp cho máy bay ném bom vào giữa đám đông làm 217 người chết, 125 người bị thương và nhiều người bị bắt giam…”.
Nhà thờ họ Nguyễn Duy - nơi làm việc của Tỉnh ủy Nghệ An thời kỳ 1930 - 1931. Ảnh tư liệu: Huy Thư |
Dẫn khách một vòng quanh khuôn viên, ông Võ Văn Phượng – Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Thể thao và Truyền thông huyện Hưng Nguyên bày tỏ nỗi băn khoăn khi công trình còn dang dở. Bởi mỗi khi bà con trong vùng hay du khách ghé vào dâng hương ở phần mộ và nhà tưởng niệm đều bày tỏ nguyện vọng sớm có một tượng đài hoành tráng để chiêm ngưỡng.
Cũng theo ông Phượng, khi Quảng trường hoàn thành chắc chắn sẽ thu hút nhiều người dân và khách du lịch đến thăm viếng, và sự kiện ngày 12/9/1930 sẽ mãi được khắc ghi trong tâm khảm nhiều thế hệ. Lúc ấy, Quảng trường Xô viết Nghệ -Tĩnh sẽ là điểm vui chơi, tham quan và tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa – văn nghệ. Và cũng là “địa chỉ đỏ” để học sinh các trường thực hiện các buổi ngoại khóa, một hoạt động bổ ích và thiết thực trong việc giáo dục truyền thống cách mạng của quê hương.
Chúng tôi tiếp tục theo quốc lộ 1A ra Diễn Châu, dừng chân ở Tượng đài ghi công và phần mộ của 28 liệt sỹ trong cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh ở xóm Ngọc Tân, xã Diễn Ngọc. Tượng đài uy nghi, nằm bên con đường thiên lý Bắc – Nam, khuôn viên sạch đẹp với hàng chục loài hoa ngát hương và hàng trăm cây ăn quả.
Cây đa Tri Lễ, xã Khai Sơn (Anh Sơn) - nơi quần chúng nhân dân tập trung để kéo đến Phủ đường Anh Sơn biểu tình năm 1930. Ảnh: Công Kiên |
Và trên tượng đài ghi danh 28 liệt sỹ và dòng dẫn tích: “Tại đây ngày 7/11/1930, để kỷ niệm cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, dưới sự lãnh đạo của Phủ ủy Diễn Châu do đồng chí Lê Niêm chỉ huy, hàng ngàn người từ nhiều nơi trong huyện dương cao cờ đỏ búa liềm rầm rập kéo về phủ lỵ hô vang các khẩu hiệu: Ủng hộ Liên bang Xô viết! Đả đảo Đế quốc Pháp và Nam Triều phong kiến…! Kẻ thù hết sức hoảng sợ đã bắn xối xả vào đoàn biểu tình làm 28 người chết và hàng trăm người bị thương…”.
Theo lời ông Nguyễn Đình Lợi – người nhận trông coi di tích, để tưởng nhớ những người đã ngã xuống trong cuộc biểu tình và mãi khắc ghi tội ác của kẻ thù, năm 1995 huyện Diễn Châu đã quyết định xây dựng Đài tưởng niệm. Và cũng từ đó, đài tưởng niệm và 28 phần mộ của liệt sỹ được chăm sóc và bảo vệ. Hàng tháng đều có các đoàn cán bộ các thôn, xã trên địa bàn về dâng hương tưởng niệm và học sinh các trường đến tham quan, tìm hiểu lịch sử.
Kết thúc cuộc hành hương về “miền di tích”, chúng tôi có dịp gặp ông Phạm Công Vinh – Phó Trưởng Ban Quản lý Di tích và Danh thắng tỉnh. Ông Vinh cho biết: “Hiện toàn tỉnh có trên 400 di tích gắn với phong trào Xô viết Nghệ- Tĩnh, trong đó hơn 40 di tích đã được xếp hạng. Hàng năm nhà nước cấp một khoản kinh phí cho công tác bảo tồn. Chúng tôi cũng khuyến khích các địa phương đưa di tích vào chương trình phát triển du lịch, tăng cường các buổi ngoại khóa cho học sinh và tổ chức sinh hoạt Đảng, Đoàn ngay tại di tích để di tích phát huy giá trị”.