Ngành Công Thương Nghệ An: Chú trọng giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế
(Baonghean.vn) - Nhiệm kỳ qua, hoạt động của Đảng bộ Sở Công Thương đạt được nhiều kết quả tích cực. Các chỉ tiêu của ngành đạt được đã góp phần hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII. Đồng chí Trần Thanh Hải - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Sở Công Thương trả lời phỏng vấn Báo Nghệ An.
P.V:Nhiệm kỳ 2015 - 2020, ngành Công Thương đã nỗ lực vượt khó khăn, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị đề ra, góp phần vào thành công chung của tỉnh, tạo tiền đề tích cực cho nhiệm kỳ tới. Đồng chí đánh giá như thế nào về những kết quả nổi bật trong công tác điều hành?
Đồng chí Trần Thanh Hải: Nhiệm kỳ 2015 - 2020, tuy gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn tới tình hình sản xuất kinh doanh, nhưng được sự chỉ đạo, quan tâm của cấp trên, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, các cấp, nhất là cộng đồng doanh nghiệp, Đảng bộ cùng tập thể lãnh đạo ngành Công Thương Nghệ An đã thực hiện tốt chức năng tham mưu quản lý nhà nước; lãnh đạo, chỉ đạo ngành hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Sở đề ra.
Lãnh đạo Bộ Công Thương, Sở Công Thương tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm OCCOP do Sở thực hiện. Ảnh: Thu huyền |
Đảng ủy cũng đã tập trung lãnh đạo cán bộ, đảng viên nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách quan trọng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành của quản lý nhà nước; đề ra các giải pháp cụ thể, kịp thời tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội. Sở Công Thương đã tham mưu trình UBND tỉnh ban hành quy hoạch, kế hoạch dài hạn, 5 năm và hàng năm; các chủ trương, chính sách, chương trình, dự án quan trọng về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của ngành.
P.V: Đồng chí có thể cho biết một số kết quả nổi bật của ngành trong nhiệm kỳ qua?
Đồng chí Trần Thanh Hải: Nhiệm kỳ qua, dù có nhiều khó khăn, nhất là thời gian cuối nhiệm kỳ ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng giá trị sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá, giai đoạn 2016 - 2020 tăng 18,6%, có năm tăng gần 20% (mục tiêu đạt 17-18%); tăng nhanh từ 38.639 tỷ đồng năm 2016 lên 68.049 tỷ đồng năm 2019; dự ước năm 2020 đạt 80.000 tỷ đồng/mục tiêu nghị quyết 78.757 tỷ đồng.
Đồng chí Trần Thanh Hải - Phó Giám đốc Sở công thương cùng đoàn công tác kiểm tra nhà máy thủy điện Hủa Na. Ảnh: Thu Huyền |
Cơ cấu nội ngành công nghiệp tiếp tục chuyển dịch nhanh và đúng hướng. Giá trị sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo năm 2019 chiếm khoảng 70% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp. Các ngành công nghiệp đồ uống; sản xuất vật liệu xây dựng; công nghiệp công nghệ cao; công nghiệp dệt may; khai thác khoáng sản; sản xuất và phân phối điện, nước đều có bước phát triển.
Một số sản phẩm trọng điểm đạt khá so với đầu nhiệm kỳ (như xi măng, tôn Hoa Sen, bia, sữa, hàng dệt may, gỗ MDF, gạch xây dựng các loại, điện, phân bón...). Lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp và làng nghề tiếp tục được quan tâm chỉ đạo phát triển, đến nay toàn tỉnh có 164 làng nghề và gần 450 làng có nghề được tỉnh công nhận.
Đối với lĩnh vực thương mại, tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng bình quân 11,8%/năm/ KH 11-12% (năm 2016 đạt 42.702 tỷ đồng, năm 2019 đạt 63.400 tỷ đồng, năm 2020 dự kiến đạt 70.000 tỷ đồng).
Sản xuất tại công ty may Diễn Châu. Ảnh: Thu Huyền |
Tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tỉnh tăng trưởng khá, từ 847,6 triệu USD năm 2016 lên 1.145 triệu USD năm 2019, phấn đấu đạt 1.200 triệu USD năm 2020, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 11,39%/năm; thị trường xuất khẩu mở rộng hơn 120 nước.
Đồ họa: Lâm Tùng |
P.V: Phát huy những kết quả đạt được, ngành xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới như thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Trần Thanh Hải: Thời gian tới, ngành sẽ tập trung xây dựng Đảng bộ Sở trong sạch vững mạnh gắn với chỉ đạo ngành hoàn thành xuất sắc chức năng, nhiệm vụ được giao. Tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng trong GDP tăng từ 34 - 35% năm 2020 lên 39 - 40% vào năm 2025. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp theo giá cố định năm 2010 bình quân đạt 14-15%/năm; phấn đấu đến năm 2025, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 165.000 tỷ đồng, đưa công nghiệp trở thành ngành kinh tế phát triển vào năm 2025. Tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 112.000 tỷ đồng, tăng bình quân 11-12%/năm. Kim ngạch xuất khẩu đạt 1,765 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 1,29 5 tỷ USD, tăng bình quân 9,72%/năm.
Bốc dỡ hàng tại cảng Cửa Lò. Ảnh: Thu Huyền |
Đồng chí Trần Thanh Hải: Giải pháp được đưa ra là: Bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020 để cụ thể hóa, xây dựng chương trình và chỉ đạo thực hiện. Thực hiện tốt công tác chỉ đạo điều hành, tham mưu đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, nhất là những dự án trọng điểm nhằm thúc đẩy tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu.
Phát huy hết công suất các nhà máy chế biến đang hoạt động như bia, sữa, thủy điện, dệt may, MDF, xi măng, tôn Hoa Sen... Một số dự án trọng điểm dự kiến đi vào hoạt động: Nhà máy Xi măng Tân Thắng; các dự án thủy điện Sông Quang, Nhạn Hạc, Xỏng Con, Khe Thơi...; đến hết năm 2020 có 21 nhà máy thủy điện hoạt động với tổng công suất 930,5 MW và các dự án trong các khu công nghiệp VSIP, WHA hoạt động...
Đóng gói sản phẩm tại Nhà máy Tôn Hoa Sen Nghệ An. Ảnh: Lâm Tùng |
Đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" gắn với phát triển thị trường trong nước. Tích cực, chủ động tăng cường xúc tiến thương mại nhằm khai thác, mở rộng thị trường xuất khẩu, tiêu thụ sản phẩm.
Chúng tôi tin tưởng, với tinh thần trách nhiệm, gương mẫu đầu tàu, ngành Công Thương sẽ thực hiện tốt mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ Sở đã đề ra, hàng năm Đảng bộ hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ.
P.V:Xin cảm ơn đồng chí!