Nghệ An: Đề cao đổi mới tư duy hướng tới phát triển bền vững

Quốc Sơn 21/12/2020 13:41

(Baonghean.vn) - Trong bối cảnh khó khăn chồng chất do Covid-19, nền kinh tế Nghệ An vẫn đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong năm 2020. Bước sang năm 2021, với những dự đoán mang tính khoa học và thực tiễn, Nghệ An đổi mới tư duy, phát triển một cách vừa nhanh vừa bền vững.

Chưa có cơ sở lạc quan trong năm 2021

Năm 2020 sắp khép lại với rất nhiều sự kiện đặc biệt. Nền kinh tế toàn cầu bị suy giảm đặc biệt nghiêm trọng bởi đại dịch Covid- 19 bùng phát. Việt Nam không nằm ngoài vòng xoáy của đại dịch, nền kinh tế của đất nước gặp rất nhiều khó khăn, cuộc chiến với virus Corona đã khiến cho hàng ngàn doanh nghiệp phá sản, giải thể.

Hơn thế, ở khu vực miền Trung những diễn biến bất thường của khí hậu thời tiết với hàng chục cơn bão, lũ lụt đã tác động tiêu cực đến đời sống dân sinh. Trong bối cảnh đó, khắc phục những thách thức, khó khăn khách quan, đại hội Đảng các cấp đã diễn ra thuận lợi, đúng kế hoạch và mang lại kỳ vọng lớn cho Nhân dân.

Một góc thành phố Vinh. Ảnh: Đào Tuấn
Một góc thành phố Vinh. Ảnh: Đào Tuấn

Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra các giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh - quốc phòng từ nay đến năm 2025 và giai đoạn tiếp theo.

Ở Nghệ An, năm 2020 cũng là năm tỉnh phải đối diện với rất nhiều khó khăn do thiên tai, bão lũ, dịch bệnh. Mặc dù vậy bằng sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và người dân, Nghệ An đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật: Tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội của Nghệ An dự ước hơn 4,1%, thu ngân sách đạt 15.911 tỷ đồng.

Nhờ chủ động trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19, toàn tỉnh không có trường hợp nào nhiễm virus Corona. Tỉnh Nghệ An đã tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Điều đặc biệt, đại hội đã đề ra các giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh - quốc phòng từ nay đến năm 2025 và giai đoạn tiếp theo.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX xác định các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu như: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) giai đoạn 2021 - 2025 đạt 9,5-10,5%; GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt khoảng 83 triệu đồng; thu ngân sách đến năm 2025 đạt từ 26.000 - 30.000 tỷ đồng; cơ cấu GRDP nông, lâm, ngư nghiệp 19-20%; Công nghiệp và xây dựng đạt 38-39%; Dịch vụ 42-43%; Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đến năm 2025 đạt khoảng 500.000 tỷ đồng…

Tại kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2016 - 2021 vừa qua, HĐND tỉnh đã quyết nghị thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 với các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu như: tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) 7,5 - 8,5%; thu ngân sách 14.032,3 tỷ đồng; tổng kim ngạch xuất khẩu 1.200 triệu USD; tổng nguồn đầu tư xã hội 88.000 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người từ 48 - 49 triệu đồng.

Căn cứ vào các kết quả kinh tế - xã hội mà Nghệ An thực hiện của năm 2020 và chỉ tiêu đã ban hành của năm 2021, nhiều người đặt câu hỏi: Tại sao tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đề ra cho năm 2021 lại thấp hơn năm trước đó. Phải chăng điều này là biểu hiện của sự thiếu quyết tâm, thiếu dũng cảm trong việc hoạch định chiến lược phát triển?.

Hơn thế, cũng cần nói thêm, năm 2020 cùng với các địa phương trong cả nước, Nghệ An phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức. Đại dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng lên toàn bộ lĩnh vực đời sống, xã hội. Doanh nghiệp đình trệ sản xuất, kinh doanh; mọi hoạt động thương mại, thu hút đầu tư, xuất nhập khẩu, dịch vụ, du lịch,… gần như bị đóng băng vì chính sách giãn cách xã hội. Không những thế, Nghệ An và nhiều tỉnh miền Trung phải gồng mình chống chọi với các đợt hạn hán kéo dài, tiếp đó là các cơn bão, lũ lụt khốc liệt. Trong bối cảnh đó tỉnh Nghệ An vẫn đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm hơn 4,1%; thu ngân sách dự ước gần 16.000 tỷ đồng. Vậy tại sao năm 2021 lại đặt mục tiêu khiêm tốn như vậy?

Trả lời câu hỏi này, tại Hội nghị quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, đồng chí Nguyễn Đức Trung -Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, trước khi HĐND tỉnh quyết nghị thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, Thường trực, BTV Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã cân nhắc rất kỹ. Để xác định các chỉ tiêu cơ bản của năm 2021, tỉnh căn cứ vào các yếu tố khách quan và chủ quan của nền kinh tế. Đó là những vấn đề liên quan đến tính sự phục hồi của nền kinh tế sau những biến động của năm 2020; là khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, những diễn biến của công tác thu hút đầu tư.

Đặc biệt, trong khi đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến khó lường và chưa được ngăn chặn thì việc định tính, định lượng về khả năng phát triển kinh tế - xã hội là rất khó khăn. Bên cạnh đó, hiện nay trên bình diện quốc tế và trong nước vẫn chưa cho thấy những dấu hiệu tích cực về sự dịch chuyển của nền kinh tế, nên vẫn chưa có cơ sở để lạc quan về một năm 2021 thành công.

Cảng biển Vissai. Ảnh: Mạnh Hùng
Cảng biển Vissai. Ảnh: Mạnh Hùng

Tạo dư địa cho sự phát triển bền vững

Muốn phát triển bền vững, Nghệ An phải thay đổi tư duy, đổi mới công tác quản lý, vận hành nền kinh tế.

Mặc dù vậy, bức tranh kinh tế của Nghệ An năm 2021 và thời gian tiếp theo vẫn có những yếu tố để kỳ vọng. Các dự án đã đầu tư vẫn đang phát huy hiệu quả; các dự án sử dụng nguồn vốn ODA, FDI và vốn đầu tư công vẫn tiếp tục được kỳ vọng sẽ tạo ra sự thay đổi. Nhưng muốn phát triển bền vững, Nghệ An phải thay đổi tư duy, đổi mới công tác quản lý, vận hành nền kinh tế. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung, Nghệ An phải xác định lại hướng đi để đáp ứng những đòi hỏi của xu thế.

Thẳng thắn trong đánh giá vấn đề này, đồng chí Nguyễn Đức Trung cho rằng, đã có lúc chúng ta đề cao mục tiêu phát triển công nghiệp nặng. Hiện tại, mục tiêu này không còn phù hợp nữa. Chẳng hạn như việc đầu tư các dự án nhiệt điện ở thị xã Hoàng Mai, người đứng đầu UBND tỉnh cho biết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thống nhất đề nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương dừng thực hiện dự án Trung tâm Nhiệt điện Quỳnh Lập, gồm Nhà máy Nhiệt điện Quỳnh Lập 1 và Nhiệt điện Quỳnh Lập 2, thuộc Khu công nghiệp Đông Hồi. Tỉnh cũng đề nghị Chính phủ đưa dự án này ra khỏi dự thảo Quy hoạch điện VIII.

Tỉnh Nghệ An đề nghị dừng dự án nhiệt điện vì nhiều lẽ, thứ nhất là dự án chưa thực hiện. Điều thứ hai quan trọng hơn là việc đầu tư trung tâm nhiệt điện hiệu quả chưa biết đến đâu nhưng nguy cơ ô nhiễm môi trường là điều có thể nhìn thấy trước. Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, Nghệ An nằm giữa hai trung tâm phát triển công nghiệp nặng của vùng là Nghi Sơn (Thanh Hóa) và Kỳ Anh (Hà Tĩnh), tỉnh không cần thiết phải phát triển theo hướng đầu tư công nghiệp nặng với nhiều nguy cơ tiềm ẩn đe dọa môi trường. Thay vào đó, Nghệ An cần phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, thương mại, hệ thống dịch vụ, du lịch để kích cầu tăng trưởng. Chủ tịch UBND tỉnh nêu: Tại sao không nghĩ đến việc thu hút khách từ Nghi Sơn vào Hoàng Mai nghỉ dưỡng, hưởng các dịch vụ du lịch tại Nghệ An?

Thị xã Hoàng Mai nhìn từ trên cao. Ảnh: Hồ Long
Thị xã Hoàng Mai nhìn từ trên cao. Ảnh: Hồ Long

Định hướng phát triển Nghệ An thời gian tới, theo đồng chí Nguyễn Đức Trung còn là đầu tư và hoàn thiện hệ thống hạ tầng, giao thông, kết cấu hạ tầng, trong đó có những dự án động lực như tuyến đường Vinh - Cửa Lò; tuyến đường Nghi Sơn - Cửa Lò; hệ thống cảng nước sâu, sân bay Vinh… Đối với công tác thu hút đầu tư, thay vì thực hiện xúc tiến, tiếp cận theo diện, dàn trải, tỉnh sẽ thu hút theo điểm, giao các ngành, đơn vị đeo bám, đồng hành với nhà đầu tư từ đầu cho đến khi đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tập trung kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư mang tính động lực. Đây cũng là sự đổi mới trong công tác này.

Định hình sự phát triển cho Nghệ An với yêu cầu đảm bảo tính bền vững luôn là vấn đề nhiều năm qua các nhà quản lý kinh tế, hoạch định chính sách, chiến lược phát triển đã làm. Kết quả cũng đã được thực tiễn chứng minh. Điều cần nhất giai đoạn này là sự định hình đó phải phù hợp với điều kiện khách quan, giải quyết tốt những vấn đề nội tại của nền kinh tế, của đời sống dân sinh và phù hợp với xu thế phát triển của đất nước và quốc tế.

Quốc Sơn