Những ‘báu vật’ từ chiến trường của người lính quê Nghệ

Công Kiên 22/12/2020 09:50

(Baonghean) - Cuộc đời lính trận từng đối mặt với những hiểm nguy và bao nỗi buồn vui cùng niềm thương, nỗi nhớ. Bước ra khỏi cuộc chiến, không ít người lính năm xưa vẫn giữ lại được những kỷ vật thời hoa lửa, là vật chứng của một quãng đời gian khổ, hy sinh nhưng cũng rất đỗi oanh liệt, hào hùng.

“Báu vật” của những người lính chống Pháp

Sắp sửa bước vào tuổi 90 với hơn 30 năm quân ngũ, đi qua cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, ông Hoa Xuân Tùng (SN 1931) ở khối 2, phường Thu Thủy (thị xã Cửa Lò) vẫn giữ được những kỷ vật đời lính. Bên cạnh huân, huy chương và các loại giấy tờ, hiện ông Tùng còn lưu giữ được những bức ảnh quý.

Ảnh: Công Kiên
Những bức ảnh thời chiến trận vẫn được ông Hoa Xuân Tùng lưu giữ. Ảnh NVCC

Trong đó, đặc biệt nhất là bức ảnh ông chụp cùng các đồng chí trong tổ Đảng vào năm 1950 và ảnh ngày tập kết ra Bắc ở Cảng Cửa Hội (năm 1954). Mỗi bức ảnh ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ, nếu không muốn nói là những bước ngoặt lớn trong cuộc đời người lính.

“Hơn 30 năm quân ngũ, tôi luôn trân trọng những giây phút cùng đồng chí, đồng đội sẻ chia những vui buồn trong cuộc sống và chiến đấu. Những bức ảnh có được tôi luôn giữ gìn cẩn thận, bởi đó là những khoảnh khắc cuộc đời không bao giờ lặp lại”, ông Tùng chia sẻ.

Bức ảnh ông Hoa Xuân Tùng cùng các đồng chí trong tổ Đảng được chụp từ năm 19. Ảnh: NVCC
Bức ảnh ông Hoa Xuân Tùng cùng các đồng chí trong tổ Đảng được chụp từ năm 1950. Ảnh: NVCC

Năm 16 tuổi, ông Hoa Xuân Tùng rời vùng quê Cửa Hội vào quân ngũ, tham gia đánh Pháp ở vùng Liên khu 5 và được kết nạp Đảng giữa chiến trường (1950). Hơn 70 năm đã trôi qua, ông Tùng vẫn lưu giữ được bức ảnh chụp chung 4 đồng chí trong tổ Đảng, ghi lại niềm vui sướng, tự hào khi được đứng vào hàng ngũ tiên phong.

Hiệp định Geneve được ký kết (1954), ông Tùng cùng đồng đội tập kết ra Bắc, về đóng quân ở vùng Cửa Hội, nơi chôn rau cắt rốn. Đến nay, ông vẫn giữ được bức ảnh thể hiện niềm vui hội ngộ cùng các anh, chị em trong gia đình. Đó thực sự là khoảnh khắc quý giá, không chỉ trong phạm vi gia đình mà còn có giá trị với quê hương, đất nước.

Ảnh: Công Kiên
Gian phòng khách của gia đình ông Hoa Xuân Tùng treo đầy ảnh và huân, huy chương là những kỷ vật chiến trường. Ảnh: Công Kiên

Với ông Tùng, những bức ảnh này thực sự là “báu vật”, luôn nâng niu trên mỗi bước đường hành quân và khi về đoàn tụ cùng gia đình ông đã dành vị trí trang trọng nhất trong phòng khách để treo những bức ảnh quý.

Sinh cùng năm với ông Hoa Xuân Tùng, ông Nguyễn Duy Nhơn ở xã Võ Liệt (Thanh Chương) cũng từng tham gia chiến đấu, đánh Pháp ở vùng núi rừng Quảng Trị. Gần 70 năm đi qua, người lính chống Pháp ấy vẫn lưu giữ được một kỷ vật vô giá, đó là cuốn sổ nhỏ gần 100 trang, do những người bạn ghi lại những dòng cảm xúc khi đang bị đày đọa trong Trại tù binh Cam Ranh.

Ảnh: Công Kiên
Ông Nguyễn Duy Nhơn kể lại kỷ niệm chiến trường. Ảnh tư liệu: Công Kiên

Lần ấy, vào năm 1952, trong một trận chống càn, ông Nguyễn Duy Nhơn không may rơi vào tay địch, ông bị chuyển về nhà giam ở Huế, rồi Đà Nẵng và cuối cùng là Cam Ranh (Khánh Hòa). Trong chốn lao tù, ông Nhơn cùng các đồng chí, đồng đội tiếp tục cuộc đấu tranh không kém phần gian khổ và ác liệt, cuốn sổ nhỏ của ông trở thành nơi chia sẻ bao cảm xúc về niềm vui, nỗi buồn và quyết tâm trong tù ngục.

Ảnh tư liệu: Công Kiên
Cuốn sổ tay ông Nguyễn Duy Nhơn đưa về từ nhà tù Cam Ranh năm 1954. Ảnh tư liệu: Công Kiên

Ngày 25/8/1954, theo quy định tại Hiệp định Geneve, ông Nguyễn Duy Nhơn được Pháp trao trả, hành trang trở về không thể thiếu cuốn sổ nhỏ mang nặng nghĩa tình và nó theo người lính suốt chặng đời còn lại. Ông Nhơn tâm sự: “Những khi gặp ưu phiền, tôi lại tìm đọc những dòng chữ của đồng đội xưa để được tiếp thêm nguồn sinh lực và vượt lên bao khó khăn, trở ngại”.

Kỷ vật nơi tuyến lửa Trường Sơn

Thuộc thế hệ những người lính chống Mỹ, ông Nguyễn Ngọc Bính (SN 1946) ở xã Thanh Tùng (Thanh Chương) đang lưu giữ khá nhiều kỷ vật của những năm tháng quân ngũ. Từ những tấm huân, huy chương, hồ sơ quân nhân đến những cuốn sổ tay, nhật ký và chiếc khăn mùi soa đều được ông Bính cất giữ cẩn thận. Dù kỷ vật đã ngả màu thời gian nhưng vẫn được chủ nhân nâng niu, xem là “gia tài” của đời lính, gắn bó với thời trai trẻ.

Những cuốn nhật ký và sổ ghi chép được ông Nguyễn Ngọc Bính đưa về từ chiến trường. Ảnh tư liệu: Thanh Quỳnh
Những cuốn nhật ký và sổ ghi chép được ông Nguyễn Ngọc Bính đưa về từ chiến trường. Ảnh tư liệu: Thanh Quỳnh

Ông Bính tâm sự: “Để giữ được những kỷ vật đến tận hôm nay, có những cái đã có từ hơn nửa thế kỷ thực sự không mấy dễ dàng, bởi trong cảnh mưa bom, bão đạn giữ được mạng sống đã khó, nói chi đến đồ vật. Rồi những năm nhà cửa còn đơn sơ, bão lũ thường xuyên đe dọa, mỗi trận mưa lũ tôi đều lo cất giữ số “gia tài” vô giá này”.

Trong số kỷ vật của ông Nguyễn Ngọc Bính, chúng tôi thực sự ấn tượng với những cuốn nhật ký chiến trường. Ở đó, chủ nhân đã ghi lại khá đều đặn, tỉ mỉ công việc và xúc cảm trên những chặng đường hành quân đánh Mỹ giữa núi rừng Trường Sơn. Đọc những trang được ghi lại từ tháng 7/1972 ở chiến trường Quảng Trị mới cảm nhận được “sức nóng” của “Mùa hè đỏ lửa” với những trận đánh vô cùng ác liệt.

Những kỷ vật chiến trường luôn được ông Nguyễn Ngọc Bính nâng niu, gìn giữ. Ảnh tư liệu: Thanh Quỳnh
Những kỷ vật chiến trường luôn được ông Nguyễn Ngọc Bính nâng niu, gìn giữ. Ảnh tư liệu: Thanh Quỳnh

Qua đó, thấy được những gian khổ, hy sinh và tinh thần chiến đấu của những người lính, thấy rõ niềm lạc quan hướng tới ngày mai. “Gia đình tôi đã có 3 thế hệ quân nhân, bố tôi là bộ đội chống Pháp, con trai chúng tôi cũng đang theo đường binh nghiệp. Tôi lưu giữ những kỷ vật này để con cháu đời sau luôn ghi nhớ và tự hào về truyền thống gia đình”, ông Bính nói.

Cũng là người lính chống Mỹ, ông Ngô Xuân Ước (SN 1950) ở xóm Yên Thượng, xã Hưng Thịnh (Hưng Nguyên) hiện vẫn giữ một số vật kỷ niệm từ thời còn làm nhiệm vụ vận tải trên tuyến đường Trường Sơn. Trong đó, có bài báo ông trả lời phỏng vấn tại Đại hội Thi đua Quyết thắng toàn quân năm 1973. Đây là kỷ niệm mãi mãi không quên, là niềm tự hào của đời lính.

Ảnh: Công Kiên
Ông Ngô Xuân Ước vẫn còn lưu giữ bài báo từ năm 1973. Ảnh: Công Kiên

Do lập được chiến công, ông Ước được Đoàn 559 cử tham dự Đại hội Thi đua Quyết thắng toàn quân ở Thủ đô Hà Nội và được nhà báo tìm gặp phỏng vấn. Trở lại chiến trường tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, mấy ngày sau, chiến sỹ Ngô Xuân Ước nhận được tờ báo có bài mình trả lời phỏng vấn tại đại hội.

Bài báo có tên “Những tiếng nói quyết thắng”, phần phỏng vấn ông Ước có tiêu đề “Tôi… người lái xe”. Cả tiểu đoàn cùng đến chúc mừng, ông Ước cắt bài báo ra để giữ làm kỷ niệm và luôn trân trọng giữ gìn suốt gần 50 năm qua.

Bà con nhân dân và CCB thành phố Vinh xem triển lãm chuyên đề “Ký ức thời hoa lửa” tại Bảo tàng Nghệ An. Ảnh tư liệu: Thành Chung
Bà con nhân dân và CCB thành phố Vinh xem triển lãm chuyên đề “Ký ức thời hoa lửa” tại Bảo tàng Nghệ An. Ảnh tư liệu: Thành Chung

Còn nhiều, rất nhiều những người lính đang lưu giữ kỷ vật chiến trường, ghi dấu những năm tháng oanh liệt của tuổi trẻ, để con cháu đời sau mãi tự hào. Và nhiều kỷ vật đã được chủ nhân là những cựu binh hiến tặng cho các bảo tàng để mãi lưu giữ tinh thần, ý chí của những người con nước Việt trên con đường đánh giặc, cứu nước.

Công Kiên