Để công nhân yên tâm '3 tại chỗ'

Diệp Thanh 30/08/2021 15:10

(Baonghean.vn) - Trên cơ sở hướng dẫn của LĐLĐ tỉnh trong kịch bản ứng phó với các cấp độ của dịch, nhiều công đoàn huyện, ngành, thành thị triển khai hỗ trợ cho công nhân lao động "3 tại chỗ" tại các doanh nghiệp.

CHĂM LO TỪNG BỮA ĂN, GIẤC NGỦ

Kể từ khi Chỉ thị 16 được áp dụng ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, nhiều doanh nghiệp đã bố trí cho công nhân thực hiện "3 tại chỗ" để vừa duy trì hoạt động sản xuất, vừa đảm bảo an toàn cho doanh nghiệp và người lao động. Mặc dù tỷ lệ lao động đi làm trong thời điểm này không cao nhưng công tác chuẩn bị, chăm lo cho công nhân trong bối cảnh dịch bệnh vẫn gặp không ít khó khăn.

Công đoàn KKT Đông Nam và công đoàn huyện Hưng Nguyên đến Công ty Luxshare trước thời điểm áp dụng Chỉ thị 16 trên địa bàn huyện
Công đoàn KKT Đông Nam và công đoàn huyện Hưng Nguyên đến Công ty Luxshare trước thời điểm áp dụng Chỉ thị 16 trên địa bàn huyện. Ảnh: ĐVCC

Ngay thời khắc trước, trong thời gian huyện Hưng Nguyên thực hiện Chỉ thị 16, LĐLĐ huyện Hưng Nguyên và công đoàn khu kinh tế Đông Nam đến Công ty TNHH Luxshare-ICT thuộc KCN Vsip để tuyên truyền, khuyến khích người lao động thực hiện '3 tại chỗ' tại doanh nghiệp nhằm đảm bảo công tác phòng chống dịch và ổn định sản xuất.

Tham gia cùng đoàn kiểm tra, chị Mai Hương (Công đoàn KKT Đông Nam) thổ lộ: “Những ngày này, tinh thần chống dịch ở các doanh nghiệp lớn vô cùng căng thẳng, cán bộ công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp này vô cùng vất vả chuẩn bị cho "3 tại chỗ". Kể cả những đơn vị có khu ký túc xá khang trang đầy đủ như Công ty TNHH Luxshare-ICT thì cán bộ công đoàn vẫn phải lo toan rất nhiều thứ. Họ vừa phải đảm nhận công tác chuyên môn, vừa phải đảm nhận vai trò trong tổ phòng chống Covid-19, vừa vận động công nhân ở lại, vừa lo lắng chỗ ăn, nghỉ cho công nhân”.

cham lo cho cong nhan
Để công nhân yên tâm thực hiện "3 tại chỗ", doanh nghiệp cần đảm bảo các yếu tố về phòng, chống dịch và chỗ ăn, nghỉ. Ảnh: PV

Bên cạnh những doanh nghiệp có sẵn cơ sở vật chất để áp dụng 3 tại chỗ cho công nhân, nhiều doanh nghiệp phải gấp rút chuẩn bị cơ sở vật chất trong thời gian ngắn. Tại Công ty CP Tập đoàn An Hưng (Yên Thành), công ty phải bố trí nhà công vụ của cán bộ, thiết kế thêm phòng chức năng để đảm bảo chỗ nghỉ ngơi cho 250 công nhân. Anh Đặng Việt Dũng – Chủ tịch công đoàn công ty cho biết: “Vì đã có sự tính toán trước nên công ty đã kịp thời lắp đặt các thiết bị điện, nước nhằm đảm bảo sinh hoạt cho công nhân. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của chúng tôi là phải tìm mua số lượng lớn vật dụng thiết yếu khi Chỉ thị 16 đã được áp dụng, nhiều hàng quán, đơn vị cung cấp đã đóng cửa”.

Trước quyết định bố trí một phần công nhân thực hiện 3 tại chỗ tại nhà xưởng, anh Nguyễn Văn Cần, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH IMS Vietnam (Emtech) chia sẻ: “Bên cạnh việc trang bị lều bạt, chăn màn, quan tâm đến chất lượng 3 bữa ăn hàng ngày, chúng tôi cũng rất lưu tâm đến khu vực vệ sinh, tẳm rửa và luôn phải kịp thời nắm bắt nguyện vọng của người lao động”.

Trong thời gian áp dụng Chỉ thị 16, công đoàn Công ty thường xuyên hỗ trợ nhu yếu phẩm cho công nhân. Ảnh: ĐVCC
Trong thời gian áp dụng Chỉ thị 16, công đoàn Công ty CP Môi trường và Công trình Đô thị Nghệ An thường xuyên hỗ trợ nhu yếu phẩm cho công nhân. Ảnh: ĐVCC

Với đặc thù ngành nghề riêng, Công ty CP Môi trường và Công trình Đô thị Nghệ An đã cho 200 công nhân lao động của mình thực hiện “3 tại chỗ” tại công ty và các điểm lẻ phường xã để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ thu gom rác thường xuyên trên địa bàn Thành phố. So với lần thực hiện “3 tại chỗ” đầu tiên thì lần này người lao động của công ty vất vả hơn nhiều. “Một trong những khó khăn lớn nhất của công nhân chính là tìm chỗ ở ổn định. Vì lần này số ca F0 lớn nhiều, lệnh phong tỏa áp dụng trên diện rộng nên nhiều lần công nhân ở một số tổ phải ôm đồ, di chuyển sang chỗ ở mới trong đêm để ra khỏi khu vực giăng dây. Lần trước người lao động nhận được nhiều sự hỗ trợ, chia sẻ từ các nhà hảo tâm nhưng lần này, diễn biến phức tạp, khó khăn hơn nên công ty và công đoàn phải nỗ lực hơn để chia sẻ cùng người lao động” – Chị Lê Hồng Kỷ, Chủ tịch công đoàn công ty cho hay.


SAN SẺ CÙNG DOANH NGHIỆP VÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG

Ngay khi nắm được số lượng đơn vị là lao động thực hiện "3 tại chỗ", LĐLĐ TP. Vinh đã đến thăm hỏi, tặng quà, động viên 900 công nhân tại 5 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đang thực hiện phương án “3 tại chỗ”. Chia sẻ với những thiếu thốn trong thời điểm giãn cách, LĐLĐ TP. Vinh đã trao cho các đơn vị những nhu yếu phẩm như rau củ, nước uống, khẩu trang y tế... với tổng số tiền gần 30 triệu đồng. Chia sẻ về hoạt động này, Chủ tịch LĐLĐ TP. Vinh Thái Lê Cường cho biết: “Mối quan tâm hàng đầu của chúng tôi là các đơn vị phải thực hiện tốt biện pháp phòng chống dịch, đảm bảo an toàn cho công nhân, đảm bảo sinh hoạt, lưu trú cho công nhân. Có như vậy mới có thể thực hiện tốt mục tiêu "kép” vừa phòng chống dịch, vừa phát triển sản xuất, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế- xã hội”.

LĐLĐ thành phố Vinh trao hỗ trợ cho công nhân, người lao động Công ty TNHH Emtech Việt Nam đang thực hiện làm việc 3 tại chỗ
LĐLĐ thành phố Vinh trao hỗ trợ cho công nhân, người lao động thực hiện "3 tại chỗ". Ảnh: PV

Tính đến thời điểm hiện tại, huyện Diễn Châu cũng có 5 doanh nghiệp đang thực hiện "3 tại chỗ" nhằm duy trì chuỗi sản xuất theo kế hoạch. Để hỗ trợ doanh nghiệp chăm lo cho công nhân "3 tại chỗ", trong những ngày qua, LĐLĐ huyện Diễn Châu đã hỗ trợ mì tôm, sữa tươi, bánh kẹo, nước uống, nước sát khuẩn cho 291 công nhân lao động với tổng số tiền gần 30 triệu đồng. Làm việc với các đơn vị, lãnh đạo LĐLĐ huyện đôn đốc nhắc nhở lãnh đạo các đơn vị cần tăng cường công tác tuyên truyền trong CNLĐ, tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương trong việc cập nhật thông tin về tình hình Covid-19 trên địa bàn và lịch trình sản xuất của công ty để quản lý CNLĐ, tiếp tục phát huy vai trò "tổ an toàn Covid", quán triệt thực hiện nghiêm túc quy định "một cung đường, hai điểm đến", thực hiện tốt chế độ cho CNLĐ theo quy định, đặc biệt là các đối tượng nghỉ việc tạm thời do dịch bệnh Covid-19.

LĐLĐ huyện Yên Thành và Thanh Chương hỗ trợ nhu yếu phẩm cho công ty có công nhân làm việc 3 tại chỗ. Ảnh: PV

Là một trong những đơn vị đặc thù phải thực hiện 3 tại chỗ ở nhiều cơ sở, 51 CNLĐ Công ty TNHH Thủy lợi Thanh Chương đã nhận được sự quan tâm từ LĐLĐ huyện Thanh Chương trong những ngày giãn cách này. Anh Thái Đăng Phương - Chủ tịch Công đoàn công ty thổ lộ: “Nhận được sự hỗ trợ của công đoàn cấp trên trong những ngày khó khăn khiến chúng tôi thực sự ấm lòng. Tình hình dịch bệnh còn nhiều phức tạp, anh em chúng tôi đều ý thức rõ tình hình và động viên nhau vừa chống dịch vừa sản xuất”. Đây cũng là chia sẻ của những đoàn viên công đoàn Công ty CP Tập đoàn An Hưng khi nhận được sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của LĐLĐ huyện Yên Thành.

Đóng vai trò then chốt trong cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19, phần lớn đoàn viên công đoàn, người lao động của ngành Y tế phải thích ứng với “3 tại chỗ” trong thời gian dài. Chia sẻ với khó khăn của công nhân lao động, vừa qua công đoàn ngành đã đến thăm hỏi và tặng quà tại 2 đơn vị là Công ty Cổ phần Dược- VTYT Nghệ An, Công ty Cổ phần Bệnh viện Quốc Tế Vinh.


Công đoàn ngành Y tế thăm hỏi người lao động thực hiện "3 tại chỗ". Ảnh: PV

“Qua kiểm tra, nhìn chung các đơn vị đã xây dựng kịch bản, phương án ứng phó với 4 cấp độ dịch bài bản, thực hiện tốt công tác tuyên truyền thực hiện khuyến cáo 5K, tổ chức tiêm Vắc xin cho nhân viên, tổ chức Test PCR để thực hiện mô hình “3 tại chỗ”, bố trí ăn, ở, làm việc tại chỗ để tránh tình trạng lây nhiễm cộng đồng... Bên cạnh đó các CĐCS cũng kiến nghị với Tổng LĐLĐ Việt Nam cần hỗ trợ bữa ăn cho đoàn viên, người lao động đang thực hiện “3 tại chỗ” đối với các Doanh nghiệp nơi đóng trụ sở mà phải thực hiện Chỉ thi 16/CT-CP“ - Chủ tịch Công đoàn ngành Phạm Quốc Dương cho biết.

Hoạt động hỗ trợ cho người lao động thực hiện "3 tại chỗ" vẫn đang tiếp tục được các cấp công đoàn triển khai tại nhiều địa phương trên toàn tỉnh.


Diệp Thanh