Rộng lối về cho những người lầm lỗi

Đặng Nguyễn 02/09/2021 14:28

(Baonghean.vn) - Bên cạnh triển khai thực hiện công tác đặc xá đảm bảo dân chủ, khách quan, minh bạch, đúng đối tượng, các cấp ngành, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh luôn quan tâm, tạo điều kiện cho những người được đặc xá nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng.

Đứng lên sau vấp ngã

Theo chân cán bộ xã, chúng tôi tới thăm gia đình chị Pay Thị Huyền ở bản Na Bón, xã Yên Na (Tương Dương). Cách đây 8 năm, chị Huyền đã tiếp tay cho kẻ buôn người và bị tuyên phạt 30 tháng tù về tội “Mua bán người”. Đến tháng 9/2015, nhờ cải tạo tốt, chị Huyền được đặc xá ra tù trước thời hạn trở về địa phương.

Nhớ lại thời điểm đó, chị Huyền cho biết, lúc biết tin mình được đặc xá, chị mừng lắm, nhưng càng gần tới ngày được trở về thì lại băn khoăn, suy nghĩ không biết khi ra tù sẽ bắt đầu lại từ đâu để ổn định cuộc sống, cũng như làm thế nào để đối diện với anh em, họ hàng, bà con làng, bản...

ảnh
Hội Liên hiệp Thanh niên huyện Đô Lương và nhóm thiện nguyện “Đô Lương - chia sẻ yêu thương” trao tặng đàn gà cho gia đình anh Phạm Văn Thanh ở xóm 3, xã Nam Sơn (Đô Lương). Ảnh: P.V

Với tâm lý mặc cảm, tự ti, thời gian đầu, chị không dám gặp gỡ mọi người, nhưng nhờ sự động viên, giúp đỡ của chính quyền địa phương, chị đã tích cực tham gia các hoạt động xã hội, tăng gia sản xuất.

Theo chị Huyền, ngoài nguồn động viên của gia đình, chị nhận được sự hỗ trợ kịp thời của chính quyền, các tổ chức, đoàn thể tại địa phương. Cụ thể, thời điểm đó chị được cho vay 50 triệu đồng và được cán bộ nông nghiệp xã hướng dẫn triển khai mô hình chăn nuôi gà. Đến nay, tổng đàn luôn duy trì trên 3.000 con, chưa kể chị còn nuôi lợn, bò... mỗi năm cho thu nhập xấp xỉ 100 triệu đồng.

Tương tự chị Huyền, anh Phạm Văn Thanh ở xóm 3, xã Nam Sơn (Đô Lương) từng đi tù 15 năm vì vận chuyển trái phép chất ma túy, nhưng nhờ ý thức cải tạo tốt nên sau 10 năm thụ án anh Thanh đã được đặc xá. Trở về địa phương vào năm 2014 khi tuổi đã lớn, ban đầu anh Thanh rất ngại tiếp xúc với những người xung quanh, nhưng nhờ chính quyền địa phương, các tổ chức, đoàn thể tổ chức gặp gỡ, trao đổi, bà con lối xóm qua lại, phần nào cởi mở hơn, chăm lo làm ăn.

Đầu năm nay, với nỗ lực của gia đình, cùng vay mượn thêm, chính quyền địa phương đã hỗ trợ máy móc để san gạt mặt bằng, hỗ trợ cát, sỏi... anh đã hoàn thiện căn nhà kiên cố trên 300 triệu đồng. Hội Liên hiệp Thanh niên huyện và nhóm thiện nguyện “Đô Lương - chia sẻ yêu thương” còn trao tặng đàn gà 50 con, mỗi con 0,7- 0,8kg nay đã cho trứng mỗi ngày.

Anh Thanh cho biết, hiện tại sức khỏe không còn tốt sau một lần tai biến nên anh chủ yếu làm ruộng, trồng sắn, nay có thêm đàn gà, bởi vậy sẽ cố gắng chăm nuôi để ngày càng phát triển, xem đây là nguồn thu chính. “Mình cứ hòa nhập tốt, chấp hành pháp luật và quy định của địa phương thì không ai bỏ rơi mình”, anh Thanh nói.

anh
Hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao tại Trại giam số 3, Trại giam số 6 (Bộ Công an). Ảnh tư liệu: Đ.C

Chung tay của cộng đồng

Có thể thấy, con đường hoàn lương của người được đặc xá trở về, bên cạnh ý chí, nghị lực của chính bản thân họ thì sự quan tâm của làng, xóm, chính quyền luôn là phương thuốc màu nhiệm nhất giúp họ vượt qua mặc cảm, từ đó vươn lên.

Chính bởi vậy, nhiều năm qua, hàng chục mô hình tái hòa nhập cộng đồng đã được các địa phương xây dựng. Tiêu biểu như mô hình “Dân vận khéo trong công tác tái hòa nhập cộng đồng” ở TX. Thái Hòa; “Chung tay giúp đỡ người lầm lỗi” ở phường Nghi Thu (TX. Cửa Lò); “Câu lạc bộ vòng tay bè bạn” của Hội Phụ nữ phường Vinh Tân (TP. Vinh); “Phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, vận động các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp tham gia quản lý, giáo dục, giúp đỡ người tái hòa nhập cộng đồng” ở xã Hưng Xá (Hưng Nguyên), xã Nam Sơn (Đô Lương)...

anh
Các phạm nhân nữ tích cực tham gia học nghề tại Trạm giam số 6. Ảnh tư liệu: Đ.C

Theo anh Nguyễn Tất Hùng - Trưởng nhóm “Đô Lương - chia sẻ yêu thương”: Khi trót phạm sai lầm thì họ đã phải trả giá với những tháng ngày bị giam giữ, cải tạo, khi trở về họ cũng như bao người bình thường khác. Nhưng để quyết tâm đứng lên sau vấp ngã không phải ai cũng có thể làm được, bởi vậy, bên cạnh sự nỗ lực của họ, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương phải thường xuyên quan tâm, giúp đỡ, động viên thì mới đạt hiệu quả.

Trong nhiều địa phương triển khai tốt các mô hình, có thể kể đến mô hình “Dân vận khéo trong công tác tái hòa nhập cộng đồng” ở TX. Thái Hòa hiện đã được Bộ Công an nhân rộng toàn quốc. Thống kê đến đầu năm nay, có 260 người được đặc xá trên cả nước trở về tái hòa nhập cộng đồng tại địa phương. Đảng ủy, lãnh đạo Công an thị xã cùng với cử cán bộ xuống địa bàn gặp gỡ trực tiếp các đối tượng, đã tham mưu Thị ủy, UBND thị xã lãnh đạo, chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc.

Với việc triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, từ tạo điều kiện vay vốn với lãi suất ưu đãi để phát triển kinh tế, tổ chức dạy nghề, vận động các cơ quan, doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn tạo điều kiện tiếp nhận các đối tượng vào làm việc... Vì vậy, bình quân số đối tượng tiến bộ tái hòa nhập cộng đồng tăng từ 10 - 15%, không có tỷ lệ tái phạm.

anh
Phạm nhân tại Trại Tạm giam Công an tỉnh và Trại giam số 3 tham gia đọc sách, trưng bày sách. Ảnh tư liệu: Đ.C

Mới đây, trên cơ sở có Quyết định số 1161/2021/QĐ-CTN ngày 30/6/2021 của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2021, UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch số 401/KH-UBND về “Triển khai công tác đặc xá năm 2021”. Theo đó, phân công rõ trách nhiệm cho các ban, ngành, địa phương. Cụ thể như, giao Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp các cơ quan, tổ chức xã hội có liên quan thực hiện tốt Nghị định số 49/2020/NĐ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng; quan tâm tiếp nhận, giúp đỡ người được đặc xá có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vay vốn, tạo việc làm, ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng...

Về phía Công an tỉnh, cùng với tiến hành rà soát, lập hồ sơ, danh sách phạm nhân đủ điều kiện, tiêu chuẩn đặc xá theo đúng Quyết định của Chủ tịch nước; Hướng dẫn của Hội đồng tư vấn đặc xá và Kế hoạch của Bộ Công an. Chủ động nắm số lượng, đặc điểm, tình hình của người được đặc xá về địa phương để có kế hoạch tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ hiệu quả...

Theo Thượng tá Vũ Duy Nguyên - Phó Giám thị Trại Tạm giam Công an tỉnh, Trại tạm giam đã đề nghị 6 phạm nhân đủ tiêu chuẩn xét đặc xá vào dịp Quốc khánh 2/9 năm nay. Kết hợp số phạm nhân được xét giảm án, phạm nhân sắp hết án trong dịp các tháng 8, 9/2021, trại đã tổ chức lớp tái hòa nhập cộng đồng cho 30 phạm nhân./.

Đặng Nguyễn