Vì sao phải di dời chợ đầu mối nông sản ở TP Vinh ra ngoại thành?

Nguyễn Hải 18/09/2021 11:08

(Baonghean) - Tại cuộc họp mới đây với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, đại diện lãnh đạo UBND thành phố Vinh đề xuất phương án di dời chợ đầu mối nông sản phía Tây chợ Vinh ra vùng ngoại thành phía Nam thuộc địa bàn xã Hưng Lợi (Hưng Nguyên) và coi đó là chợ đầu mối nông sản vùng liên huyện. Vậy thực hư phương án này như thế nào và liệu có khả thi?

Nỗi ám ảnh mang tên chợ đầu mối

Chợ đầu mối nông sản là khu chợ thuộc phía Tây chợ Vinh, là một chợ độc lập với chợ Vinh nhưng chưa được xếp hạng. Mặc dù đã được trưng biển và tính chất hoạt động của chợ này theo giống chợ đầu mối nhưng theo quy định chưa được công nhận.

Toàn cảnh chợ đầu mối nông sản bên cạnh phía Tây chợ Vinh. Chợ có diện tích gần 1 ha nhưng có tới 900 quầy ốt. Do chưa được đầu tư hạ tầng nên chợ khá tạm bợ, thường xuyên ngập lụt vào mùa mưa. Ảnh: CTV
Toàn cảnh chợ đầu mối nông sản bên cạnh phía Tây chợ Vinh. Chợ có diện tích gần 1 ha nhưng có tới 900 quầy ốt. Do chưa được đầu tư hạ tầng nên chợ khá tạm bợ, thường xuyên ngập lụt vào mùa mưa. Ảnh: C.T.V

Theo quy hoạch mạng lưới chợ được UBND tỉnh thông qua tại Quyết định số 5955/QĐ.UB năm 2013 và một số lần điều chỉnh bổ sung, Nghệ An chưa hề có chợ đầu mối tại khu vực chợ Vinh. Tại hội thảo về xây dựng mô hình quản lý và chuyển đổi một số chợ trên địa bàn thành phố Vinh năm 2019, cũng chưa hề có tên chợ đầu mối mà chỉ có chợ nông sản phía Tây chợ Vinh.

Chợ đầu mối nông sản Vinh được chủ đầu tư treo biển và hoạt động như tính chất chợ đầu mối nông sản nhưng thực chất chưa được UBND tỉnh xếp hạng. Ảnh: CTV

Chợ đầu mối nông sản Vinh được chủ đầu tư treo biển và hoạt động như tính chất chợ đầu mối nông sản nhưng là 1 trong 8 chợ tại TP. Vinh chưa được UBND tỉnh xếp hạng. Ảnh: C.T.V

Từ nửa đầu tháng 6/2021, cái tên chợ đầu mối TP. Vinh trở nên nóng lên khi nơi đây là ổ dịch Covid-19 phức tạp. Lần đầu là vào ngày 11 và 12/6 đến đầu tháng 7 và lần thứ 2 là từ giữa tháng 8 đến đầu tháng 9 này. Các ca dương tính từ chợ đầu mối nông sản đã lây lan ra khắp toàn tỉnh.

Sau khi xuất hiện chuỗi lây nhiêm lần thứ 2, chợ đầu mối nông sản Vinh buộc phải phong tỏa. Ảnh: Quang An
Sau khi xuất hiện chuỗi lây nhiễm lần thứ 2 giữa tháng 8 tại chợ đầu mối nông sản Vinh buộc phải phong tỏa và sau đó là giãn cách xã hội toàn tỉnh. Ảnh: Quang An

Chợ đầu mối hiện tại có mật độ và các mối giao thương buôn bán khá lớn, tiểu thương từ ngoại tỉnh ra, vào, các huyện, thị đến. Với gần 900 quầy ốt, trung bình mỗi ngày, chợ có trên 2.000 lượt người qua lại nhập hàng, lấy hàng sỉ. Thực tế cho thấy, khi dịch Covid-19 xảy ra, việc khoanh vùng, truy vết vô cùng khó khăn. Hiện nay, dù dịch đã được khống chế nhưng chợ đầu mối vẫn là khu vực phức tạp, có nguy cơ tái bùng dịch rất cao.

Bên cạnh đó, khu chợ này có diện tích chật hẹp, ẩm thấp, hạ tầng không đồng bộ. Mỗi khi mưa xuống, chợ đối diện với nguy cơ ngập úng. Khi nắng nóng thì lại đối mặt nguy cơ cháy nổ. Bên cạnh đó, do mật độ đi lại cao nên đây cũng là điểm nóng về an ninh, trật tự, khó quản lý thu phí, lệ phí cũng như vệ sinh môi trường.

Đường phía Tây vào chợ đầu mối nông sản Vinh trong trận mưa ngập cuối tháng 10 năm 2020. Ảnh: Nguyễn Hải
Đường phía Tây vào chợ đầu mối nông sản Vinh trong trận mưa ngập cuối tháng 10 năm 2020. Ảnh: Nguyễn Hải

Tại buổi làm việc với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh đầu tháng 9, trên cơ sở đánh giá thực trạng và nhằm đảm bảo an toàn phòng dịch lâu dài cho thành phố, Chủ tịch UBND thành phố Vinh đã đề xuất tỉnh xem xét cho chủ trương cho di dời chợ đầu mối nông sản phía Tây chợ Vinh ra phía Nam thành phố, cạnh đường tránh Vinh, thuộc địa bàn xã Hưng Lợi, huyện Hưng Nguyên.

(Nguồn VP UBND thành phố Vinh)

Xây dựng chợ đầu mối phía Nam Vinh thế nào?

Mặc dù ý tưởng di dời chợ đầu mối ra ngoại thành về phía Nam thành phố Vinh mới được thành phố Vinh đề xuất và đang chờ các bộ phận, phòng, ban chức năng xây dựng kế hoạch chi tiết để xin chủ trương đầu tư nhưng có thể thấy đây là ý tưởng mới, đột phá và khá khả thi. Được biết, khu đất mà thành phố Vinh đề xuất hiện đã được UBND tỉnh giao Công ty CP Bến xe khách Bắc Vinh và đơn vị này san lấp, làm hàng rào bao để làm Bến xe vận tải phía Nam thành phố Vinh. Diện tích san lấp hiện tại khoảng 5 ha nhưng còn có khả năng mở rộng thêm lên tới 10 ha nên nếu được tỉnh đồng ý điều chỉnh quy hoạch và hoàn toàn đáp ứng tiêu chí chợ đầu mối.

Vị trí khu đất mà thành phố Vinh dự kiến lựa chọn cạnh đường tránh phía Tây TP Vinh. Trước mắt thuộc địa bàn xã Hưng Lợi, Hưng Nguyên nhưng theo định hướng mớ rộng sẽ thuộc về TP Vinh nên khá thuận lợi. Ảnh: Nguyễn Hải
Vị trí khu đất mà thành phố Vinh dự kiến lựa chọn cạnh đường tránh phía Tây TP. Vinh. Trước mắt thuộc địa bàn xã Hưng Lợi (Hưng Nguyên) nhưng theo định hướng mớ rộng sẽ thuộc về TP. Vinh nên khá thuận lợi. Ảnh: Nguyễn Hải

Nhìn ra các tỉnh, hầu hết chợ đầu mối cấp tỉnh đều được quy hoạch cách xa trung tâm thành phố, đô thị lớn để vừa đảm bảo, giảm ách tắc giao thông; các hàng hóa từ mọi miền về chợ đầu mối trung tâm sau đó trung chuyển vào trung tâm thành phố chứ không như ở ngay trung tâm thành phố như lâu nay.

Khu vực được TP Vinh lựa chọn làm chợ đầu mối liên vùng phục vụ thành phố Vinh đã được chủ đầu tư san lấp bằng và hiện đang bỏ trống. Ảnh: Nguyễn Hải
Khu vực được TP. Vinh lựa chọn làm chợ đầu mối liên vùng phục vụ thành phố Vinh cách chợ Vinh hiện tại khoảng 3 km, được chủ đầu tư san lấp bằng và hiện đang bỏ trống nên một số xưởng sửa chữa ô tô thuê mượn địa điểm. Ảnh: Nguyễn Hải

Trao đổi với chúng tôi, đại diện Phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương cho biết: Mặc dù mới là ý tưởng ban đầu nhưng Sở rất đồng tình với phương án này. Tiếng là di dời chợ đầu mối nông sản Vinh nhưng thực chất là dự án mới vì theo quy hoạch hiện tại cũng như thực tế thì tỉnh ta cũng như thành phố Vinh chưa có chợ đầu mối nông sản riêng. Vị trí mà thành phố lựa chọn cũng khá thuận lợi khi gần đường tránh Vinh là tuyến giao thông Bắc - Nam của tỉnh; gần thành phố Vinh là trung tâm kinh tế của tỉnh và hàng hóa các huyện vào cũng thuận lợi. Để thúc đẩy thương mại và đảm bảo các yêu cầu về an toàn thực phẩm, phòng, chống dịch bệnh trong bối cảnh mới, việc xây dựng chợ trên là rất cần thiết.

Khu đất cách đền Hoàng Mười gần 1 km, có diện tích gần 10 ha và có thể mở rộng lên tới 15 ha nên nếu được lựa chọn sẽ được điều chỉnh, bổ sung quy hoạch sẽ thuận lợi. Ảnh: Nguyễn Hải
Khu đất cách đền Hoàng Mười gần 1 km, có diện tích gần 10 ha và có thể mở rộng lên tới 15 ha nên nếu được lựa chọn sẽ được điều chỉnh, bổ sung quy hoạch sẽ thuận lợi. Ảnh: Nguyễn Hải

Vấn đề khó nhất đối với xây dựng chợ đầu mối nông sản phía Nam thành phố Vinh lúc này là mặt bằng, quy hoạch và nguồn lực đầu tư. Theo Luật Đầu tư công và các Nghị định của Chính phủ thì hiện nay, Nhà nước không đầu tư ngân sách để làm hạ tầng chợ, trung tâm thương mại mà lĩnh vực này được xã hội hóa, theo đó Nhà nước chỉ xây dựng, quản lý quy hoạch và kêu gọi các doanh nghiệp vào đầu tư kinh doanh và quản lý, vận hành chợ. Bên cạnh đó, khu đất mà thành phố nhắm đến đã giao cho Công ty CP Bến xe Bắc Vinh và quy hoạch là làm bến xe vận tải.

Việc đầu tư chợ đầu mối riêng, tách biệt với trung tâm thành phố là xu hướng tại các tỉnh và nay trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19 lại càng phù hợp hơn. Chợ đầu mối nông sản sắp tới có quy mô cấp vùng và không chỉ riêng cho thành phố Vinh mà còn của tỉnh nên phải được tỉnh phê duyệt. Vị trí khu đất có diện tích 10 ha và còn có thể mở rộng lên 15 ha nên hoàn toàn có thể điều chỉnh, bổ sung quy hoạch.

Đại diện Phòng Kinh tế UBND thành phố Vinh

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Minh Thành - Tổng Giám đốc Công ty CP Bến xe Bắc Vinh xác nhận: Vị trí khu đất được giao cho Công ty quy hoạch làm Bến xe vận tải, văn phòng cho thuê và nhà nghỉ phía Nam TP. Vinh. Công ty mới chỉ biết thông tin qua báo chí nên việc điều chỉnh, chuyển đổi sang xây dựng chợ đầu mối mới như thế nào phải chờ chủ trương chính thức của UBND tỉnh. Hiện tại, đây mới là ý tưởng và đề xuất của UBND thành phố Vinh./.

Nguyễn Hải