Nghệ An: Đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người lao động tại các khu công nghiệp

Trần Vân - Thanh Bình 18/01/2022 09:19

(Baonghean.vn) - 5 năm qua, cùng với các ngành, tổ chức, đơn vị trong tỉnh, công đoàn Nghệ An đã triển khai nhiều hoạt động liên quan đến công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn cho người lao động.

QUÁN TRIỆT, TRIỂN KHAI KỊP THỜI

Ngay sau khi Luật An toàn, vệ sinh lao động được ban hành và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016, LĐLĐ tỉnh Nghệ An đã ban hành các văn bản chỉ đạo các cấp Công đoàn trong tỉnh tổ chức triển khai thực hiện, trong đó triển khai sâu rộng nội dung của Luật ATVSLĐ, các Nghị định, Thông tư và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đối với công tác ATVSLĐ tới các cấp Công đoàn, đoàn viên, CNVCLĐ trong tỉnh.

Công tác kiểm tra ATVSLĐ được các cấp công đoàn thường xuyên thực hiện
Công đoàn huyện Thanh Chương phối hợp với chính quyền tìm hiểu môi trường làm việc tại doanh nghiệp (ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch). Ảnh: PV

Thông qua việc tổ chức Tháng Công nhân, Tháng Hành động về ATVSLĐ, công đoàn các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm của doanh nghiệp và người lao động về nhận thức và tuân thủ về an toàn, vệ sinh lao động, thực thi có hiệu quả Luật ATVSLĐ và các văn bản hướng dẫn thi hành, xác định đây là nhiệm vụ quan trọng trong các mối quan hệ lao động.

Bà Hoàng Thị Thu Hương - Trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động (Liên đoàn Lao động tỉnh) cho biết: Hằng năm, LĐLĐ tỉnh đã tham gia với các cơ quan chức năng quản lý nhà nước góp ý, xây dựng vào các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về an toàn lao động, đặc biệt là tham gia có hiệu quả việc xây dựng Luật An toàn lao động, vệ sinh lao động; tổ chức lấy ý kiến đóng góp, đề xuất nhiều ý kiến vào việc xây dựng pháp luật, chế độ chính sách có liên quan đến công tác ATVSLĐ, chủ yếu đóng góp những vấn đề cụ thể, thiết thực trong kế hoạch ATVSLĐ và tại các buổi thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể giữa đại diện tập thể người lao động với chủ doanh nghiệp như: cải tiến quy trình công nghệ, bổ sung trang thiết bị phù hợp, cải thiện môi trường làm việc, bảo đảm độ sáng, độ rung, tiếng ồn, khói bụi, có rào che chắn ngăn cách nơi nguy hiểm...

Từ sự kiểm tra giám sát của tổ chức công đoàn vấn đề ATVSLĐ được cải thiện rõ rệt (ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch). Ảnh: PV

Ngoài ra, còn có các hoạt động như tổ chức lễ phát động, phát tờ rơi tranh ảnh tuyên truyền về công tác ATVSLĐ ở nhiều lĩnh vực đến công nhân lao động, tuyên truyền trực quan; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh treo khẩu hiệu băng rôn, biểu ngữ về ATVSLĐ tại cơ quan, đơn vị...

XÂY DỰNG VĂN HÓA AN TOÀN LAO ĐỘNG

TẠI NƠI LÀM VIỆC

An toàn lao động tại nơi làm việc có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ người lao động – yếu tố quyết định năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Hằng năm, LĐLĐ tỉnh phát các tờ rơi tuyên truyền các biện pháp bảo đảm ATVSLĐ với các nội dung: An toàn khai thác khoáng sản, an toàn điện, an toàn xây dựng và an toàn chung. Hơn 10.000 tờ rơi đã được chuyển đến 29 Liên đoàn Lao động huyện, thành, thị, Công đoàn ngành để phát đến người lao động.

Từ năm 2015 đến nay, LĐLĐ tỉnh triển khai và tổ chức tư vấn 40 cuộc pháp luật lưu động cho tại doanh nghiệp có đông công nhân lao động, với hơn 7.000 công nhân lao động tham gia, trong đó chú trọng nội dung Luật ATVSLĐ.

Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh thăm nhà máy của một doanh nghiệp FDI trên địa bàn (ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch). Ảnh: PV

LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo phối hợp với các đơn vị tổ chức các lớp huấn luyện về ATVSLĐ nhằm nâng cao nhận thức đối với người sử dụng lao động và người lao động về công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong doanh nghiệp. Nội dung huấn luyện là những quy định chung, hệ thống văn bản pháp luật, tiêu chuẩn kỹ thuật về an toàn lao động, vệ sinh lao động; chú trọng ứng dụng, chuyển giao, áp dụng các biện pháp kỹ thuật, công nghệ tiên tiến để cải thiện môi trường và điều kiện làm việc cho người lao động, đặc biệt trong các ngành nghề, lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; bảo đảm có đủ phương tiện cá nhân thiết yếu, phương tiện cấp cứu, cứu hộ, các trang thiết bị bảo hộ lao động cho người lao động; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cán bộ về an toàn lao động, vệ sinh lao động... Đã có 15.000 lượt người tại các đơn vị, doanh nghiệp trong các ngành được huấn luyện về công tác ATVSLĐ...

Bà Hoàng Thị Thu Hương cho biết thêm: Cùng với việc tổ chức các lớp huấn luyện tại các đơn vị, doanh nghiệp, LĐLĐ tỉnh còn phối hợp đoàn Úc và Tổ chức nhân dân Úc về y tế, giáo dục và phát triển hải ngoại (APHEDA) tổ chức 12 lớp tập huấn cho cán bộ công đoàn tại 30 doanh nghiệp, với 695 người tham gia trong việc thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe nâng cao nhận thức và phòng tránh các loại bệnh nghề nghiệp nhất là bệnh ung thư nghề nghiệp và tác hại các nguy cơ đối với sức khỏe con người khi tiếp xúc với Amiăng. Tổ chức hội thi an toàn vệ sinh viên giỏi, với 17 đội thuộc Liên đoàn Lao động các huyện, thành, thị, công đoàn ngành tham gia các doanh nghiệp trong tỉnh và đơn vị Trung ương đóng trên địa bàn...

Công tác kiểm tra ATVSLĐ được các cấp công đoàn Nghệ An thường xuyên phối hợp thực hiện (ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch). Ảnh: PV

LĐLĐ tỉnh còn phối hợp với các ngành chức năng trên địa bàn kiểm tra, thanh tra giám sát công tác ATVSLĐ từ 10-15 doanh nghiệp/1 năm. Qua kiểm tra, 90% số cơ sở được kiểm tra tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động. Đơn vị cấp phát đầy đủ các phương tiện bảo vệ cá nhân như quần áo, giầy mũ, găng tay, khẩu trang, kính... một số nơi còn trang bị tăng hơn so với tiêu chuẩn nhà nước để phù hợp với yêu cầu sản xuất. Các chế độ bồi dưỡng độc hại, bồi dưỡng ca 3 đều được các cơ sở thực hiện bằng hiện vật theo đúng quy định. Cơ bản các đơn vị thực hiện chế độ về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi theo đúng quy định, đã có nhiều doanh nghiệp thực hiện tuần làm việc 44 giờ.

Việc làm thêm giờ được bảo đảm hợp lý, có sự thỏa thuận của người lao động và tổ chức công đoàn. Tại nhiều đơn vị, nội dung về ATLĐ, VSLĐ được cụ thể hóa, có lợi cho người lao động đó được Công đoàn thương lượng đưa vào Thỏa ước LĐTT làm cơ sở để người sử dụng lao động và người lao động cùng thực hiện, góp phần hiệu quả cho công tác ATVSLĐ.

Ngoài ra, Liên đoàn Lao động tỉnh tiến hành giám sát việc phòng, chống cháy nổ tại các khu nhà trọ của công nhân lao động tại các khu công nghiệp. Với vai trò là thành viên đoàn điều tra tai nạn lao động, đại diện Công đoàn có mặt kịp thời nhằm trấn an tinh thần người sử dụng lao động và người lao động, tham gia điều tra, giải quyết chế độ cho người bị tai nạn lao động (TNLĐ) theo quy định, phối hợp với chủ sử dụng lao động khắc phục hậu quả do sự cố, TNLĐ để lại, thăm hỏi tặng quà động viên các gia đình có nạn nhân bị TNLĐ, ổn định sản xuất và đời sống cho các gia đình nạn nhân.

Trong 5 năm qua, Liên đoàn Lao động tỉnh tham gia điều tra 50 vụ TNLĐ chết người, phối hợp với Sở Lao động - TB&XH và BHXH tỉnh giải quyết dứt điểm các đơn thư khiếu nại về giải quyết chế độ TNLĐ cho người lao động trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Trong điều kiện ATVSLĐ đảm bảo, người lao động sẽ hạn chế tối đa tai nạn lao động hoặc rủi ro sức khỏe. Ảnh: PV
Trong điều kiện ATVSLĐ đảm bảo, người lao động sẽ hạn chế tối đa tai nạn lao động hoặc rủi ro sức khỏe. Ảnh: PV

Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ về ATVSLĐ, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, cải thiện điều kiện làm việc, tăng năng suất lao động luôn được các cấp công đoàn quan tâm. Hằng năm, có từ 15 đến 20 sáng kiến kinh nghiệm được áp dụng một cách có hiệu quả vào các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh tiêu biểu.

Ông Nguyễn Chí Công - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết: Luật An toàn, vệ sinh lao động ra đời đã tác động lớn đến công tác an toàn, vệ sinh lao động; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp, các ngành, người sử dụng lao động, người lao động về công tác an toàn, vệ sinh lao động; nâng cao ý thức trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp về ATVSLĐ cho người lao động, bảo đảm điều kiện làm việc an toàn, bảo vệ sức khỏe cho người lao động tại nơi làm việc; góp phần giảm thiểu TNLĐ, tạo động lực, sự gắn bó của người lao động với đơn vị, doanh nghiệp...

Trần Vân - Thanh Bình