Không để xảy ra tình trạng ‘trên nóng, dưới lạnh’ trong phòng chống cháy nổ

Hoài Thu 16/04/2022 11:14

(Baonghean.vn) - Để phòng tránh những thiệt hại về người và của cải vì cháy nổ, UBND tỉnh, Công an tỉnh đã chỉ đạo các ban, ngành, địa phương không để xảy ra tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” trong phòng chống cháy nổ, bảo vệ tài sản và tính mạng cho người dân.

Chết người, mất nhà cửa, gia sản vì cháy nổ

Theo thống kê của Công an tỉnh, trong năm 2021 và 2 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã xảy ra 316 vụ cháy, làm 9 người chết, thiệt hại khoảng 8,7 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2020 tăng 12 vụ cháy, tăng 3 người chết, thiệt hại về tài sản tăng 1,861 tỷ đồng. Đây là con số đáng báo động về tình trạng cháy nổ diễn ra trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là thời điểm bước vào mùa nắng nóng. Thực tế cho thấy, chỉ trong tháng 2 và tháng 3/2022, đã có nhiều vụ cháy làm chết người, thiêu rụi nhiều ngôi nhà và tài sản của người dân.

Gần đây nhất là khoảng 9h đêm ngày 15/3, ngôi nhà 2 tầng của anh Nguyễn Đình Tuấn ở xóm Hồng Thái, xã Nam Thái (Nam Đàn) bốc cháy dữ dội. Khi phát hiện đám cháy, người dân 2 xã Nam Thái và Nam Nghĩa sống gần khu vực nhà anh Tuấn dùng kìm cắt khóa, phá cửa, kéo vòi nước vào nhà chữa cháy, tiếp sau đó Đội CC&CNCH số 7 đã huy động 2 xe chữa cháy cùng 16 cán bộ chiến sỹ nhanh chóng có mặt tại hiện trường triển khai chữa cháy.

Dù đám cháy được dập tắt sau khoảng 1 tiếng đồng hồ, nhưng đồ đạc ở tầng 1 của ngôi nhà hầu như bị thiêu rụi. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do chập điện, thời điểm cháy không có người ở nhà vì ngôi nhà được cho 1 người thuê để chứa chổi giành.

Căn nhà của bà Phạm Thị Xuyến bị thiêu rụi hoàn toàn. Ảnh: P.V

Cũng do bất cẩn, ngày 12/4, 1 hộ dân ở xã Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp trong khi đốt thực bì cho rẫy keo đã để lửa lan đến vị trí dựng 3 chiếc xe máy. Hậu quả cả 3 xe máy đều bị thiêu rụi. Cũng ở xã Yên Hợp, gia đình 6 người của bà Phạm Thị Xuyến ở xóm Cầu Đá đã mất trắng toàn bộ gia sản cùng ngôi nhà sàn sau vụ cháy chiều ngày 8/4. Hoặc ở xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn, ngày 14/3 anh Lô Văn Nam ở bản Hòa Sơn cũng mất toàn bộ tài sản và ngôi nhà sàn sau vụ hỏa hoạn bùng phát lúc 22h đêm.

Trước đó, ngày 22/2, tại thị trấn Diễn Châu xảy ra một vụ cháy làm 1 người chết và phá hủy toàn bộ tài sản. Địa điểm cháy là quán ăn Hà Thành, khối 3, thị trấn Diễn Châu. Mặc dù được lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy điều 2 xe cứu hỏa với 20 chiến sỹ dỡ mái tôn từ trên xuống và dập tắt đám cháy sau 20 phút, song vụ cháy đã làm 1 phụ nữ trong quán tử vong, toàn bộ tài sản gồm xe máy và các vật dụng bị cháy rụi.

Tăng cường công tác phòng cháy

Để kịp thời chữa cháy cho 316 vụ diễn ra trong năm 2021 và 2 tháng đầu năm 2022, Phòng Cảnh sát PCCC&CHCN đã huy động 589 lượt xe chữa cháy, 32 lượt xe cứu nạn, cứu hộ cùng 3.576 lượt cán bộ, chiến sỹ tiếp cận hiện trường các vụ cháy, sự cố, tai nạn xảy ra. Nhờ đó, đã hướng dẫn thoát nạn cho hàng trăm người trong các vụ cháy, sự cố, trực tiếp cứu được 12 người.

Diễn tập PCCC và cứu nạn tại một chung cư cao cấp trên địa bàn TP. Vinh. Ảnh tư liệu: Nguyễn Hải

Dự báo tình hình cháy nổ có nguy cơ tăng cao trong thời gian tới, đặc biệt là thời điểm nắng nóng, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 73/KH ngày 28/1/2022 về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn năm 2022. Theo đó, các ban, ngành, đơn vị, địa phương cần tăng cường xử lý kịp thời, có hiệu quả các vụ cháy nổ, đồng thời tăng cường công tác phòng chống, không để xảy ra các vụ hỏa hoạn gây chết người, làm thiệt hại tài sản lớn của nhân dân.

UBND tỉnh nhấn mạnh 2 nội dung trọng tâm về quản lý nhà nước trên lĩnh vực PCCC là khẩn trương ban hành quy định về đảm bảo an toàn PCCC đối với loại hình nhà ở gia đình riêng lẻ và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; đồng thời thành lập đoàn liên ngành tổng kiểm tra an toàn phòng cháy ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh, bệnh viện, khu dân cư có nguy cơ cháy nổ cao trên địa bàn.

Đối với UBND các huyện, thành, thị, Kế hoạch 73/KH yêu cầu Chủ tịch UBND các cấp và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị nâng cao trách nhiệm, thường xuyên đôn đốc, theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 13/2020 của HĐND tỉnh về hỗ trợ thường xuyên đối với chức danh Đội trưởng, Đội phó dân phòng và trang bị phương tiện phòng, chữa cháy cho lực lượng này giai đoạn 2021-2025.

Tiếp tục củng cố và xây dựng mới, duy trì hoạt động lực lượng dân phòng bảo đảm chế độ phụ cấp, phương tiện, dụng cụ chữa cháy theo quy định; đảm bảo 100% khu dân cư trên địa bàn phải tự tổ chức thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ có sử dụng lực lượng tại chỗ.

UBND tỉnh

Đối với lực lượng Công an tỉnh, đặc biệt là cảnh sát PCCC&CHCN, Đại tá Cao Minh Huyền - Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết, lực lượng sẽ thực hiện kiểm tra an toàn PCCC&CNCH đối với một số loại hình cơ sở trọng điểm; rà soát, kiểm tra hệ thống các văn bản của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác PCCC của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu; phối hợp các đơn vị, địa phương thảo luận về nguyên nhân tình hình cháy nổ thời gian qua, phương hướng, đề xuất các nội dung liên quan tới hình hình cháy nổ thời gian tới.

Phó Giám đốc Công an tỉnh cũng yêu cầu lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH và công an các huyện, thành phố, thị xã cần nhìn nhận một cách nghiêm túc, thẳng thắn những tồn tại, nguyên nhân các vụ cháy, đặc biệt là các vụ cháy gây thiệt hại về người và thiệt hại lớn về tài sản, để từ đó có các giải pháp phòng ngừa. Đồng thời đề nghị các đơn vị liên quan cần tập trung nắm, phân tích và dự báo tình hình cháy nổ trên địa bàn tỉnh để kịp thời tham mưu cấp ủy, chính quyền các địa phương và lãnh đạo các cơ quan, doanh nghiệp chủ động tổ chức, triển khai các biện pháp phòng ngừa nguy cơ cháy nổ và thiệt hại do cháy nổ gây ra.

Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng Ban chỉ huy các vấn đề cấp bách về rừng kiểm tra công tác bảo vệ rừng và PCCC rừng tại Yên Thành. Ảnh tư liệu

Bên cạnh đó, đồng chí Phó Giám đốc Công an tỉnh cũng yêu cầu các đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ về PCCC&CNCH và công tác kiểm tra, thanh tra, phúc tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC. Phối hợp với các cơ sở tổ chức thực tập, diễn tập các phương án, tình huống, sự cố cháy nổ với sự tham gia của nhiều lực lượng; triển khai đồng bộ các biện pháp để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” trong công tác phòng ngừa cháy nổ…

Hoài Thu