Chuyển động của Công Thương Nghệ An sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 26
(Baonghean.vn) - Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 31/7/2013 của Bộ Chính trị (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 26), lĩnh vực công thương có nhiều chuyển biến quan trọng. Phóng viên Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Hóa - Giám đốc Sở Công Thương xung quanh vấn đề này.
Ông Phạm Văn Hoá - Giám đốc Sở Công Thương thăm dây chuyền dệt may ở Thanh Chi, Thanh Chương. Ảnh: Thu Huyền |
P.V: Ông đánh giá như thế nào về kết quả của ngành công thương sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 26?
Ông Phạm Văn Hóa: Thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An đến năm 2020, Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh một số kế hoạch, đề án, chính sách nhằm phát triển lĩnh vực Công nghiệp - Thương mại.
Đó là: Nghị quyết số 07-NQ/TU về phát triển nhanh và bền vững ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030; các quy hoạch phát triển ngành như: Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Nghệ An giai đoạn 2017 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh; Chương trình khuyến công. Và một số đề án như: Phát triển đồng bộ hạ tầng cụm công nghiệp; thu hút đầu tư các dự án thuộc lĩnh vực công thương; phát triển hạ tầng cung cấp điện; phát triển hạ tầng thương mại; phát triển xuất khẩu…
Sản phẩm Tôn Hoa Sen được sản xuất tại KCN Đông Hồi, Hoàng Mai. Ảnh: Thu Huyền |
Đến nay, ngành Công Thương có nhiều chuyển biến tích cực thể hiện trên nhiều mặt. Lĩnh vực công nghiệp có tốc độ tăng trưởng khá, quy mô ngành công nghiệp được mở rộng, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GRDP. Tốc độ tăng trưởng GRDP công nghiệp bình quân giai đoạn 2014-2019 đạt 12,35%/năm; giai đoạn 2014-2020 đạt 11,31%/năm, riêng năm 2021 đạt 18,8%. Năm 2021 đạt 25.675 tỷ đồng, gấp 2,8 lần so với năm 2013, đứng thứ 02 vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung (sau tỉnh Thanh Hóa).
Quy mô giá trị sản xuất công nghiệp tăng từ 26.080 tỷ đồng năm 2013 đến năm 2021, đạt 81.750 tỷ đồng, gấp hơn 3,1 lần so với năm 2013, xếp thứ 2 khu vực Bắc Trung Bộ và thứ 26 cả nước. Chỉ số sản xuất công nghiệp bình quân giai đoạn 2014-2019 tăng 12,63%/năm; năm 2020 tăng 8,7%; riêng năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng vẫn đạt cao (16,9%), đứng thứ 03 vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung (sau tỉnh Thanh Hóa và Ninh Thuận).
Công nghiệp chế biến chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu nội ngành công nghiệp. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty đồ hộp của Thái Lan Royal Food (KCN Nam Cấm). Ảnh: Thu Huyền |
Cơ cấu nội ngành công nghiệp chuyển dịch tích cực, theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao và kim ngạch xuất khẩu lớn, giảm tỷ trọng công nghiệp khai thác, hướng tới sự phát triển bền vững và giảm dần sự phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, xuất khẩu thô.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp, cơ cấu có xu hướng tăng dần. GRDP ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng lớn nhất và có xu hướng tăng; công nghiệp khai khoáng giảm mạnh tỷ trọng, từ 7,39% năm 2013 xuống 5,51% năm 2021.
Đồ hoạ: Hữu Quân |
Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp tăng từ 194 triệu USD năm 2013 lên 1.832,9 triệu USD năm 2021 (chiếm tỷ trọng 86,86% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh). Một số mặt hàng có kim ngạch tăng đáng kể trong giai đoạn như: Hàng dệt may (tăng 1.027,3%), vật liệu xây dựng (tăng 1.168%), đá các loại (tăng 323,7%),...
Thu hút đầu tư lĩnh vực công nghiệp đạt được những thành tựu đáng kể, một số dự án quy mô lớn, vốn đăng ký cao, có tác động lan tỏa đến nền kinh tế của tỉnh là tiền đề quan trọng để quảng bá hình ảnh và thu hút các tập đoàn khác đầu tư vào Nghệ An. Môi trường đầu tư, kinh doanh không ngừng được cải thiện, nhận thức về vai trò của công nghiệp đối với phát triển kinh tế của các cấp chính quyền có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần thu hút các nhà đầu tư, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
P.V: Một trong những nội dung quan trọng trong thực hiện Nghị quyết 26 là thực hiện chính sách phát triển liên kết vùng, liên kết kinh tế. Xin ông cho biết kết quả đạt được?
Ông Phạm Văn Hóa: Thực hiện các nhiệm vụ trong Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị và Quy hoạch vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ, Nam Nghệ - Bắc Hà, tỉnh Nghệ An đã tập trung chỉ đạo phát triển các dải kinh tế phù hợp với định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Vùng Hoàng Mai - Quỳnh Lưu gắn với vùng Nam Thanh Hóa - Bắc Nghệ An phát triển khá nhanh, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp, vật liệu xây dựng. Trong ảnh: Nhà máy xi măng Tân Thắng, Quỳnh Lưu. Ảnh: Thu Huyền |
Khu vực thành phố Vinh - thị xã Cửa Lò - các huyện Đông Nam của tỉnh gắn với vùng Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh có bước phát triển khá tích cực. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2014 - 2020 của thành phố Vinh ước đạt 8,62%, thu ngân sách bình quân tăng 12,78%/năm, đóng góp khoảng 33,75% thu ngân sách toàn tỉnh và là đầu tàu tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Kết cấu hạ tầng công nghiệp được quan tâm đầu tư nhất là các KCN trong Khu kinh tế Đông Nam, nổi bật là KCN, Đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An đã hoàn thành cơ bản hạ tầng khu vực công nghiệp và thu hút được những dự án quy mô lớn như: Luxshare - ICT, Everwin Pricesion chuyên sản xuất linh kiện điện từ,... KCN Nam Cấm cơ bản đã lấp đầy, Tổ hợp cảng chuyên dụng gắn với Trạm nghiền xi măng Nghi Thiết,...
Vùng Hoàng Mai - Quỳnh Lưu gắn với vùng Nam Thanh Hóa - Bắc Nghệ An phát triển khá nhanh. Đã phối hợp với tỉnh Thanh Hóa tổ chức lập quy hoạch các khu chức năng thuộc quy hoạch vùng Nam Thanh Hóa - Bắc Nghệ An, gắn không gian Khu công nghiệp Hoàng Mai, Đông Hồi (Nghệ An) với Khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa). Khu công nghiệp Hoàng Mai, Đông Hồi bước đầu đã phát triển được một số dự án công nghiệp động lực quy mô lớn như: Nhà máy Hoa Sen Đông Hồi, xi măng... Các cơ sở du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng tiếp tục đầu tư xây dựng. Nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản, chế biến hải sản và các vùng chuyên canh rau phát triển khá.
Dây chuyền chế biến sữa của Tập đoàn TH. Ảnh: Thu Huyền |
Vùng miền Tây Nghệ An, trọng điểm vùng là Tân Kỳ - Con Cuông - Nghĩa Đàn - Thái Hòa - Quỳ Hợp: Với tiềm năng về đất đai rộng lớn và nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào đã thu hút được nhiều dự án lớn, góp phần thay đổi bộ mặt các huyện miền núi như: Dự án chăn nuôi và chế biến sữa TH, các Nhà máy sản xuất đường (NASU, Sông Lam, Sông Con), các nhà máy chế biến gỗ (MDF Nghĩa Đàn, MDF Nghệ An), chế biến tinh bột sắn, bột đá trắng siêu mịn,... Đồng thời, khôi phục và phát triển nhiều làng nghề, ngành nghề truyền thống địa phương như: Chế biến nông, lâm sản, đan lát, sản xuất mộc, dệt thổ cẩm,...
P.V: Có thể nói sau 10 năm thực hiện Nghị quyết, ngành công thương đã đạt nhiều kết quả khả quan, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy vậy, tồn tại hạn chế trên các lĩnh vực vẫn còn nhiều. Vậy xin ông cho biết đâu là nguyên nhân và giải pháp khắc phục?
Ông Phạm Văn Hóa: Mặc dù lĩnh vực công thương có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại. Tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp mặc dù cao hơn mức bình quân chung cả nước nhưng thiếu ổn định và chưa vững chắc, chuyển dịch cơ cấu công nghiệp - xây dựng chậm. Chưa thu hút được các Dự án lắp ráp quy mô lớn để kéo theo các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ làm vệ tinh. Năng lực đầu tư mới trên nhiều lĩnh vực theo định hướng Nghị quyết chưa đáng kể. Quy mô hàng hóa xuất khẩu vẫn còn nhỏ bé, chưa tương xứng với tiềm năng, chưa khai thác hiệu quả những lợi thế của tỉnh. Tốc độ tăng trưởng còn thấp, chưa bền vững; kim ngạch xuất khẩu bình quân theo đầu người vẫn đạt thấp so với mức bình quân chung của cả nước.
Logistic ở nghệ an được đánh giá khá cao nhưng chưa có một hãng tàu quốc tế nào khai thác vì bất cập luồng lạch. Trong ảnh: bốc dỡ hàng tại Cảng Cửa Lò. Ảnh: Thu Huyền |
Nguyên nhân là Nghệ An không nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của cả nước nên gặp nhiều khó khăn trong thu hút đầu tư. Trong khi đó, công tác dự báo, nắm bắt xu thế phát triển của đội ngũ cán bộ quản lý còn hạn chế nên quá trình tham mưu đề xuất một số định hướng chưa phù hợp. Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển công nghiệp ngày càng cao… hạ tầng logictics nhất là cảng biển nước sâu để đón tàu trọng tải lớn còn bất cập.
Thời gian tới, trên cơ sở đánh giá những cơ hội, thuận lợi và khó khăn thách thức, chúng tôi đưa ra định hướng phát triển, trong đó ưu tiên thu hút các dự án lớn, dự án FDI để phát triển có chọn lọc một số ngành trở thành động lực đối với kinh tế - xã hội. Chú trọng phát triển khu công nghiệp theo mô hình "3 trong 1" Khu công nghiệp - Khu đô thị - Dịch vụ có kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội hiện đại, dịch vụ tiện ích khác biệt. Quy hoạch đồng bộ và hoàn thiện hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, năng lượng. Hoàn thiện hạ tầng logictics: cảng biển, sân bay, đường bộ.
Ngành cũng xây dựng mục tiêu cho từng giai đoạn 2021-2025, giai đoạn 2026 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và đưa ra giải pháp thực hiện về quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành công nghiệp và thương mại, phát triển lĩnh vực xuất khẩu, phát triển nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường…
Ngành Công Thương đề ra mục tiêu cho giai đoạn 2026 - 2030:
Chuyển đổi sang mô hình phát triển theo chiều sâu phù hợp với xu thế hội nhập và hiện đại. Ưu tiên thu hút đầu tư các ngành công nghiệp công nghệ cao, các lĩnh vực công nghiệp công nghệ số (công nghệ sinh học; công nghệ nano, vật liệu mới).
Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân đạt 17 - 18%/năm; tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng bình quân từ 14 - 15%/năm.
Tỷ trọng công nghiệp - xây dựng trong tổng sản phẩm xã hội của tỉnh chiếm từ 44 - 45%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa có trình độ và chất lượng cao.