Niềm hạnh phúc của một nữ bác sĩ vùng cao

Diệp Thanh 17/10/2022 16:47

(Baonghean.vn) - Không chỉ giỏi việc chuyên môn, đảm việc nhà , ở Trung tâm Y tế huyện Quỳ Châu, chị Nguyễn Thị Khuyên (sinh năm 1983) còn được mọi người biết đến là một bác sĩ hết lòng vì bệnh nhân của mình, một đồng nghiệp luôn sẵn sàng sẻ chia, giúp đỡ.

Niềm vui từ… những tiếng khóc

Vốn có năng khiếu các môn khối B, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chị Nguyễn Thị Khuyên đã xác định theo đuổi nghề bác sĩ. Tuy nhiên, phải sau những trải nghiệm thực tế ở trường y, chị Khuyên mới biết chính xác công việc mình muốn làm: một bác sĩ Sản khoa. Chị thổ lộ: “Tôi yêu vô cùng cảm giác được đưa một đứa trẻ đến với thế giới, nâng niu các con trên tay của mình và trao các con cho mẹ. Niềm vui đó đặc biệt và khó diễn tả lắm. Cho đến giờ, sau nhiều năm làm nghề, vẫn vẹn nguyên như vậy”.

Chị Khuyên (ngoài cùng bên phải) luôn là một trong những gương mặt tiêu biểu của Trung tâm Y tế huyện Quỳ Châu. Ảnh: CSCC

Chính những rung cảm đặc biệt dành cho trẻ con là động lực để chị Khuyên nỗ lực chinh phục mục tiêu cao hơn trong lựa chọn nghề nghiệp. Sau năm học đầu tiên tại khoa Điều dưỡng phụ sản - Cao đẳng Y tế Nghệ An, chị Khuyên thi lại và đỗ vào Đại học Y Thái Nguyên. Tốt nghiệp đại học, chị Khuyên được nhận vào làm việc tại Trung tâm Y tế huyện Quỳ Châu. Vừa làm vừa học, vừa chăm sóc gia đình, những năm tháng tiếp theo trên hành trình theo đuổi sự nghiệp của chị Khuyên cần rất nhiều hy sinh và nỗ lực.

Chị Nguyễn Thị Khuyên. Ảnh: CSCC.

Kể về những ngày tháng học lên cao hơn, chị Khuyên vẫn không kìm được cảm xúc: “Năm 2013, khi con được 18 tháng, tôi đưa cả con và mẹ của mình vào Huế để theo đuổi chương trình sơ bộ chuyên sản của Đại học Y dược Huế. Năm 2014, con được hơn 2 tuổi, tôi lại rời nhà để theo học Chuyên khoa 1 ngành Sản Phụ khoa tại Đại học Y dược Huế một lần nữa. 2 năm học đó tôi phải để con ở nhà cho chồng chăm sóc…”. Nói đoạn, chị Khuyên nghẹn lại. Chị chưa bao giờ quên những ngày tháng nhớ con day dứt, những lần lên xe trở lại trường nhưng chị không bao giờ dám ngoảnh lại nhìn chồng con lấy một lần. Là một người yêu trẻ, hơn ai hết, chị hiểu sự thiệt thòi của con mình khi tuổi thơ phải sống xa mẹ trong thời gian dài. Kể cả bây giờ, khi chị Khuyên không còn phải đi học xa nhà nữa thì hai đứa con của chị vẫn phải quen với việc tự lập vì mẹ thường xuyên phải trực đêm hay đi công tác ở cơ sở nhiều ngày.

Chuyên thực hiện những ca mổ đẻ, chị Khuyên trải lòng: “Đáng ngại nhất là những ca mổ khó như thai bị suy hoặc bục vết mổ cũ. Cách đây nhiều năm, khi mổ cấp cứu cho một trường hợp như vậy, cả kíp mổ chúng tôi đã rất đau lòng vì thai nhi chui vào ổ bụng của mẹ và không thể cứu sống được. Với những người làm nghề như chúng tôi, khi đón một đứa trẻ ra đời trong im lặng, không nghe tiếng trẻ sơ sinh khóc, cảm giác nặng nề, ám ảnh vô cùng”.

Chị Khuyên (ngoài cùng bên phải) tham gia làm ban giám khảo cho cuộc thi điều dưỡng, hộ sinh giỏi. Ảnh: CSCC

Là bác sĩ giỏi, nhiều thành tích, nhưng những đồng nghiệp của chị Khuyên vẫn nói vui với nhau, chị Khuyên chẳng bao giờ giàu nổi. Với 80% bệnh nhân là đồng bào dân tộc thiểu số, không ít lần chị Khuyên xót xa khi chứng kiến những hoàn cảnh đáng thương, ngặt nghèo của bệnh nhân. Vì túng thiếu, vì đường xá xa xôi, vì hiểu biết hạn chế, nhiều bệnh nhân tìm đến viện khi sức khoẻ đã nguy cấp, cả mẹ và con ở vào tình huống nguy hiểm. Không cam tâm đứng nhìn, chị Khuyên luôn chủ động đề nghị được giúp đỡ để bằng mọi giá cứu sống bệnh nhân, khi thì lấy tiền túi ra trả tiền xe để đưa bệnh nhân đi bệnh viện tuyến trên, khi thì mua cháo, mua thuốc cho bệnh nhân nghèo, khi thì vận động thêm đồng nghiệp, các bệnh nhân khác quyên góp tiền giúp đỡ… Chưa từng có suy nghĩ giàu lên từ nghề, chị chỉ mong sao mỗi ngày trôi qua đều thanh thản vì có thể giúp đỡ hoặc cứu sống một ai đó.

Hạnh phúc nhiều vai

Từ lựa chọn nghề nghiệp và những đánh đổi để theo đuổi đam mê, chị Khuyên nhận được những niềm hạnh phúc mà chỉ những người trong nghề mới có. Đó là niềm vui khi cứu sống một em bé, những lời cảm ơn chân thành của bà con, những món quà nương, rẫy của đồng bào… “Rất nhiều lần tôi không hiểu được tiếng dân tộc của bà con, không biết họ nói gì với mình và về mình. Nhưng qua những cái nắm tay thật chặt, những nụ cười trìu mến và những cái ôm chân tình, tôi hiểu rằng họ đang vui. Vậy cũng đủ để tôi vui rồi” - chị Khuyên thổ lộ.

Không hài lòng với những gì đã đạt được, chị Khuyên tự “làm khó” mình bằng những đề tài nghiên cứu đầy trăn trở, mất hàng năm trời thực hiện. Chị chia sẻ: “Thường thì tôi sẽ chọn đề tài từ đầu năm và chia hạng mục để triển khai dần trong suốt năm đó. Hiện tôi đang thực hiện đề tài “Nghiên cứu thực trạng thái độ thực hành về nuôi con bằng sữa mẹ của các bệnh nhân khoa sản”. Thực tế, quá trình làm việc tôi chứng kiến rất nhiều bà con dân tộc thiểu số chưa có nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của sữa mẹ, ở nhiều nơi, người ta vẫn còn giữ hủ tục nhai cơm hoặc gạo để bón cho trẻ sơ sinh, vừa lãng phí nguồn sữa non của người mẹ vừa không tốt cho sức khoẻ của trẻ. Quá trình thăm khám cho bệnh nhân cũng chính là khi tôi đi khảo sát, thu thập số liệu đồng thời hướng dẫn, phổ biến cho bệnh nhân kiến thức chăm sóc, nuôi dưỡng con bằng sữa mẹ. Thành quả đầu tiên của những nghiên cứu này là nhận thức của bà con được nâng lên, sức khỏe của trẻ được cải thiện”.

Chị Khuyên giành giải Nhất trong cuộc thi Khảo sát kiến thức chuyên môn bác sĩ do Trung tâm Y tế huyện Quỳ Châu tổ chức. Ảnh: CSCC

Ngoài công việc chuyên môn của một bác sĩ Trưởng khoa Chăm sóc sức khoẻ sinh sản, chị Khuyên còn đảm nhận nhiều vai trò khác nhau trong cơ quan như Phó Bí thư Chi bộ, Ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn, thành viên Ban Chấp hành Hội Phụ nữ. Hỏi chị bí quyết để cân đối thời gian và công việc cho tất cả các vai trò, chị nói: “Sẽ có những thời điểm tôi chấp nhận phải hy sinh một vài vai trò này để ưu tiên cho những vai trò khác. Tuy nhiên, khi đã làm việc gì thì cần tập trung hoàn toàn cho công việc đó. Ngoài ra, tôi cảm thấy mình đã may mắn khi có sự đồng hành, động viên, hỗ trợ của đồng nghiệp, gia đình và mọi người xung quanh. Đó vừa là hạnh phúc, vừa là động lực để tôi phấn đấu mỗi ngày”.

“Trong số những người đồng hành quan trọng của đời mình, chồng chính là người bạn cảm thông, chia sẻ với tôi nhiều nhất. Ông bà nội, ngoại đều ở xa, không thể hỗ trợ, bản thân anh hàng ngày phải đi đến 20km để đến trường, nhưng anh luôn là người chủ động đề nghị đảm nhận công việc gia đình, chăm lo con cái và động viên vợ học thêm. Phía sau những thành tích nhỏ của tôi luôn có sự hy sinh thầm lặng của anh, tôi biết ơn anh vì điều đó” - chị Khuyên xúc động bày tỏ.

Gia đình nhỏ của chị Nguyễn Thị Khuyên. Ảnh: NVCC

Gắn bó với Trung tâm Y tế huyện Quỳ Châu từ khi ra trường, chị Khuyên luôn tự hào về “ngôi nhà chung” – nơi mình có thể cống hiến hết mình. Chia sẻ về hoạt động công đoàn, đặc biệt là công tác nữ công tại Trung tâm Y tế huyện Quỳ Châu, chị Lương Thị Phương Anh – Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Quỳ Châu cho biết: “Mặc dù là một đơn vị đặc thù, nhiệm vụ chuyên môn nhiều, giờ giấc hạn hẹp nhưng Trung tâm Y tế huyện luôn đi đầu trong các hoạt động phong trào. Để không ảnh hưởng đến công việc, các hoạt động công đoàn thường phải tổ chức ngoài giờ hành chính hoặc trong các ngày nghỉ và được các đoàn viên tham gia rất sôi nổi nhiệt tình. Ngoài ra, một trong những điểm đáng chú ý của đơn vị này là tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của mọi người. Một môi trường như vậy sẽ là “vườn ươm” cho nhiều “chị Khuyên” khác nữa”.

Diệp Thanh